Giáo dụcLớp 8

Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

Đề bài: Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

phan tich cai ngong cai sau cai mong trong bai tho muon lam thang cuoi cua tan da

Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

Bạn đang xem: Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

I. Dàn ý Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Cái sầu thể hiện trong hai câu thơ đầu:

– Hai từ “buồn lắm” đã thể hiện một cách trực tiếp và hàm súc tâm trạng của tác giả trong lúc thưởng trăng, hẳn rằng phải chán nản, phiền não lắm thế nên người thi sĩ khi nhìn trăng, một vật thể chan chứa nhiều xúc cảm tươi vui, mới có thể thốt ra những lời thở than, chất chứa nhiều tâm trạng như thế.
– Bên cạnh nỗi buồn tâm trạng khi trời vào thu của người thi sĩ là nỗi sầu nhân thế “Trần thế em đây chán nửa rồi”:
+ Một nhà nho chân chính, thế nhưng lại sống đúng vào lúc nước mất vào tay giặc, xã hội nhiễu nhương, Hán học suy tàn, các bậc văn nhân nghĩa sĩ chẳng còn đất dụng tài, đành chịu bó gối câm lặng sống cuộc đời âm thầm đầy xót xa.
+ Văn chương rẻ như bèo, cuộc đời người nghệ sĩ tài năng bỗng rơi vào cảnh khốn khó, cơm áo gạo tiền bao nhiêu thứ phải lo toan.
+ Thực cảnh nước mất nhà tan, đầy đớn đau của dân tộc đã đẩy Tản Đà và nhiều bậc trí thức cũ rơi vào cảnh bế tắc, tối tăm.

b. Cái ngông thể hiện trong 4 câu thơ tiếp “Cung quế…mới vui”:
– Cái ngông nghênh, ngạo nghễ thể hiện ngay trong nhan đề “Muốn làm thằng cuội” của tác phẩm. Một người trần mắt thịt ấy thế mà lại có cái ước muốn thực ghê gớm, ước được lên cung trăng, làm thằng Cuội ngày ngày bầu bạn với Hằng Nga tiên tử, lại thân thiết, đa tình gọi chị xưng em.
– Cái ngông của Tản Đà trước hết là thể hiện ở cái khao khát mộng tưởng được giao lưu, trò chuyện với những con người ở chốn thần tiên.
– Táo bạo ngỏ ý xin chị Hằng dùng cành đã “nhắc lên chơi” chốn cung trăng.
– Thể hiện hẳn tư thái rất tự tin, cho rằng chị Hằng trên cung trăng có lẽ cũng buồn chán, chi bằng để bản thân mình lên đó trò chuyện, bầu bạn cho đỡ phần cô đơn, lẻ chiếc.
=> Bộc lộ nỗi cô đơn, lẻ loi của Tản Đà giữa cuộc đời, khi bản thân ông không có lấy nổi một người thấu hiểu, tâm tình mà buộc phải tìm lên tận cõi khác, tận cung trăng để tìm được người tri kỷ kề cận, giải tỏa hết những nỗi sầu chất chứa.
– Trong suy nghĩ của Tản Đà, việc sống ở nhân gian chẳng có gì thú vị, thay vào đó ông lại ấn tượng và hứng thú với cảnh sống cùng mây và gió, cho rằng cuộc đời được vậy mới là vui, mới là cái thú khác biệt.
– Như vậy cái “ngông” của Tản Đà thể hiện cái nỗi đau và sự bế tắc của một con người trần thế trước thực cảnh xã hội quá thối nát và cuộc đời cá nhân tối tăm, bức bối, nhà thơ buộc phải tự tìm được một giải pháp để giải phóng tâm hồn mình thoát khỏi cảnh buồn khổ nơi trần thế.

c. Cái mộng trong hai câu thơ cuối:
– Cái “ngông” được đẩy lên cao nhất cùng với một hình ảnh tưởng tượng độc đáo và thú vị đã đem đến cho độc giả nhiều suy tưởng, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều những nỗi lòng của tác giả.
– Tản Đà đã dẫn ra một mộng tưởng thật tuyệt vời rằng bản thân mình yên vị có một cuộc sống thảnh thơi trên cung trăng, và cứ như thường lệ vào mỗi năm rằm tháng tám, bản thân lại được tựa vai, bầu bạn với chị Hằng cùng trông xuống thế gian.
+ Thoát khỏi cuộc sống trần thế, thoát khỏi cái thế gian lắm bụi bặm, nhơ nhuốc, hoàn thành thành được khát vọng thoát ly mãnh liệt, điều ấy khiến Tản Đà cười một cách mãn nguyện.
+ Cái cười của Tản Đà, còn là điệu cười ý vị, khinh bỉ khi nhìn xuống thế gian.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, là một trong số những nhà thơ nổi bật những năm đầu thế kỷ XX, được xem là dấu “gạch nối hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”, đặt nền tảng cho sự ra đời của nền thơ Mới giai đoạn 1932-1941. Với sức sáng tạo dồi dào và mạnh mẽ và số lượng tác phẩm khá đồ sộ, tuy nhiên cuộc đời của Tản Đà cũng như nhiều những bậc trí thức nghèo lúc bấy giờ. Rơi vào cảnh tài năng không được công nhận, thơ văn rẻ rúng như bèo, phải sống giữa một xã hội rối ren, nhiều những bất công ngang trái, Tây Tàu ta lẫn lộn, sự đảo lộn các giá trị, đồng tiền trở thành thứ thao túng con người khiến nhiều người sầu khổ, bất đắc chí. Chính vì vậy trong nghiệp sáng tác của mình, ông tập trung vào việc thể hiện khát vọng được thoát ly khỏi chốn trần gian khổ hạnh, để tìm đến cõi tiên, cõi phật, lắm mộng mơ, với thú vui thưởng rượu, làm thơ tao nhã, không vướng bận hồng trần nhằm xua đi những điều chán trường trong cuộc đời. Và trong những bài thơ như vậy độc giả cảm nhận được rất rõ “cái tôi” độc đáo trong sáng tác của Tản Đà ấy là cái ngông nghênh phớt đời, cái mơ mộng đa tình và cả cái sầu não, thương cảm. Bài thơ Muốn làm thằng cuội là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Tản Đà, thể hiện một cách đầy đủ và thực đặc sắc cả ba “cái tôi” ấy của tác giả.

Trước hết nói về cái sầu não, thương cảm của Tản Đà trong Muốn làm thằng Cuội, ta có thể thấy rất rõ trong hai câu thơ đầu tiên của tác phẩm.

“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi”

Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, tự nhiên, trong sáng và gần gũi trong lối xưng hô “chị-em”. Hai từ “buồn lắm” đã thể hiện một cách trực tiếp và hàm súc tâm trạng của tác giả trong lúc thưởng trăng, hẳn rằng phải chán nản, phiền não lắm thế nên người thi sĩ khi nhìn trăng, một vật thể chan chứa nhiều xúc cảm tươi vui, mới có thể thốt ra những lời thở than, chất chứa nhiều tâm trạng như thế. Vậy nguyên do nào khiến cho thi sĩ mang một nỗi buồn bàng bạc, quẩn quanh như thế, phải chăng là do trời đã vào thu, gió heo may hiu quạnh thường dẫn người ta đến cảm xúc bâng khuâng, da diết chăng? Có lẽ đó cũng là một phần nỗi buồn của người thi sĩ, thế nhưng đối với Tản Đà nỗi buồn lớn nhất mà ông mang suốt cả cuộc đời và trải dài trong hầu hết các tác phẩm, ấy là nỗi sầu nhân thế. Ông viết “Trần thế em đây chán nửa rồi”, một người còn đang sống tại thế gian, nhưng lại đã chán đến nửa cuộc đời ở nơi đây quả thực là có nhiều điều khiến độc giả phải suy ngẫm. Xét lại về bối cảnh đương thời trong cuộc đời của Tản Đà, ta mới nhận ra vì sau tác giả lại sầu não đến vậy. Một nhà nho chân chính, thế nhưng lại sống đúng vào lúc nước mất vào tay giặc, xã hội nhiễu nhương, Hán học suy tàn, các bậc văn nhân nghĩa sĩ chẳng còn đất dụng tài, đành chịu bó gối câm lặng quay về sống cuộc đời âm thầm đầy xót xa. Những thứ thơ văn vốn từng được ngợi ca, xem trọng giờ đây rẻ như bèo, chẳng mấy ai còn quan tâm, cuộc đời người nghệ sĩ tài năng bỗng rơi vào cảnh khốn khó, cơm áo gạo tiền bao nhiêu thứ phải lo toan. Cùng với thực cảnh nước mất nhà tan, đầy đớn đau của dân tộc đã đẩy Tản Đà và nhiều bậc trí thức cũ rơi vào cảnh bế tắc, tối tăm. Phải nói rằng, sống một cuộc đời bất đắc chí, muốn mà lực bất tòng tâm thì thực đau khổ và sầu não. Thế nên bản thân Tản Đà vì quá thấm thía những nỗi đau đời, đau mình mà lao vào rượu chè, sáng tác để quên sầu, thế nhưng nỗi sầu, nỗi buồn đời ấy chẳng một lúc nào chịu rời khỏi thơ văn của ông. Người muốn thoát ly đến một cõi khác tốt đẹp hơn để thoát khỏi chốn trần gian khổ ải, nhưng biết rằng đó là không thể, nên chỏ đành bày tỏ trong văn thơ.

Nói về cái ngông nghênh, ngạo nghễ hay nói gọn lại là một chữ “ngông” trong sáng tác của Tản Đà thì ngay từ trong cái nhan đề “Muốn làm thằng cuội” của tác phẩm, đã đủ nói lên cái tính chất ấy của tác giả. Một người trần mắt thịt ấy thế mà lại có cái ước muốn thực ghê gớm, ước được lên cung trăng, làm thằng Cuội ngày ngày bầu bạn với Hằng Nga tiên tử, lại thân thiết, đa tình gọi chị xưng em, đó không phải là ngông thì còn là gì nữa. Đặc biệt trong bài thơ, cái “ngông” của Tản Đà được thể hiện khá rõ trong bốn câu thơ sau:

“Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui”

Cái ngông của Tản Đà trước hết là thể hiện ở cái khao khát mộng tưởng được giao lưu, trò chuyện với những con người ở chốn thần tiên, thậm chí trong bài thơ Hầu trời, bản thân ông còn tự nhận mình vốn là một trích tiên, bị đày xuống hạ giới vì tội “ngông”. Thì ở trong Muốn làm thằng Cuội, Tản Đà đã dùng một lối nói rất tự nhiên có chút hóm hỉnh đùa vui khi hỏi ướm rằng “Cung quế đã ai ngồi đó chửa”, sau đó táo bạo hơn là ngỏ ý xin chị Hằng dùng cành đã “nhắc lên chơi” chốn cung trăng. Đặc biệt ông không hề ngần ngại mà thể hiện hẳn tư thái rất tự tin, cho rằng chị Hằng trên cung trăng có lẽ cũng buồn chán, chi bằng để bản thân mình lên đó trò chuyện, bầu bạn cho đỡ phần cô đơn, lẻ chiếc. Điều này cũng bộc lộ nỗi cô đơn, lẻ loi của Tản Đà giữa cuộc đời, khi bản thân ông không có lấy nổi một người thấu hiểu, tâm tình mà buộc phải tìm lên tận cõi khác, tận cung trăng để tìm được người tri kỷ kề cận, giải tỏa hết những nỗi sầu chất chứa. Thêm vào đó, trong suy nghĩ của Tản Đà, việc sống ở nhân gian chẳng có gì thú vị, thay vào đó ông lại ấn tượng và hứng thú với cảnh sống cùng mây và gió, cho rằng cuộc đời được vậy mới là vui, mới là cái thú khác biệt. Như vậy cái “ngông” của Tản Đà thể hiện ở lối tư duy khác biệt, táo bạo, có phần điên cuồng khi ao ước những thứ vô vọng, không nằm trong tầm tay. Mà cốt cái “ngông” đó cũng xuất phát từ những nỗi chán chường, buồn rầu và bất đắc chí ở cuộc đời, việc khao khát tìm được một thế giới lý tưởng khác ví dụ như thiên cung, hay cung trăng, những con người khác đại diện cho một xã hội tốt đẹp và trong sạch ví như chị Hằng, Trời, chư vị thần tiên, tiên đồng ngọc nữ,… cũng nhằm thể hiện cái nỗi đau và sự bế tắc của một con người trần thế trước thực cảnh xã hội quá thối nát và cuộc đời cá nhân tối tăm, bức bối. Như vậy cái “ngông” của Tản Đà trở thành một cái “ngông” hợp lý và đầy sức sáng tạo khi nhà thơ đã tự tìm được một giải pháp để giải phóng tâm hồn mình thoát khỏi cảnh tối tăm, buồn khổ nơi trần thế.

Cuối cùng nói về cái mộng ước tươi đẹp trong thơ của Tản Đà, ta có thể nhận thấy rõ trong hai câu thơ cuối bài.

“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”.

Đến đây cái “ngông” được đẩy lên cao nhất cùng với một hình ảnh tưởng tượng độc đáo và thú vị đã đem đến cho độc giả nhiều suy tưởng, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều những nỗi lòng của tác giả. Tản Đà đã dẫn ra một mộng tưởng thật tuyệt vời rằng bản thân mình yên vị có một cuộc sống thảnh thơi trên cung trăng, và cứ như thường lệ vào mỗi năm rằm tháng tám, bản thân lại được tựa vai, bầu bạn với chị Hằng cùng trông xuống thế gian. Trước hết ở đây cái mộng nằm ở việc tác giả hoàn toàn thoát khỏi cuộc sống trần thế, thoát khỏi cái thế gian lắm bụi bặm, nhơ nhuốc, hoàn thành thành được khát vọng thoát ly mãnh liệt, điều ấy khiến Tản Đà cười một cách mãn nguyện. Thêm nữa cái cười của Tản Đà, còn là điệu cười ý vị, khinh bỉ khi nhìn xuống thế gian, trong khi những kẻ phàm phu tục tử chỉ mãi được ngước nhìn ánh trăng, thì bản thân mình lại được ăn trên ngồi trước, bên cạnh là chị Hằng xinh đẹp cùng ngắm nhìn thiên hạ đảo điên, vật lộn giữa bao nhiêu những rối ren bận thỉu, còn bản thân Tản Đà lại thảnh thơi, vui thú sống một cuộc đời hoàn toàn tự do, tự tại, vô lo vô nghĩ. Có thể nói rằng cái mộng của Tản Đà là một cái mộng tưởng rất đẹp, rất lãng mạn, và có lẽ rằng nó cũng là mộng tưởng của đa số những kẻ thi sĩ khổ sở, bất đắc chí lúc bấy giờ. Chỉ có điều rằng, Tản Đà “ngông” hơn, dám nghĩ và dám viết hẳn ra như thế, rồi cuối cùng biến nó thành một cái mộng tưởng vừa đẹp vừa ngông cuồng tột bậc, khiến người đời sau vừa thấu hiểu vừa xót xa cho một cuộc đời nhiều khổ ải, bất đắc chí.

Muốn làm thằng cuội là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất trong sự nghiệp sáng tác phong phú và đồ sộ của Tản Đà. Bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, hôn nhiên, trong sáng có phần ngông cuồng với những ý tưởng táo bạo, tác giả đã bộc lộ một cách thầm kín, sâu xa những nỗi buồn quẩn quanh suốt đời người trí thức trong chế độ cũ, với nỗi đau nước mất nhà tan, văn chương rẻ rúng, cuộc sống người dân nghèo bị áp bức, bế tắc khó có thể tìm thấy lối giải thoát. Từ đó nhà thơ tự tìm cách giải thoát cho bản thân bằng những ước mộng phi thực tế trong thơ ca, để có thể tiếp tục tồn tại và đóng góp cho đời những tác phẩm văn chương đặc sắc.

——————-HẾT———————

Bài Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà là những phân tích cơ bản về ba đặc điểm thơ nổi tiếng của Tản Đà được thể hiện rõ ràng trong tác phẩm Muốn làm thằng Cuội. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo thêm các bài viết Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà, Cảm nhận về bài thơ Muốn làm thằng Cuội, Cái ngông của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội, Cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài Muốn làm thằng Cuội.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button