Giáo dụcLớp 9

Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đề bài: Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính

phan tich kho 1 2 bai tho ve tieu doi xe khong kinh

Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bạn đang xem: Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính

I. Dàn ý Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và khổ 1, 2 “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Tác giả Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 là nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
– Ông thường tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các hình tượng người lính.
– “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt trên con đường chiến lược Trường Sơn.

b. Phân tích khổ 1 “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:

– Những chiếc xe không kính gây sự chú ý khác lạ được đưa ra thực đến trần trụi vẫn băng băng ra chiến trường:
+ “Không kính”: Bom đạn khốc liệt của chiến tranh đã khiến cho kính xe bị vỡ tan tành chứ không phải vì xe không có kính.
+ Xe không có kính, không có vật che chắn nhưng những người lính trong xe vẫn “ung dung”, lạc quan trước thời cuộc.
+ Xe không có kính còn giúp cho những người lính dễ dàng quan sát phía trước hơn cho thấy tinh thần quyết tâm, làm chủ cuộc chiến của những người lính đáng kính.

c. Phân tích khổ 2 “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:

– Vẻ đẹp của người lính chiến đấu:
+ Người lính là chủ nhân của những chiếc xe không kính, ngồi trên xe với tư thế “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.
+ Xe không có kính giúp cho người lính dễ dàng giao cảm với thiên nhiên “thấy gió”, “thấy sao trời”, “thấy đột ngột cánh chim” như sà vào mặt.
+ Dù hiện thực có khốc liệt, khó khăn nhưng người chiến sĩ đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn để “thấy con đường chạy thẳng vào tim” vì đó chính là con đường giải phóng miền Nam.

d. Đánh giá:

– Nhà thơ đã sử dụng điệp ngữ, so sánh và các hình ảnh tả thực để tái hiện sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh khiến cho người lính chiến đấu phải chịu nhiều thiếu thốn và cam khổ nhưng họ vẫn rất anh dũng, lạc quan chiến đấu.
– Hai khổ thơ đầu của bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được những vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng và tinh thần yêu nước sâu sắc của họ.

3. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị của khổ 1, 2 “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

Chiến tranh đi qua đã để lại bao niềm đau thương, mất mát cho dân tộc ta với sự hi sinh của biết bao vị anh hùng, bao người lính chiến đấu hết lòng vì Tổ quốc. Là một nhà thơ cầm bút để chiến đấu, Phạm Tiến Duật đã đem đến cho người đọc một bức tranh về những chiếc xe không kính của những chủ nhân anh dũng, bất khuất qua hai khổ thơ đầu của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Tác giả Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 là nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông thường tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các hình tượng người lính. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt trên con đường chiến lược Trường Sơn. Bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh người lính chiến sĩ ung dung, hiên ngang trước hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh những chiếc xe chiến đấu thật đặc biệt. Đó là những chiếc xe không kính đã gây sự chú ý khác lạ được đưa ra thực đến trần trụi mà vẫn băng băng ra chiến trường:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.”

Từ trước đến nay, hình ảnh tàu xe vào trong thơ thường được mĩ lệ hóa, lãng mạn hóa nhưng với nhà thơ Phạm Tiến Duật thì khác. Ông đưa ra một hình ảnh thực đến trần trụi về “những chiếc xe không kính”. Tác giả đã giải thích nguyên nhân khiến cho những chiếc kính không còn đó chính là do bom đạn khốc liệt của chiến tranh. Từ “bom” được lặp lại hai lần cùng với những động từ mạnh “giật”, “rung” cho thấy mức độ tàn phá khốc liệt của chiến tranh được tăng lên gấp bội. Do vậy, để có thể vượt lên trên tất cả sự thiếu thốn của chiếc xe thì những người cầm lái cần phải có một tinh thần thép. Hình ảnh người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chiến tranh chống Mĩ được khắc họa đậm nét trong bài thơ. Sự thiếu thốn, khắc nghiệt của hoàn cảnh lại làm bộc lộ những vẻ đẹp đáng trân trọng của những người lính lái xe. Sức mạnh tình thế lớn lao của người lính đặc biệt là lòng dũng cảm đã giúp họ bất chấp gian khổ để vượt qua khó khăn. Xe không có kính, không có vật che chắn nhưng những người lính trong xe vẫn “ung dung”, lạc quan trước thời cuộc. Những người lính là những chủ nhân của những chiếc xe không kính nên khi miêu tả về họ, nhà thơ đã khắc họa với những ấn tượng, cảm giác cụ thể, sinh động khi ngồi trên những chiếc xe không kính trong tư thế “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Qua khung cửa xe không có kính những người lính còn dễ dàng quan sát phía trước hơn đã cho thấy tinh thần quyết tâm, làm chủ cuộc chiến của những người lính đáng kính.

Người lính chính là chủ nhân của những chiếc xe không kính, ngồi trên xe họ không chỉ “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” mà họ còn nhìn thấy một bức tranh thiên nhiên có gió, có sao trời, có cánh chim:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.”

Người lái xe như tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài dễ dàng giao cảm với thiên nhiên để “thấy gió”, “thấy sao trời”, “thấy đột ngột cánh chim” như sà vào mặt. Những câu thơ trên tả thực tới từng chi tiết cho thấy tốc độ lao nhanh như tia chớp của những chiếc xe đang tiến về miền Nam thân yêu. Những hình ảnh gió, con đường, sao trời, cánh chim vừa mang chất tả thực lại vừa mang chất thơ chính là những thi vị nảy sinh trên con đường trải đầy bom đạn. Dường như cả phía trước, cả không gian, đất trời đều được thu nhỏ vào tầm mắt của họ và cái đích họ muốn chiếc xe đưa tới chính là nơi chiến trường khói lửa. Hiện thực khốc liệt, khó khăn là thế nhưng người chiến sĩ đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, nhạy cảm với cái đẹp để “thấy con đường chạy thẳng vào tim” vì đó chính là con đường giải phóng miền Nam. Những câu thơ trên đã hé lộ diện mạo tinh thần thầm kín của người lính, họ chấp nhận gian khổ như một điều tất yếu để đem lại một thắng lợi lớn cho dân tộc.

Để khắc họa về những chiếc xe không kính và hình ảnh người lính thì nhà thơ đã sử dụng điệp ngữ, so sánh và các hình ảnh tả thực để tái hiện sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh khiến cho người lính chiến đấu phải chịu nhiều thiếu thốn và cam khổ nhưng họ vẫn rất anh dũng, lạc quan chiến đấu. Hai khổ thơ đầu của bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được những tình cảm yêu quý, trân trọng của tác giả dành cho những người lính trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Qua hai khổ thơ đầu của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, chúng ta như được sống lại trong không khí của những ngày chiến đấu giải phóng miền Nam. Gấp lại trang sách nhưng dư âm về những chiếc xe không kính, về hình ảnh người lính vẫn còn đọng mãi trong tâm trí độc giả.

————–HẾT————–

Hy vọng bài Phân tích khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính trên đây sẽ giúp các em chinh phục môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau để mở rộng thêm vốn hiểu biết của mình: Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi, Phân tích chất thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button