Giáo dụcLớp 7

Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hay nhất (15 Mẫu)

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ bao gồm dàn ý cùng 10 bài văn mẫu hay nhất sẽ giúp các em học sinh lớp 7 có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng để làm tốt bài tập làm văn.

Đề bài: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Nội dung chính

Dàn ý Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Dàn ý phân tích người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 1

I. Mở bài:

– Giới thiệu nhân vật cần phân tích: Người bố trong truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”

II. Thân bài:

– Người bố là một người yêu thiên nhiên: Trồng một vườn hoa, chăm sóc mỗi ngày dù công việc đồng áng bận rộn đến tận chiều

– Bố yêu thương con hết mực: Luôn cố gắng dành mọi thời gian rảnh cho con; Giáo dục con rất khoa học, cho con tự trải nghiệm thế giới xung quanh qua các trò chơi nhắm mắt đoán hoa, đoán hoa qua mùi hương, đoán khoảng cách của bố…; Luôn kiên nhẫn, khích lệ con khi chơi các trò chơi, không bao giờ tức giận vì con đoán sai, khi con bắt đầu đoán đúng được một chút đã không tiếc lời khen ngợi.

– Bố là một người thân thiện với mọi người xung quanh, sống tình cảm và trân trọng cuộc sống: Qua việc nhận quà của thằng Tí là những quả ổi, dù bố không thích ăn ổi nhưng vì nó, bố đã ăn; Dạy con về giá trị thực sự của những món quà, đó là tình cảm, cách nhận quà sẽ thể hiện vẻ đẹp riêng của chúng ta.

III. Kết bài:

– Tổng kết lại đặc điểm của người bố trong truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”.

Tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đưa ra một cách cảm nhận thiên nhiên xung quanh ta: cảm nhận bằng mọi giác quan. Đồng thời gửi đến thông điệp về món quà và cách gửi quà, nhận quà. Qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, tình cha con và tình cảm với những “món quà” của các nhân vật.

Dàn ý phân tích người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 2

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật.

– Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật người bố.

II. Thân bài:

* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật người bố:

  • Bố là người yêu thiên nhiên: thích trồng và chăm sóc hoa.
  • Bố luôn yêu thương, chăm sóc và chỉ bảo người con.
  • Bố luôn quan tâm tới những người xung quanh.
  • Bố là người sống tình cảm, luôn trân trọng những “món quà” quanh mình.

* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:

  • Tính cách nhân vật được thể hiện rõ nét thông qua lời nói, hành động.
  • Nhân vật người bố được khắc họa chân thực từ điểm nhìn người con.

* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:

Qua nhân vật người bố, tác giả gửi gắm thông điệp về:

  • – Tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên.
  • – Tình cảm gia đình ấm áp, thân thiết.

III. Kết bài:

– Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.

30 Bài Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hay nhất

Viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ngắn gọn

Nhân vật người bố trong đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một người bố tuyệt vời.

Ông là một người có hiểu biết sâu rộng và suy nghĩ sâu sắc. Điều đó thể hiện qua những chi tiết nhỏ, như cách ông dạy cho con trai chơi những trò chơi khám phá thiên nhiên khu vườn bằng các giác quan mới, cách ông cấp cứu cấp tốc cho thằng Tí khi nó bị đuối nước. Đặc biệt, sự sâu sắc trong trí tuệ của người bố được khẳng định qua chi tiết ông chia sẻ cách nghĩ của mình về giá trị của những món quà. Không phải một món quà đắt tiền mới là giá trị. Mà chính những món quà nhỏ, giản dị, nhưng chứa đựng tình cảm chân thành nhất thì mới có giá trị to lớn. Cách lý giải của người bố đã khiến em rất xúc động và thán phục.

Người bố còn hội tụ những phẩm chất vô cùng tốt đẹp khác. Như là một người dũng cảm và mạnh mẽ. Ngay khi biết tin có người đuối nước, ông liền quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra, lao ngay xuống nước cứu người. Ông cũng là một người giàu tình yêu thương thiên nhiên, cây cỏ và luôn muốn gắn kết, dẫn dắt cho con trai mình hòa vào với thiên nhiên. Và tất nhiên, ông cũng là một người bố tuyệt vời, luôn yêu thương và gắn bó với con trai mình. Chính ông vừa là cha, vừa là thầy và cũng vừa là bạn của con trai. Cùng con lớn lên mỗi ngày.

Nhân vật người bố trong đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, thực sự là một người bố tuyệt vời. Đọc truyện, em cảm giác như mình đang được gặp gỡ và đắm mình trong tình yêu thương dịu dàng của bố vậy.

Viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ngắn gọn
Viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ngắn gọn

Viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ngắn nhất

Đọc đoạn trich Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, em đặc biệt ấn tượng và yêu thích nhân vật người bố.

Người bố trong câu chuyện là một người bố tuyệt vời vô cùng. Ông ấy yêu thương con trai bằng cả trái tim mình. Ông ở bên con vừa với tư cách của một người cha, vừa với tư cách của một người thầy, một người bạn. Ông dạy cho con trai mình cách dùng khứu giác rồi thính giác để cảm nhận, phân biệt thế giới xung quanh mình qua những trò chơi ngộ nghĩnh và thú vị. Mỗi khi con trai thành thạo trò chơi này, ông lại nghĩ ra một trò chơi khác. Chính từ các trò chơi vui vẻ ấy, ông đã truyền cho con trai mình tình yêu thương và hòa nhập với thiên nhiên xung quanh mình.

Em ấn tượng nhất về bài học mà người bố dạy cho con trai mình về những món quà. Cách ông giải thích về giá trị thực sự của một món quà khiến em rất bất ngờ và cảm động. Đích thực, một món quà đẹp là vì tình cảm của người nhận và người trao, chứ không phải vì bất kì lý do nào khác. Cách lý giải ấy đã cho thấy được sự cao thượng, lớn lao trong suy nghĩ của nhân vật người cha.

Đặc biệt, ở ông còn có cả sự mạnh mẽ và dũng cảm vô cùng. Khi ông đã vọt ra bờ sông, nhảy xuống và cứu sống thằng Tí bị đuối nước. Hành động vừa nhanh chóng lại dứt khoát cho thấy một người anh hùng trong đời thực đang hiện diện trong cơ thể người cha ấy. Ông còn khéo kéo chổng ngược hai chân thằng Tí dốc xuống để sơ cứu cho nó nữa chứ. Chi tiết ấy đã khẳng định cho cả trí tuệ và sự hiểu biết của nhân vật.

Với tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy, nhân vật người bố đã trở thành một biểu tượng về nhân vật người bố trong tâm trí người đọc.

Viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ siêu ngắn

Nhân vật người bố trong văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở” của Nguyễn Ngọc Thuần đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc.

Trước hết, đó là một người rất yêu thiên nhiên. Người bố luôn dành thời gian để chăm sóc cho khu vườn xinh đẹp của mình luôn ngập tràn hương hoa. Ngày ngày, bố thường cùng con mình vào vườn thi nhau tưới cho cây hoa tươi tốt. Người bố yêu khu vườn đó cũng giống như dành tình yêu cho con mình. Ông luôn nâng niu từng bông hoa bé nhỏ, ông trân trọng từng quả ổi được tặng mặc dù mình không thích ăn. Đó là một thứ tình cảm hết sức tự nhiên và trong sáng.

Tiếp đó, người bố là một người rất yêu thương, quan tâm và tin tưởng vào con trai mình. Người bố đã dành trọn thời gian sau những buổi làm việc để chơi cùng cậu con trai và dạy con những bài học nhỏ bé trong cuộc sống. Bố trồng nhiều hoa trong khu vườn, dạy cậu bé biết nhận biết các loài hoa, ngoài ra bố còn làm bình để cậu bé tự chăm sóc những bông hoa nhỏ. Có thể thấy, đây là hình ảnh một người bố tuyệt vời trong cách nuôi dạy dỗ trẻ nhỏ.

Giữa thời đại có quá nhiều lo toan bề bộn với những bận bịu, cám dỗ, con người thường quên đi những điều gần gũi quanh mình. Người bố trong câu chuyện không những quan tâm con mình, mà ông còn dạy con bài học về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Ông dạy con những bài học cần thiết và giúp con tìm ra món quà đích thực trong đời của chính mình.

Người bố hiện lên với những nét phác họa hết sức sinh động, cụ thể. Qua đó cho ta hình dung được về người bố luôn yêu thương, quan tâm đến con cái, đến thiên nhiên bằng tất cả tấm lòng rộng mở, chân thành.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 1

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một trong số ít những tác phẩm viết về tình cha con. Trong truyện này, tác giả xây dựng một vài nhân vật: người con, người cha, thằng Tí, bà Sáu… Nhưng với tôi, người để lại nhiều ấn tượng hơn cả là nhân vật người cha.

Nhân vật người cha xuất hiện song hành cùng người con và xuyên suốt câu chuyện. Trong mắt người con, cha hiện lên là một người đảm đang, gần gũi với con “bố trồng nhiều hoa, bố làm cho “tôi” cái bình tưới nhỏ bằng thùng sơn, hai bố con cùng nhau tưới hoa”. Không chỉ có vậy, bố còn là người có cách giáo dục đặc biệt. Bố không dạy lí thuyết sách vở chung chung mà dạy con mọi thứ bằng thực hành, hướng dẫn con để con tự cảm nhận. Hàng ngày bố yêu cầu con nhắm mắt, sờ và đoán các loài hoa trong vườn. Ban đầu chưa quen, con chỉ đoán được một hai loại, dần dà con đã đoán được hết các loài hoa trong vườn của bố, hơn thế nữa con còn thuộc hết khu vườn, vừa nhắm mắt vừa đi mà không chạm phải một vật gì. Bài sờ hoa đoán đã thuộc, người cha tăng độ khó lên, lần này cha cho con ngửi mùi các loài hoa và đoán tên. Trò chơi của bố được lặp lại cho đến khi người con thuộc hết các loài hoa trong vườn thì thôi. Như vậy người đọc không chỉ thấy được phương pháp giáo dục hiện đại của người cha mà còn thấy được sự tỉ mỉ, ân cần trong cách dạy con, thấy được tình yêu thiên nhiên, trân trọng những điều giản dị nhất của người cha.

Bên cạnh đó, thông qua việc giảng giải cho người con về món quà, về sự huyền diệu của tên gọi người đọc còn thấy đây là một người cha sống tình cảm và có hiểu biết rộng. Khi biết con thích gọi tên thằng Tí, người cha đã lí giải cho con “mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu”. Rồi khi thằng Tí đem cho ổi, mặc dù cha không thích ăn những vẫn ăn ổi nó tặng, người con thắc mắc “sao bố kính trọng nó quá vậy”. Người bố trả lời người con chân thành “bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”. Câu nói của nhân vật bố có thể hiểu: món quà chính là tình cảm, tấm lòng của người tặng đã gửi gắm vào đó nên món quà dù lớn hay nhỏ đều đẹp. Cách chúng ta nhận, trân trọng món quà của người tặng cũng thể hiện nét đẹp của chính mình.. Qua đây chúng ta cảm nhận được tình cảm cha con gắn bó tha thiết, người cha đã thể hiện tình yêu thương với đứa con thông qua những bài học sâu sắc từ cuộc sống, biết yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu từ thiên nhiên, biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình.

Nhân vật người cha được khắc họa qua hành động, cử chỉ, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ và qua mối quan hệ với những nhân vật khác (thằng Tí, bà Sáu, hàng xóm…). Khi khắc họa nhân vật người cha, tác giả sáng tạo nhiều chi tiết có giá trị biểu hiện đặc sắc như: người cha nhảy xuống cứu thằng Tí, cầm hai chân dốc ngược; …. Tác giả lựa chọn ngôi kể thứ nhất với điểm nhìn là người con kể về người cha khiến cho câu chuyện được kể hấp dẫn, hồn nhiên và người con dễ dàng bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của mình với cha, ví như “bố cười khà khà khen tiến bộ lắm, bố tôi bơi giỏi lắm”…

Xây dựng nhân vật người cha song hành cùng người con không chỉ giúp người đọc thấy được mối quan hệ cha con, tình cảm cha con trong gia đình mà tác giả còn cho người đọc thấy bài học bổ ích về phương pháp giáo dục hiện đại: học bằng thực hành. Đồng thời cũng nhắn nhủ tới các bậc làm cha làm mẹ hãy yêu thương con cái, tạo cho con môi trường lành mạnh, gần gũi chan hòa với thiên nhiên. Thời buổi công nghệ số, con trẻ xem, chơi điện thoại, ipad quá nhiều, vì thế gần gũi giao hòa, cảm nhận thiên nhiên là điều hết sức cần thiết.

Nhân vật người cha để lại trong lòng tôi rất nhiều ấn tượng đẹp, đó không chỉ là tình cảm chân thành với người con mà còn là cách chơi, cách dạy con, cách giảng giải cho con về tất cả những điều mà con khúc mắc. Thầm nghĩ, sau này tôi cũng sẽ hướng dẫn và gần gũi con cái của mình giống như người cha trong câu chuyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 2

Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần là cây bút quen thuộc với nhiều bạn thiếu nhi yêu thích đọc sách. Trong số các tác phẩm của ông, truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đã để lại trong lòng người đọc những rung động sâu sắc về hình ảnh người bố có tâm hồn phong phú cùng trái tim nhân hậu.

Mở đầu đoạn trích, ta bắt gặp hình bóng bố với khu vườn trồng rất nhiều hoa. Người bố thường dẫn “tôi” đi tưới hoa sau những giây phút lao động ngoài ruộng đồng. Bố yêu quý và trân trọng vẻ đẹp từng loại hoa. Bởi thế, bố có thể nhắm mắt và đoán tên của chúng một cách chính xác. Tình yêu thiên nhiên của bố đã truyền cảm hứng tích cực tới người con “Tôi đã đoán được hết vườn hoa”.

Người bố trong đoạn trích tiếp tục hiện lên với tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc con cái. Mỗi lời nói của bố như dòng suối nhỏ, tưới mát tâm hồn con. Khi người con nói sai, bố không buông lời chê bai, quở trách mà luôn động viên, an ủi. Người bố khéo léo làm cho con “một bình tưới bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay”, dạy con cách nhận biết hoa bằng cách chạm lên chúng hoặc ngửi mùi hương. Có thể nói, nhân vật người bố đã chỉ dạy và giáo dục người con từ những thứ giản dị, tươi đẹp trong cuộc sống. Tình yêu thương bao la vô bờ của bố đã giúp “tôi” ngày càng trưởng thành, thấu hiểu về vạn vật xung quanh nhiều hơn.

Đối với những người xung quanh, bố luôn quan tâm, giúp đỡ họ. Khi “tôi” nhận biết được tiếng hét xuất phát từ hướng nào, bố không ngần ngại mà nhanh chóng “quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra” để cứu người. Trong giây phút hiểm nguy, người bố đã lao xuống dòng nước, kịp thời cứu sống thằng Tí. Từng cử chỉ, hành động ấy như tô đậm tấm lòng nhân hậu, thương người của bố.

Tác giả thật tinh tế khi khắc họa hình ảnh người bố qua những suy nghĩ sâu sắc. Từ điểm nhìn của nhân vật “tôi”, bố là một người sống thật tình cảm. Bố trân trọng và nâng niu những món quà dù lớn hay nhỏ. Đối với người bố, món quà nào cũng mang một ý nghĩa nhất định. Mỗi người phải biết nhìn nhận và cảm nhận thì mới phát hiện được vẻ đẹp của món quà ấy.

Bằng việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất xưng “tôi”, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật người bố. Từ lời kể của “tôi”, bố hiện lên là với những tính cách, phẩm chất đẹp đẽ. Đó là người cha luôn yêu thương, quan tâm con cái. Hay còn là người có tấm lòng rộng mở với thiên nhiên. Qua đây, ta cảm nhận được sự yêu quý, kính trọng mà nhân vật “tôi” dành cho bố.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã khắc họa chân thực nhân vật người bố có thế giới tâm hồn phong phú, trái tim nhân hậu. Đồng thời, qua đoạn trích, nhà văn muốn nhắn nhủ chúng ta hãy biết yêu thương, trân trọng tình cảm gia đình cao đẹp.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 3

Nhân vật người bố trong văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần là nhân vật để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc. Người bố đã dành trọn thời gian sau những buổi làm việc để chơi cùng con trai và dạy con những bài học nhỏ bé trong cuộc sống.

Trong đoạn trích, người bố trồng nhiều hoa trong khu vườn, dạy cậu bé nhận biết các loài hoa, bố còn làm bình tưới để cậu bé tự chăm sóc những bông hoa nhỏ. Đầu tiên, bố cho cậu bé chơi trò chơi về xúc giác, với địa điểm tại vườn hoa, câu đố của bố là con cần nhắm mắt, chạm từng bông hoa và đoán loại hoa. Tuy lần đầu con luôn nói sai, bố vẫn nói không sao cả, dần dần sẽ đúng, vài lần sau, người bố càng nở nụ người khen con tiến bộ. Một hôm khác, khi cậu bé đoán đúng 3 loại, bố khích lệ vô cùng đáng yêu: “Phen này con sẽ đoán được hết các loại hoa của bố mất thôi!”. Với sự nỗ lực của bản thân và lời động viên của bố, người con đã có thể cảm nhận mọi thứ bằng xúc giác.

Đến trò chơi thính giác, người bố muốn con xác định người và vậy ở đâu tại vườn hoa và cả trong nhà. Ban đầu khi đố, bố luôn thử “Bố thấy con hé mắt!” “Thật không?”, để con tự giác chơi một cách công bằng. “Không! Con không có hé mắt. Con biết chỗ cây hoàng lan mà!. Khi chơi trò xác định khoảng cách, người bố đứng ở đâu đó rồi hỏi con đoán xem mình cách con bao xa, tuy con không đoán được, nhưng bố đều lấy thước đo khoảng cách đàng hoàng, điều này cho thấy người cha đặt tính công bằng, chính xác lên hàng đầu. Dạy con biết chơi công bằng, dạy con về khoảng cách. Sau mỗi lần chơi phân biệt tiếng chân và chủ nhân của nó, bố đều đích thân xác nhận lại, cuối cùng để cậu bé được công nhận sự cố gắng, chiến thắng tất cả trò chơi.

Có thể thấy, đây là hình ảnh một người bố tuyệt vời trong cách nuôi dạy con trẻ. Giữa thời đại quá nhiều lo toan, bận bịu và cám dỗ, con người thường dễ quên đi những điều gần gũi quanh mình. Người bố trong câu chuyện không những quan tâm con, mà ông còn dạy con bài học về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Ông nâng niu từng bông hoa bé nhỏ, ông trân trọng từng quả ổi được tặng mặc dù mình không thích ăn. Ông đã dạy dỗ con trai những bài học cần thiết trong cuộc đời và cũng là tấm gương cho bạn đọc soi chiếu, nhìn lại chính mình.

Dễ nhận thấy, những bài học mà bố đã dạy chính là những bài học mà người lớn nhiều khi vô tình lãng quên đi – bài học về tình yêu con trẻ và sự quan tâm đến vạn vật quanh mình.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 4

Truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Nhân vật người bố trong truyện đã để lại trong lòng bạn đọc những rung động sâu sắc bởi tình yêu thiên nhiên cùng trái tim nhân hậu.

Trong khu vườn của gia đình “tôi”, bố trồng rất nhiều loài hoa với hương sắc khác nhau. Nào là hoa mào gà, hoa hướng dương hay hoa hồng. Tất cả đều được bố chăm sóc một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Sau khi lao động vất vả ngoài ruộng đồng, bố vẫn cố gắng tưới mát vườn hoa. Nhờ tình yêu thiên nhiên tha thiết, bố dễ dàng giao cảm, hòa hợp với vạn vật. Bố có thể nhắm mắt rồi chạm lên từng nụ hoa hoặc ngửi mùi hương để đoán tên loài hoa ấy. Phải là một người nhạy cảm và tinh tế thì mới có thể làm được điều kì diệu đó.

Với nhân vật “tôi”, bố luôn yêu thương, quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bố giúp “tôi” làm một bình tưới để hai cha con có thể thuận tiện tưới mát khu vườn “Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay”. Mỗi lời chỉ bảo của bố thì ấm áp như tia nắng ban mai “Đố con hoa gì?”, “Thật không?”. Không ồn ào, vội vã, từng lời nói ấy giống như chiếc lông vũ, chạm nhẹ vào trái tim người con. Khi “tôi” gặp khó khăn trong việc đoán tên hoa, người bố vẫn dịu dàng an ủi “Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng”. Hay những cử chỉ, hành động gần gũi cũng cho thấy tấm lòng thương yêu mà bố dành cho con “dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một”, “bố cười khà khà khen tiến bộ lắm!”. Tất cả các chi tiết ấy đã tô đậm hình ảnh người cha với tình thương bao la, sâu rộng.

Không chỉ vậy, trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, bố luôn quan tâm và giúp đỡ mọi lúc. Khi biết có người gặp nạn ngoài bờ sông, bố vội vàng tới mức “quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra…”. Bố tranh thủ từng giây từng phút, chạy tắt qua khu vườn mà mình dày công chăm sóc để cứu người kịp lúc “Bố tôi ẵm nó về nhà”. Thấy bụng thằng Tí phình đầy nước, người bố còn làm những bước sơ cứu cần thiết. Tấm lòng nhân hậu, thương người như thể thương thân đã khắc sâu vẻ đẹp phẩm chất ở bố.

Đặc biệt, qua đôi mắt của nhân vật “tôi”, bố còn là người sống tình cảm và có suy nghĩ sâu sắc. Lời bố nói về giá trị của những món quà không chỉ dạy bảo người con mà còn là tự nói với chính mình. Với bố, món quà nào cũng mang một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy xuất phát từ cách cảm nhận của chúng ta “Một nụ hôn cũng là một món quà sang trọng.” Vì thế, mỗi người cần biết trân trọng và yêu mến các món quà ý nghĩa ấy.

Tác giả thật tinh tế khi xây dựng nhân vật người bố qua lời kể của “tôi”. Với việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” đã làm nổi bật tính cách, vẻ đẹp phẩm chất ở bố. Đồng thời, từ đó, “tôi” cũng bộc lộ tình cảm yêu thương, kính trọng dành cho đấng sinh thành.

Từ văn bản, ta càng thêm mến phục hình ảnh người bố luôn chăm sóc, quan tâm con cái. Qua đây, nhà văn còn gửi gắm tới mỗi người bài học về việc trân trọng tình cảm gia đình, sống giao hòa với thiên nhiên. Khép trang sách lại, ta không thể nào quên hình ảnh người bố hiền hậu, ân cần. Người bố sẽ mãi để lại rung động sâu sắc trong trái tim bạn đọc.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 5

Văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Trần Ngọc Thuần gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa. Qua văn bản, em cảm nhận được tình cảm cha con gắn bó tha thiết, người cha đã thể hiện tình yêu thương với đứa con thông qua những bài học sâu sắc từ cuộc sống, biết yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu từ thiên nhiên, biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình.

Trong ngôi nhà của nhân vật “tôi” có một khu vườn rộng lớn nhiều loài cây, loài hoa. Mỗi buổi chiều ra đồng về, “tôi” lại theo bố ra vườn tưới cây. Sau đó, người bố thường bảo cậu nhắm mắt lại, đi đến chạm vào từng bông hoa và đoán xem đó là hoa gì. Sau nhiều lần thử thách, cậu đã thuộc làu làu, chạm loài nào đều đoán tên được loài đó. Tiếp đến, người bố lại nghĩ ra một trò chơi khác. Bố sẽ đứng ở đâu đó rồi hỏi con đoán xem mình cách con bao xa, nhân vật “tôi” từ không đoán được đến “Bây giờ chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng biết bố cách xa bao nhiêu”. Người chú ban đầu không tin, nhưng nhân vật “tôi” đã dần chứng minh được sự tự giác và khả năng của mình. Sau đó, lại một trò chơi khác được nghĩ ra. Thay vì được chạm thì bây giờ nhân vật tôi chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, bố khen cậu là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế giới. Nhân vật tôi nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn. Qua những trò chơi này, người bố đã giúp đứa con có thêm nhiều thời gian để trải nghiệm. Tôi đã biết quan tâm, trân trọng từng bông hoa, ngọn cỏ trong khu vườn.

Câu chuyện tiếp theo là về việc thằng Tý đem tặng bố những trái ổi to mềm. Món quà chứa đựng tâm ý của người tặng – thằng Tý: “Trái ổi to được lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi vừa to vừa mềm, cắn vài rất đã”. Vậy nên mặc dù người bố rất ít khi ăn ổi nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã thưởng thức nó. Từ đó có thể nhận ra rằng dù là một món quà nhỏ bé, hết sức đơn giản nhưng quan trọng nhất là tâm ý của người tặng món quà. Bởi vậy dù là người nhận hay cho món quà một cách trân trọng thì cũng thể hiện nét đẹp của mình.

Người cha trong đoạn trích được tác giả xây dựng qua hành động, lời nói, luôn song hành cùng người con không chỉ giúp người đọc thấy được mối quan hệ cha con, tình cảm cha con trong gia đình mà tác giả còn cho người đọc thấy bài học bổ ích về phương pháp giáo dục hiện đại: học bằng thực hành. Đồng thời môi trường lành mạnh, gần gũi chan hòa với thiên nhiên cũng là nơi mà người cha chọn để dạy con những bài học thông qua các trò chơi. Đây là mong muốn của tác giả trong thời buổi công nghệ số, các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian dạy con những bài học thực tế, cùng con sống lành mạnh, chan hòa với thiên nhiên thay vì gắn liền với những thiết bị công nghệ thông minh khác.

Người bố trong câu chuyện không những quan tâm, dành thời gian cho con, mà ông còn dạy con bài học về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Ông nâng niu từng bông hoa bé nhỏ, ông trân trọng từng quả ổi được tặng mặc dù mình không thích ăn. Câu nói của nhân vật bố có thể hiểu: Món quà chính là tình cảm, tấm lòng của người tặng đã gửi gắm vào đó nên món quà dù lớn hay nhỏ đều đẹp. Cách chúng ta nhận, trân trọng món quà của người tặng cũng thể hiện nét đẹp của chính mình. Ông đã dạy dỗ con trai những bài học cần thiết trong cuộc đời và cũng là tấm gương cho bạn đọc soi chiếu, nhìn lại chính mình. Cũng từ đó, em cũng rút ra bài học cần trân trọng, biết ơn tình cảm, tấm lòng của người khác dành cho mình, Dù thích hay không thích món quà, chúng ta cũng không nên từ chối hay khước từ người tặng bởi đó là tình cảm, tâm huyết mà họ đã dành cho chúng ta.

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm đưa ra một cách cảm nhận thiên nhiên xung quanh ta: cảm nhận bằng mọi giác quan. Đồng thời gửi đến thông điệp về món quà và cách gửi quà, nhận quà. Qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, tình cha con và tình cảm với những “món quà” của các nhân vật.

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ lớp 7
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ lớp 7

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 6

Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng không kém với tình mẫu tử. Nhạc sĩ Ngọc Sơn đã có bài hát Tình cha với những lời ca xúc động:

“Tình cha ấm áp như vầng thái dương

Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn

Suốt đời vì con gian nan

Bạn đang xem: Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hay nhất (15 Mẫu)

Ân tình đậm sâu bao nhiêu

Cha hỡi cha già dấu yêu…”

Đúng như vậy, cha là người cho con tình cảm ấm áp, vì con mà vất vả cả cuộc đời. Vậy nên tình cha cũng đã trở thành đề tài sáng tác bất tận cho thơ ca, bên cạnh tình mẹ. Có rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam viết về tình cha con, để lại dấu ấn trong lòng người đọc, trong số đó không thể không nhắc đến tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Trong truyện, có rất nhiều nhân vật được tác giả Nguyễn Ngọc Thuần tạo nên như người con, người bố, chú Hùng, thằng Tí,…Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả chính là nhân vật người bố.

Đầu tiên, người cha trong truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một người rất yêu thiên nhiên. Bố “trồng nhiều hoa” trong khu vườn rộng. Dù đi làm cả ngày bận rộn là thế nhưng cứ mỗi chiều khi ra đồng về, bố đều dẫn con ra vườn để tưới nước cho cây. Bố chăm sóc vườn hoa tỉ mỉ cũng như chăm sóc con vậy, làm cho con hẳn một chiếc bình riêng để tưới hoa cho vừa tay. Qua đó cũng đủ thấy tình yêu bố dành cho con lớn đến nhường nào. Và tình yêu đó càng thể hiện rõ ràng hơn qua cách dạy con của người bố. Bố là một người nông dân, tuy không giới thiệu trực tiếp nhưng qua lời kể của người con về việc mỗi buổi chiều bố “ra đồng về”, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Làm công việc đồng áng là vậy nhưng cách dạy con của bố vô cùng khoa học, đó là cho con tự trải nghiệm thế giới xung quanh qua các giác quan, không phải dạy con những lý thuyết cứng nhắc, khó hiểu. Mỗi ngày bố đều bảo con nhắm mắt lại và sờ vào các loại hoa để đoán tên, lúc đầu con chưa đoán được, nhưng dần dần con đã đoán ra một hai loại hoa rồi cả vườn hoa của bố. Con còn thuộc cả khu vườn, có thể “vừa nhắm vừa đi mà không chạm vào vật gì”. Rồi bố lại bày cho con cả trò tìm kẹo bị giấu ở trong nhà, trò đoán xem bố đang cách xa con bao nhiêu, cũng như trò nhắm mắt đoán hoa, mới đầu con đoán sai nhưng dần dần con đã đoán đúng, bố còn lấy thước ra để đo cho chuẩn. Để con có thể phát triển các giác quan hơn nữa, bố lại đố con chỉ cần ngửi mùi mà đoán được các loại hoa và cuối cùng con cũng đã thuộc hết mùi hương của hoa trong vườn. Bố yêu thương con không chỉ qua cách dạy con khoa học, mà còn thể hiện qua việc bố luôn kiên nhẫn, khích lệ tinh thần con. Khi dạy con đoán các trò, bố chưa một lần tức giận vì con đoán sai, mà luôn kiên nhẫn đợi cho tới khi con quen và đoán đúng hết tất cả. Lúc con nói sai trong trò nhắm mắt đoán hoa bố đã bảo con không sao cả, dần dần con sẽ nói đúng, khi con đoán đúng được một chút, bố đã không ngừng động viên khích lệ con bằng câu nói đầy tự hào: “Phen này con sẽ đoán đúng được hết các loài hoa của bố mất thôi”. Người bố trong truyện có lòng yêu thương con vô bờ, tỉ mỉ từng chút trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cũng như yêu thiên nhiên và trân trọng vẻ đẹp cuộc sống.

Bố còn được khắc họa là một người thân thiện và sống tình cảm với mọi người xung quanh qua việc nhận ổi của thằng Tí tặng. Tuy bố không thích ăn ổi nhưng vì cu Tí đã cất công trèo hái ổi nhà mình, lựa những trái to ngon nhất bọc ni lông đàng hoàng để tặng bố, nên bố đã ăn. Người con còn tò mò hỏi bố: “Sao bố kính trọng nó quá vậy?” Câu trả lời của người bố thật hay và cảm động “bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”. Người bố đã dùng tình cảm để cảm nhận món quà đơn giản của thằng Tí tặng mình, bố dạy con thêm một bài học cuộc sống đó chính là trao tình đi tìm cảm để nhận lại tình cảm. Cách ta nhận một món quà cũng sẽ thể hiện nét đẹp của riêng ta.

Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất cho truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” với nhân vật tôi là người con trong truyện, tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã khiến người đọc như đang được tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Người bố trong câu chuyện là một người bố mẫu mực, vô cùng yêu thương con, muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, không những vậy, bố còn là một người yêu thiên nhiên, sống tình cảm và biết trân trọng giá trị của cuộc sống.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 7

Văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần đã rất thành công khắc họa hình ảnh của nhân vật người bố với nhiều điểm đặc biệt và thú vị, để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Sau quãng thời gian làm việc vất vả, người bố vẫn dành thời gian để sáng tạo ra những trò chơi thú vị cho đứa con của mình. Những trò chơi đó đặc biệt và hấp dẫn hơn những trò chơi khác ở chỗ nó đã giúp cho cậu bé rèn luyện được mọi giác quan của mình. Nhưng ý nghĩa của những trò chơi không chỉ dừng lại ở đó. Bố đã dạy cho cậu cả những bài học sâu sắc trong cuộc sống là biết yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu thiên nhiên, cũng như phải trân trọng mọi thứ xung quanh mình.

Bố còn là người rất yêu thiên nhiên. Khu vườn bố trồng rất nhiều hoa. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều ra đồng về, người bố thường dẫn con ra vướn và cùng thi nhau tưới. Cả những lúc rảnh rỗi, bố cũng cùng con ra vươn ngắm hoa và chơi trò chơi. Những trò chơi bố sáng tạo ra cho con mình hầu như đều diễn ra trong khu vườn hoa xinh đẹp ấy. Từ những điều đó có thể thấy, bố là một người rất yêu thương, nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của sự sống.

Bên cạnh đó, câu chuyện về món quà thằng Tý với cách cư xử của bố cũng đã khiến ta học được một bài học có ý nghĩa. Món quà chứa đựng tâm ý của người tặng – thằng Tý: “Trái ối to được lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi vừa to vừa mềm, cắn vào rất đã”. Vậy nên dù người bố rất ít khi ăn ổi, nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã thưởng thức nó. Từ đó có thể nhận ra, dù là một món quà nhỏ bé, hết sức đơn giản, nhưng quan trọng nhất là tâm ý của người tặng món quà. Bởi cho dù là người nhận hay cho món quà một cách trân trọng thì cũng thể hiện được nét đẹp của mình.

Thông qua những chi tiết miêu tả hình ảnh, lời nói và hành động của người bố, ta có thể hình dung được người bố giống như tấm gương để đứa con noi theo. Đó là một người bố hết lòng yêu thương con, yêu thiên nhiên và yêu vạn vật.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 8

Tình cảm gia đình là một đề tài rất hay được dùng trong văn thơ, nhạc họa. Tuy nhiên, tình cha con lại là một khía cạnh ít được khai thác trong văn học, vậy nên trong kho tàng văn học cũng không có nhiều tác phẩm. Nguyễn Ngọc Thuần là một tác giả mới, khai thác tình cảm cha con ở một góc độ độc đáo và quen thuộc. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một tác phẩm thuộc số ít đó. Trong rất nhiều nhân vật trong truyện, người cha hiện lên vô cùng ấn tượng.

– Những chi tiết về nhân vật người bố: là người yêu thiên nhiên, quan tâm đến mọi người,…

Xuyên suốt câu chuyện về chặng đường của người con, cha đều xuất hiện và đồng hành cùng con. Người cha được miêu tả là người dịu dàng, thân thiết với người con. Trong mắt con, ông còn là một người đảm đang, có thể thay được vị trí người phụ nữ trong nhà. “Bố trồng nhiều hoa, bố làm cho “tôi” cái bình tưới nhỏ bằng thùng sơn, hai bố con cùng nhau tưới hoa”. Với cương vị người bố, ông dạy con mình những kiến thức thú vị. Không chỉ dựa trên lý thuyết, ông hướng dẫn con bằng việc thực sự bắt tay vào thực tế. Đây được coi là một phương pháp dạy học tuyệt vời mà không nhiều người nhận ra được. Việc học bắt đầu bằng cách nhắm mắt đoán hoa. Bố dạy con cách cảm nhận, sau đó nhắm mắt và đoán được tất cả các loại hoa trong vườn. Không chỉ vậy, nhờ đó con còn thuộc được lối đi, nhắm mắt đi trong vườn mà không bị ngã. Người cha được xây dựng qua những chi tiết này vô cùng tinh tế và là người tỉ mỉ, yêu thiên nhiên và dành nhiều tình thương, sự nhẫn nại cho con của mình.

Bố dạy con nghe, dạy con sờ, dạy con tận hưởng những nét đẹp đến từ thiên nhiên, Không những vậy, ông còn dạy “mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu”. Qua đây, người đọc lại thấy được sự hiểu biết sâu rộng của người cha, là một người đáng kính trọng. Ông dạy con trân trọng những thứ cuộc đời cho mình, những sự bất ngờ của thiên nhiên cho con người. Chúng ta phải biết cách chọn lọc và tiếp nhận những thứ tốt đẹp bằng thái độ thành kính và tha thiết nhất.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả có gì độc đáo

Nhân vật người cha không được miêu tả ngoại hình, tuy nhiên lại được thể hiện vô cùng rõ nét. Đó là những hành động, kiến thức, tính cách trong những chi tiết dù là nhỏ nhất. Đây chính là một thành công khi khắc họa nhân vật. Tuy truyện được sử dụng ngôi kể thứ nhất, những tình huống lại vô tình làm nổi bật những nhân vật xung quanh ngôi kể “tôi”. Việc người cha đồng hành cùng con cũng cho người đọc thấy được tầm quan trọng và phương pháp giáo dục mới trong thời đại hiện nay. Đó là việc kết hợp giữa lý thuyết và cả thực hành.

– Nhân vật người bố thể hiện ý nghĩa gì

Qua đây, ta cũng thấy được tầm quan trọng của người bố, người trụ cột trong gia đình. Sự giáo dục của ông có vai trò quan trọng trong sự phát triển của những đứa con, cũng là đầy đủ tình cảm của một gia đình để con có không gian trưởng thành tốt đẹp. Trong hiện thực, người cha cũng cần quan tâm con cái hơn, bởi người đàn ông đang dành có nhiều sự chú ý cho công việc mà quên đi gia đình.

Nhân vật người cha trong câu chuyện để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và bài học quý báu cho người đọc. Qua tính cách và phương pháp dạy con, ta có thể thấy được sự dạy dỗ ấy in sâu vào tâm trí tác giả như thế nào. Vấn đề này không chỉ đơn thuần là thể hiện tình cảm của người cha, còn là một hiện thực cần được quan tâm trong xã hội hiện nay.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 9

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần là một câu chuyện giàu ý nghĩa. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật người bố.

Đầu tiên, người bố hiện lên là một con người yêu thiên nhiên. Khu vườn bố trồng rất nhiều hoa. Bố dành tình yêu cho khu vườn cũng giống như dành cho con vậy. Vào mỗi buổi chiều ra đồng về, người bố thường dẫn nhân vân “tôi” ra vườn, hai bố con thi nhau tưới nước cho cây cối. Sau đó, người bố còn nghĩ ra những trò chơi để đứa con dành thời gian trải nghiệm. Những trò chơi của bố cho thấy sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của nhân vật này. Người bố yêu cầu con nhắm mắt lại, dắt con đến chạm hoặc sau đó là ngửi từng bông hoa và đoán tên của chúng. Qua mỗi trò chơi, người bố cũng dạy cho nhân vật “tôi” biết cách yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu thiên nhiên, cũng như trân trọng mọi thứ xung quanh.

Không chỉ vậy, người bố còn là tốt bụng, giàu tình yêu thương. Một lần, cả nhà đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng la hét lớn. “Tôi” đã đoán được hướng của tiếng hét, mẹ nhận ra hướng đó là ở phía bờ sông. Thế rồi, bố đã quăng chén cơm, bằng qua vườn chạy ra và cứu được thằng Tí. Khi thằng Tí đem những trái ổi đến tặng bố: “Trái ổi to được lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi vừa to vừa mềm, cắn vài rất đã”. Vậy nên mặc dù người bố rất ít khi ăn ổi nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã thưởng thức nó. Điều đó khiến “tôi” cảm thấy thắc mắc và người bố đã ân cần giải thích cho “tôi” hiểu được giá trị của những món quà. Có thể thấy rằng, nhân vật người bố giống như một tấm gương để đứa con noi theo, cũng là để mỗi người bạn đọc tự soi chiếu lại chính mình.

Như vậy, nhân vật người bố được khắc họa trong tác phẩm mang những phẩm chất tốt đẹp, giúp cho đứa con học tập được nhiều bài học quý giá.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 10

Đọc truyện ngắn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, em rất ấn tượng về nhân vật người bố. Ông là một người cha tuyệt vời với những phẩm chất tốt đẹp và cao thượng.

Người cha xuất hiện qua lời kể của nhân vật tôi, với một hình tượng cao lớn và ấm áp. Ông đã truyền cho con trai mình tình yêu chan hòa với thiên nhiên, cây cối xung quanh mình. Ông không truyền những tình cảm ấy một cách sáo rỗng, mà gửi gắm qua những trò chơi thú vị trong chính khu vườn của gia đình. Ông dạy cho con trai mình cách cảm nhận, nhìn ngắm và dạo chơi trong khu vườn bằng khứu giác, bằng vị giác, chứ không chỉ bằng thị giác như thông thường. Nhờ vậy, mà cậu bé đã cảm nhận thiên nhiên bằng cả trái tim và tâm hồn mình. Rồi từ đó, bằng một cách bình dị mà cậu yêu thiên nhiên như một người bạn thân thiết.

Người bố không chỉ làm cha, mà ông còn là một người thầy, một người bạn của con trai mình. Ông đồng hành cạnh bên con trong từng bước trưởng thành của cuộc đời. Ông không chỉ dạy con cách yêu và cảm nhận thiên nhiên, mà còn dạy cho con những điều hay lẽ phải của cuộc sống qua những điều nhỏ nhặt. Tựa như khi ông ân cần giải thích cho con về giá trị của một món quà. Không phải một món quà đắt tiền mới là quý giá. Mà những món quà chứa đựng tâm sức, tình cảm của người tặng mới thực sự quý giá, như trái ổi được lựa chọn kĩ lưỡng, hay một nụ hôn chúc ngủ ngon. Sự sâu sắc và thấu hiểu của tâm hồn người cha đã thể hiện trọn vẹn qua bài học này. Sự gần gũi giữa người bố dành cho con trai mình, còn thể hiện qua những bí mật của riêng hai người. Cái nháy mắt ngầm hiểu của ông với con trai trước người khác, về bí quyết nghe được những âm thanh từ xa khiến em cảm nhận được mối quan hệ sâu sắc của hai cha con họ. Tất cả đã được tạo nên bởi một người bố quá đỗi yêu thương con và giàu sự thấu hiểu.

Không chỉ là một người cha tuyệt vời, người bố trong đoạn trích còn hiện lên với dáng vẻ của một con người mạnh mẽ, cao thượng. Điều đó thể hiện qua hành động ông thả vội bát cơm, chạy vụt ra sông để nhảy xuống nước cứu cu Tí bị đuối nước. Hành động mạnh mẽ và dứt khoát ấy thể hiện bản lĩnh và tình yêu thương con người của ông. Có lẽ chính vì vậy mà ông được mọi người yêu quý, trân trọng. Được bạn của con trai thường ưu ái mang sang tặng những quả ổi ngon nhất. Và cách ông nâng niu những món quà nhỏ bé ấy lại càng khẳng định thêm cho nhân cách cao đẹp ấy.

Có thể nói, nhân vật người bố trong đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là một biểu tượng tuyệt vời về hình tượng người cha trong lòng em. Ông ấy là một vầng sáng ấm áp và vững chãi đồng hành bên cạnh con trai của mình, giúp con có một tuổi thơ tươi đẹp.

Phân tích nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Mẫu 11

Nguyễn Ngọc Thuần là một cây bút chuyên sáng tác cho trẻ em. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ. Nổi bật trong truyện là nhân vật người bố được khắc họa vô cùng chân thực, sinh động.

Qua những câu văn đầu tiên, người bố hiện lên với tình yêu thiên nhiên. Nhà của “tôi” có một khu vườn rất rộng. Người bố đã trồng rất nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dắt tôi ra vườn tưới nước cho cây. Tình yêu của người bố dành cho khu vườn cũng giống như dành cho đứa con.

Bên cạnh đó, nhân vật này còn là một một người tinh tế, kiên nhẫn. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người bố vẫn dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ với đứa con của mình. Bố đã nghĩ ra những trò chơi thú vị để dạy con cách cảm nhận thiên nhiên. Ông đã bảo con nhắm mắt lại, sau đó dẫn cậu đi đến để chạm từng bông hoa một rồi đoán xem đó là hoa gì. Từ trải nghiệm đó, đứa con đã nhận ra được bài học ý nghĩa về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Sau đó, người bố lại nghĩ ra một trò chơi khác, thay vì chạm thì bây giờ con sẽ chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, bố khen cậu là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế giới. Lúc đó, nhân vật tôi cũng nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn.

Không chỉ vậy, người bố còn rất nhân hậu, giàu tình yêu thương. Chính bố đã cứu thằng Tí thoát chết. Với những món quà của Tí, bố đã đón nhận bằng một niềm trân trọng và nâng niu. Mặc dù rất ít khi ăn ổi nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã vui vẻ thưởng thức nó. Khi nhận được câu hỏi thắc mắc của “tôi”, bố đã giải thích cho tôi hiểu về ý nghĩa của những món quà: “Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó…”.

Có thể thấy, nhân vật người bố trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một người cha tuyệt vời, một tấm gương đáng để học theo.

*******************

Trên đây là 13 bài mẫu viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ngắn gọn hay nhất. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em rèn luyện được kỹ năng làm bài và đạt điểm cao trong bài kiểm tra văn sắp tới.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button