Giáo dụcLớp 9

Phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc động hơn cả

Đề bài: Phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc động hơn cả

phan tich mot bai tho viet ve bac ho da gay cho em nhieu xuc dong hon ca

 

Bạn đang xem: Phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc động hơn cả

Bài làm:

Cách đây gần 40 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã rời xa dân tộc Việt Nam, đi vào giấc ngủ thiên thu mãi mãi. Cả nước ta rơi vào đau thương ngập tràn, hàng triệu đồng bào Việt Nam đã khóc tiễn đưa Bác. Người ra đi mà lòng vẫn luôn đau đáu một nỗi lo cho dân tộc, Người chẳng bao giờ dành riêng cho mình một một thứ gì hết. Chỉ đến trước lúc ra đi, Bác mới lại thèm nghe một câu hò ví dặm Nghệ Tĩnh, một làn dân ca Quan họ Bắc Ninh, rồi mới yên lòng ra đi mãi mãi. Tố Hữu đã xót xa khóc trong bài thơ Bác ơi của mình rằng: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”. Bác mất đi là nỗi đau đớn, mất mát to lớn vô cùng, nền văn học Việt Nam đã lưu lại hàng ngàn bài thơ của nhiều tác giả viết để tưởng nhớ về người cha già kính mến của dân tộc. Trong đó gây nhiều xúc động hơn cả là bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, mà những cảm xúc lắng đọng trong nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ.

Viễn Phương trong tâm trạng của một người con, một người cháu khao khát được gặp Bác Hồ, dù tham gia Cách mạng đã lâu nhưng chưa từng được gặp mặt Bác, điều đó đã để lại nhiều nỗi tiếc nuối trong lòng tác giả. Năm 1976, sau khi Việt Nam được độc lập, thống nhất hai miền Nam – Bắc, lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành không lâu, thì Viễn Phương đã rất may mắn được là một rong những chiến sĩ miền Nam đầu tiên ra viếng lăng Bác. Điều này đã để lại trong lòng tác giả những cảm xúc và ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, đó là nỗi vui sướng, niềm xúc động, dù Bác đã đi xa nhưng giờ đây nhà thơ cũng đã được thăm Bác một lần, đó là niềm vinh dự và hạnh phúc biết bao.

Nhà thơ đến lăng Bác với một nỗi niềm hồi hộp, thương nhớ và rất đỗi nghẹn ngào, tựa đứa cháu nhỏ về thăm một người thân kính yêu trong gia đình. Viễn Phương dùng cái cách xưng hô thật thân mật, gần gũi biết bao “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, tựa như một đứa bé hồn nhiên nhớ Bác vây, rất đỗi trong sáng và bồi hồi. Đọc từng vần thơ ta như tưởng thấy Viễn Phương đang bước chầm chậm, nhìn ngắm quang cảnh quanh lăng như để thu hết vào lòng nơi Bác yên giấc ngủ ngàn thu, để cho thỏa nỗi nhớ thương. Chẳng thế mà mới từ đằng xa nhìn lại, tác giả “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”, hàng tre ấy như đánh vào lòng tác giả một cảm giác thân thuộc, gần gũi khiến nhà thơ phải thốt lên rằng: “Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Hàng tre ấy là biểu tượng của dân tộc anh hùng, biểu tượng của một đất nước đã hơn 4000 năm văn hiến, dân tộc Việt Nam gắn bó với tre xanh và lưu giữ những phẩm chất cao quý tốt đẹp của thứ cây tuy giản dị, mộc mạc mà lại mang nhiều giá trị biểu tượng thật cao quý. Hàng tre ấy hiên ngang, lẫm liệt, lại tràn đầy sức sống dù cho qua bao tháng năm tre vẫn bền bỉ, kiên cường, tre vẫn thẳng hàng dẫu “bão táp mưa sa”. Tre vẫn mọc thành bờ, thành bụi, thành lũy làm lá chắn cho dân tộc Việt Nam, cũng tựa như tấm lòng đoàn kết gắn bó của nhân dân ta những năm tháng còn khói lửa chiến tranh. Thế đấy, tre giản dị, bao dung, tre cũng tựa như từng người con Việt Nam đang quây quần bên lăng Bác, che chắn bảo vệ cho Bác một giấc ngủ bình yên. Bởi suốt cuộc đời Bác đã che chắn cho chúng con với tư cách một người cha già vĩ đại rồi.

Viễn Phương rất tinh tế khi đưa vào thơ mình một hình ảnh sóng đôi thật đẹp, thật vĩ đại “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hình ảnh ẩn dụ ấy là tấm lòng ngợi ca mà Viễn Phương dành cho Bác, nếu ngoài kia mặt trời là của nhân loại, của tự nhiên thì Bác chính là mặt trời chân lý, mặt trời tư tưởng sáng ngời đang rọi bước cho con dân Việt Nam. Tầm vóc của Bác trở nên thật to lớn và vĩnh cửu sánh ngang với thiên nhiên tạo hóa, càng khẳng định một điều Bác mãi sống trong trái tim và tâm trí của nhân dân Việt Nam, chẳng phai mờ. Khi viếng lăng Bác, Viễn Phương nhìn dòng người đang bước chầm chậm, tựa như một dòng chảy chẳng bao giờ ngừng lại cứ nối đuôi nhau như thế và bao trùm trong cái dòng người ấy là nỗi nhớ triền miên, dai dẳng không bao giờ nguôi ngoai. Cái cảm xúc tiếc thương trong trái tim những người đi viếng tựa như những đóa hoa thơm thảo, kết thành vòng, thành tràng hoa thật đẹp, thật trân trọng gửi đến Bác. Gửi đến 79 mùa xuân, cũng là 79 năm cuộc đời quý giá mà Người đã dành hết cho cả dân tộc Việt Nam, cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại.

Rồi khi đã được vào trong lăng, được nhìn thấy Bác nằm yên lặng trong hòm kính sáng người, dưới ánh đèn vàng nhàn nhạt, trang nghiêm mà tĩnh lặng niềm xúc động của tác giả lại càng dâng trào hơn nữa. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi được nhìn thấy Bác, nhưng tác giả giả đã có những liêng tưởng thật đẹp, tưởng như Bác đang nằm dưới vầng trăng sáng dịu hiền, thân thể Bác được mẹ thiên nhiên chiếu sáng bảo vệ, bao bọc và nâng niu. Điều đó càng chứng tỏ cái tầm vóc vĩ đại của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Tuy Bác nằm ngủ thật bình yên, thật đẹp đẽ và cao quý nhưng tác giả cũng không thể ngăn nổi nỗi xót xa đau đớn trong lòng mình. Viễn Phương đã cố nhắc nhở “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”, ý nói Bác vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, nhưng điều đó cũng chẳng thể bù đắp nỗi mất mát to lớn khi Bác ra đi. Khi mà giờ đây chẳng còn có thể được nghe tiếng Bác ôn tồn giảng giải, chẳng được thấy Bác cười thật hiền từ nữa, chỉ còn thấy Bác thật yên lặng chìm vào giấc ngủ mãi mãi. Điều đó là nỗi đau đớn không thể bù đắp cứ nhói lên trong tim của nhà thơ, một nỗi đau khắc khoải đầy xót xa.

Mới chỉ được gặp Bác ngày đây thôi, nhưng ngày mai lại đã phải lên đường về với miền Nam thân yêu, phải xa Bác, trong trái tim người thi sĩ tràn đầy cảm giác không nỡ ra đi. Cứ nghĩ đến Bác nằm đây còn cháu lại phải xa Bác, mà chưa biết đến ngày gặp lại, Viễn Phương bỗng thấy thương Bác đến “trào nước mắt”. Nhà thơ có cái ước nguyện được hóa thành chim, thành hoa, thành những cây tre sống quanh lăng Bác, để ngày ngày được gần gũi trông nom, cho thỏa nỗi lòng thương nhớ. Đó là những ước muốn thật cao cả, đẹp đẽ, là sự tự nguyện hy sinh, là chứng minh cho tấm lòng kính yêu và thương tiếc vô cùng của Viễn Phương cũng là của nhân dân Việt Nam dành cho Bác.

Dù Bác đã đi xa rất xa, để lại trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam nỗi đớn đau vô cùng sâu sắc. Nhưng những tư tưởng, những bài học đạo đức những lời Bác dạy vẫn luôn hằn sâu trong trí nhớ của từng người. Bác sẽ mãi sống trong trái tim, trong tâm hồn của nhân dân Việt Nam sau này và mãi mãi về sau. Bằng giọng thơ rất đỗi tâm tình, trong sáng, tràn đầy cảm xúc xót thương Viễn Phương đã đưa bài thơ Viếng lăng Bác thành một bài thơ có sức lay động, đi vào lòng của người đọc bằng những sự xúc động rất đỗi chân thành, xót xa.

Bên cạnh bài làm văn Phân tích một bài thơ viết về Bác Hồ đã gây cho em nhiều xúc động hơn cả, các bạn học sinh và thầy cô giáo có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài văn mẫu nghị luận văn học khác như Phân tích bài thơ Mây và sóng, Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Phân tích bức tranh đời sống con người trong tác phẩm Chiều tối, Phân tích bài thơ Nhật ký trong tù, Phân tích Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh hay rất nhiều những bài văn mẫu hay, hữu ích khác

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button