Lớp 9Văn mẫu 9

Phân tích khổ 2 Bếp lửa và top 3 bài văn mẫu ngắn gọn

Phân tích khổ 2 bếp lửa để làm sáng tỏ hình ảnh của một thời thơ ấu bên người bà, tuổi thơ đầy gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn. (phân tích Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay)

Phân tích khổ 2 Bếp lửa – Bằng Việt để tái hiện lại hình ảnh của một thời thơ ấu nhọc nhằn, thiếu thốn, gian khổ bên người bà, một quá khứ hiện về nhuốm màu bi thương.

Đề bài: Viết một bài văn phân tích khổ 2 bếp lửa của Nguyễn Việt Bằng

Dàn ýphân tích khổ 2 Bếp lửa

1. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa
  • Giới thiệu nội dung khổ hai: những kỉ niệm năm lên bốn tuổi

2. Thân bài phân tích khổ 2 bếp lửa

– Dẫn dắt: từ hình ảnh bếp lửa đã khơi dậy cảm xúc về người bà đáng kính và những kỉ niệm năm tác giả lên 4 tuổi

– Phân tích:

– Kỉ niệm của những năm tháng lên 4 tuổi là mùi khói từ căn bếp của bà

  • Lên 4 tuổi cháu đã quen mùi khói
  • Mùi khói đã gợi dậy biết bao cảm xúc

– Hình ảnh người bố

  • đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
  • bươn trải vì cuộc sống khốn khó, mong gia đình thoát nghèo nhưng vẫn “đói mòn đói mỏi”
  • “đói mòn đói mỏi”: cái đói kéo dài dai dẳng

=> nạn đói năm 1945 hoành hành, cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người

=> quá khứ hiện về nhuốm màu bi thương

–  “Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

  • Cái đói hoành hành đã khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ mới lên 4 tuổi
  • Một tuổi thơ không tràn ngập sắc hồng như bao người vẫn nghĩ

– Liên hệ mở rộng

– Khái quát lại nghệ thuật

  • Sử dụng thành ngữ “đói mòn đói mỏi”
  • Giọng thơ trĩu nặng nỗi đau
  • Chi tiết ngôn từ mộc mạc, giản dị

3. Kết bài

  • Khái quát lại nội dung của khổ thơ
  • Đánh giá, nhận xét, cảm nhận của cá nhân

———-

Bài văn mẫu hay phân tích khổ 2 bếp lửa – Bằng Việt

Bài văn mẫu 1

Bài văn đạt điểm cao phân tích khổ 2 bài thơ Bếp lửa

Gia đình là cái nôi êm, tổ ấm, là điểm tựa vững chắc của mỗi người. Vì lẽ đó mà tình cảm gia đình đã chẳng còn xa lạ trong thơ ca Việt Nam từ muôn đời. Cũng như bao nhà thơ khác, Bằng Việt đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm chân thành của mình với người bà đáng kính qua bài thơ “Bếp lửa”. Đây là một trong những bài thơ rất hay và cảm động về tình cảm bà cháu và những năm tháng sống bên bà mà khổ thơ thứ hai đã bày tỏ được những kí ức tuổi thơ năm lên bốn tuổi. Đọc thơ ta như được sưởi ấm cùng Bằng Việt hơi lửa ấm áp của tình người giàu ân nghĩa, cao đẹp.

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói 

………………………..……………

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

Bài thơ “Bếp lửa” được viết năm 1963 khi ấy Bằng Việt đang du học ngành luật ở nước ngoài. Bài thơ chính là lời tâm tình thủ thỉ nhẹ nhàng của đứa cháu ở nơi xa hướng về bà cũng nỗi nhớ quê hương, gia đình khắc khoải. Chiều sâu của nỗi nhớ nằm trong dòng kí ức của tuổi thơ và một tuổi thơ không mấy may mắn và rực rỡ là năm lên bốn tuổi:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”

Kí ức năm lên bốn tuổi hiện về trong hình ảnh của làn khói rồi khói hun. Đó là dấu ấn về cuộc sống của hai bà cháu trong những năm tháng ngày xưa ấy. Cũng trong hình ảnh làn khói mờ ảo là tình cảm khi tỏ, khi mờ, lúc da diết khi thì bâng khuâng. Tuổi thơ ấy không phải nhuộm một sắc hồng viên mãn mà là những ngày tháng của cái đói rình rập:

“Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”

Hình ảnh của bố – trụ cột gia đình hiện lên đầy xót xa: khô rạc ngựa gầy. Bố đang cố gắng gượng mình bươn trải cho cuộc sống gia đình nhưng có cố gắng đến mức héo mòn sức sống thì vẫn không đủ chăm lo chu toàn được cho cả gia đình. Dường như lời thơ đang hướng ta về với nạn đói năm 1945. Cái đói dai dẳng, đeo bám đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn người. Tuổi thơ ấy, nhà thơ đã phải chứng kiến một viễn cảnh nhuốm màu bi thương, khốn khổ. Đến đây giọng thơ như đang trĩu xuống làm nôn nao lòng người. Đọc thơ thôi sẽ một ai đó thấy nghẹn ngào và cũng sẽ có ai đó đã phải rơi lệ. Tất cả là một nỗi đau, một tuổi thơ thăng trầm chứ không náo nhiệt, vui nhộn như mọi người từng nghĩ. Phải chăng kí ức, kỉ niệm quá sâu đậm để đến tận bây giờ khi nghĩ đến chính nhà thơ cũng còn phải thấy nghẹn lòng:

“Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

Ngôn ngữ thơ mộc mạc đã lay động tâm can, khắc sâu vào lòng người về một quãng thời gian đầy khó khăn, nhọc nhằn. Mùi khói từ bếp lửa của bà đã khơi dậy trong lòng người cháu những năm tháng không thể nào quên. Nơi đây tuy khốn khó nhưng lại đầy ắp tình cảm yêu thương của bà:

Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương 

Dù da dẻ khô đi tấm lòng không hẹp lại

Giàu kiên nhẫn bà còn hi vọng mãi

Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời thêm”

Giọng thơ tha thiết, trìu mến, trầm lắng tác giả đã kể cho ta nghe về kỉ niệm năm lên bốn tuổi của mình cùng những hình ảnh không thể nào quên. Đọc thơ, có một chút nghẹn ngào pha thêm sự xót xa đau đớn.

Có thể bạn quan tâm: Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa – Nguyễn Bằng Việt

Bài văn mẫu 2

Bài văn được đánh giá cao phân tích khổ 2 Bếp lửa

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ Bếp lửa của ông.

Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đang ở nước ngoài, bài thơ gợi lại những kỉ niệm xúc động về tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của cháu đối với bà, với gia đình, quê hương.

Hình ảnh bếp lửa như khơi dạy toàn bộ hình ảnh của một tuổi thơ đầy gian khổ, khó nhọc của tác giả bên người bà của mình. Có thể nói “bếp lửa’ đã khơi nguồn cảm xúc về bà, những kỉ niệm như sống dậy:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.”

“Đói mòn đói mỏi” là một câu thành ngữ, gợi về một cái đói kéo dài khiến con người ta kiệt quệ. Những vần thơ như một thước phim tái hiện khoảng thời gian ấu thơ của cháu có nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn, có bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945. Bao kỉ niệm ùa về, lay động lòng người:

“Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”

Mùi khói bếp cay nồng như đọng lại, mới ngày hôm qua. Nó nhấn mạnh xoáy sâu vào tiềm thức nhà thơ. Đọc thơ  mà ta cũng thấy cay cay nơi đầu mũi. Từ trong sương khói mịt mờ của tuổi nhi đồng, “ bếp lửa” đã thổi bùng kỉ niệm của tuổi thiếu niên khi đất nước còn trong cảnh chiến tranh.

Chính mùi khói đã xua đi cái mùi tử khí trên khắp các ngõ ngách. Cũng chính cái mùi khói ấy đã quện lại và bám lấy tâm hồn đứa trẻ. Dù cho tháng năm có trôi qua, những kí ức ấy cũng sẽ để lại ít nhiều ấn tượng trong lòng đứa cháu để rồi khi nghĩ lại lại thấy sống mũi còn cay. Là mùi khói làm cay mắt người người cháu hay chính là tấm lòng của người bà làm đứa cháu không cầm được nước mắt?

Bài văn mẫu 3

Phân tích khổ 2 Bếp lửa – văn mẫu 9

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà văn trẻ được rèn luyện và trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc, đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ.

Thành công nổi bật đầu tiên của Bằng Việt là Bài thơ Bếp lửa (1963). Đó là một bài thơ viết về tình bà cháu, tình gia đình gắn liền với tình quê hương đất nước. Tuổi thơ khó nhọc gian nan cháu bên bà, là những gì mà đã đi cùng cháu đến suốt quãng đời trưởng thành con lại, nhưng những hình ảnh đẹp đẽ, tình thương bà da diết không ngăn nổi những ký ức ùa về:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn cay!”

Dường như tuổi thơ đầy gian khổ đã ăn sâu và trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí của tác giả. Nhớ về những tháng ngày thơ ấu bên bà, tác giả như cảm nhận được mùi khói vẫn còn đang hăng nồng bên sống mũi. Cái mùi khói bếp ấy, mùi khói quen thuộc mà cháu đã được chịu đựng từ khi cháu lên bốn, mùi khói đã từng hun nhèm đôi mắt của cháu ngày xưa, mùi khói cay, khét vì củi ướt, ví sương nhiều và giá lạnh.

Mùi khói ấy đâu chỉ do ngọn lửa bập bùng từ bếp của bà, mà đó còn là mùi khói của bom đạn, của chiến tranh, là niềm đau, nỗi cơ cực, là những khó khăn, thiếu thốn của cuộc đời của hai bà cháu nói riêng và những người dân Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy vất vả, gian lao.

Tuổi thơ ấy thật gian khổ, nhọc nhằn và vất vả. Tuổi thơ ấy có cái bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945. Cụm từ “đói mòn đói mỏi” đã diễn tả xúc động về cái khổ của con người, của cuộc sống trong thời kì đó. Ta chợt nhớ đến lời thơ của Tố Hữu miêu tả tình cảnh nhân dân ta ngày ấy:

“Con đói lả ôm lưng mẹ khóc

Mẹ đợ con đấu khóc cầm hơi

Kiếp người cơm vãi cơm vãi rơi

Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”.

Nỗi khổ ấy đã được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng những chi tiết gợi tả:

“Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy”

Bút pháp kể, tả đan lồng vào nhau gây xúc động lòng người. câu thơ vừa miêu tả cái biểu hiện đáng sợ của “giặc đói”, vừa là nguyên nhân khiến đứa cháu phải sống với bà. Cái đói, cái nghèo lan tràn khắp thôn xóm khiến người bố phải lên thành thị đánh xe cùng với con người gầy rạc đi vì không đủ ăn, bỏ lại đứa con thơ cho người đàn bà yêu thương, chăm sóc.

Cảm nhận về nỗi vất vả, đói khổ của tuổi thơ ấu, kỉ niệm như vẫn còn nguyên, tác giả không thể nào quên:

“Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”

Cái cay, cái xót của cuộc sống đói khổ, cơ cực thầm đến lồng xương, ống máu để đến bây giờ, hơn mười năm sau nghĩ lại, cái cảm giác “cay” ấy vẫn còn nguyên vẹn nơi cánh mũi. Cái cay nơi sống mũi cứ lan tỏa, triền miên trong tâm hồn người cháu. Dường như đó là một nỗi niềm mang vị chua xót, nghẹn ngào lẫn yêu thương.

Lời thơ giản dị, đậm chất văn xuôi. Người đọc như đang lạc vào một câu chuyện cổ tích về tuổi thơ của người cháu. Ở đây, bà là một bà tiên, luôn gắn bó, chăm sóc, che chở về cả tinh thần lẫn vật chất cho cháu. Tình yêu thương của bà, tấm lòng nhân hậu của bà như xua tan đi bao đau thưong, bao khổ cực chiến tranh. Khổ thơ đã trở thành một trong những khổ thơ gây xúc động lòng người trong cả bài thơ.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

———

Trên đây là những bài văn phân tích hay nhất mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm với nội dung phân tích khổ 2 Bếp lửa với mong muốn giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình làm bài. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button