Giáo dụcLớp 12

Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi

Đề bài: Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi

nghi luan ve so hai va cach vuot qua so hai

Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi
 

Bạn đang xem: Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi

I. Dàn ý Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi (Chuẩn)

1. Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận: sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi.

2. Thân bài

a. Bàn luận về sự sợ hãi của con người trong cuộc sống

– Giải thích khái niệm “sợ hãi”
+ Là một trong những trạng thái tinh thần tiêu cực gắn với nét tâm lí hoang mang, lo sợ.
+ Trạng thái cảm xúc này xuất hiện như một phản xạ tự nhiên khi chúng ta nhận ra mối nguy hại ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa, gây ra sự nguy hiểm.
– Nêu tác hại của nỗi sợ hãi
+ Khiến con người trở nên hèn nhát, không dám đối diện với những chông gai, thử thách.
+ Khiến con người không dám vượt qua giới hạn của bản thân.

b. Bàn luận về cách vượt qua sợ hãi

– Con người cần giữ được sự bình tĩnh, luôn giữ bản thân ở thế chủ động để đối mặt với những lo âu, từ đó tìm cách vượt qua và chiến thắng nỗi sợ.
– Biến nỗi sợ hãi của chính mình thành động lực để hành động thiết thực.
– Can đảm dấn thân, nhanh chóng nắm bắt lấy những cơ hội mà không hề đắn đo, do dự.
– Trước khi thực hiện mọi kế hoạch, con người cần nghiêm túc suy nghĩ về những khó khăn, rủi ro tiêu cực có thể xảy ra để vạch ra phương hướng, cách thức vượt qua.

3. Kết bài

Khái quát vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi (Chuẩn)

“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Câu nói nổi tiếng của Đặng Thùy Trâm đã để lại một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cách vượt qua những chông gai, thử thách cuộc đời. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có được bản lĩnh kiên cường trước những khó khăn, gian nan. Có không ít sóng gió khiến con người sợ hãi, chùn bước và gục ngã. Vậy làm như thế nào để chúng ta có thể chiến thắng những sợ hãi và vượt qua những phong ba bão táp của đường đời?

Như chúng ta đã biết, sợ hãi là một trong những trạng thái tinh thần tiêu cực gắn với nét tâm lí hoang mang, lo sợ của con người. Trạng thái này xuất hiện như một phản xạ tự nhiên khi chúng ta nhận ra mối nguy hại ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa, gây ra sự nguy hiểm. Khác với sự lo lắng thông thường, nỗi sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện và vượt qua. Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, tuy nhiên cũng có những nỗi sợ vô hình in sâu trong tâm lí, tiềm thức của con người, chỉ cần một tác động nhỏ của ngoại lực, sự sợ hãi sẽ bộc phát và gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Nỗi sợ thường xuất phát từ những áp lực ràng buộc con người, chẳng hạn như học sinh thường lo sợ những bài kiểm tra, sợ điểm kém bởi ảnh hưởng của căn bệnh thành tích và đòn roi từ bố mẹ; các bạn sinh viên, cử nhân ra trường lo sợ không thể tìm kiếm công việc phù hợp để nuôi sống bản thân; nhân viên công sở e dè, không dám dấn thân trước sự đòi hỏi cao của tính chất công việc,…

Để vượt qua nỗi sợ hãi, trước hết chúng ta cần giữ được sự bình tĩnh, luôn giữ bản thân ở thế chủ động để đối mặt với những lo âu, từ đó tìm cách vượt qua và chiến thắng nỗi sợ. Cậu bé Dre Parker trong bộ phim “Karate Kid” là một trong những minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ sự chiến thắng của lòng dám cảm. Năm 12 tuổi, Dre theo bố mẹ di chuyển từ thành phố Detroit, Mỹ sang Bắc Kinh, Trung Quốc để học tập, sinh sống. Tại miền đất mới, sự khác biệt về làn da, ngôn ngữ khiến cậu thường xuyên bị những học sinh khác bắt nạt. Ban đầu, cậu bé học võ chỉ để phòng thân và đánh bại những người bạn xấu, nhưng đến cuối cùng, cậu nhận ra ý nghĩa của điều mà cậu đang cố gắng thực hiện. Đó là việc cậu muốn chiến thắng những nỗi ám ảnh, lo sợ: “Con vẫn muốn lên thi đấu vì con còn sợ. Con không muốn ngày hôm nay kết thúc mà con vẫn còn nỗi sợ này. Dù thắng hay thua, con vẫn phải làm để con không còn sợ nữa …”. Câu nói đã thể hiện nghị lực phi thường, quyết tâm cao độ vượt qua những tổn thương trong quá khứ của một cậu bé 12 tuổi. Cậu bé đã lựa chọn đứng lên đối diện, đánh bại, chiến thắng thay vì gục ngã và bị nhấn chìm trong nỗi sợ mãi mãi. Bộ phim đã để lại bài học sâu sắc về việc biến nỗi sợ hãi của chính mình thành động lực để hành động thiết thực. Điều này cũng giống như việc chúng ta can đảm dấn thân, nhanh chóng nắm bắt lấy những cơ hội mà không hề đắn đo, do dự. Để làm được những điều này, chúng ta cần rèn luyện thái độ sống tích cực, lạc quan để xua tan những nỗi lo âu, muộn phiền giống như bức thông điệp ẩn chứa trong câu nói: “Hãy hướng về phía mặt trời. Bóng tối sẽ ngả về sau bạn”. Ngoài ra, trước khi thực hiện mọi kế hoạch, con người cần nghiêm túc suy nghĩ về những khó khăn, rủi ro tiêu cực có thể xảy ra để vạch ra phương hướng, cách thức vượt qua. Khi làm được điều này, đồng nghĩa với việc con người đã chiến thắng bản thân để đương đầu trước mọi gian nan, bởi “vượt qua nỗi sợ hãi chính là tiền đề của sự thành công”.

Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được cuộc sống của con người luôn chứa đựng nhiều nỗi sợ. Để chiến thắng sự lo âu, sợ hãi, đồng thời đứng vững và đạt tới thành công bằng chính đôi chân của mình, con người cần rèn luyện bản lĩnh, nghị lực kiên cường, bền bỉ.

————————HẾT————————-

Để củng cố thêm cho kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnh bài Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 12 khác như: Nghị luận: Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa, Nghị luận xã hội: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp, Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button