Lớp 9Văn mẫu 9

Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong Thúy Kiều báo ân báo oán

[Văn mẫu 9] Phân tích nhân vật Hoạn Thư trong Thúy Kiều báo ân báo oán để hiểu nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo của Nguyễn Du

THPT Ngô Thì Nhậm hướng dẫn phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư với bộ tài liệu gợi ý cách làm, lập dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu phân tích nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán.

Hướng dẫn phân tích nhân vật Hoạn Thư

Đề bài: Anh chị hãy phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong “Thúy Kiều báo ân báo oán” trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

1. Phân tích đề

– Yêu cầu của đề bài: phân tích nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong văn bản đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán của Truyện Kiều.

– Phương pháp lập luận chính : phân tích.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Hoạn Thư là một người nham hiểm, lắm mưu nhiều kế

Luận điểm 2: Hoạn Thư là một người thông minh, lanh lợi và mưu trí

Luận điểm 3: Hoạn Thư cũng là nạn nhân của chế độ phong kiến thối nát.

3. Dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu sơ lược tác giả, đoạn trích

– Giới thiệu khái quát nhân vật Hoạn Thư: Nguyễn Du đã phác họa rất thành công bộ mặt khôn ngoan, lời nói giảo hoạt của Hoạn Thư trong đoạn trích này.

b) Thân bài:

Phân tích nhân vật Hoạn Thư qua từng lần xuất hiện và hình tượng nhân vật được tạo dựng

* Luận điểm 1: Hoạn Thư là một người nham hiểm, lắm mưu nhiều kế

– Hoạn Thư hiện lên trước hết là một con người khôn ngoan, giảo hoạt:

+ Trước lời nói và thái độ của Kiều, phút giây đầu Hoạn Thư có “hồn lạc, phách xiêu”.

+ Giây lát sau Hoạn Thư đã kịp trấn tĩnh và “liệu điều kêu ca”.

=> Lời “kêu ca” của Hoạn Thư (thực chất là cách lí giải để gỡ tội) càng bộc lộ rõ tính cách khôn ngoan giảo hoạt.

* Luận điểm 2: Hoạn Thư là một người thông minh, lanh lợi và mưu trí

– Hoạn Thư nhanh trí kể lại “thịnh tình” của mình đã cho Kiều ra viết kinh ở Quan Âm Các và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn.

– Cuối cùng Hoạn Thư nhận tất cả tội lỗi về mình, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng khoan dung độ lượng rộng lớn như trời biển của Kiều: “Còn nhờ lượng bế thương bài nào chăng”.

=> Qua cách lí giải để gỡ tội, có thể thấy Hoạn Thư “sâu sắc nước đời” đến mức “quỷ quái tinh ma”.

* Luận điểm 3: Hoạn Thư cũng là nạn nhân của chế độ phong kiến thối nát.

– Hoạn Thư dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ để gỡ tội “Rằng tôi chút phận đàn bà – Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.

-> Lí lẽ này đã xóa đi sự đối lập giữa Kiều và Hoạn Thư, đưa Hoạn Thư từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”.

=> Từ tội nhân, Hoạn Thư đã biện bạch để mình trở thành nạn nhân của chế độ đa thê.

c) Kết bài

– Ý nghĩa việc xây dựng hình tượng nhân vật Hoạn Thư: Qua nhân vật Hoạn Thư, ta thấy tác giả Nguyễn Du đã thể hiện sự đồng cảm và nhân đạo đối với nhân vật này.

Có thể em cần tham khảo thêm Phân tích đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán để làm bài văn này tốt hơn.

Top 2 bài văn mẫu phân tích nhân vật Hoạn Thư

Bài số 1

Phân tích nhân vật nổi bật nhất trong Thúy Kiều báo ân báo oán: Hoạn Thư

Khi nhắc tới Hoạn Thư, chúng ta không chỉ biết đến là danh từ riêng nữa mà nó là một chỉ dấu để nói lên những người phụ nữ ghen tuông trong chuyện tình ái đày sóng gió. Trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” đã làm bật lên được tính cách của nhân vật mà người ta còn nhắc tới nhiều hơn cả Thúy Kiều.

Hoạn Thư là con gái của Thượng Thư bộ lại vào thời Minh triều thời đó, tương đương với chức Thủ tướng bây giờ, là người có quyền sắp xếp mọi công việc trong triều đình. Khi mụ ta lấy Thúc Sinh một người đàn ông có địa vị và tài sản thua xa so Hoạn Thư, yếu thế hơn thì dĩ nhiên là thế lực của Hoạn Thư mạnh hơn Thúy Kiều rất nhiều.

Và thật lạ lùng thay, hầu như ai cũng biết đến cái tên Hoạn Thư dù đã đọc hay chưa đọc Truyện Kiều bởi nó trở thành một “đại danh từ” biểu tượng cho sự ghen tuông tàn độc của người đàn bà.

Nếu như so sánh cái ghen của Hoạn Thư đối với thời đại ngày nay thì Hoạn Thư còn hiền so với cách đánh ghen của chị em phụ nữ bây giờ, bởi vì Hoạn Thư là một người có ăn có học, bà ta đánh ghen đều có tính toán, sắp xếp đâu ra đấy hết, chứng tỏ bà là một người thông minh, xảo quyệt. Qua những lời nói đối đáp với Kiều, đủ hiểu bà ta là người không phải nông cạn. Hoạn Thư đánh ghen phải để trả thù Thúy Kiều, chà đạp lên cái nhân phẩm của người con gái đó, mà bà ta làm như thế để trả thù Thúc Sinh. Trong truyện tác giả cũng có nhắc tới việc Hoạn Thư đã mở cửa cho Thúc Sinh đưa Kiều về ra mắt nhưng Thúc Sinh sợ lại không dám đưa nàng về. Hoạn Thư là một con người có hiểu biết, có trí tuệ và cách trả thù với người chồng bạc nghĩa không nông nổi, hồ đồ.

Trong đoạn trích này tác giả nói về sự trả thù của Thúy Kiều, theo nguyên tác thì sự trả thù của Thanh Tâm tài nhân là vô cùng độc ác, nhưng sau khi được Nguyễn Du dùng cái tâm và văn hóa của người Việt để làm cho sự trả thù của Thúy Kiều trở nên nhân văn, nhân bản phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa của đất nước ta. Để hiểu hơn về tính cách của Hoạn Thư thì ta cần tìm hiểu qua đoạn Thúy Kiều đối đáp với Hoạn Thư trong cảnh báo oán.

Sau khi đã báo đáp ân nghĩa cho Thúc Sinh đã cứu mình khỏi cảnh lầu xanh, cảnh tì thiếp là cảnh Thúy Kiều cho gọi Hoạn Thư vào để báo oán. Khi mời Hoạn Thư lên công đường thấy bà ta Thúy Kiều đã lập tức chào hỏi.

Ban đầu, trước những lời nói và thái độ của Thúy Kiều, Hoạn Thư như “hồn lạc, phách xiêu”, nhưng với bản chất khôn ngoan của mình Hoạn Thư đã nhanh chóng trấn tĩnh lại để “liệu điều kêu ca”. Những điều Hoạn Thư “kêu ca” thực chất là lí lẽ để Hoạn Thư tự gỡ tội cho mình hay nói đúng hơn là đang tự biện minh cho mình:

Trước hết, Hoạn Thư đã đưa ra tâm lí thường tình của phụ nữ:

“Rằng: Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.”

Với lí lẽ này, sự đối lập giữa Thúy Kiều và Hoạn Thư đã bị xóa bỏ. Hoạn Thư khôn khéo đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Từ “tội nhân”, Hoạn Thư đã lập luận để mình trở thành “nạn nhân” của chế độ đa thê.

Sau đó, Hoạn Thư kể lại “công” của mình đối với Kiều:

“Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.”

Hai câu thơ nhắc lại việc Hoạn Thư cho Thúy Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm, và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn. Từ tội nhân thành nạn nhân rồi thành “ân nhân”, con người này thật khôn ngoan, giảo hoạt.

Sau khi đã cố biện minh cho tội lỗi của mình, Hoạn Thư đã cố gắng lôi kéo Thúy Kiều về phía của mình và trông chờ vào sự khoan dung, độ lượng của nàng để được Thúy Kiều tha cho. Biết được điểm yếu và bản chất hiền lành, lương thiện, thương người của nàng, Hoạn Thư đã:

“Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.”

Qua sự đối đáp, biện hộ của mình trước Thúy Kiều, biến mình từ thế bị động sang chủ động đã cho thấy Hoạn Thư là một người tinh ma xảo trá như thế nào và đặc biệt bà ta là một người “sâu sắc nước đời”, hiểu các thể loại người để đối phó và tìm cách lươn lẹo.

Lời lẽ của Hoạn Thư thật có lí có tình, Kiều phải buộc miệng khen:

“Khen cho: Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.”

Vì là người hiền từ, nhân hậu dù đã bị Hoạn Thư hại cho ra nông nỗi này nhưng trước lời lẽ của bà ta, Thúy Kiều có đôi chút băn khoăn, không biết nên trả thù nữa hay không hay là tha thứ cho mụ ta.

“Tha ra, thì cũng may đời,

Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen.”

Dân gian có câu: “Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Hoạn Thư đã biết lỗi, Kiều cũng độ lượng thứ tha, dù rằng bà ta đã gây cho nàng biết bao nhiêu vết thương, nhưng đứng trên phương diện của một người đàn bà bị người chồng của mình bội bạc như thế thì ai cũng hành xử như Hoạn Thư mà thôi.

Qua đoạn trích nói riêng và cả Truyện Kiều nói chung, ta thấy Hoạn Thư là một con người có ăn có học, nó thể hiện qua cái cách đánh ghen và những lời đối đáp có lý có tình với Kiều, nhưng vì tình yêu, vì sự bội bạc của người chồng nhu nhược, nhút nhát đã khiến cho cả hai người đàn bà của anh ta đều đau khổ.

“Hỏi thế gian tình ái là chi

Mà lứa đôi thề nguyền sống chết”.

>>> Tham khảo thêm: Phân tích 2 tình tiết trong đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán

Bài số 2

Phân tích nhân vật Hoạn Thư với nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực

Trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán”, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ xây dựng thành nhân vật Thúy Kiều, con người có ơn, thù rạch ròi phân minh mà nhân vật phản diện là Hoạn Thư cũng được miêu tả một cách chân thực, đầy sống động.

Hoạn Thư vốn là tiểu thư con nhà Thượng Thư, vốn là “cành vàng lá ngọc”, được nuông chiều từ bé nên vốn hống hách, coi thường người khác. Nàng ta lại là “chính thê” của Thúc Sinh nên khi Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và muốn lập làm thiếp thì bản tính tàn độc, hung hãn của Hoạn Thư được đẩy lên cao độ.

Chính những hành động ghen tuông mù quáng của Hoạn Thư đã chà đạp, hành hạ Thúy Kiều cả về thể xác lẫn tinh thần, mang đến cho Kiều bao nhiêu đau khổ, nhục nhã, ê chề.

Vốn là người sắc sảo, khôn ngoan nên khi bị Thúy Kiều bắt đến trong “phiên tòa” xử tội thì Hoạn Thư vẫn dễ dàng dùng những lời lẽ của mình để thoát tội, bộc lộ một con người vô cùng tỉnh táo, khôn ngoan, biết “đánh” vào tâm lí của người khác. Diễn biến tâm lí của Hoạn Thư cũng được Nguyễn Du miêu tả thật sống động, độc đáo:

“Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu

Khấu đầu trước trướng, liệu điều kêu ca”

Khi bị Thúy Kiều cho người bắt đến phiên tòa xử tội, Hoạn Thư biết được tình thế của mình nên “hồn lạc phách xiêu”. Dường như nàng ta cũng biết với những đau khổ mình mang đến cho Thúy Kiều thì hôm nay kết cục của mình cũng sẽ không thể sáng sủa hơn. Hoạn Thư đã ra sức “khấu đầu”, “kêu ca” để mong ngóng sự thương cảm của Thúy Kiều, đồng thời cũng cố gắng cứu mình.

Như vậy, chỉ với hai câu thơ thôi nhưng ta cũng có thể cảm nhận được sự khôn khéo của Hoạn Thư, không chỉ biết người, biết ta, biết tình thế mình đang gặp phải, nàng ta vứt bỏ cái tôn nghiêm của một “đại phu nhân”, hạ mình lạy lục trước người mình coi thường, chà đạp.

Trước lời định tội đanh thép của Thúy Kiều dành cho mình “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư” rồi “càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”, Hoạn Thư như biết trước kết cục mà mình sẽ phải trải qua. Trong tình thế ấy, không mấy người tỉnh táo mà xử lí được như Hoạn Thư:

“Rằng: Tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”

Hoạn Thư dù trong lòng sôi như lửa đốt nhưng ngoài mặt vẫn cố tỏ ra bình tĩnh mà dùng lời lẽ để thuyết phục Thúy Kiều. Chỉ cần nhìn vào thái độ bình thản ấy thôi ta cũng thấy được bản lĩnh ghê gớm của người đàn bà ấy.

Hoạn Thư đã nhận mình “Chút phận đàn bà”. Do đó, dù có ghen tuông thì cũng là sự “thường tình”. Biết bao tội lỗi đã làm với Thúy Kiều nhưng chỉ một câu nói, Hoạn Thư như rũ bỏ được mọi tội danh, rằng đó là bản tính chung của đàn bà. Như thế, Hoạn Thư đã đưa mình vào cùng một “thế giới” với Thúy Kiều, trông chờ sự cảm thông, làm cho mức độ tội ác giảm xuống đáng kể.

Khi đã đánh động được vào tâm lí của Thúy Kiều, Hoạn Thư đã tiếp tục dùng sự khôn khéo, lọc lõi của mình để Thúy Kiều không chỉ cảm thông mà còn phải mang ơn với mình:

“Nghĩ cho khi gác viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo

Lòng riêng riêng những kính yêu”

Hoạn Thư đã kể nể về công ơn khi xưa đã cho Thúy Kiều ra Quan Âm các chép kinh, đưa Thúy Kiều từ chỗ Hoạn Bà về. Nghĩa là cuộc sống nơi Quan Âm các không khắc nghiệt như khi ở với Hoạn Bà. Nhân đây, Hoạn Thư gợi lại cho Thúy Kiều để trông ngóng sự trắc ẩn của nàng. Hơn nữa, khi Thúy Kiều mang theo đồ đạc nhà Hoạn Thư trốn đi thì Hoạn Thư đã không cho người đuổi theo, hay bắt về bởi sự “kính yêu” thầm kín mà Hoạn Thư dành cho Kiều.

Ở đây, nói Hoạn Thư “khoa ngôn xảo trá” cũng không hoàn toàn, bởi Hoạn Thư tuy hung ác nhưng cũng là người biết “liên tài”. Khi nghe Thúy Kiều gảy đàn, Hoạn Thư cũng nhận biết được tài năng cũng biết được Thúy Kiều là người tốt, trong lòng cũng có chút cảm thông với Kiều. Bởi lẽ đó mà nàng ta đã đưa Thúy Kiều về Quan Âm các, tránh sự hành hạ dã man của mẹ mình.

Chưa hết, Hoạn Thư vẫn tiếp tục đưa ra những lí lẽ, mà những lí lẽ này tác động mạnh mẽ đến tâm lí của Thúy Kiều:

“Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai

Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”

Vì là “chồng chung” nên Hoạn Thư có ghen tuông, có mù quáng thì cũng là việc có thể hiểu được. Những hành động đã gây ra cho Thúy Kiều cũng chỉ là “trót”, nghĩa là muốn nhấn mạnh rằng mình không cố ý, cũng hoàn toàn không muốn làm như vậy với Thúy Kiều, hoàn toàn là do sự vô tình. Hoạn Thư không chối đẩy trách nhiệm, cũng không chối tội mà nhận mọi tội lỗi về mình và mong nhận được sự tha thứ của Kiều “Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

Chính sự khôn khéo, hoạt ngôn cùng những lí lẽ sắc sảo của mình mà Hoạn Thư gần như xóa bỏ hết tội danh của mình, đưa mình từ một người phạm tội thành vô tội, hơn nữa còn khiến Kiều có cảm giác mang ơn với mình. Sự lọc lõi, khôn lẽ đời này của Hoạn Thư cũng được chính Thúy Kiều công nhận:

“Khen cho thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”

Và cũng chính vì vậy mà Hoạn Thư thoát được “án tử” một cách ngoạn mục:

“Tha ra thì cũng may đời

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen

Đã lòng tri quá thì nên

Truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay”

Khi bị Thúy Kiều cho người bắt đến xử tội và ngay cả khi bị Kiều kết tội một cách dứt khoát, tuyệt tình “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Cái kết của người đàn bà này gần như đã bị định trước là không còn đường thoát, nhưng sự khéo léo, ranh ma của Hoạn Thư đã giúp đẩy ngược tình thế. Qua đây ta cũng thấy được sự sắc sảo, bản lĩnh phi thường của Hoạn Thư.

>>> Xem thêm: Cảm nhận đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán

-/-

Trên đây là những hướng dẫn cơ bản của THPT Ngô Thì Nhậm cho cách làm bài văn phân tích nhân vật Hoạn Thư trong Thúy Kiều báo ân báo oán. Mong rằng nội dung này sẽ giúp các em dễ dàng phân tích được hình tượng nhân vật Hoạn Thư – người đàn bà sắc sảo, ranh ma mà Nguyễn Du đã xây dựng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button