Giáo dụcLớp 10

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi (4 Mẫu)

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi bao gồm dàn ý chi tiết cùng 4 bài văn mẫu hay nhất do thầy cô trường THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình một cách đủ ý và đạt điểm số cao nhất.

Đề bài: Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi

“Ngại ở nhân gian lưới trần,

Thì nằm thôn dã miễn yên thân.

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi (4 Mẫu)

Viên hạc đà quen bạn dật dân.

Hái cúc ương lan hương bén áo,

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.

Đàn cầm suối trong tai dội,

Còn một non xanh là cố nhân.”

(Thuật hứng bài 15 – Nguyễn Trãi)

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi
Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi

Dàn ý Phân tích bài Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi

I. Mở bài:

– Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời Đại việt trong thế kỷ 15. “Quốc âm thi tập” và “Ức trai thi tập” là hai kiệt tác trong nền thơ ca Việt Nam. Riêng “Quốc âm thi tập” – là một tập thơ viết bằng chữ Nôm ra đời sớm nhất mà ta còn giữ được gồm 254 bài – nó như ánh hào quang củ ngôi sao Khuê lấp lánh xuyên suốt hành trình thiên niên kỷ của dân tộc. “Quốc âm thi tập” nhìn chung không có tên bải riêng cho mỗi bài thơ. Nguyễn Trãi nhóm thành nhiều chùm thơ: Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình, Thuật hứng, Tự thán, Tức sự, Bảo kính cảnh giớ.v.v… Đây là bài thơ số 15 trong chùm thơ “Thuật hứng” 25 bài.

II. Thân bài:

1. Giới thiệu chung

– Bài thơ này Nguyễn Trãi làm khi đã về ở ẩn tại lều tranh quê nhà Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Tiên sinh giờ đây như một ẩn sĩ, như một thường dân, lại như một thi sĩ lánh đời ở chốn nước mây, ngoài vòng danh lợi phù phiếm, sau khi đã chịu nhiều bầm dập đớn đau về thể xác và nhất là tinh thần, như thể một cánh chim đã “phải cung nên cũng sợ làn cây cong”…

2. Phân tích

a. Ngại ở nhân gian lưới trần

Thì nằm thôn dã miễn yên thân

– Ngại, là ngại ngần, sợ hãi lắm cái lưới trần, vô hình vô ảnh ở chốn trần gian này. Một người anh hùng dân tộc, đã từng vung bút đuổi hàng chục vạn quân thù (Văn chương Nguyễn Trãi có sức mạnh hơn mười vạn quân- Phan Huy Chú), Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời (Lê Quý Đôn), đã từng lớn tiếng sỉ vả thiên tử nhà Minh là Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng (Bình Ngô đại cáo), mà giờ đây thấy ngại, thấy sợ cái lưới trần vô hình vô ảnh đầy bất trắc oan nghiệt kia, thì sự chua chát đắng cay đã đến độ sâu thẳm rồi. => phải lánh về nằm nơi thôn dã miễn yên thân, thì cũng là một lẽ rất thường tình, là tâm sự có thể cảm thông.

b. Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử

Viên hạc đà quen bạn dật dân

– Trúc và mai, chắc là chẳng phụ lòng người quân tử như ta; hoặc là ta chẳng bao giờ phụ cái tình tri âm tri kỷ của trúc và mai, cũng là những cốt cách quân tử đáng trọng ở đời. Từ lều tranh nơi rừng suối ra đi giúp đời giúp nước, rồi lại đeo đẳng ở chốn quyền môn, là phụ với rừng suối, với trúc mai. Bây giờ thì Ngại ở nhân gian lưới trần, ta về đây với lời hứa năm xưa, với những bạn dật dân nơi thôn dã, khỏi phụ lòng trúc mai quân tử. Còn như Viên (vượn) và chim hạc, vốn chẳng xa lạ gì, đều là những bạn quen, thân thiết với kẻ dật dân là ta, cũng đều là tri âm tri kỷ cả! Hình như Ức Trai muốn xua đi những ký ức buồn, xua đi tất cả những lời thị phi bắng nhắng “đắng lỗ tai” để tâm hồn thanh sạch, như một tiên ông thoát tục…

=> Từ đây, chúng ta cũng phần nào thấy được sự bất lực của Nguyễn Trãi khi đối diện với sự mục nát của thế sự, của thần triều. Những điều đó đánh gục người quân tử, khiến người quân tử phải lánh mình ở nơi nhân gian yên bình nhàm chán. Vốn dĩ miền quê thôn dã, trúc mạc, hạc đà chẳng thể so với sự phồn hoa của chốn thành đô, nhưng đó lại là cách giải thoát, là niềm vui của bậc vĩ nhân đã chán chường cảnh của nhân thế.

c. Hái cúc ương lan hương bén áo

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn

=> Đây là một câu thơ thần diệu

– Hái hoa cúc, ương (trồng) cây lan mà cảm thấy như hương lan hương cúc đang còn bén, còn bám vào, còn đậu vào áo, thì cả không gian, cả trời đất như sực nức mùi hương hoa rồi. Con người như thể đang chìm đắm trong hương hoa dìu dịu của đất trời. Lại khi tìm mai để thưởng ngoạn, chân bước như vướng phải ánh trăng, như dẫm lên màu trăng tươi trăng nõn mà đi… Còn như sương giá (tuyết) thì bám vào khăn như thể những bông hoa trắng tinh, thấm vào khăn, xâm khăn, chủ động và rất có tình…Quả là những câu thơ vừa ảo vừa thực, sinh động và đẹp long lanh, không ít trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, nhưng lại thật hiếm thấy trong thơ Nôm đương thời và cả mấy trăm năm sau đó.

d. Đàn cầm suối trong tai dội

Còn một non xanh là cố nhân

=> Tác giả đã vẽ mắt cho bức hoạ bằng thơ, bằng một thứ âm thanh trong vắt, ấy là tiếng suối róc rách, nghe êm như tiếng đàn cầm dội vào trong tai. Cũng có khi tiếng đàn cầm kia dội bên tai, như ở một số bài thơ khác của Tiên sinh đã từng viết, nhưng đây là tiếng đàn cầm dội vào trong tai, nghĩa là tiếng đàn ấy có thể đã có sẵn rồi, luôn để sẵn rồi, có thể nghe thấy nó bất cứ lúc nào khi tâm đã tĩnh. Với Tiên sinh lúc này, chỉ có, chỉ còn một non xanh làm cố nhân mà thôi!

=> Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi, chất liệu thơ vẫn là những hình ảnh quen thuộc, như hương lan hương cúc, cây trúc, hoa mai, rồi vượn rồi hạc, rồi suối và núi non…Khác chăng là khác ở cấu trúc nội hàm, ở ngữ nghĩa biểu thị, làm giàu có thêm phong vị uyển chuyển của ngôn từ và âm giai của tư tưởng! Mỗi chữ trong bài thơ đều có hồn, như thể chúng đang đi lại, đang tỏa hương, đang nói cười và sắp sửa tuyên ngôn một điều gì đó huyền bí mông lung.

III. Kết bài:

Nêu cảm nhận chung về bài thơ: Thuật hứng 15 đã cho người đọc cái nhìn trần trụi mà nên thơ, mơ mộng lại đầy nghiệt ngã về cuộc sống của Nguyễn Trãi. Người cao nhân chỉ đành trốn về ở ẩn bởi thế sự thăng trầm, thối nát của triều chính, bởi đã quá chán nản với cuộc đời. Cảnh đẹp, nhưng phảng phất đâu đó vẫn là nỗi buồn, vẫn là sự nuối tiếc thở than của bậc cao nhân.

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi – Mẫu 1

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi ông như sau: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong tòa ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ..”. Trong thế giới văn chương của thi sĩ Ức Trai, ông quả thật là một ông tiên. Bằng tài năng diệu kỳ của mình, Nguyễn Trãi đã gửi gắm vào thơ ca những tình yêu thiên nhiên và tâm tình của mình mà cho đến nay vẫn lắng đọng trong lòng độc giả. Nổi bật trong đó là “Thuật hứng 15” nhẹ nhàng, gần gũi nhưng vẫn truyền tải được vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn của Nguyễn Trãi:

“Ngại ở nhân gian lưới trần,

Thì nằm thôn dã miễn yên thân.

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

Viên hạc đà quen bạn dật dân.

Hái cúc ương lan hương bén áo,

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.

Đàn cầm suối trong tai dội,

Còn một non xanh là cố nhân”.

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, là vị anh hùng dân tộc, một người tài trí, ưu quốc ái dân. Nhưng sau này, do mâu thuẫn trong triều đình, ông đã từ quan lui về ở ẩn tại quê nhà (Côn Sơn). Không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất mà ông còn là nhà văn, nhà thơ tài năng với các tác phẩm giá trị như: “Lam Sơn thực lực”, “Dư địa chí”, “Ức Trai thi tập”.. viết bằng chữ Hán. Ông còn có tập “Quốc âm thi tập” viết bằng chữ Nôm đánh dấu sự phát triển của thơ ca tiếng Việt. Phần lớn thơ trong tập thơ này được Nguyễn Trãi viết khi đã lui về sống ẩn dật ở Côn Sơn. “Thuật hứng 15” nằm trong mục “Thuật hứng” ở phần “Vô đề” cũng được viết vào khoảng thời gian ấy.

“Ngại ở nhân gian lưới trần,

Thì về thôn dã miễn yên thân”.

Mở đầu bằng 1 câu lục ngôn thể hiện sự phá cách về mặt hình thức và cả ý nghĩa vì 1 anh hùng dân tộc giờ đây lại cởi ấn từ quan. “Ngại” là e ngại, “lưới trần” là cuộc sống nhiều trói buộc như cá mắc vào lưới. Thời điểm này, nhà thơ đã nghiệm ra rằng chốn quan trường nhiều điều hiểm hóc, tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Thế nên ông quyết lui về quê nhà sống an lành đây là quyết định mà có lẽ không phải đấng nam nhi nào cũng dám làm bởi công danh sự nghiệp vẫn luôn là món nợ của rất nhiều nho sĩ:

“Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”.

(Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão)

Chính vì thế, ông đã giãi bày lý do của mình ở 2 câu thơ tiếp:

“Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

Viên hạc đà quen bạn dật dân”.

Trúc, mai đại diện cho người quân tử, ở đây là Nguyễn Trãi. Tác giả khẳng định rằng mình không phụ với lòng quân tử và ông chọn lui về miền thôn quê bởi nơi đó có “lòng quân tử”. Còn có vượn, có hạc mà ông đã quen thuộc từ lâu, không phải đâu xa lạ mà chính là quê nhà Côn Sơn của Nguyễn Trãi. Côn Sơn đã nuôi dưỡng nên một người quân tử để một mai khi lớn lên giúp nước, giúp dân nhưng giờ chốn quan triều đầy rẫy hiểm họa thì về lại nơi đây sống nhàn nhã, làm bạn với trúc, mai, với vượn, hạc âu cũng là lẽ thường tình, cảm thông được.

Hai câu thơ tiếp đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin về cuộc sống nơi thôn quê của ông, một cuộc sống lành mạnh để tâm hồn nhà thơ thư thái, thanh cao:

“Hái cúc ương lan, hương bén áo,

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.”

“Hái cúc ương lan” đối với “tìm mai đạp nguyệt”, “hương bén áo” đối với “tuyết xăm khăn” đã thể hiện lên hình ảnh thiên nhiên và con người Nguyễn Trãi dường như hòa làm một. Thi sĩ chăm chút cho cây lan, cây cúc từ đó hương lan, cúc bén vào từng thước áo, từng ngõ ngách trong tâm tưởng nhà thơ. Đêm trăng, ông bầu bạn với với mai, trăng tràn vào cây, vào đất khiến nhà thơ tưởng đạp lên trăng. Còn tuyết đọng lại trên khăn như thể thấm vào, nhiễm vào khăn. Tứ thơ rất lạ, vừa hư vừa thực, sinh động và cũng rất long lanh, sở dĩ có cái lạ đó vì cái nhìn với thiên nhiên của Nguyễn Trãi bao giờ cũng tràn ngập yêu thương. Thơ Nôm như thế Nguyễn Trãi không hiếm, nhưng rất hiếm trong thơ đương thời và dám chừng là cả trăm năm sau.

“Đàn cầm suối trong tai dội,

Còn một non xanh là cố nhân.”

Hai câu kết vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên của nhà thơ vừa là lời khẳng định cho lòng trung hiếu của ông dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì. Cấu trúc thơ lục ngôn xen thất ngôn ở hai câu đề được lặp lại ở câu kết, dường như có sự tiếp nối, gắn liền nào đó với hai câu đề. Quả thật vậy, nếu 2 câu đầu mang đến sự bất ngờ vì ý muốn lánh đời của tác giả trong khi ông luôn mang tư tưởng ưu quốc, ái dân sâu nặng. Thì đến với phần kết thơ, tác giả giải đáp thắc mắc này thật tài tình và không mất đi ý nghĩa của các câu thơ trước đó. Với hai câu cuối, tác giả đã vẽ ra trước mắt ta bức tranh thiên nhiên bằng âm thanh trong vắt của suối như tiếng đàn cầm dội vào trong tai. Tiếng đàn cầm ấy không phải tự dưng mà có, mà là tiếng đàn trong tâm trí nhà thơ. Tiếng đàn hiện hữu chỉ khi tâm tĩnh mà ý thơ của tác giả luôn mang một niềm thư thái, ung dung, thế thì tâm nhà thơ có lúc nào mà không tĩnh đâu? Lại nói khi tiếng đàn cầm cất lên, Nguyễn Trãi lại nhớ đến cố nhân là non xanh, “non xanh” không chỉ thiên nhiên bởi vì ông đã hòa mình vào thiên nhiên thì tại sao lại còn nhớ? Vậy “non xanh” ở đây chỉ có thể là đất nước. Dẫu e ngại chốn quan trường nhiều hiểm ác, dẫu thích cuộc sống vui thú điền viên nhưng ông vẫn không thể nào quên được cố nhân là “non xanh”. Nhà thơ đã lâm vào cảnh “Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải” (Thủ vĩ ngâm, Nguyễn Trãi) bởi lẽ sâu thẳm trong trái tim ông vẫn khao khát được cống hiến cho nước, cho dân:

“Còn có một lòng âu việc nước,

Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung”.

(Bảo kính cảnh giới 23, Nguyễn Trãi)

Bằng ngôn ngữ, hình ảnh sinh động, giản dị, tính hàm súc cao và sử dụng phép đối, ta đã thấy được một tâm hồn thanh cao, thoát tục, giản dị và đầy yêu nước ở Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó, ông còn người tiên phong mở đường cho một thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Lê Trí Viễn đã nhận xét: “Nguyễn Trãi là bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp của thơ Nôm Việt Nam”. Thật vậy, câu 1 và 7 trong “Thuật hứng 15” chỉ có 6 từ. Sự cách tân táo bạo này đã báo hiệu sự dung hòa giữa thơ Đường với văn chương dân tộc, khi mà cốt cách của riêng nhà thơ, hòa chung vào cốt cách của thời đại, dân tộc.

Vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Đó có lẽ là lời đúc kết ngắn gọn nhất về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi từ bài “Thuật hứng 15”. Ông thanh cao khi nhận thấy mình đã không phù hợp với triều quan nữa, gần gũi khi nói về thiên nhiên và rất sâu sắc khi bày tỏ tấm lòng trung hiếu của bản thân dù cho có từ quan. Không chỉ thế, nhà thơ còn để lại trong “Thuật hứng 15” bài học lòng yêu nước đong đầy dù sống ở đâu hay làm gì mà yêu nước cũng chính là cống hiến sức mình cho đất nước:

“Một mùa xuân nho nhỏ,

Lặng lẽ dâng cho đời,

Dù là tuổi hai mươi,

Dù là khi tóc bạc.”

Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi – Mẫu 2

Ngại ở nhân gian lưới trần Thì nằm thôn dã miễn yên thân Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử Viên hạc đà quen bạn dật dân Hái cúc ương lan hương bén áo Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn Đàn cầm suối trong tai dội Còn một non xanh là cố nhân.

Bài thơ này Nguyễn Trãi làm khi đã về ở ẩn tại lều tranh quê nhà Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Tiên sinh giờ đây như một ẩn sĩ, như một thường dân, lại như một thi sĩ lánh đời ở chốn nước mây, ngoài vòng danh lợi phù phiếm, sau khi đã chịu nhiều bầm dập đớn đau về thể xác và nhất là tinh thần, như thể một cánh chim đã “phải cung nên cũng sợ làn cây cong”…

Ngại ở nhân gian lưới trần Thì nằm thôn dã miễn yên thân

Ngại, là ngại ngần, sợ hãi lắm cái lưới trần, vô hình vô ảnh ở chốn trần gian này. Một người anh hùng dân tộc, đã từng vung bút đuổi hàng chục vạn quân thù (Văn chương Nguyễn Trãi có sức mạnh hơn mười vạn quân- Phan Huy Chú), Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời (Lê Quý Đôn), đã từng lớn tiếng sỉ vả thiên tử nhà Minh là Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng (Bình Ngô đại cáo), mà giờ đây thấy ngại, thấy sợ cái lưới trần vô hình vô ảnh đầy bất trắc oan nghiệt kia, thì sự chua chát đắng cay đã đến độ sâu thẳm rồi. Nên phải lánh về nằm nơi thôn dã miễn yên thân, thì cũng là một lẽ rất thường tình, là tâm sự có thể cảm thông. Thì lại làm bạn làm bầu với trúc với mai, với vượn kêu hạc lẩn:

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử Viên hạc đà quen bạn dật dân

Trúc và mai, chắc là chẳng phụ lòng người quân tử như ta; hoặc là ta chẳng bao giờ phụ cái tình tri âm tri kỷ của trúc và mai, cũng là những cốt cách quân tử đáng trọng ở đời. Từ lều tranh nơi rừng suối ra đi giúp đời giúp nước, rồi lại đeo đẳng ở chốn quyền môn, là phụ với rừng suối, với trúc mai. Bây giờ thì Ngại ở nhân gian lưới trần, ta về đây với lời hứa năm xưa, với những bạn dật dân nơi thôn dã, khỏi phụ lòng trúc mai quân tử. Còn như Viên (vượn) và chim hạc, vốn chẳng xa lạ gì, đều là những bạn quen, thân thiết với kẻ dật dân là ta, cũng đều là tri âm tri kỷ cả! Hình như Ức Trai muốn xua đi những ký ức buồn, xua đi tất cả những lời thị phi bắng nhắng “đắng lỗ tai” để tâm hồn thanh sạch, như một tiên ông thoát tục…

Đây là một câu thơ thần diệu:

Hái cúc ương lan hương bén áo Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn

Hái hoa cúc, ương (trồng) cây lan mà cảm thấy như hương lan hương cúc đang còn bén, còn bám vào, còn đậu vào áo, thì cả không gian, cả trời đất như sực nức mùi hương hoa rồi. Con người như thể đang chìm đắm trong hương hoa dìu dịu của đất trời, còn có thú vị nào hơn? Lại khi tìm mai để thưởng ngoạn, chân bước như vướng phải ánh trăng, như dẫm lên màu trăng tươi trăng nõn mà đi… Còn như sương giá (tuyết) thì bám vào khăn như thể những bông hoa trắng tinh, thấm vào khăn, xâm khăn, chủ động và rất có tình…Quả là những câu thơ vừa ảo vừa thực, sinh động và đẹp long lanh, không ít trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, nhưng lại thật hiếm thấy trong thơ Nôm đương thời và cả mấy trăm năm sau đó.

Hai câu kết: Đàn cầm suối trong tai dội / Còn một non xanh là cố nhân thì tác giả đã vẽ mắt cho bức hoạ bằng thơ, bằng một thứ âm thanh trong vắt, ấy là tiếng suối róc rách, nghe êm như tiếng đàn cầm dội vào trong tai. Cũng có khi tiếng đàn cầm kia dội bên tai, như ở một số bài thơ khác của Tiên sinh đã từng viết, nhưng đây là tiếng đàn cầm dội vào trong tai, nghĩa là tiếng đàn ấy có thể đã có sẵn rồi, luôn để sẵn rồi, có thể nghe thấy nó bất cứ lúc nào khi tâm đã tĩnh. Với Tiên sinh lúc này, chỉ có, chỉ còn một non xanh làm cố nhân mà thôi!

Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi, chất liệu thơ vẫn là những hình ảnh quen thuộc, như hương lan hương cúc, cây trúc, hoa mai, rồi vượn rồi hạc, rồi suối và núi non…Khác chăng là khác ở cấu trúc nội hàm, ở ngữ nghĩa biểu thị, làm giàu có thêm phong vị uyển chuyển của ngôn từ và âm giai của tư tưởng! Mỗi chữ trong bài thơ đều có hồn, như thể chúng đang đi lại, đang tỏa hương, đang nói cười và sắp sửa tuyên ngôn một điều gì đó huyền bí mông lung!…

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi – Mẫu 3

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một tác giả văn học nổi tiếng thời Đại việt trong thế kỷ 15. Tập thơ “Quốc âm thi tập” và “Ức trai thi tập” là hai kiệt tác trong nền thơ ca Việt Nam, thể hiện tài năng của nhà thơ. Riêng “Quốc âm thi tập” – là một tập thơ viết bằng chữ Nôm ra đời sớm nhất, tập thơ thể hiện một nhân cách và một tâm hồn Nguyễn Trãi tài hoa, nặng lòng với quê hương, đất nước.

Quốc âm thi tập được sáng tác hoàn toàn bằng chữ Nôm. Tập thơ nhìn chung không có tên riêng cho từng bài thơ, nhà thơ nhóm vào thành từ bài như Mạn Thuật, Trần tình, Tự sán, Tức sự, Thuật hứng…. Thuật hứng gồm 25 bài, trong đó bài thơ thứ 15 là bài thơ đặc sắc:

Đàn cầm suối trong tai dội,

Còn một non xanh là cố nhân.

Thuật hứng tức là bày tỏ sự hứng thú riêng của mình, đây là tập thơ được Nguyễn Trãi sáng tác trong thời kỳ ở ẩn Côn Sơn. Sau thời gian làm quan dưới triều vua Lê Lợi, chán ghét chốn quan trường lạc lõng, Nguyễn Trãi quyết tâm rời bỏ để về quê. Cũng như những bài thơ khác trong chùm thơ Thuật Hứng, Thuật hứng số 15 khai thác những đề tài quen thuộc như mai, cúc, non, nguyệt, quân tử, cố nhân… tạo nên vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa thanh cao. Bài thơ đã thể hiện một cách sâu sắc đẹp đẽ tình cảm của Ức Trai coi thường chốn danh lợi, thích sống một cuộc sống thanh bạch và lúc nào cũng giữ một tấm lòng trung hiếu, son sắt, thuỷ chung.

Hai câu đề: động từ “ngại” được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh tình cảnh của người khi về ở ẩn. Ngại ở đây là ngại ngần, sợ hãi cái lưới trần, vô hình ở chốn trần gian này.

Ngại ở nhân gian lưới trần,

Thì nằm thôn dã miễn yên thân.

Một người anh hùng dân tộc với ngòi bút có thể đuổi hàng vạn quân thù, viết thư thảo hịch động viên tướng sĩ giỏi hơn mọi thời nào, đã từng thay vua viết bản tuyên ngôn độc lập (Bình Ngô Đại cáo) để khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc mà giờ đây phải chấp nhận cáo quan về quê vì ngại, đành tìm cái thú vui nơi thôn dã với mong muốn được yên thân. Ý thơ có sự chua chát, cay đắng, thoáng chút bẽ bàng của con người trước thời cuộc. Nhưng với người đọc chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông bởi khi con người đã quá chán ghét cảnh sống bon chen, lừa lọc thì tìm về nơi thôn dã để yên thân cũng là việc rất đỗi thường tình.

Hai câu thực là hình ảnh của quân tử với trúc, mai, vượn, hạc. Đây đều là những người bạn rất quen thuộc của người quân tử, cũng là thi liệu quen thuộc trong thơ Đường luật. Ở đây ý nói trúc mai chẳng bao giờ bỏ người quân tử là ta, cũng như ta chẳng bao giờ phụ tình cảm của trúc mai, cũng là cốt cách của người quân tử đáng trọng trong cuộc đời. Tương tự vượn và hạc vốn chẳng xa lạ gì, vẫn là người bạn thân quen của ta, tất cả đều là tri kỉ trong chốn này. Trốn tránh vòng danh lợi thị phi, ghê sợ trước lòng người nham hiểm trong xã hội, chỉ có trúc mai, vượn hạc là những người bạn tâm giao đáng tin cậy của người quân tử.

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

Viên hạc đà quen bạn dật dân.

Hai câu luận mới thực sự là dạng tuyệt bút: Hái cúc ương lan hương bén áo/ Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn. Chúng ta thấy hình ảnh của một vị hiền triết đang hái cúc, trồng hoa lan, làm bạn với thiên nhiên. Động từ “bén” gợi hương của lan cúc bám vào áo, đậu vào áo, cả không gian thiên nhiên, cả người như thể chìm trong hương hoa thơm ngát, dịu ngọt của đất trời. Lại có khi tìm mai trong vườn, chân bước vướng vào ánh trăng, chân như dẫm lên trăng mà đi. Còn tuyết (sương giá) bám vào khăn giống như những bông hoa trắng tinh. Quả là những hình ảnh thơ vừa thực, vừa ảo, rất riêng trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi.

Đàn cầm suối trong tai dội

Còn một non xanh là cố nhân

Những câu thơ trên chưa có âm thanh xuất hiện thì hai câu kết là tiếng đàn cầm gảy bên bờ suối dội vào tai. Hoặc cũng có thể hiểu là tiếng suối róc rách chảy giống như tiếng đàn cầm dội vào trong tai của cụ Ức Trai. Âm thanh ấy là âm thanh của cuộc sống nơi điền viên thôn dã, nhưng cũng có khi là âm thanh có sẵn trong tâm tưởng của nhà thơ. Bất cứ khi nào tĩnh tâm thì âm thanh ấy lại dội lại, khiến nhà thơ giật mình.

Bài thơ Thuật Hứng 15 là bài thơ Đường luật với đề tài không mới, những hình ảnh sử dụng khá ước lệ trong thơ cổ như mai, tuyết, trăng, vượn, hạc… sự mới mẻ nằm trong cách lựa chọn các từ ngữ đắt giá như bén, đạp, xâm… tạo nên những vần thơ vừa thực, vừa ảo. Đặc biệt những câu 6 chữ xen 7 chữ, nghệ thuật đối, đảo được sử dụng nhuần nhuyễn… thể hiện tài năng của nhà thơ Nguyễn Trãi.

Thuật hứng 15 đã thể hiện được một cốt cách cao đẹp, sẵn sàng rời xa vinh hoa, phú quý để tìm đến những thú vui điền viên. Không trực tiếp bày tỏ tâm sự, nỗi niềm trước thời cuộc nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được một hồn thơ Nguyễn Trãi mang đầy tâm sự.

Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi – Mẫu 4

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Các tập thơ “Quốc âm thi tập” và “Ức trai thi tập” của ông được xem là hai kiệt tác của nền thơ ca. Trong đó “Quốc âm thi tập” là tập thơ viết bằng chữ Nôm ra đời sớm nhất và hiện nay vẫn giữ được 254 bài thơ. Tuy nhiên, không có tên riêng cho từng bài thơ trong “Quốc âm thi tập”. Nguyễn Trãi đã nhóm thành nhiều chùm thơ, bao gồm “Ngôn chí”, “Mạn thuật”, “Trần tình”, “Thuật hứng”, “Tự thán”, “Tức sự”, “Bảo kính cảnh giới” và nhiều nhóm khác. Một trong số đó có bài thơ số 15 trong chùm thơ “Thuật hứng” gồm 25 bài là một trong những tác phẩm nổi bật của ông.

Bài thơ Thuật hứng 15 được Nguyễn Trãi sáng tác khi rút lui về ẩn cư tại lều tranh ở quê hương Côn Sơn, Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Lúc này, Nguyễn Trãi đã trở thành một ẩn sĩ, một người thường, đứng xa danh lợi sau khi đã trải qua quãng thời gian chịu nhiều đớn đau về tinh thần. Bắt đầu từ những câu đề, tác giả đã nói tới lí do về ở ẩn của mình:

Ngại ở nhân gian lưới trần

Thì nằm thôn dã miễn yên thân

Là một nhà văn, nhà thơ, một anh hùng dân tộc đã trải qua bao năm ở quan trường, đánh đuổi hàng vạn quân thù mà giờ đây lại “ngại nhân gian ở lưới trần” thì sự chua chát, đắng cay đã đến độ sâu thẳm. Cuối cùng tác giả tìm con đường về ở ẩn cũng là điều dễ hiểu và cảm thông. “Thì nằm thôn dã miễn yên thân” – mô tả cách giải thoát của con người khỏi lưới trần đó, thông qua việc rời bỏ cuộc sống xô bồ và tìm kiếm sự yên bình, tĩnh lặng và cân bằng trong đời sống tinh thần. “Thôn dã” được đặt ra như một cách để tách biệt với những ồn ào, hối hả của chốn quan trường, “miễn yên thân” tức là không gặp phải những lo toan và phiền muộn của cuộc sống hiện tại. Hai câu thơ này cho thấy sự nhận thức của Nguyễn Trãi về những khó khăn và rắc rối trong cuộc sống, cũng như cách giải thoát của con người thông qua việc tìm kiếm sự tĩnh lặng và cân bằng trong đời sống tinh thần.

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử

Viên hạc đà quen bạn dật dân

Cây trúc, cây mai vốn chẳng xa lạ gì nhưng lại không phụ lòng quân tử, ở đây chính là không phụ lòng tác giả. Bằng việc dùng hoa trúc mai để so sánh, Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh rằng đức tính của người quân tử cũng như hoa trúc mai, tuy không được nổi bật nhưng lại vô cùng quý giá và tuyệt vời. “Viên” (vượn) và hạc là những loài quá quen thuộc, là bạn tri kỉ với người quân tử ở chốn yên bình này. Vì vậy, Nguyễn Trãi đã quyết định lánh về đây nơi thôn dã yên bình để giải thoát tâm hồn khỏi những phiền não của thế sự.

Đến hai câu luận mới là những câu thơ thần diệu:

Hái cúc ương lan hương bén áo

Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn

Tác giả hái hoa cúc, ương (trồng) hoa lan mà mùi hương còn “bén” cả áo thì cả trời đất nơi đây đã tràn ngập mùi hương thơm của hoa. Và con người ông cũng đang chìm đắm trong hương hoa của đất trời. Lại có lúc ta tìm mai để thưởng ngoạn, nhưng lại “đạp nguyệt” vướng vào ánh trăng mà đi. “tuyết xâm khăn” ý chỉ tuyết trắng bám vào mảnh khăn như những bông hoa trắng càng làm cho không gian ở ẩn của tác giả thêm mờ ảo. Quả thực hai câu thơ này vừa ảo, lại vừa thực rất sinh động gặp phổ biến trong thơ Nôm Nguyễn Trãi mà không phải ai cũng có.

Đến hai câu kết, có những âm thanh được vẽ ra:

Đàn cầm suối trong tai dội

Còn một non xanh là cố nhân

Tác giả đã sử dụng lời thơ để vẽ mắt cho bức hoạ, tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp với âm thanh trong vắt của tiếng suối róc rách. Tiếng nước chảy như những nốt nhạc đàn cầm vang vọng trong tai, mang lại sự êm ái cho tâm hồn người đọc. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Trãi sử dụng tiếng đàn cầm để tạo nên một bức tranh thơ, nhưng ở đây, tiếng đàn cầm không chỉ đơn thuần là âm thanh, mà còn là một tình cảm, một cảm xúc âm ỉ, mà chỉ có thể cảm nhận được khi tâm hồn đã yên bình. Với tác giả, trong khoảnh khắc đó, chỉ có một non xanh làm cố nhân mà thôi, mang đến cho người đọc một cảm giác thanh tịnh, an nhiên.

Trong Thuật Hứng – Bài 15 của Nguyễn Trãi, những hình ảnh quen thuộc như hương lan, hương cúc, cây trúc, hoa mai, vượn, hạc, suối và núi non vẫn được sử dụng nhưng được bổ sung thêm cấu trúc nội hàm và ngữ nghĩa biểu thị phong phú, đem lại cho tác phẩm một vẻ uyển chuyển đầy sức sống của ngôn từ và tư tưởng. Tất cả các chữ trong bài thơ đều có một hồn riêng, như thể chúng đang sống động, đang phát ra hương thơm, đang tỏa sáng cười và chuẩn bị tuyên bố một điều gì đó huyền bí, thú vị. Cảm giác của người đọc như đang bị cuốn vào một thế giới tuyệt vời, đầy màu sắc và âm thanh. Bài thơ này thực sự là một tác phẩm đáng để trân trọng và đọc lại nhiều lần.

Thuật Hứng 15 của Nguyễn Trãi cho thấy một cái nhìn thực tế, mơ mộng nhưng đầy nghiệt ngã về cuộc sống của tác giả. Trong thời đại thăng trầm, thối nát của triều chính, Nguyễn Trãi không còn cách nào khác ngoài việc trốn về sống ẩn dật. Ông đã quá chán nản với cuộc đời và tìm kiếm sự thanh thản trong những cảnh đẹp của thiên nhiên. Tuy nhiên, dù là ẩn cư trong tự tại, nỗi buồn, nuối tiếc vẫn luôn ở đây, đong đầy trong tâm trí bậc cao nhân. Tác phẩm này là một lời nhắc nhở về những khổ đau và đắng cay của cuộc đời, đồng thời là lời tôn vinh những giá trị tinh thần cao quý trong đó.

*********

Trên đây là 4 bài văn Phân tích bài thơ Thuật hứng 15 của Nguyễn Trãi lớp 10 hay nhất do thầy cô trường Ngô Thì Nhậm biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ là nguồn tài liệu giúp các em rèn luyện kỹ năng viết văn của mình ngày một hoàn thiện hơn.

Đăng bởi các thầy cô trường THPT Ngô Thì Nhậm trong chuyên mục Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button