Giáo dụcLớp 6

Phân tích truyện Con hổ có nghĩa

Đề bài: Phân tích truyện Con hổ có nghĩa

phan tich truyen con ho co nghia

Phân tích truyện Con hổ có nghĩa

Bạn đang xem: Phân tích truyện Con hổ có nghĩa

I. Dàn ý Phân tích truyện Con hổ có nghĩa (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác phẩm

2. Thân bài:

* Câu chuyện thứ nhất:

– Nội dung:
+ Kể về bà đỡ họ Trần, được một con hổ nhờ đỡ đẻ giúp hổ cái
+ Sau đó nó đã trả ơn bà bằng một cục bạc, lưu luyến tiễn bà ra khỏi rừng
+ Nhờ cục bạc mà bà thoát khỏi nạn đói.

– Câu chuyện được xây dựng lên từ tình huống vô cùng kịch tính:
+ Hổ là loài thú dữ, ban đêm đến gõ của nhà bà đỡ họ Trần rồi cõng bà đi vào rừng.
+ Mở ra câu chuyện bằng hoàn cảnh kịch tính, chuyển cảnh thứ hai cũng mang lại sự ngỡ ngàng.
+ Con hổ không ăn thịt bà đỡ mà “cầm tay bà rồi đưa mắt nhìn hổ cái, tỏ ý thương xót và cần giúp đỡ”
+ Bà đỡ hiểu ý, giúp hổ cái đỡ đẻ, cuối cùng hổ đực tặng bà môt cụ bạc tạ ơn.
+ Hổ là loài thú dữ lại lưu luyến bà đỡ: cho thấy nó hiểu được đạo lý có ơn báo ơn ở đời.

* Câu chuyện thứ hai:

– Nội dung:
+ Bác tiều phu đốn củi trong rừng gặp một con hổ đang lăn lộn.
+ Bác sợ hãi trèo lên cây thì phát hiện con hổ bị mắc xương trong họng.
+ Bác đã ra tay cứu giúp nó, đêm hôm đó, nó đã trả ơn bác bằng một con nai.
+ Tới khi bác mất, nó về phủ phục ở chỗ quan tài của bác.
+ Từ đó về sau, tới ngày giỗ của bác, nó đều mang lợn rừng, hươu nai về đặt trước cửa nhà bác.

– Câu chuyện không được xây dựng bằng tình huống kịch tính nhưng lại có tính nhân văn sâu sắc.
+ Con hổ được giúp một lần nhưng mãi sau này, nó vẫn ghi nhớ ơn nghĩa đó mà báo đáp.

– Tưởng chừng động vật là loài vô tri nhưng chúng cũng có linh tính, biết đền ơn cứu mạng.
– Qua hình ảnh loài vật, cha ông ta muốn nhắn nhủ tới con cháu,phải luôn biết sống ơn nghĩa, cứu giúp người cũng như trả ơn người đã giúp mình.

* Liên hệ:
– Trong đời sống hiện nay, phải luôn nhớ lấy đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

3. Kết bài:

Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật.

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện Con hổ có nghĩa (Chuẩn)

Cha ông ta luôn răn dạy con cháu thế hệ sau phải sống có tình có nghĩa, có ơn thì phải báo đáp. Thế nhưng, không chỉ con người mới sống có tình có nghĩa mà loài vật cũng vậy, chúng biết báo ơn những người đã giúp đỡ mình. Câu chuyện Con hổ có nghĩa là một câu chuyện dân gian, mượn hình ảnh loài vật để nói về bài học đền đáp ơn nghĩa ở đời.

Con hổ có nghĩa là câu chuyện kể gồm hai phần, một về bà đỡ họ Trần, hai là về bác tiều phu. Họ đều là những người đã giúp đỡ chúng và được chúng trả ơn.

Câu chuyện của bà đỡ họ Trần xảy ra ở đêm khuya, khi bà đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa. Bà ra mở cửa thì bị một con hổ lao tới cõng đi, chạy vào tận rừng sâu. Chỉ nghe như vậy thôi chúng ta cũng phải kinh hoàng, thế nhưng, con hổ lại chẳng làm gì bà mà chỉ đưa bà về một hang động có một con hổ cái đang lăn lộn cào đất. Bà những tưởng hổ định ăn thịt mình, nhưng thấy bụng hổ cái động đậy lại thấy hổ đực “cầm tay bà rồi đưa mắt nhìn hổ cái, tỏ ý thương xót và cần giúp đỡ”, bà biết hổ cái bị khó sinh nên hổ đực đã cõng mình tới đây để nhờ giúp đỡ. Vậy nên bà đỡ họ Trần đã nhanh chóng cho hổ cái uống thuốc rồi đỡ đẻ cho nó. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, hổ đực vui mừng chơi đùa với con sau đó bới lên một cục bạc rồi tiễn bà ra phía bìa rừng. Khi bà về, hổ đực còn “lưu luyến tiễn bà” sau đó còn “gầm lên một tiếng lớn” như một lời cảm tạ bà đỡ họ Trần.

Câu chuyện được mở ra bằng tình huống vô cùng kịch tính. Ai cũng biết hổ là chúa tể chốn rừng xanh, ai đã rơi vào nanh vuốt của hổ thì khó tránh khỏi cái chết. Ấy vậy mà bà đỡ họ Trần còn bị hổ gõ cửa lúc nửa đêm. Con hổ có linh tính như người, là một loài thú dữ, bất cứ ai rơi vào trường hợp như vậy chắc hẳn cũng không thể nào bình tĩnh được. Tác giả đã mở ra câu chuyện bằng sự kịch tính, kích thích sự hứng thú của người đọc, khiến người đọc phải ước đoán, mường tượng ra cảnh thứ hai. Cảnh thứ hai càng khiến cho người ta bất ngờ hơn nữa! Tưởng chừng như con hổ dữ bắt bà mang về hang động để ăn thịt lại lặng lẽ để bà xuống cửa hang sau đó còn “cầm tay bà rồi đưa mắt nhìn hổ cái, tỏ ý thương xót và cần giúp đỡ” hổ cái đang vật lộn sinh con. Tác giả đã nhân hoá hình ảnh con hổ như một con người thực thụ đang mong chờ sự giúp đỡ từ bà đỡ họ Trần. Sau đó, bà Trần đã hiểu ra và giúp đỡ đẻ cho hổ cái.

Câu chuyện kết thúc khi hổ đực “lấy chân đào lên một cục bạc lớn rồi đưa cho bà đỡ”. Đây là món quà cảm tạ ma hổ đực muốn trả cho bà đỡ họ Trần. Nó thể hiện lòng biết ơn của nó đối với người đã giúp đỡ mình. Cũng như con người, khi mang ơn ai đó, người ta luôn muốn bù đắp, đền đáp người cưu mang, giúp đỡ mình hoạn nạn. Qua câu chuyện đầu tiên, cha ông ta muốn dựa vào hình ảnh con hổ để nhắn nhủ tới con cháu rằng đến loài vật còn biết đền đáp ơn nghĩa ở đời thì con người phải luôn biết mang ơn những người đã từng giúp đỡ mình khi hoạn nạn.

Câu chuyện thứ hai trong truyện cổ tích Con hổ có nghĩa kể về bác tiều phu khi đang đốn củi trong rừng thì bắt gặp một con hổ đang lăn lộn. Bác sợ hãi trèo lên cây cao thì mới phát hiện con hổ đang bị mắc một cục xương to ở trong cổ họng. Bác mới lớn tiếng bảo rằng: “Cổ họng ngươi đau lắm phải không? Đừng cắn ta, ta lấy xương ra cho”. Con hổ hiểu tiếng người, nằm phủ phục xuống đất, bác tiều phu đã giúp nó lấy xương ra. Trước khi nó bỏ đi, bác còn nói vọng lại địa chỉ của mình, ngày hôm sau, bác thấy có một con nai trước cửa. Đó là do con hổ trả ơn cho bác. Sau này khi bác tiều phu chết, con hổ cũng đến đám tang bác, gầm lên những tiếng tiễn biệt. Mỗi năm đến ngày giỗ của bác, nó đều mang lợn rừng, nai tới cửa nhà bác.

Câu chuyện thứ hai mở ra tuy không kịch tính bằng câu chuyện đầu tiên nhưng lại mang đến cho người đọc sự suy ngẫm sâu sắc. Vẫn là loài hổ với bản tính hung dữ, thế nhưng khi bác tiều phu lên tiếng giúp đỡ, nó lại nghe hiểu tiếng người và chịu ơn giúp đỡ của bác. Những năm tháng sau, nó luôn nhớ tới ơn nghĩa đó, kể cả khi bác tiều phu chết đi.

Chúng ta luôn nghĩ rằng động vật là những con vật vô tri, chúng sống theo bản năng hoang dã và đôi khi làm hại con người. Thế nhưng, câu chuyện Con hổ có nghĩa đã cho chúng ta cái nhìn khác về những loài động vật như hổ. Chúng cũng có linh tính, hiểu được tiếng người, cũng biết chịu ơn thì phải báo ơn.

Trong đời sống hiện nay của chúng ta, đức tính biết ơn là một đức tính cần được phát huy hơn bao giờ hết. Cha ông ta luôn dạy bảo chúng ta bằng những câu ca dao, tục ngữ như “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn” nhằm nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng, biết đền ơn những người đã cho ta quả ngọt. Và để có được những ngày tháng hoà bình như ngày nay, chúng ta đã phải đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu những anh hùng liệt sĩ. Vì thế những thế hệ chúng ta phải luôn ghi nhớ và nghiêng mình trước anh linh của các anh, có những người lính chiến đấu anh dũng như thế, chúng ta mới có được ngày hôm nay.

Qua câu chuyện Con hổ có nghĩa, cha ông ta muốn mượn hình ảnh của loài vật để khuyên dạy chúng ta đạo lý ở đời: Uống nước nhớ nguồn, có ơn thì phải báo ơn. Chúng ta phải luôn ghi nhớ ơn nghĩa của những người đi trước, những người đã từng giúp đỡ chúng ta để đền đáp ơn nghĩa của họ dành cho mình. Thế hệ học sinh ngày nay ngồi trên ghế nhà trường phải luôn tôn trọng thế hệ đi trước, tôn sư trọng đạo, phải luôn tâm niệm và sống theo đạo lý Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

—————–HẾT—————–

Những câu chuyện dân gian luôn gây hứng thú cho người đọc bởi những yếu tố ly lỳ cũng như sự sáng tạo của cha ông. Khi tìm hiểu về truyện Con hổ có nghĩa, bên cạnh bài phân tích trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Tóm tắt Con hổ có nghĩa, Cảm nhận về truyện Con hổ có nghĩa, Đóng vai một con hổ kể lại câu chuyện Con hổ có nghĩa, Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Con hổ có nghĩa để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm này nhé!

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button