Phân tích chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Tìm hiểu và phân tích các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu đặc sắc nhất.
Tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm, giọt nước mắt người đàn bà hàng chài và xương rồng luộc chấm muối là 3 chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong Chiếc thuyền ngoài xa.
Cùng THPT Ngô Thì Nhậm tìm hiểu về các chi tiết này với những phân tích dưới đây.
Tham khảo tài liệu hướng dẫn soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa để hiểu hơn về tác phẩm này.
1. Tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm
– Trước hết đó là một bức ảnh thuần nghệ thuật dành cho những nhà sành nghệ thuật: Một bức ảnh mang vẻ đẹp toàn mĩ, vốn là một cảnh đắt trời cho,kết tinh công phu và sự may mắn của người nghệ sĩ
– Một bức ảnh về con thuyền được chụp từ ngoài xa với vẻ đẹp hài hoà giữa con người và cảnh vật. Một cảnh đẹp được ghi lại bằng một ấn tượng thuần tuý nghệ thuật. Một bức ảnh không chỉ đem đến một niềm hạnh phúc cho người sáng tạo mà còn đủ sức thuyết phục với cả những nhà sành nghệ thuật và có sức sống lâu bền ” mãi mãi về sau”…
– Đằng sau bức ảnh nghệ thuật đó là một bức ảnh cuộc sống hiện thực trần trụi, lam lũ mà trung tâm là hình ảnh người đàn bà vùng biển cao lớn với dáng người thô kệch…bước những bước chậm rãi, bàn chân đặt trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông.
– Chi tiết bức ảnh đã trở thành một cấu tứ cho truyện ngắn này.
2. Giọt nước mắt người đàn bà hàng chài
Thể hiện nỗi đau, sự bất lực của người vợ, người mẹ trong hoàn cảnh hết sức éo le: Trước đó, dù hứng chịu trận đòn roi trút xuống như lửa cháy, người đàn bà vẫn “cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy? Chỉ khi bị đứa con phát hiện, chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Con đánh cha, cha đánh con, người đàn bà mới đau đớn bật khóc. Giọt nước mắt bật ra từ những xót xa, tủi nhục mà người đàn bà dồn nén, chất chứa bấy lâu trong lòng. Hơn hết, giọt nước mắt bật ra từ trái tim người mẹ: bất lực không thể bảo vệ được tâm hồn non nớt, thơ ngây của đứa trẻ, bất lực nhìn cái gia đình mà mình cố sức giữ gìn có nguy cơ tan vỡ…
– Thể hiện nỗi đau, sự bất lực của người mẹ không thể bảo vệ được tâm hồn ngây thơ, trong sáng cho đứa trẻ
– Giúp khắc họa tính cách, tâm lí nhân vật, thể hiện bi kịch của nhân vật và cho thấy chiều sâu tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu.
Xem thêm tuyển chọn các bài văn cảm nhận về người đàn bà hàng chài hay và ý nghĩa đã được biên soạn
3. Xương rồng luộc chấm muối
Hình ảnh “xương rồng luộc chấm muối” được hiện lên trong lời kể của người đàn bà hàng chài với chánh án Đầu tại tòa án huyện. Qua lời kể này của người đàn bà đã cho ta thấy một cuộc đời lam lũ, bất hạnh và bươn trải của chính bà và cũng là số phận chung của những người sống cùng trong gia đình bà. “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn” “đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật” đã gói gọn những khổ nhọc của một đời luôn bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vì cuộc sống lúc nào cũng túng quẫn, hình ảnh “xương rồng chấm muối” của gia đình ấy, cũng đã hé mở nguyên nhân sâu xa của nạn bạo hành gia đình. Chính vì người chồng khổ quá, nên những lúc như vậy là xách bà ra đánh. Những cái đánh vũ phu và tàn nhẫn, những cái đánh như trút xuống, liên tiếp và đau đớn biết bao. Chi tiết đã cất tiếng nói về giá trị hiện thực, phản ánh cái đói cái nghèo của người dân miền biển nói riêng, và cũng là cái khốn khó chung của người dân Việt Nam thời hậu chiến. Và chi tiết cũng đã là một tiếng nói của ngòi bút nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào bản chất để khắc họa nỗi lo âu, khắc họa về tình trạng nghèo đói, tối tăm cùng cực, và gốc rễ của nạn bạo hành gia đình cũng chính từ cái nghèo đói đó mà ra.
* Ý nghĩa về nội dung
– Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết: trong lời kể của người đàn bà hàng chài với chánh án Đẩu tại tòa án huyện.
– Lời kể của người đàn bà đã hé mở cuộc đời lam lũ, bất hạnh của chính bà và của cả gia đình bà
– Dự báo nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình mà bà sẽ kể tiếp sau đó cho chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng nghe ở phần sau. Lão đàn ông vì khổ quá nên xách bà ra đánh;
– Chi tiết có giá trị hiện thực: phản ánh cái đói, cái nghèo của người dân miền biển nói riêng, của người dân nói chung thời hậu chiến;
– Chi tiết có giá trị nhân đạo: Nhà văn thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người; gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng bạo hành gia đình mà gốc rễ của nó chính là do đói nghèo gây ra.
* Ý nghĩa nghệ thuật
– Là chi tiết chân thực, tạo cầu nối giữa phần trước đó và sau đó để mạch truyện được dẫn dắt tự nhiên, góp phần tạo tình huống nhận thức của câu chuyện.
– Là chi tiết nhỏ nhưng gửi gắm tư tưởng và nghệ thuật mới mẻ của nhà văn: cần quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.
4. So sánh chi tiết xương rồng luộc chấm muối với chi tiết nồi chè khoán trong Vợ nhặt
– Tương đồng: Cả hai chi tiết đều gợi nhớ đến cái đói trong cuộc sống, góp phần biểu hiện tình mẫu tử thiêng liêng. Những chi tiết đó đều bộc lộ khả năng sáng tạo độc đáo của các nhà văn Việt Nam trước và sau năm 1975.
– Khác biệt:
+ “Chè khoán” của bà cụ Tứ đã gửi gắm bức thông điệp: trong cái đói, cái chết thì sự sống đã ươm mầm, trong khổ đau đã có hạnh phúc, trong hiện tại đã thấy tương lai.
+ “Xương rồng luộc chấm muối” tạo ra sức ám ảnh lớn với người trong cuộc (trong truyện là nhân vật Phùng và chánh án Đẩu) và người ngoài cuộc (bạn đọc), đó là: chính cái đói, cái nghèo sinh ra tội ác. Phải có cái nhìn toàn diện và nhân văn về số phận con người sau chiến tranh.
Phân tích chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm (Bài văn mẫu tham khảo)
Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đạt được sự hàm súc, đa nghĩa một phần là nhờ nhà văn đã sáng tạo được những hình ảnh, chi tiết giàu giá trị biểu tượng. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một trường hợp như vậy. Hình ảnh tấm ảnh trong bộ lịch cuối năm đã khép lại tác phẩm nhưng đọng lại mãi với những suy tư, tự nghiệm của nghệ sĩ Phùng và người đọc: “Không những trong bộ lịch năm ấy… hòa lẫn trong đám đông”.
Không khó khăn mấy người đọc cũng nhận thấy ở đây dường như có hai bức ảnh trong một khuôn hình. Trước hết đó là một bức ảnh thuần nghệ thuật dành cho những nhà sành nghệ thuật: Một bức ảnh mang vẻ đẹp toàn mĩ, vốn là một cảnh đắt trời cho, kết tinh công phu và sự may mắn của người nghệ sĩ (sau hàng tuần mai phục, Phùng đã chộp được). Một bức ảnh về con thuyền được chụp từ ngoài xa với vẻ đẹp hài hòa giữa con người và cảnh vật. Một cảnh đẹp được ghi lại bằng một ấn tượng thuần tuý nghệ thuật. Một bức ảnh không chỉ đem đến một niềm hạnh phúc cho người sáng tạo mà còn đủ sức thuyết phục với cả những nhà sành nghệ thuật và có sức sống lâu bền “mãi mãi về sau”…
Đằng sau bức ảnh nghệ thuật đó là một bức ảnh cuộc sống hiện thực trần trụi, lam lũ mà trung tâm là hình ảnh người đàn bà vùng biển cao lớn với dáng người thô kệch… bước những bước chậm rãi, bàn chân đặt trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông. Một hình ảnh không còn thơ nữa mà rất đời. Hình ảnh này đã trở thành một ám thị đối với Phùng “mỗi lần ngắm kĩ tôi vẫn thấy”. Nhưng tại sao chỉ riêng Phùng mới thấu thị như vậy mà những người khác thì không? Phải chăng vì Phùng biết nhìn kĩ, nhìn lâu, nhìn thẳng; biết nhìn xuyên qua màu hồng hồng của ánh sương mai, nhìn cho ra được những “thô kệch, ướt sũng, nhợt trắng, bạc phếch…”. Và điều quan trọng nhất là Phùng biết nhìn bằng trải nghiệm. Hay nói khác đi, Phùng không chỉ nhìn mà còn sống trong cuộc đời, đau đáu nỗi đau của người đàn bà hàng chài, lắng nghe câu chuyện của chị.
Dùng nghệ thuật tương phản kết hợp với một chút phi lí (bức ảnh đen trắng nhưng lại nhìn ra màu hồng hồng), Nguyễn Minh Châu đã dựng lên một ẩn dụ nghệ thuật với bao nhiêu thông điệp, nhận thức: Thứ nhất, nghệ thuật cất lên từ cuộc sống nhưng giữa cái đẹp của nghệ thuật và cuộc sống luôn có khoảng cách. Đôi khi ngay đằng sau cái đẹp mơ màng và tưởng như toàn bích kia lại chứa đựng trong đó những hiện thực cuộc sống còn đầy khiếm khuyết, nhức nhối. Không cẩn thận cái đẹp thuần túy nghệ thuật lại trở thành cái đẹp giả dối… Thứ hai, cần phải nhìn thẳng vào cuộc sống dù nó không phải thơ mộng như chúng ta muốn. Thứ ba, cần phải kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống, muốn phản ánh trung thực cuộc sống người nghệ sĩ phải đi đến với cuộc đời, cúi xuống thật gần những số phận cá nhân vốn nhiều bi kịch, lắng nghe câu chuyện của họ…
Chi tiết này đã gieo ra một tình huống tự nhận thức mà ở đó người ta thấy rõ hơn về nhân vật Phùng: Phùng không phải tìm kiếm ở đâu mà anh đang cày xới, lật lại, đào sâu hơn vào chính bức ảnh của mình, chính thứ nghệ thuật tưởng như đã hoàn mĩ của mình. Không ai bắt anh làm thế và không ai biết anh làm thế, nhưng với trách nhiệm, lương tâm của một nghệ sĩ chân chính buộc anh phải liên tục trăn trở như vậy. Con người Phùng hay cũng chính hình ảnh tác giả bởi nhà văn đã từng đặt mệnh lệnh cho mình: Không có quyền miêu tả cuộc sống một cách hời hợt. Sự lo lắng cho con người đã trở thành nỗi quan hoài thường trực. Không phải đến cuối chi tiết bức hình mới xuất hiện và cũng không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu lại kết thúc truyện ngắn của mình bằng chi tiết này: Phùng nhận nhiệm vụ chụp ảnh cho bộ lịch cuối năm là anh đã khoác vào mình một thiên chức quan trọng của nghệ thuật (làm sao phải đẹp để thỏa mãn nhà xuất bản và thị hiếu mọi người nhưng đồng thời lại nói được trung thực nhất về cuộc sống).
Phùng đã làm nên bức ảnh bằng tất cả niềm đam mê, trách nhiệm và anh đã có được niềm vui của một người nghệ sĩ chân chính. Nhưng khép lại tác phẩm, chính bức ảnh ấy lại làm anh không dứt khỏi những ưu tư, vỡ ra bao nhiêu nhận thức. Chi tiết bức ảnh đã trở thành một cấu tứ cho truyện ngắn này.
Phân tích hình ảnh xương rồng luộc chấm muối trong Chiếc thuyền ngoài xa
Nguyễn Minh Châu(1930 – 1989) quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải) huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là một trong những nhà văn có đóng góp đặc biệt trong nền văn học nước nhà. Đặc biệt là những tác phẩm sau 1975 càng cho thấy một phong cách nghệ thuật lớn và độc đáo. Đặc biệt trong giai đoạn này là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, viết năm 1987 cho thấy rõ điều đó, và thể hiện rõ hơn hết ở trong chi tiết hình “xương rồng luộc chấm muối” qua lời kể của nhân vật chính, người đàn bà hàng chài.
Ta yêu Nguyễn Minh Châu không chỉ qua một ngòi bút rất tài hoa và một cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện của ông. Mà còn bởi khả năng tạo nên hình ảnh, chi tiết rất thực, lại gợi được những suy nghĩ sâu sa và ý nghĩa.
Hình ảnh “xương rồng luộc chấm muối” được hiện lên trong lời kể của người đàn bà hàng chài với chánh án Đẩu tại tòa án huyện. Qua lời kể này của người đàn bà đã cho ta thấy một cuộc đời lam lũ, bất hạnh và bươn trải của chính bà và cũng là số phận chung của những người sống cùng trong gia đình bà. “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”, “đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật” đã gói gọn những khổ nhọc của một đời luôn bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Vì cuộc sống lúc nào cũng túng quẫn, hình hảnh “xương rồng chấm muối” của gia đình ấy cũng đã hé mở nguyên nhân sâu xa của nạn bạo hành gia đình. Chính vì người chồng khổ quá, nên những lúc như vậy là xách bà ra đánh. Những cái đánh vũ phu và tàn nhẫn, những cái đánh như trút xuống, liên tiếp và đau đớn biết bao. Chi tiết đã cất tiếng nói về giá trị hiện thực, phản ánh cái đói cái nghèo của người dân miền biển nói riêng, và cũng là cái khốn khó chung của người dân Việt Nam thời hậu chiến. Và chi tiết cũng đã là một tiếng nói của ngòi bút nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào bản chất để khắc họa nỗi lo âu, khắc họa về tình trạng nghèo đói, tối tăm cùng cực, và gốc rễ của nạn bạo hành gia đình cũng chính từ cái nghèo đói đó mà ra.
Hình ảnh không chỉ mang giá trị lớn về nội dung, còn là một chi tiết có giá trị nghệ thuật. “Xương rồng chấm muối” một món ăn rất lạ, rất nghèo nàn và túng thiếu, đã là cầu nối để đầu câu chuyện và cuối truyện trở nên tự nhiên, góp phần tạo ra tình huống nhận thức của câu truyện. Và qua đó cũng là chi tiết đã gửi găm được tư tưởng nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu, một cái nhìn đa diện, nhiều chiều và đã nói lên chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến số phận cá nhân trong những hoàn cảnh ấy.
Cảm ơn Nguyễn Minh Châu đã mang đến một cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn. Xã hội càng phát triển thì ta cần phải tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa, gốc rễ và nhiều khía cạnh. Cách xây dựng và khéo léo đưa hình ảnh giàu nghệ thuật và nội dung “xương rồng chấm muối” đã khiến cho giá trị toàn bộ tác phẩm được nhân lên bội phần. Qua đó còn cho thấy một trái tim của một nhà văn nhân đạo, luôn biết quan tâm, sẻ chia đến mọi kiếp người của Nguyễn Minh Châu.
Tham khảo thêm một số bài phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài