Lớp 7Văn mẫu 7

Phân tích cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Va-ren và Phan Bội Châu

Tổng hợp các bài tham khảo phân tích cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Va-ren và Phan Bội Châu, chi tiết đắt giá mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng trong tác phẩm.

Tác phẩm  Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đăng trên báo Người cùng khổ số 36, 37 vào tháng 9, tháng 10 năm 1925 đã khắc họa sắc nét hai nhân vật với hai tính cách, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau trên đất nước ta thời Pháp thuộc. Trong đó, cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu là chi tiết đắt giá nhất của truyện ngắn. THPT Ngô Thì Nhậm.com sẽ giúp các em phân tích chi tiết này để phục vụ cho việc tìm hiểu, phân tích tác phẩm.

Bài tham khảo phân tích cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Va-ren và Phan Bội Châu

Bài tham khảo 1

Trong quãng thời gian sống và hoạt động cách mạng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc có một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp như: Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu… Đó là những tác phẩm thể hiện tính chiến đấu qua ngòi bút văn chương trong đó tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đăng trên báo Người cùng khổ số 36, 37 vào tháng 9, tháng 10 năm 1925. Trong 3 phần của tác phẩm ta thấy rằng cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu đầy kịch tính, thể hiện ngòi bút châm biếm sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả dùng thủ pháp tương phản tạo nên tính chiến đấu sắc bén cho tác phẩm.

Va-ren là tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình còn Phan Bội Châu là bậc anh hùng vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng vì tìm đường cứu nước, cứu dân, cụ Phan bị bọn thực dân kết án “tử hình vắng mặt”, đang bị đeo gông và chờ ngày lên máy chém. Hai con người hoàn toàn đối lập nhau.

Va-ren phải hứa “chăm sóc” cụ Phan Bội Châu. Lúc này nhà yêu nước Phan Bội Châu mới bị bắt giam. Cả nước đang dấy lên một phong trào đấu tranh rộng khắp đòi thả cụ.

Đến Việt Nam hắn đã diễn ngay những trò lố. Tuy không trực tiếp nhìn thấy nhưng bằng con mắt thời cuộc và cảm nhận riêng của mình Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt xảo quyệt của tên cáo già giả nhân giả nghĩa. Xuống tàu tên chính khách đâu có để ý đến lời hứa “chăm sóc” cụ Phan Bội Châu mà ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã. Như vậy ta thấy hắn chỉ lo cho bản thân mình, hứa là “chăm sóc” mà đến Đông Dương hắn còn lo yên vị xong xuôi, tác giả đã gây sự nghi ngờ cho dư luận. Thực tế là cụ Phan vẫn “ngồi tù”. Đến Việt Nam hắn vui thú trước những sự dụ dỗ, ấp ủ, tiệc tùng của chính quyền Sài Gòn và Huế.

Từ Sài Gòn ra Hà Nội, Va-ren phải dừng lại ở Huế đế Hoàng đế Khải Định và triều đình cài lên ngực áo hắn Nam Long bội tinh, cái cao quý nhất của hoàng triều. Hắn chưa có công trạng gì cho thuộc địa mà đã được ban thưởng của triều đình nhà Huế. Tên toàn quyền vẫn vùi mình vào tiệc tùng, vô tình nuốt lời hứa, trong khi đó cụ Phan vẫn ngồi tù.

Và Va-ren đến Hà Nội – cuộc chạm trán giữa một kẻ phản bội Đảng cộng sản Pháp với một bên là bậc thiên sứ, xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng.

Điều thú vị sắp diễn ra, tên toàn quyền bắt tay cụ Phan, tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm. Hắn tuyên bố tôi đem tự do đến cho ông đây.

Cuộc mặc cả bắt đầu, y dụ dỗ, y yêu cầu cụ Phan hãy từ bỏ ý chí đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, y nêu ra một số tên phản bội để làm gương, và thật nực cười chính y cũng là kẻ phản bội. Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, giờ đây thì tôi làm toàn quyền… Tiếc thay cuộc “mặc cả”, “diễn thuyết” của Va-ren rất hùng hồn và không thiếu những lý lẽ đầy tình cảm như trong lúc ông và tôi nắm chặt tay – có thông ngôn rành mạch thế mà cụ Phan cứ dửng dưng. Xét binh tình thì lúc đó cả Phan Bội Châu và Va-ren không hiểu nhau.

Cụ Phan làm sao lại hiểu được những lời nói giả dối của một kẻ xấu xa đã phản bội chính giai cấp mình, một kẻ mà ngoài mẽ thì lịch sự, oai phong mà bên trong thì gian xảo, cáo già. Cụ Phan không thể hiểu một kẻ mà với cụ chỉ là một tên cướp nước không hơn không kém. Còn với Va-ren một tên chính khách bẩn thỉu làm sao hiểu được sự cao thượng, vĩ đại của một người đem cả tính mạng của bản thân cho nền độc lập tự do của dân tộc. Hai thái cực đối lập nhau trong cuộc chạm trán nảy lửa với những lời nói, hành động của Va-ren đã bóc trần bộ mặt xảo trá của hắn.

Trong cuộc chạm trán ấy, Phan Bội Châu rất chủ động dửng dưng im lặng, mỉm cười một cách kín đáo. Đặc biệt trong phần tái bút, tác giả cho biết một nhân chứng quả quyết rằng Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren. Hành động này cho thấy thái độ ghê tởm, khinh bỉ của cụ Phan trước tên toàn quyền đang thao thao bất tuyệt lên mặt dạy đời ấy. Vị toàn quyền được triều đình An Nam tôn kính kia đã bị hạ nhục, coi thường.

Người đọc cảm thấy thích thú qua chi tiết này. Bằng trí tưởng tượng phong phú tác giả đã vạch trần bộ mặt xảo quyệt, giả nhân giả nghĩa của tên toàn quyền Va-ren trong cuộc chạm trán với cụ Phan. Sự đối lập, tương phản giữa hai con người đầy kịch tính, các chi tiết nghệ thuật làm cho người đọc bật cười, cái cười tán thưởng khâm phục cụ Phan anh hùng thiên sứ và khinh bỉ lên án tên toàn quyền Va-ren. Những trò lố mà hắn làm tại Đông Dương và đặc biệt cuộc chạm trán và mặc cả, dụ dỗ cụ Phan thực sự là những trò lố của trò lố.

Nguyễn Ái Quốc viết truyện này không chỉ nhằm mục đích ca ngợi Phan Bội Châu – một người tù lừng tiếng mà còn đòi ân xá cho cụ, đồng thời vạch trần bộ mặt xảo quyệt bẩn thỉu của tên toàn quyền Va-ren nói riêng và lũ thực dân Pháp nói chung. Ngòi bút hiện thực đầy sắc sảo, nó chính lưỡi gươm chống lại kẻ thù xâm lược của Nguyễn Ái Quốc trong những năm sống và hoạt động tại Pháp.

Phân tích cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Va-ren và Phan Bội Châu

 Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa Va-ren và Phan Bội Châu là cuộc chạm trám giữa kẻ phản bội và bậc anh hùng

Bài tham khảo 2

Chảy trong dòng sông văn học Việt Nam, giai đoạn đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945, truyện ngắn Những trò tố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc mang một màu sắc và âm điệu độc đáo : được viết bằng tiếng Pháp, xuất hiện trên đất Pháp, “có tính chiến đấu cao và bút pháp điêu luyện, hiện đại”. Trong khi các tác giả trong nước bóng bảy phê phán bọn phong kiến ươn hèn, để nhân dân đói khổ (như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học), hoặc gửi gắm tình yêu nước, lo đời kín đáo, mơ hồ (như Tản Đà, Trần Tuấn Khải) thì Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn và trực tiếp vạch mặt lũ thực dân xâm lược xảo trá, dã man ; bày tỏ tấm lòng yêu nước, căm thù giặc mạnh mẽ, cháy bỏng. Trái tim người cầm bút yêu, ghét thật rõ ràng. Vì thế, tuy xuất bản ở nước ngoài, song truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu cùng nhiều tác phẩm khác mà Bác Hồ viết với bút danh Nguyễn Ái Quốc vẫn có giá trị như một áng văn Việt Nam đích thực, góp phần làm sôi động dòng chảy của văn chương dân tộc. Đọc truyện, chúng ta bắt gặp hai hình tượng nhân vật đối lập nhau : tên thực dân xảo trá và người chiến sĩ yêu nước đầy bản lĩnh.

Va-ren,một chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã. Ngay những dòng đầu, Va-ren đã được giới thiệu như một kẻ có lời nói và hành động mập mờ : “nửa chính thức hứa… giả thử… biết giữ lời hứa, liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao”. Đó là những từ ngữ mỉa mai, châm biếm nhẹ, mà sâu. Từ đó, tác giả định hướng cho nhân vật hiện lên trong thời gian (vào lúc nào) và mang những phẩm chất tính cách cụ thể (ra làm sao).

Về thời gian, Toàn quyền Va-ren chỉ muốn chăm sóc vụ Phan Bội Châu “khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”. Nghĩa là, hắn lo cho cái ghế thống trị thật vững vàng trước đã. Hắn muốn tỏ rõ uy quyền thực dân với công chúng ở Đông Dương trước đã. Còn Phan Bội Châu ra sao, hãy đợi đấy. Do đó, sau khi rời nước Pháp với lời hứa “nửa chính thức” sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu, Toàn quyền Va-ren đã làm một chuyến đi rề rà, lững thững, để nhấm nháp, hưởng thụ những của ngon vật lạ, những lời nói, cử chỉ tâng bốc của lũ tay sai cấp dưới. Tác giả sử dụng ngòi bút kể chuyện xen kẽ miêu tả, đối chúng bằng điệp ngữ và những câu văn kéo dài chia chuyến đi của Va-ren thành ba chặng. Chặng thứ nhất : Va-ren đến Sài Gòn. Chặng thứ hai : Va-ren ra Huế. Chặng thứ ba : Va-ren đến Hà Nội, tới đích, những trò lố chính thức của Va-ren đã diễn ra. Như vậy, Va-ren đúng là kẻ chỉ hứa suông, tuyên bố sẽ xem xét vụ Phan Bội Châu, thực tâm hắn chẳng chút động lòng nào tới số phận đau khổ của cụ Phan, hắn chẳng phải là viên quan nêu cao trách nhiệm trong công việc. Tới Hà Nội – cái đích quan trọng nhất của chuyến đi – những trò lố chính thức của Va-ren mới thực sự diễn ra, bộ mặt hề mồi, phản trắc, xảo quyệt của tên chính khách thực dân mới thực sự phơi bày. Bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, nhà văn dẫn người đọc vào “tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết”… “Ôi, thật là một tấn kịch !”, nhà văn kêu lên, như muốn người đọc tập trung chú ý và cùng nhau suy ngẫm.

Nếu những cảnh trên là “hài kịch”, thì đến đây “tấn kịch” diễn ra vừa hài vừa bi. Màn chưa mở. Tác giả dành một đoạn văn trữ tình ngoại đề để tóm tắt tiểu sử bất hảo của Va-ren, đồng thời ngợi ca phẩm chất anh hùng của Phan Bội Châu. Về Va-ren, chúng ta đọc thấy rặt những dòng chữ đen ngòm, nhơ nhớp : “Con người đã phản bội […] tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi […], kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình…”. Sự nhơ nhớp mà tác giả gọi là những trò lố diễn ra suốt buổi Va-ren gặp Phan Bội Châu. Trong cuộc “chạm trán” này, hắn luôn tỏ ra chủ động, một con người cao sang, hào hiệp : “Tôi đem tự do đến cho ông đây !”. Hắn tuyên bố, rồi cúi xuống bắt tay Phan Bội Châu, nâng cái gông to kệch ở cổ người tù. Chỉ thế thôi, Va-ren đã treo cái bánh vẽ tự do trước đối thủ, rồi “tấn công”, ào ạt, liên hồi… bằng những lời nói dài dòng, vòng vo, khi chân thành, thống thiết, lúc châm chọc, mỉa mai, lên bổng xuống trầm. Đúng là giọng lưỡi của một anh hề. Va-ren nói những gì ? Trước hết, hắn mặc cả với Phan Bội Châu về hai chữ “tự do”. Một bên hắn hứa “đem trả tự do cho Phan Bội Châu”, một bên khuyên – hay là ép buộc – Phan, hãy : “từ bỏ nhũng món đồ […] chớ tìm cách xúi giục đồng bào […], hãy bảo họ cộng tác với người Pháp…”. Như vậy, Va ­ren đâu có “quý trọng” Phan như hắn nói. Thực chất là hắn đã khuyên người chiến sĩ kiên cường, bất khuất kia đầu hàng, phản lại lí tưởng chiến đấu suốt đời của mình. Lời Va-ren nói, nghe ngọt xớt. Đó là vị ngọt chứa thuốc độc của kẻ phản bội. Tiếp sau, Va-ren nêu những tên tuổi, những chính khách nổi tiếng… về sự… phản bội. Từ Nguyễn Bá Trác – người Việt Nam, đến những Guy-xta-vơ, nhũng A-lếch-xăng, A-ri-xtít, những An-be, Pôn, và Lê-ông – người Pháp. Cuối cùng hắn khoe sự thành đạt, bước đường thăng tiến của bản thân. “Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đày thì tôi làm Toàn quyền… !”. Trơ trẽn thay, lố bịch thay là kẻ cầm quyền thực dân Pháp tôn thờ sự phản bội, lấy sự phản bội làm chuẩn mực dể ngợi ca nhũng nhân cách bỉ ổi. Do đó, tất cả những lời nói của Va-ren lọt vào tai Phan Bội Châu như “nước đổ lá khoai”, nghĩa là nó trôi tuột đi. Tất cả những thái độ “nhiệt tình, chân thành” của kẻ phản Bội đã khiến Phan Bội Châu “dửng dưng”, hoặc “nhếch” đôi ngọn râu mép (…) lên một chút”, rồi “nhổ vào mặt Va-ren”.

Càng về cuối truyện, nhân vật Va-rén càng hiện rõ bản chất xấu xa. Những trò lố của hắn đã tự lột trần cái bộ mặt tên chính khách xảo quyệt, “kẻ phản bội nhục nhã”. Miêu tả chân dung Va-ren, Nguyễn Ái Quốc dùng ngòi bút lạnh lùng, hóm hỉnh, thông minh, sắc sảo. Đó là ngòi bút điêu luyện, hiện đại, kết hợp chất châu Âu sôi nổi với âm điệu Á Đông thâm trầm. Càng về cuối càng thâm trầm. Sử dụng ba chi tiết miêu tả thái độ và cử chỉ của Phan Bội Châu trước những lời lố bịch của Va-ren, tác giả đã đập thẳng vào mặt kẻ thù – kẻ thù của cụ Phan, kẻ thù của cả dân tộc – nhũng đòn chí mạng. Đó là lưỡi gươm sắc bén mà người thanh niên yêu nước – Nguyễn Ái Quốc – đã vung lên trong buổi đầu chiến đấu chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Phan Bội Châu – người anh hùng. Với kẻ thù – ở đây là nhân vật Toàn quyền Va-ren – ngòi bút Nguyễn Ái Quốc mang tính chiến đấu mạnh mẽ bao nhiêu thì, với người anh hùng dân tộc – ở đây là nhân vật Phan Bội Châu – ngòi bút ấy mềm mại, nâng niu, trân trọng bấy nhiêu. Tuy không miêu tả chi tiết, song hình tượng Phan Bội Châu vẫn rõ nét, luôn song song với nhân vật Va-ren, như một đối xúng của hai màu sắc chọi nhau trong một hoạ phẩm. Viết về nhân vật Phan Bội Châu, tác giả đã dành những từ ngữ đẹp nhất để ngợi ca. Khi tác giả gọi Phan là “người đồng bào tôn kính của chúng ta”, “con người đã hi sinh cả gia đình và của cải”, lúc nâng lên tầm của “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân”. Những phó danh từ bậc, vị, đấng đâu phải để nói về người bình thường. Đó là cách định danh mang tính thần thánh. Càng về cuối, tính cách thần thánh của hình tượng Phan Bội Châu càng được tô đậm thêm. Trong suốt buổi gặp, để mặc cho Va-ren diễn thuyết, cụ Phan chỉ “im lặng, dửng dưng”. Tai cụ không nghe, nét mặt cụ bình thản, cụ ngồi… im như một pho tượng… “làm cho Va-ren sửng sốt cả người”. Đấy chính là nhân cách hiên ngang, bất khuất của người chiến sĩ, luôn tỉnh táo, cảnh giác trước nhũng giọng lưỡi kẻ thù. Đó cũng là cách chiến đấu chống lại kẻ thù, phủ nhận, bác bỏ mọi mun ma chước quỷ của bọn ngoại xâm.

Khi ngọn râu mép của Phan Bội Chậu “nhếch lên một chút” theo lời anh lính dõng kể – nhất là lúc cụ Phan “nhổ vào mặt Va-ren” như lời nhân chúng thứ hai quả quyết – thì cuộc chiến đấu trở nên quyết liệt. Người anh hùng ấy đã chiến thắng. Bởi vì, đối với Phan Bội Châu, tất cả lời lẽ và thái độ của Va-ren chỉ là một… trò lố bịch, một trò hề. Có thể nói, trong truyện ngắn này, hình tượng Phan Bội Châu được khắc hoạ bằng ngòi bút chấm phá kiểu Á Đông. Chỉ vài nét thông thoáng, tả ít, gợi nhiều, nhân vật nổi lèn rõ rệt một chân dung, một thần thái có đủ hình dáng, tư thế và phẩm chất. Phan Bội Châu là người chiến sĩ hiên ngang, bất khuất trước mưu mô nham hiểm, thâm độc của kẻ thù. Phan Bội Châu là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân” vô cùng đáng kính của tác giả Nguyễn Ái Quốc và của chủng ta – những bạn đọc ngày nay.

Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu nguyên văn bằng tiếng Pháp, được sáng tác cách đây trên nửa thế kỉ. Những nhân vật, những sự việc và cả tác giả đã đi vào cõi vĩnh hằng. Lúc đầu đọc, qua bản dịch, chúng ta có phần bỡ ngỡ. Song vừa đọc vừa suy ngẫm, chúng ta hiểu rằng: Bằng hình thức tưởng tượng, hư cấu, Nguyễn Ải Quốc – Bác Hồ thời trẻ – đã khắc hoạ được hai nhân vật có hai tính cách đại diện cho hai lực lượng hoàn toàn đối lập nhau : Vơ-ren : phản bội lí tưởng, quen chơi những trò lố là đại diện cho thực dân Pháp, ở Đông Dương ; Phan Bội Châu : “vị anh hùng, vị thiên sử, đấng xả thân vì độc lập” tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam. Đằng sau hai hình tượng Việt Nam (hình tượng nhân vật trong truyện – Phan Bội Châu và hình tượng tác giả – Nguyễn Ái Quốc) ấy là một tấm lòng vừa căm thù bọn thực dân xâm lược vừa yêu nước thiết tha. Tấm lòng ấy kết hợp một tài năng, một quá trình rèn luyện đã tạo ra một ngòi bút chiến đấu thật sắc sảo, độc đáo : miêu tả sinh động, dùng từ linh hoạt, tự nhiên, trào lộng, nhất là nghệ thuật khắc hoạ nhân vật, tạo tình huống bất ngờ. Nguyễn Ái Quốc – Bác Hồ của chúng ta – ngay từ những ngày đầu cầm bút đã xứng đáng người chiến sĩ yêu nước, xứng đáng một nhà văn với nghĩa đẹp nhất của từ này.

********

Trên đây là một số bài tham khảo phân tích cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu trong tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, cùng Đọc tham khảo thêm soạn bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu và nhiều bài văn mẫu 7 khác các em nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button