Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm
Bằng trải nghiệm văn học bình luận về ý kiến: Nhà văn Marguerite Duras cho rằng: Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm .
Cùng ôn thi thật tốt môn Ngữ văn đặc biệt là trong kì thi HSG thì THPT Ngô Thì Nhậm muốn gửi tới các em một câu hỏi trong đề thi khá hay dưới đây.
Đề bài: Nhà văn Marguerite Duras cho rằng: “Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”
(Theo: tiasang.com.vn/-van-hoa/co-don-cua-viet-3253)
Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, hãy bình luận ý kiến trên.
Hướng dẫn
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, thể hiện quan điểm riêng, độc đáo, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích
– “Nỗi cô đơn”: là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết nối hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai.
– “Viết” trong câu nói của Marguerite Duras là hành động của nhà văn khi lựa chọn, sắp xếp ngôn từ một cách nghệ thuật để tạo nên tác phẩm văn học.
– Tác phẩm văn học là công trình sáng tạo của nhà văn, sử dụng chất liệu ngôn từ và phương tiện là hình tượng nghệ thuật để gửi gắm thông điệp về con người và cuộc đời.
-> Nhà văn luôn rơi vào trạng thái cô đơn khi sáng tác .
Câu nói đã chỉ ra một đặc trưng quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn cũng như yêu cầu khắt khe của hoạt động sáng tạo.
3. Lí giải
– Sáng tác văn học là hoạt động đặc thù mang tính đơn lẻ, cá thể hóa cao độ. Nhà văn là người duy nhất chịu trách nhiệm trong quá trình sáng tác từ hình thành ý đồ, trăn trở suy tư để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đến sửa chữa bản thảo…
– Sự cô đơn, tĩnh lặng là điều kiện cần thiết cho nhà văn sống sâu sắc với nhiều cảnh ngộ, nhiều số phận, đặt mình trong nhiều cảnh huống éo le, để ngộ ra những triết lí mà đôi khi sự ồn ào vô tình xóa nhòa đi mất. Khi nhà văn sống một mình, là khi anh ta sống với nhiều người nhất, sống với cả thế giới trong nội tâm mình… để từ mảnh đất hiện thực trong tâm tưởng ấy đặt bút viết nên những trang văn có khả năng thanh lọc và cứu rỗi linh hồn con người.
– Nhà văn là người có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động với cuộc đời và con người. Những nỗi niềm ấy họ gửi vào trang viết với mong muốn kiếm tìm sự đồng cảm, tri âm từ độc giả. Tuy nhiên, “tri âm thực khó thay” (Lưu Hiệp), hầu hết tiếng lòng người nghệ sĩ đành “để gió cuốn đi”, ít nhất là trong thời đại họ sống. – Văn học luôn đòi hỏi ở người viết sự sáng tạo làm nên dấu ấn phong cách cá nhân. Viết là hành trình thám hiểm đến những vùng đất mới với cái nhìn mới lạ chưa từng có. Vì thế, cô đơn là điều tất yếu trong hành trình đi tìm bản thể độc đáo với yêu cầu khắt khe: không lặp lại người khác cũng chẳng được lặp lại chính mình.
– Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo và luôn chứa đựng trong nó những tầng nghĩa không dễ gì khai mở. Những tư tưởng lớn được gửi vào những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm đôi khi vượt tầm thời đại cũng cản trở sự tiếp nhận của độc giả… Tất cả đều góp phần tạo nên trạng thái cô đơn của nhà văn.
4. Phân tích – Chứng minh
HS chọn phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận:
– Cô đơn là trạng thái đầu tiên thôi thúc nhà văn cầm bút sáng tạo – Cô đơn được chuyển hóa thành cảm xúc, tư tưởng trong tác phẩm.
– Cô đơn là biểu hiện của nét riêng mang dấu ấn phong cách cá nhân người nghệ sĩ.
– Cô đơn là số phận của tác phẩm và nghệ sĩ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
5. Bình luận, đánh giá vấn đề
– Nhà văn viết cô đơn nhưng không được phép sống cô đơn. Cô đơn là trạng thái cần có để sáng tác song không thể trở thành cách sống xa lánh cuộc đời. Anh phải “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” (Nam Cao)
– Nỗi cô đơn của tác giả khi chuyển hóa vào tác phẩm phải trở thành nỗi cô đơn của nhân loại bởi tác phẩm chân chính phải “đi từ chân trời của một người tới chân trời của mọi người” (Paul Eluard). Nếu nó không mang tầm nhân loại, nếu cá nhân chỉ loay hoay trong nỗi cô đơn của riêng mình thì lúc đó cô đơn đồng nghĩa với cái chết của nghệ thuật.
– Độc giả đến với tác phẩm văn học phải mở rộng tâm hồn mình để đồng cảm, tri âm với nỗi cô đơn của nhà văn gửi gắm sau từng dòng chữ.
Nguồn: Kì thi chọn đội tuyển dự thi HSG cấp tỉnh trường Chuyên Nguyễn Trãi.
-/-
Mong rằng với những tài liệu trên đây các em sẽ bổ sung vào kho tàng văn học của mình một kiến thức hữu ích!
– Tuyển tập đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn mới nhất –