Giáo dụcLớp 12

Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người

Đề bài: Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người

nghi luan xa hoi ve y nghia viec hieu minh hieu nguoi

Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người.

2. Thân bài:

a. Giải thích khái niệm “hiểu mình”, “hiểu người”:
– “Hiểu mình” là biết bản thân mình đang cần gì và phải thực hiện như thế nào để đạt được những mong muốn đó.
– “Hiểu người” là khi bạn biết cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh bằng tất cả sự chân thành.

b. Bàn luận về ý nghĩa của việc “hiểu mình”, “hiểu người”:

– Biểu hiện của việc hiểu mình, hiểu người?
+ Hiểu rõ cá tính, nắm được những lợi thế, ưu điểm cũng như những thiết sót, nhược điểm cần khắc phục của bản thân.
+ Quan tâm, đồng cảm, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn một cách chân thành với những người xung quanh mình mà không cần sự đáp lại.

– Ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người:
+ Hiểu mình, hiểu người sẽ giúp chúng ta có cuộc sống ý nghĩa, tích cực.
+ Người biết hiểu mình, hiểu người sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng.
+ Hiểu mình, hiểu người sẽ rút ngắn khoảng cách giữa con người, giúp con người xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

c. Phê phán:
– Phê phán những con người không có sự thấu hiểu, đồng cảm.
– Những người sống ích kỉ, nhỏ nhen, đề cao chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá.
– Những người sống không có ước mơ, lí tưởng.

d. Bài học:

– Cần biết bản thân mình thực sự muốn làm điều gì, khao khát điều gì để cố gắng đạt được mục đích.
– Cần sống có ước mơ, hoài bão và phấn đấu hết mình cho ước mơ ấy.
– Cần có lòng đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.

3. Kết bài

– Khái quát lại ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người.

II. Bài viết mẫu Nghị luận xã hội về ý nghĩa việc hiểu mình, hiểu người (Chuẩn)

Để giúp bản thân trở nên hoàn hảo hơn thì trước hết bạn phải biết điều gì cần làm và nên làm. Hiểu mình, hiểu người không phải là việc riêng của cá nhân nào mà đó còn là một triết lí sống khiến bất kì ai trong chúng ta cũng cần học hỏi. Vậy hiểu mình, hiểu người có ý nghĩa như thế nào đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người?

Sự thấu hiểu về bản thân chính là bước đệm để bạn khám phá được thế giới nội tâm của những người xung quanh. “Hiểu mình” là việc bạn biết vị trí của mình đang ở đâu, bạn đang cần gì và phải làm gì để trở thành phiên bản tốt nhất có thể. Tôn Tử đã từng dạy: “Tri kỉ, tri bỉ bách chiến bách thắng” (Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng) cho nên hiểu mình thôi là chưa đủ mà bạn cần phải hiểu người thì mới có thể giành chiến thắng vang dội. Hiểu người chính là sự đồng cảm, sự chia sẻ với những người xung quanh bằng tất cả cảm xúc chân thành nhất mà không cần sự đáp lại.

“Con người sinh ra là để sống chứ không phải là tồn tại” (Jack London) nhưng trong nhịp sống hiện đại hối hả thì con người bỗng trở nên sống vội, mặc kệ mọi thứ xung quanh và cũng quên rằng mình đang sống vì điều gì. Nếu bạn không có mục đích sống thì chẳng khác gì những chiếc thuyền lênh đênh ngoài biển khơi giữa đêm tối mịt mù mà không có ngọn hải đăng chiếu sáng. Khi bạn hiểu được tiếng nói của lòng mình thì đây chính là chiếc đòn bẩy vực bạn ra khỏi bóng đêm tiêu cực. Để biết mình đang muốn gì thì bạn cần nắm được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tiếp tục trau dồi và phát huy điểm mạnh, thay đổi và khắc phục điểm yếu, biến điểm yếu trở thành điểm mạnh. Bên cạnh việc hiểu mình thì chúng ta cũng cần đốt cháy ngọn lửa trong trái tim để nó lan tỏa hơi ấm đến những người xung quanh. Trong ca khúc “Để gió cuốn đi” cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Có thể nói việc hiểu mình, hiểu người chính là sợi dây tình cảm rút ngắn khoảng cách giữa người với người trong xã hội hiện đại.

Chúng ta không thể lựa chọn nơi sinh ra nhưng chúng ta có quyền được lựa chọn cách sống cho riêng mình. Bên cạnh những người có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc thì vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bơ vơ, bất hạnh khác đang cần sự sẻ chia, đồng cảm từ mọi người. Khi bạn biết quan tâm, chia sẻ những thứ mình có cho người còn thiếu bằng tất cả tấm chân tình mà không cần sự đáp lại từ họ thì bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hiểu mình, hiểu người chính là cánh cửa mở ra thế giới của hạnh phúc. Không những vậy, bạn còn được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng và thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu lòng nhân ái.

“Lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta và luôn được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Hiểu mình, hiểu người chính là khi bạn biết chung tay góp sức để làm việc có ích cho xã hội. Đại dịch Covid đang diễn ra phức tạp trên khắp cả nước đã khiến cho nhiều lao động phải mất việc, rơi vào cảnh nghèo khó. Nhờ có sự chung tay giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm của các “Mạnh Thường Quân” nên rất nhiều lao động nghèo khổ được nhận bảo hiểm thất nghiệp, tiền ủng hộ và các nhu yếu phẩm để trang trải cuộc sống. Rất nhiều gian hàng “Đổi rác lấy thực phẩm” ở Hà Nội đã hỗ trợ đắc lực cho những người có hoàn cảnh khó khăn trước áp lực của Covid 19 vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc lại vừa chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên bên cạnh những tấm lòng hảo tâm thì vẫn còn có một bộ phận nhỏ những cá nhân sống ích kỉ, chỉ biết sống cho riêng mình và vô cảm trước những nỗi đau của nhân loại. Họ là những người sống không có ước mơ, không có lí tưởng, không biết chung tay góp sức vì một xã hội tràn ngập tình người.

Để mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần xây dựng một kế hoạch cụ thể về những việc cần làm và phải làm để lấy đó là mục tiêu phấn đấu. Nếu bạn dám ước mơ, dám khao khát về một điều gì đó thì nhất định bạn sẽ tìm ra cách để gỡ rối những khó khăn mắc phải bởi “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Khi bạn đã hiểu được lòng mình thì việc đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh cũng sẽ trở nên dễ dàng.

Hiểu mình, hiểu người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Đó là chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của thành công và hạnh phúc. Hãy hướng tâm hồn đến những vùng đất cần sự giúp đỡ của bạn để biết trân trọng hơn những ngày ta còn sống.

——————HẾT—————–

Bên cạnh bài Nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc hiểu mình hiểu người, các em có thể tham khảo những bài viết sau để nâng cao kĩ năng làm văn nghị luận xã hội: Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu, Nghị luận xã hội 200 chữ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về vai trò của bình yên trong cuộc sống, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa của sự thay đổi bản thân.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button