Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong Ra-ma buộc tội
Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, tham khảo các bài văn hay nhất phân tích nhân vật Xi-ta.
Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội – THPT Ngô Thì Nhậm gửi tới các em các bài văn mẫu phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.
Top 2 bài văn mẫu hay phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội
Phân tích nhân vật nàng Xi-ta bài văn mẫu số 1
Ra-ma-ya-na là bộ sử thi, niềm tự hào của người Ấn Độ. Người dân Ấn Độ tin rằng “chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn mãi làm say lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi”. Một nhà nghiên cứu phương Tây từng miêu tả về Ra-ma-ya-na: “Đó là tác phẩm chan chứa những âm điệu du dương, toát ra mội bầu không khí yên lành và một tình yêu thương vô bờ bến trong hoàn cảnh xã hội đầy sự mâu thuẫn và xung đột” (Michelet).
Một trong những hiện thân của vẻ đẹp làm say lòng người ấy là nhân vật Xi-ta. Nàng không chỉ là hình ảnh bổ sung cho sự kì vĩ của người anh hùng Ra-ma mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.
Vẻ đẹp của nàng luôn được miêu tả gắn liền với cụm từ “gương mặt bông sen” – đó là chi tiết ngoại hình luôn được láy đi láy lại trong tác phẩm. Hoa sen hay bông sen là biểu tượng của vẻ đẹp chuẩn mực, vẻ đẹp của cả hình dáng bề ngoài và chiều sâu nội tâm trong quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ. Khuôn mặt bông sen, đôi mắt hình hoa sen… là những hình ảnh miêu tả quen thuộc về người phụ nữ trong văn học Ấn Độ. Miêu tả nàng bằng chi tiết ấy, dường như ngay từ đầu, người kể đã khẳng định vẻ đẹp toàn mĩ ở nàng.
Và vẻ đẹp toàn mĩ ấy cũng đã được thử thách trong suốt chiều dài các sự kiện của câu chuyện. Song lần thử thách cuối cùng nghiệt ngã nhất nhưng đồng thời cũng vinh quang nhất là sự kiện Ra-ma buộc tội nàng và nàng bước lên giàn lửa. Chương 78 kể lại những diễn biến đầy kịch tính của sự kiện này.
Đọc chương truyện cùng với những cảm thương trước nỗi oan uổng của nàng, ta còn có thể sẻ chia cùng nàng cái cảm giác bị ruồng bỏ, dù rằng đằng sau sự ruồng bỏ ấy là tình yêu. Và có lẽ, đó chính là dấu ấn bi kịch trong bộ sử thi tràn ngập cảm xúc ngợi ca này.
Ta có thể hiểu tâm trạng của Ra-ma trong những lời buộc tội Xi-ta: ban đầu vì sợ tai tiếng, về sau là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Trong lời nói có đầy đủ sự giận dữ, sự ghẻ lạnh, sự xúc phạm và lăng nhục của chàng vẫn có tình yêu. Nhưng chính tình yêu lại càng làm cho những lời nói của chàng trở nên độc ác. Chàng đã không chỉ buộc tội nàng, chàng đã xúc phạm và hơn thế, lăng nhục nàng bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Và Xi-ta đã nghe, đã cảm nhận được tất cả những trạng thái tình cảm ấy ở chồng mình. Còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu nhất của mình lại xúc phạm mình nặng nề đến thế?
Trước lời buộc tội của chồng, nàng Xi-ta trái tim tan nát, đau đớn đến nghẹn thở, xấu hổ cho số kiếp…, nghĩa là nàng phải trải qua một loạt những cảm xúc của nỗi đau, nỗi tủi nhục, nàng phải tự minh oan cho mình. Và nàng quả thật thông minh khi lần lượt chứng minh những ngờ vực của Ra-ma là không căn cứ. Nàng lấy danh dự, rồi nguồn gốc xuất thân, lòng trung thành, tình yêu của mình để làm minh chứng. Nhưng, tất cả dường như đều không đủ, đều vô nghĩa trước cơn giận dữ cùa Ra-ma. Chàng ngồi đó, “trông khủng thiếp như thần chết vậy”. Tình huống sử thi, tính cách nhân vật sử thi hay tâm lí con người bình thường đã chi phối diễn biến của chuyện, chi phối tâm trạng của Ra-ma? Chàng Ra-ma cao quý khi ấy có khác gì những con người bình thường, tầm thường nhất?
Thái độ của Ra-ma đã tạo nên hoàn cảnh bi thảm của Xi-ta buộc nàng phải chứng minh bằng hành động thuyết phục cuối cùng: bước lên giàn lửa. Thần lửa A-nhi sẽ là minh chứng cuối cùng, đủ sức thuyết phục nỗi nghi ngờ khổng lồ trong tâm hồn của chồng nàng. Lúc này, cho dù lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, ở nàng vẫn ngời lên một tình yêu thủy chung, trong sáng.
Có lẽ, chính tình yêu ấy làm nên lòng dũng cảm của nàng. Nàng bước vào ngọn lửa trong sự kêu khóc vang trời của muôn loài, trong nỗi thương xót cực độ của những người chứng kiến.
Thần lửa A-nhi đã khẳng định sự trong trắng của nàng: “Hỡi Ra-ma, Gia-na-ki của người đây. Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ” (Dẫn theo SGK Ngữ văn 10, tập 1)
Sự trong trắng của nàng là sự trong trắng tuyệt đích. Cho dù bị xúc phạm, bị lăng nhục nhưng tình cảm của nàng, sự thủy chung của nàng vẫn không hề thay đổi. Vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của một tấm gương mà bất cứ một người phụ nữ nào trên trái đất này đều có thể soi và tự hoàn thiện mình. Nàng trở về trong vòng tay của Ra-ma sau sự chứng minh khốc liệt nhất. Đó là sự khẳng định cao nhất phẩm chất của nàng của sử thi.
Sức hấp dẫn của sử thi Ấn Độ một phần là bởi trong vẻ đẹp cùa huyền thoại vẫn lấp lánh những tính cách rất con người. Nhưng với Xi-ta, vẻ đẹp huyền thoại và vẻ đẹp con người dường như hoàn toàn thống nhất. Đó phải chăng là lời ngợi ca đẹp nhất về nàng.
Tuy thế, cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này.
Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.
Tham khảo:
- Dàn ý phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội
- Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy–lít-xơ
Phân tích nhân vật nàng Xi-ta bài văn mẫu số 2
Ramayana là kiệt tác đầu tiên của thi ca Ấn Độ, tồn tại vững bền và “cứu vớt nhân dân Ấn khỏi tội lỗi”. Đoạn trích “Ra-ma buộc tội” thuộc chương 79, khúc ca 6 của sử thi Ramayana. Đọc đoạn trích, ta thấy nổi bật lên hình tượng hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta. Nếu như Ra-ma là mẫu người anh hùng lí tưởng thì Xi-ta lại là mẫu người phụ nữ Ấn Độ cổ đại, một người vợ chung thuỷ tiết hạnh, một người con gái hiền từ nhu mì và nhân hậu. Một người con gái dám đổi cả tính mạng để chứng minh cho tình yêu của mình.
Đọc đoạn trích, trước hết ta thấy Xi-ta là người thông minh. Phẩm chất thông minh của nàng thể hiện qua linh cảm. Nóng lòng đến gặp chồng sau khi được chồng cứu thoát khỏi tay quỷ vương Ra-va-na nhưng Xi-ta lại “mở tròn đôi mắt đẫm lệ”. Lẽ ra, đây phải là một cuộc đoàn tụ, Ra-ma phải dành cho Xi-ta những cái nhìn âu yếm. Nhưng tất cả những lời nói và hành động của Ra-ma làm cho Xi-ta cảm thấy thất vọng. Xi-ta đi từ mừng rỡ đến ngạc nhiên, từ tin yêu đến thất vọng. Linh cảm trong Xi-ta dường như mách bảo có chuyện hệ trọng sắp xảy ra. Nghe Xi-ta nói, nàng nhận ra những dấu hiệu chẳng lành. Cứu thoát vợ là một nghĩa vụ muôn đời của người chồng, thế nhưng Ra-ma cứu thoát Xi-ta nhằm mục đích gì. Tại sao khi ở cạnh Xi-ta, Ra-ma lại chỉ quan tâm đến những nhân vật không quan trọng như Ha-nu-man, Vi-phi-sa-na, tại sao Ra-ma lại gội Xi-ta là “hỡi phu nhân cao quý”… Bao nhiêu câu hỏi ập đến trong suy nghĩ của nàng báo hiệu một chuyện chẳng lành.
Đối mặt với nỗi tuyệt vọng khi bị người chồng buộc tội, tình yêu của Xi-ta thể hiện đậm nét. Đôi mắt Xi-ta đẫm lệ. Đó là đôi mắt nhìn chồng một cách bi thương. Bởi đối với Xi-ta, tất cả tình yêu của nàng đã dành cho Ra-ma. Tất cả những ngày nàng mong đợi để thể hiện tình yêu với Ra-ma thì giờ đây trở nên lạc lõng bởi Ra-ma không còn dành cho Xi-ta một tình yêu như thế. Nàng thất vọng nhưng đến khi nghe lời buộc tội của Ra-ma, Xi-ta đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát. Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh rất đặc sắc để miêu tả nỗi đau trong con người Xi-ta. Mỗi lời nói của Ra-ma nhằm vào Xi-ta như những mũi tên bắn trúng đích. Xi-ta xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Rồi sau đó, Xi-ta khoan thai biện minh với chồng. Những lời biện minh có cả lí lẽ nhưng trên hết nàng nói là vì tình yêu. Rằng tình yêu của nàng chưa bao giờ thay đổi “chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây là thuộc về chàng”. Hay khi bị quỷ vương bắt, nàng luôn giữ trong mình một suy nghĩ “ta chỉ thuộc về một người, người đó là Ra-ma như ánh sáng thuộc về mặt trời”. Như thế ta thấy Xi-ta là một người phụ nữ có trái tim son sắt.
Giữa Ra-ma và Xi-ta có một sự không ngang bằng. Xi-ta đang là người bị phán xét, là người có tội. Nhưng trong Xi-ta lúc nào cũng có một niềm tin mãnh liệt, nàng tin vào trái tim mình và hi vọng. Lòng tin ấy cất lên qua lời nói: “Hỡi đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò. Người đang nghĩ về thiếp như một người phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ki… Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra như hoàn toàn vô ích”. Nói đến đây Xi-ta oà khóc, nàng thật đáng thương.
Cuối cùng, Xi-ta đã chọn bước lên giàn hỏa thiêu để khẳng định sự thuỷ chung, trong trắng của mình. Trong tín ngưỡng Bà la môn thì thần lửa A-nhi nắm vai trò phán xét tối cao. Đây cũng là mô tip quen thuộc trong văn học phương Đông – lấy cái chết để giải oan. Xi-ta bước lên giàn hoả thiêu với một tâm thế bình tĩnh đến lạ lùng. Giữa cảnh đó, mọi người có sự chấn động về tinh thần một cách ghê gớm khi tiễn biệt một tâm hồn cao cả về với thần linh vĩnh viễn. Thần lửa A-nhi đã giải thoát cho nàng. Đây là một kết thúc đầy chất lãng mạn, là sự gửi gắm niềm tin, hi vọng của con người.
Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, nhân vật Xi-ta hiện lên với rất nhiều vẻ đẹp. Xi-ta là tiêu biểu cho người phụ nữ Ấn Độ nói riêng và người phụ nữ thế giới nói chung có tấm lòng thuỷ chung. Những đau khổ mà Xi-ta phải cam chịu cũng là những đau khổ mà bất kì một người phụ nữ nào có thể gặp phải.
- Hướng dẫn thêm: Soạn bài Ra-ma buộc tội
Trên đây là một số bài phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội hay nhất mà THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tổng hợp làm tư liệu học tập cho các em. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!