Giáo dụcLớp 12

Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

qua hai nhan vat mi va a phu nen len gia tri hien thuc va nhan dao cua tac pham vo chong a phu

3 Bài văn mẫu Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

 

Bạn đang xem: Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mẫu số 1:

Vợ chồng A Phủ là một trong ba tập trong Truyện Tây Bắc (in năm 1954) của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm kể về cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ người Mèo là Mị và A Phủ. Mị bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà thông lí. A Phủ vì dám đánh A Sử, con trai thống lí nên phải làm đày tớ đế trừ tiền phạt vạ. Cùng cảnh ngộ đau khổ, Mị đã cứu A Phủ. Hai người trốn khỏi nhà Pá Tra, tìm đến tận Phiềng Sa, thành vợ, thành chồng, cùng nhau xây dựng cuộc đời mới. Được cán bộ cách mạng giác ngộ, Mị cùng A Phủ trở thành du kích bảo vệ khu giải phóng.

Đây là tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể. Thông qua số phận Mị và A Phủ, nhà văn đã dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi trước cách mạng và phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ.

Dưới thời thực dân phong kiến, bọn lang bạo chúa đất ở vùng cao mặc sức làm mưa làm gió. Chúng nắm trong tay quyền lực của hành chính, tập tục và thần linh. Chúng có quyền sinh, quyền sát. Bởi thế tính mạng người dân bị coi như cỏ rác. Điển hình cho tầng lớp thống trị miền núi được miêu tả trong truyện là cha con tên thông lí Pá Tra với tính cách bạo ngược và lối sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người nghèo.

Cũng như bao tên chúa đất khác, thông lí Pá Tra có đủ mọi thủ đoạn hiểm độc trong việc áp bức, bóc lột dân chúng, đẩy họ vào cảnh bần cùng để rồi mặc nhiên trở thành nô lệ của hắn. Mị và A Phủ là nạn nhân trong bao nạn nhân khác của cha con hắn.

Mị vốn là một cô gái mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ vùng cao. Đẹp người , đẹp nết, Mị được nhiều trai bản yêu mến. Cuộc sống, tuổi thanh xuân, hứa hẹn với cô bao điều tốt lành. Nhưng chi vì món nợ của cha mẹ cô vay thống lí từ ngày cưới cho đến lúc mẹ cô chết vẫn chưa trả được nên Mị phải đem thân làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lí. Là người nhưng cô bị coi như một thứ đồ vật vô tri, vô giác đế tính ra tiền trừ vào số nợ.

Những ngày Mị sống với cha con tên thông lí là chuỗi dài đau thương vất vả. Danh nghĩa là dâu nhà quan nhưng thực chất cô là đầy tớ không công, bị coi rẻ hơn cả con trâu, con ngựa. Suốt ngày nai lưng ra làm quần quật, đêm đến cô lại phải thức hầu hạ thằng chồng tàn ác.

Đau khổ, cực nhọc đã cướp mất tuổi xuân của Mị, biến cô thành kẻ nhẫn nhục, cam chịu. Cô gái Mèo xinh đẹp, hồn nhiên, đa tình, đa cảm thuở nào đã chết. Chi còn lại người đàn bà “lúc nào cũng vậy… cũng cúi mặt buồn rười rượi… ngồi ngay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa…”. Mị âm thầm “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

phan tich gia tri hien thuc va nhan dao trong vo chong a phu

Bài văn Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Mị không những bị đọa đày về thể xác mà còn bị đè nén về tinh thần, Mị chán sống nhưng không được chết. Vì có chết thì món nợ truyền kiếp kia vẫn còn là người cha già càng đau khổ hơn. Cuộc đời Mị bị ràng cột bằng quyền lực, bị trói buộc bằng tập tục mê tín lâu đời của người dân miền núi.

Cách đối xử bất công, tàn bạc của cha con tên thống lí làm cho Mị ngập chìm trong đau khổ triền miên. Cô lặng lẽ ra vào như một cái bóng, không một người bạn chia sẻ tâm tình. Cô chi còn biết làm bạn với ngọn lửa “trong những đêm đông dài và buồn”. Thân xác Mị, tâm hồn Mị lạnh lẽo, trống vắng, “nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết kéo”. Ngọn lửa là người bạn duy nhất giúp cô xua bớt phần nào bóng tối u ám đang vây phủ cuộc đời cô. Không có bạn bè cảm thương với nỗi khổ của mình, phải tìm đến ngọn lửa, coi nó là bạn. Khổ biết chừng nào!.

Bao năm qua, Mị bị đọa đày trong nhà thông lí, mọi cảm xúc của cô hầu như tê liệt. Tinh thần phản kháng cũng vậy. Bây giờ Mị đã nghĩ rằng minh là con trâu, con ngựa của nhà giàu, chỉ biết ăn cỏ và đi làm thôi. Con trâu, con ngựa nhà giàu đêm còn được nghi, còn cô không lúc nào ngớt việc. Trước kia. cô phản kháng dữ dội bằng cách định ăn lá ngón tự tử, giờ cô không nghĩ đến chuyện chết nữa vì quá quen với cái khổ rồi, vì cho rằng sống mà như chết. Đời Mị cứ thế lặng lẽ trôi đi. Với Mị, cuộc sống chẳng còn nghĩa lí, không còn gợi cho cô ý thức gì về quá khứ, hiện tại, tương lai. Cái ác cùa bọn thống lí là đã giết chết phần tốt đẹp của con người.

Cuộc đời A Phủ, người con trai Mèo cũng không kém phần chua xót. Khỏe mạnh, ngang tàng, phóng khoáng, làm nương giỏi, săn thú tài, A Phủ được bao cô gái say mê, ao ước. Nhưng hạnh phúc không dến với chàng trai nghèo khổ mồ côi ấy. Vì dám đánh bại trăm đồng bạc trắng, phải đi ở trừ nợ làm ngựa cho nhà thống lí: “Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Ngày này qua tháng khác, A Phủ phải làm việc cật lực, chăn dắt bầy bò đông máy chục con. Không may một con bò bị hổ ăn thịt. A Phủ bị trói đứng vào cột chờ chết, không được ăn, không được uống. Con người khi phách ngang tàng như A Phủ mà phổi lặng lẽ khóc cho thân phận tủi nhục cua mình: “hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Chút ý thức phản kháng trong anh đã bị hiện thực phũ phàng dập tắt.

Ngòi bút nhà văn tỏ ra sắc sảo trong việc miêu tả con người và cuộc sống vùng cao. Cha con tên thống lí và lũ tay sai là hiện thân của giai cấp thống trị tàn ác, vô nhân đạo. Bọn lý dịch, quan làng, thống quản… lợi dụng chuyện A Phủ đánh A Sử để kéo đến nhà thống lí xử kiện và ăn cỗ “suốt từ trưa cho đến hết đêm”. Mấy chục người “hút thuốc phiện rào rào”. Cứ mỗi đợt chúng hút xong A Phủ lại phải quỳ ra giữa nhà để người nhà thống lí xô đến đánh: “cứ như thế suốt chiều, suốt đêm, càng hút càng tỉnh, càng đánh càng chửi, càng hút…”.

Giá trị hiện thực của truyện ngoài việc tái hiện đoạn đời khô ải của những người nô lệ còn nói lên một sự thật xót xa: người dân bị áp bức, đè nén quá lâu sẽ bị tê liệt tinh thần phản kháng, sẽ bị đầu độc bởi tâm lí nô lệ. Bạo lực cấu kết với thần quyền, với mê tín dị đoan làm cho họ không cất đầu dậy nổi. Nhưng trong cuộc đời, mọi cái đều có giới hạn. Có áp bức, có đấu tranh Mị và A Phủ cũng như bao người khác sẽ vùng lên tự giải phóng, giành quyền làm người tự do. Đoạn đời sau cùa vợ chồng A Phủ chứng minh qua luật muôn đời ấy.

Trong giá trị hiện thực của tác phẩm đã ẩn chứa giá trị nhân đạo sâu xa. Có căm thù giai cấp thông trị và xã hội bất công, tác giả mới lên tiếng tố cáo mãnh liệt. Có cảm thương số phận đau khổ của con người, tác giả mới viết nên những trang sách gây xúc động mạnh mẽ như vậy. Nhưng nhà văn không để nhân vật của mình bị dồn vào thế tuyệt vọng. Điều kì diệu là dẫu trong cùng cực thế nào chăng nữa thì mọi thế lực tội ác cũng không hủy diệt được sức sống con người. Cách nhìn nhận của Tô Hoài trong tác phẩm này hết sức nhân bản. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt. Từ trong sâu thẳm tâm hồn người con gái bị đọa đày kia vẫn âm ỉ, le lói một ngọn lửa yêu đời, ham sống. Mùa xuân về, Mị lén uống rượu và “lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng… Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ,Mị muốn đi chơi…”. Nhưng rồi thực tại đen tối đã cố tình dập tắt tiếng sáo thiết tha và hình ảnh mùa xuân rực rỡ. Phản ứng tự phát ban đẩu của Mị không thể giải phóng được cuộc đời có nhưng những giây phút trỗi dậy ấy có ý nghĩa thức tỉnh. Giống như đốm lửa âm ỉ trong đám tro than, có ngày sẽ bùng cháy dữ dội.

Ngày ấy đã đến với Mị trước cảnh A Phủ bị trói, “Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trời đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này… Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi, người kia việc gì mà phải chết thế…”.

Mị không cầm lòng được trước cảnh con người sắp bị hủy diệt. Mị động lòng thương, thương người, thương thân, Mị nhớ đến những khổ sở, hãi hung mà mình đã phải chịu đựng suốt mấy năm qua. Giọt nước mắt đau khổ của A Phủ như giọt nước làm tràn bình nước đã đầy. Nó thức tỉnh nỗi đau lắng chìm trong lòng Mị. Cảm thương số phận A Phủ, lòng căm thù cha con tên thống lí độc ác bùng lên, lấn át nỗi sợ hãi, dẫn Mị đến hành động táo bạo ngoài ý thức: Cắt dây trói cứu A Phủ. Đây là hành động bộc phát song nó là kết quả tất yếu của một quá trình dồn nén, bức xúc về mặt tinh thần, bây giờ đã đến lúc giải thoát. Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là cắt đứt những dây trói vô hình đã cột chặt cô vào quãng đời tủi nhục bấy lâu nay. Cô vụt chạy theo A Phủ bởi cô ý thức được sự sống còn của minh: “Ở đây thì chết mất”. Mị đã chạy theo tiếng gọi mãnh liệt của tự do, giải phóng mình ra khỏi nanh vuốt cha con tên thống lí.

Hai con người cùng cảnh ngộ đã “lẳng lặng díu nhau lao chạy xuống núi” bỏ thật xa cái địa ngục giam cầm, đày đọa họ mấy năm trời. Từ trong chết, họ vùng dậy tìm lẽ sống, làm lại cuộc đời. Chạy trốn khỏi Hồng Ngài, thoát khỏi ách áp bức của thống lí Pá Tra. Vợ chồng A Phủ lại gặp phải kẻ thù mới không kém phần nguy hiểm là giặc Pháp. Chúng là lũ cướp nước đồng thời cướp cả mọi thứ và quyền tự do sống làm người, chẳng khác gì bọn cường hào ác bá miền núi. Chúng càn lên núi cao, đốt nhà, cướp của, bắt người. A Phủ bị chúng cướp mất đôi heo, bị đánh, bị đi phu khiêng đá xây đồng… A Phủ căm thù, chửi bới giặc Pháp và đã nhận thức được rằng mình là người tự do, của cải bị chúng cướp đi là mồ hôi, nước mắt cùa mình. Phải nhớ lấy để mà trả thù.

Sống ở Phiềng Sa, vợ chồng A Phủ mới thực sự được làm người. Họ được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng, từ một chàng trai nghèo khổ, nô lệ, A Phủ đã trở thành một du kích dũng cảm, tự tin. Anh thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của Mị. Sống bên A Phủ, Mị dần dần hết lo sợ, cô vững tin vào cuộc sống mới vào kháng chiến. Được đứng lên đánh lại kẻ thù áp bức mình trong tư cách mình là con người, ý thức ấy mới thực sự có ý nghĩa nhân đạo. Quá trình giác ngộ cách mạng của vợ chồng A Phủ tiêu biểu cho con đường đến với Đảng, với cách mạng của đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi ta. Qua tác phẩm, nhà văn gián tiếp khẳng định chỉ có cách mạng mới phóng con người ra khói ách áp bức, bất công, giúp con người vươn tới cuộc tự do, hạnh phúc, cuộc sống làm người. Tô Hoài khi tái hiện bức tranh hiện thực với những bản chất của nó không thể không miêu tả quá trình vận động, quy luật của cuộc sống. Đấy là giá trị nhân đạo sâu xa của tác phẩm.

Qua việc miêu tả số phận của hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn đã sống lại trước mắt người đọc cả quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn quan lại, chúa đất phong kiến. Đồng thời khẳng định chỉ có sự vùng dậy của bản thân theo dẫn dắt của cách mạng giải phóng được con người ra khỏi kiếp ngựa trâu, nô lệ. Đó chính là giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của tác phẩm. Giá trị này giúp truyện đứng vững trước thử thách của thời gian và vẫn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.

——————— Hết bài 1 ————————

Cùng với việc phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, các em học sinh lớp 12 cũng có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu hay do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn và tổng hợp như Qua cuộc đời hai nhân vật Mị và A Phủ, hãy làm rõ giá trị hiện thực nhân đạo, Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi nhưng bị A Sử trói đứng vào cộtPhân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn Mị cứu A Phủ và Tràng đối với cô vợ theo, Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
 

2. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mẫu số 2

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem đến cho văn nghệ sĩ nước ta một cuộc tái sinh nhiệm màu. Các nhà văn, nhà thơ đã đứng lên dưới ngọn cờ cách mạng, với ý thức công dân sâu sắc, tích cực sáng tác phục vụ xã hội mới. Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực sớm đến với cuộc sống lớn của nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã cùng bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc giải phóng đồng bào ở ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn. Trước mắt Tô Hoài bây giờ là một thế giới mới với những phong cảnh mới, con người mới, vấn đề xã hội mới. Ngòi bút của ông vươn ra khỏi làng Nghĩa Đô bé nhỏ để hướng đến miêu tả, tái hiện một vùng đất hết sức phong phú và cũng hết sức kì lạ của đất nước: vùng Tây Bắc. Và cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ khác, Tô Hoài đã trăn trở “nhận đường” và rèn luyện cho mình một thế giới quan và nhân sinh mới, xác định một phương pháp sang tác mới phù hợp với thời đại. Kết quả của những chuyến đi và niềm trăn trở nhận đường ấy là tác phẩm Truyện Tây Bắc gồm ba truyện Cứu đất cứu mường, Mường giơn và Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo thông qua việc miêu tả cuộc đời và số phận của hai nhân vật trung tâm là Mị và A Phủ.

Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài kể về cuộc đời đầy gian truân và đau khổ của hai vợ chồng người Mèo là Mị và A Phủ. Họ vốn là những người nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra; Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ, A Phủ vì dám đánh bại con trai nhà thống lí nên cũng phải làm người ở để đền tội với chủ.

Trong cảnh ngộ tối tăm ấy, họ đã gặp gỡ, đồng cảm và giúp nhau thoát khỏi nhà Pá Tra tìm đến vùng Phiềng Sa. Tại đây họ đã trở thành vợ chồng. Giữa lúc bọn lính Pháp đến đánh phá và cướp bóc ở Phiềng Sa, cán bộ của Đảng đã đến để giúp đồng bào các dân tộc tự bảo vệ cuộc sống của mình. Mị và A Phủ gặp A Châu, một cán bộ của Đảng, kết làm anh em rồi thành đội viên du kích. Nhớ lại thời điểm sáng tác Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài viết: “Câu chuyện Vợ chồng A Phủ của tôi đã xây dựng được bằng mắt thấy tai nghe và cảm nghĩ về những con người và sự việc ấy trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương của các dân tộc thiểu số anh em ở biên giới Tây Bắc của đất nước”. Qua câu nói đó, chúng tôi đã nhận thấy giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm đã được nhà văn Tô Hoài xây dựng một cách có ý thức.

Giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ thể hiện trước hết ở việc trình bày chân thực cuộc sống đau thương, tăm tối đầy bi kịch của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến nặng nề và sự bóc lột của thực dân Pháp. Giá trị hiện thực của tác phẩm còn gắn liền với sự tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến (thống lí, thổ li, lang đạo) ở vùng cao.

phan tich gia tri nhan dao trong truyen vo chong a phu

Nêu lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ để thấy tấm lòng của Tô Hoài với số phận con người

Hình tượng nhân vật Mị là tượng trưng cho cái đẹp bị vùi dập. Cô gái trẻ xinh đẹp như một bông hoa của núi rừng đó bị A Sử cướp về làm dâu. Trong ngôi nhà giống như một tù ngục đó, Mị suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, số phận của Mị chẳng khác nào số phận của kiếp ngựa trâu vì giá trị của con người không được xem trọng, con người chỉ như một cái máy để làm việc. Thậm chí, Tô Hoài viết ”con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm lẫn ngày”. Lẽ ra trong cuộc sống bình thường những người con gái như Mị phải được vui chơi, đi dự hội hè, tìm thấy tình yêu và hạnh phúc cho mình. Nhưng ngược lại, đến ngày Tết, A Sử lại đi chơi với bạn trai, còn Mị thì bị trói đứng trong buồng tối.

Cùng chung nghịch cảnh với Mị là A Phủ, nhân vật trung tâm thứ hai của truyện. Nếu Mị là hình tượng tượng trưng cho cái đẹp bị vùi dập thì A Phủ tượng trưng cho sự sống, sức lao động và lòng khao khát tự do của con người bị kìm hãm. A Phủ chạy nhanh như con ngựa, biết đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc, cày bừa rất giỏi và săn bò tót rất thành thạo. Lẽ ra con người đó phải được tự do giữa núi rừng đế phát huy sức mạnh cùa mình. Nhưng chỉ vì A Phù bất binh phản ứng, đánh lại A Sử, kẻ đã phá vỡ cuộc vui ngày Tết, mà A Phủ đã bị bắt về làm kẻ nô lệ trong nhà thông lí, ở đây anh phải đi đốt rừng, săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm. Một lần để cho hổ ăn thịt mất một con bò mà A Phủ bị thống lí trói đứng suốt mấy ngày trong góc nhà. Hình tượng A Phủ thể hiện một cuộc sống bị trói buộc, tượng trưng cho sức lao động bị bóc lột và đè nén.

Giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ không chỉ bộc lộ qua việc trình bày chân thực cuộc sống đầy bi kịch của nhân dân miền núi Tây Bắc nói chung, đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng mà còn thể hiện qua việc khắc họa những bộ mặt tàn bạo của cha con thống lí Pá Tra và A Sử của bọn lí dịch, quan lại, thống quản. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên nỗi khổ của những người dân thấp cổ, bé miệng như Mị và A Phủ. Bộ mặt tàn bạo của chúng không chỉ hiện ra qua những hành động đánh đập dã man đối với kẻ ăn người ở trong nhà mà còn qua những lời nguyền rủa rất thâm hiểm: “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Có lẽ đó không chỉ là lời nguyền rủa của một hai cá nhân mà còn là lời nguyền rủa của cả một chế độ xã hội. Bao giờ còn chế độ xã hội đó thì vẫn còn những kẻ ác như Pá Tra và những nạn nhân của hắn như Mị và A Phủ.

Xã hội phong kiến Việt Nam vốn đã lạc hậu, nói về nguyên nhân của những bi kịch mà người dân miền núi phải chịu đựng, Tô Hoài cho rằng đứng đằng sau thế lực phong kiến tại chỗ là bóng dáng của quân đội xâm lược phương Tây tràn đến. Trong bức tranh hiện thực của tác phẩm Vợ chồng A Phủ hình ảnh giặc Pháp hiện lên như là chỗ dựa, là thế lực mà bọn phong kiến vùng cao sẵn sàng cấu kết để duy trì ách thống trị của chúng. Người dân Tây Bắc chỉ có thể sống được một cuộc đời ấm no, hạnh phúc khi này chấm dứt được cả hai thế lực trên đây. Vấn đề áp bức giai cấp gắn liền với vấn đề áp bức dân tộc là một nét căn bản tạo nên giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ.

Gắn liền với giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ là giá trị nhân đạo xuất phát từ cái nhìn, tấm lòng, tình thương yêu, nỗi xúc động, của nhà văn Tô Hoài trước số phận cùa Mị và A Phủ trong truyện ngắn này. Nhà văn bày tỏ sự thông cảm với nỗi đau khổ của người phụ nữ bị gả bán như một thứ hàng hóa. Chỗ nào nhà văn miêu tả nỗi đau của Mị là ở chỗ đó ngòi bút của ông cũng run lên vì xúc động. Tô Hoài viết: “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: “Đời trước ở nhà thống lí Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày, rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nhờ thế Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau đứt từng mảnh thịt”. Đọc đến đây ta nhớ lại câu thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà”.

Đó là nỗi đau của thân xác, còn nỗi đau tinh thần? Trong hoàn cảnh bị trói buộc Mị nghĩ rằng minh đành ngồi trong một nhà tù chật hẹp nhìn qua một lỗ vuông mà trông đợi cho đến bao giờ chết mới thôi. Dù vậy, khát vọng làm người hạnh phúc không bao giờ lụi tàn trong lòng Mị. Nghe tiếng sáo thổi trong rừng, Mị tha thiết nhớ lại những ngày xuân tươi đẹp của mình và tràn trề một lòng ham sống. Ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài đã không dửng dưng với khát vọng đó của Mị.

Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ còn có thể tìm thấy qua việc nhà văn tái hiện quá trình thức tỉnh cách mạng của những người bị áp bức. Như trên đã nói, trong tác phẩm này, chủ đề giải phóng dân tộc gắn liền với chủ đề giải phóng giai cấp nông dân và giải phóng phụ nữ. Mị và A Phủ gặp nhau trong một hoàn cảnh thật éo le, họ là những số phận đang đứng bên bờ vực thẳm. Hai nhân vật ấy đã kháng cự lại cái chết, kháng cự lại số phận để giữ lại cuộc sống. Trong bước đường cùng quẫn, vẻ đẹp của Mị lại hiện ra không chỉ bằng mặt mà cả trong tâm hồn. Điều đó bộc lộ rõ nhất qua thái độ của Mị đối với A Phủ: một thái độ vị tha, cùng gánh chịu khổ đau. Tình yêu của họ đã đến từ việc chia sẻ số phận chung đó. Chính Tô Hoài cũng nhận xét: “cái biểu hiện cởi trói cho A Phủ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng khoảnh khắc có ý nghĩa quyết định và tồn tại đời dời”. Mị cởi trói cho A Phủ rồi tìm đến khu du kích của làng H’Mông hẻo lánh vùng Phiềng Sa. Được A Châu giác ngộ, họ tham gia đội du kích chống Pháp, trở thành những người tự tin vào sức mạnh của mình. Vợ chồng A Phủ đã từng đấu tranh tự phát vươn đến đấu tranh tự giác, từ những phản ứng có tính chất bản năng đến sự phản kháng có ý thức, nhất là khi nhận ra được nguyên nhân đau khổ của mình và lòng dạ của kẻ thù. Có thể nói, qua hình tượng Mị và A Phủ, Tô Hoài đã xây dựng được những nhân vật có tính cách biến đổi theo quá trình của cách mạng.

Giá trị Vợ chồng A Phủ không tách rời với đường lối cách mạng và chính sách dân tộc Đảng Cộng sản là giải phóng những người lao động bị áp bức bóc lột, giải phóng mọi sức sống và vẻ đẹp bị các thế lực đen tối kìm hãm, trói buộc.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một bước tiến trong việc nhận thức, khám phá hiện thực kháng chiến, đồng thời cũng là một bước tiến trong việc thể hiện chủ nghĩa nhân đạo theo nhân sinh quan cách mạng. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của nó được hòa quyện trong một chất thơ trong sáng, màu sắc dân tộc đậm đà và văn phong giàu tính tạo hình. Với Vợ chồng A Phù nói riêng, Truyện Tây Bắc nói chung, Tô Hoài đã góp phần đổi mới về đề tài miền núi, thực sự bước vào văn học với những hình ảnh phong phú, tươi đẹp và chân thực. Vợ chồng A Phủ tiên báo những thành tựu tương lai trong sáng tác về đề tài miền núi của một lớp nhà văn sung sức xuất hiện sau Cách mạng tháng tháng Tám như: Nguyễn Ngọc, Nông Quốc Chấn, Ma Văn Kháng, Vi Hồng…
 

3. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, mẫu số 3

Nếu như tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài mang một giọng hồn nhiên trong sáng thì tác phẩm Vợ chồng A Phủ của ông mang lại màu sắc dân tộc đậm đà, chất thơ chất trữ tình thấm đượm.Qua tác phẩm, nhà văn đã dựng nên một bức tranh hiện thực của hai cuộc đời: Mị và A Phủ, những bức tranh đó cũng chứa chan một tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài.

Mị, một cô gái xinh đẹp trẻ trung, nhưng lại mang một kiếp sống nghèo của kẻ “thấp cổ bé họng”. Cha mẹ cô không thể trả nổi món nợ nhà thống lí thế là món nợ ấy truyền sang Mị. Tên thống lí tàn bạo ấy lại muốn bắt Mị làm con “dâu gạt nợ”. Mà quan đã muốn là trời muốn, cô Mị về làm dâu nhà quan mà trong lòng mang một mối uất ức không thể giãi bày. Tiếng làm dâu nhưng lại là một thứ nông nô không hơn không kém, cô mất tất cả quyền sống, quyền được xem là một con người. Ngày trước dẫu nghèo nhưng được tự do, yêu đời, giờ đây vẫn nghèo vẫn cực nhọc lại nhục nhã chịu kiếp sống nô lệ qua kiếp sống của Mị, nhà văn bộc lộ một tấm lòng thương người, chua xót cho số phận con người, và cũng qua đó Tô Hoài đã vạch trần cái bản chất bóc lột giai cấp. Người ta dùng cái thế lực và tiền bạc “cướp người đàn bà đem về trình ma”, thế là người đàn bà cũng bị cái “ma” vô hình trói cả cuộc đời trong nhà ấy. Nếu chẳng may chồng chết thì người ấy phải làm vợ người khác trong nhà, có khi là một người anh chồng già lụ khụ, có khi là một người em chồng còn ở tuổi trẻ con, và nếu chồng lại chết, lại phải ở với người đàn ông khác vẫn ở trong nhà ấy. … Phải suốt đời ở trong nhà ấy.

Mị đã khổ nhiều rồi, trong cái địa ngục trần gian ấy, lại càng khổ hơn khi phải chấp nhận mình là kiếp trâu kiếp ngựa. Cả những con người cứng rắn, có lẽ không khỏi động lòng khi đọc đến câu “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”… Khổ mà đến “quen” rồi quả thật ý thức con người đã bị tê liệt, đã mất đi cái “yếu tố xã hội” để được xem là con người. Chuỗi ngày cực nhục đã cướp đi của Mị sức sống tài năng cướp đi những thất vọng tuổi trẻ những “lúc hồi hộp chờ đợi người yêu”. Lúc nào và bao giờ cũng thế, công việc cứ giăng trải ra trước mặt Mị, cứ những công việc quen thuộc làm đi làm lại “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp… Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế”. Khổ quá, cái khổ cứ chực bóp nát cuộc đời Mị, thế sao Mị không tự tử chết đi cho rồi? Không được bởi “Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ. Mị đành trở lại nhà thống lí”.

bai van phan tich gia tri hien thuc va nhan dao trong truyen ngan vo chong a phu

Cảm nhận về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ hay nhất

Cuộc sống trong cái địa ngục khủng khiếp đã bào mòn đi trái tim yêu đời của Mị, giờ đây nó đã trở nên trơ lì, chai sạn. Mị chỉ còn biết vùi đầu vào công việc “lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa”. Thế giới của Mị thu vào một “chiếc cửa sổ ô vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Ý thức đã hoàn toàn biến dạng, Mị nhìn ra cuộc đời bằng ô cửa sổ, mà lại chẳng biết gì ngoài ấy thì có phải Mị đã quên mình là con người! Rõ ràng Tô Hoài đã tuân thủ nguyên tắc biện chứng của chủ nghĩa hiện thực một cách nghiêm ngặt: hoàn cảnh đã tác động vào tính cách Mị. Vợ chồng A Phủ chính là một bản cáo trạng đanh thép kết án những bọn cường hào thống lí và Tô Hoài đã mở rộng tấm lòng mình để bao bọc, che chở, bênh vực cho những người phụ nữ miền núi chịu hai tầng bóc lột.

Bức tranh hiện thực được hoàn chỉnh hơn với sự xuất hiện của A Phủ, một chàng trai khỏe mạnh cường tráng, trung thực. Chỉ vì những cuộc ẩu đả thường tình mà A Phủ bị đưa ra xử kiện có phải là vô lí không? Nhưng vấn đề ở chỗ: Người đúng là con dân còn kẻ sai là con quan, hơn nữa, quan lại là người xử kiện. Như thế chẳng biết “công lí” có còn ngự trị nơi quan đường? Chỉ biết rằng A Phủ đang là một con chim xoãi cánh trong bầu trời tự do bỗng chốc bị nhốt trong lồng, bị trở thành nô lệ. Dường như cuộc đời A Phủ có lặp lại ít nhiều những biến thái của cuộc đời Mị. Đó là số phận chung cho những người miền núi thời bấy giờ.

Nhắc đến tác phẩm, người ta nhắc đến tính hiện thực và giá trị nhân đạo. Hiện thực mà chỉ bằng tố cáo phê phán thì còn khiếm khuyết, “nhân đạo” mà chỉ có yêu và ghét thì chưa phải là nhân đạo. Nhà văn cần phải hiểu nhân vật và tìm ra con đường tất yếu mà nhân vật phải đi. Tính cách nhân vật phát triển theo hoàn cảnh và được Tô Hoài phân tích theo con đường phát triển của tâm lí nhân vật. Thiết nghĩ đây mới là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo độc đáo của tác phẩm. Nhân cách Mị bị tha hóa trong cái địa ngục trần gian là hợp lí, sống cho ra người thì không sống được muốn chết cũng ko chết được. Có phải Mị đã ở cái trạng thái “sống dở chết dở”. Rồi Mị phải quen, phải chịu đựng, và trở nên chai lì như một cỗ máy. Liệu Mị có còn lối thoát? Nếu như có một hoàn cảnh đã làm tê liệt ý thức con người thì sẽ có một hoàn cảnh để vực dậy trong lòng họ một sức sống. Nghe như mơ hồ nhưng đó là sự thực. Dòng nước mắt của A Phủ chính là “hoàn cảnh” đã giúp Mị sống dậy. “Lúc ấy đã khuya.Trong nhà đã ngủ yên Mị trở dậy thổi lửa.Ngọn lửa bập bùng sáng lóe Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở.Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Mị bắt gặp dòng nước mắt ấy và nhớ về mình, Mị cũng phải trói đứng thế kia và Mị cũng khóc “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được”. Dòng nước mắt là sự đồng cảm giữa hai con người. Dòng nước mắt của A Phủ đã làm bỏng rát vết thương trong lòng Mị. Tất cả thôi thúc Mị cởi trói cho A Phủ và cả hai người “lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”. Họ đến lập nghiệp ở Phiềng Sa. Thế rồi chẳng bao lâu sau, cái đồn Tây, lại lù lù xuất hiện, cha con thống lí lại vào ở đó. Trước mắt hai người chỉ còn một sự lựa chọn: trở về kiếp sống nô lệ hoặc chống kẻ thù. Cách mạng rồi sẽ đến với họ và họ sẽ trở thành người của cách mạng.

Muốn phân biệt giữa giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo là điều không phải dễ. Thực ra, cả hai hòa quyện vào nhau, đan xen vào nhau. Có ghét nhà văn mới tố cáo bọn thống lí Pá Tra, có thương cảm nhà văn mới viết được những câu văn đầy xúc động, có hiểu nhà văn mới đi sâu vào cuộc sống tâm lí con người. Và Tô Hoài có thong cảm với nhân vật lắm mới có thể xét đoán tinh tế cuộc sống tinh thần của Mị. Những ngày tháng đầu tiên ở nhà thống lí Mị cứ khóc có đến hàng tháng, thế rồi định ăn lá ngón để tự tử vì không chịu nhục. Nhưng vẫn cố sống, sống một cách gượng gạo vì chữ hiếu. Mị nghèo vật chất nhưng không nghèo tình thương, lòng Mị vẫn âm ỉ một khao khát sống khao khát được tự do. Nếu như nhà văn lạnh lùng theo chủ nghĩa hiện thực khách quan thì làm sao nhà văn nắm bắt được cái khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng vẫn “tồn tại đời đời” ấy. Rõ rang nhà văn Tô Hoài tuân theo chủ nghĩa hiện thực nhưng ông tin rằng hoàn cảnh dẫu có khắc nghịêt vẫn không thể vùi dập hoàn toàn nhân tính. Hoàn cảnh tác động tính cách nhưng không giết chết tính cách.

————– Hết —————-

Bên cạnh việc phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, để hiểu thêm về các bài học trong chương trình Ngữ văn lớp 12 kể về số phận của nhiều người trong xã hội như như phân tích tác phẩm Vợ nhặt, phân tích bài thơ Tây Tiến, Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh,… 

 

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button