Văn mẫu 12

Nghị luận về lối sống có trách nhiệm

Hướng dẫn làm văn nghị luận về lối sống có trách nhiệm, lập dàn ý chi tiết và tham khảo một số bài văn mẫu hay bàn về lối sống có trách nhiệm trong xã hội hiện nay.

Đã bao giờ em tự hỏi liệu mình đã và đang sống một cuộc đời có trách nhiệm hay chưa? Hãy cùng khám phá xem lối sống có trách nhiệm là gì, những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại và cách để các em có thể áp dụng nó vào cuộc sống của mình ngay hôm nay!

Nghị luận về sống có trách nhiệm là một trong số những bài văn nghị luận thường gặp trong chương trình Tập làm văn khối THPT. Bài viết này sẽ cung cấp cho các em những gợi ý cơ bản để có thể viết được một bài văn hay và sâu sắc.

Hướng dẫn làm bài nghị luận về sống có trách nhiệm

1. Phân tích đề

– Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ về lối sống có trách nhiệm.

– Dạng đề: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: những sự việc, con người trong thực tế biểu hiện của sống có trách nhiệm.

– Thao tác lập luận: giải thích, phân tích, bình luận.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích khái niệm về lối sống có trách nhiệm

Luận điểm 2: Vì sao cần phải sống có trách nhiệm ?

– Luận điểm 3: Biểu hiện của lối sống có trách nhiệm

Luận điểm 4: Ý nghĩa, vai trò của lối sống có trách nhiệm.

3. Sơ đồ tư duy nghị luận về sống có trách nhiệm

Dàn ý chi tiết nghị luận về lối sống có trách nhiệm

1. Mở bài

– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lối sống có trách nhiệm là gì và tại sao nó quan trọng?

Ví dụ: Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào cấu thành nên một xã hội. Vai trò của con người trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vô cùng quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta vừa có trách nhiệm với bản thân vừa có trách nhiệm với xã hội. Bởi vậy sống có trách nhiệm chính là lối sống lành mạnh và cần phải phát huy.

2. Thân bài

a) Lối sống có trách nhiệm là gì?

– Lối sống có trách nhiệm là lối sống mà mỗi cá nhân cần nhận thức rõ vai trò, nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường. Nó thể hiện qua những hành động, suy nghĩ, quyết định, và lối sống hàng ngày, hướng đến mục tiêu chung là phát triển bản thân, góp phần xây dựng cộng đồng tốt đẹp và bảo vệ môi trường sống.

– Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân…; dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân.

+ Sống có trách nhiệm là biết hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế, giữ lời hứa, dám làm dám chịu hậu quả.

+ Tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

+ Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công việc.

b) Vì sao cần phải sống có trách nhiệm?

– Đối với cá nhân:

+ Sống có trách nhiệm giúp con người cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn bởi họ đang sống một cuộc đời ý nghĩa, góp phần vào việc tạo ra điều tốt đẹp cho bản thân và thế giới xung quanh.

+ Khi con người nhận thức rõ trách nhiệm của mình, họ sẽ tự tin hơn vào bản thân, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, tự tạo dựng cuộc sống riêng cho mình.

+ Lối sống có trách nhiệm thúc đẩy con người không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực bản thân để có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

+ Sống có trách nhiệm giúp con người xây dựng các mối quan hệ bền vững, dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.

+ Sống có trách nhiệm là một chuẩn mực để đánh giá nhân cách, sự trưởng thành của một người

+ Là một nét sống đẹp, là phẩm chất cần có của những người trẻ hiện đại.

+ Là hành động khẳng định giá trị bản thân, dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng, giúp cho cuộc sống chung trở nên tốt đẹp hơn.

– Đối với xã hội:

+ Lối sống có trách nhiệm góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo dựng một môi trường sống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

+ Sống có trách nhiệm giúp con người nhận thức được vai trò của mình trong cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

+ Lối sống có trách nhiệm giúp giảm thiểu các vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, bất công xã hội, bạo lực gia đình,…

+ Lối sống có trách nhiệm là nền tảng để con người cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và thịnh vượng.

c) Biểu hiện của sống có trách nhiệm

– Có trách nhiệm với bản thân:

+ Chăm sóc sức khỏe bao gồm cả thể chất và tinh thần: ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.

+ Luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, phát triển bản thân, theo đuổi đam mê và sở thích, nâng cao năng lực bản thân để có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

+ Lập kế hoạch, sử dụng thời gian và tài chính một cách hợp lý, tránh lãng phí, đầu tư vào những điều có ích cho bản thân và gia đình.

+ Tránh xa những thói quen xấu như nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện rượu bia, ma túy,… để giữ gìn sức khỏe, tinh thần minh mẫn và tạo dựng cuộc sống tích cực.

– Có trách nhiệm với gia đình, bạn bè và những người xung quanh:

+ Luôn giữ thái độ tích cực, biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của người khác.

+ Sẵn sàng giúp đỡ gia đình, bạn bè, những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, tạo dựng mối quan hệ bền vững và đầy yêu thương.

+ Tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện góp phần giải quyết những vấn đề của cộng đồng, mang lại lợi ích cho xã hội.

+ Có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa, tham gia các hoạt động bảo vệ động vật, góp phần bảo vệ hành tinh xanh.

+ Khi làm việc gì đó sai lầm, nên có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm thay vì chối cãi hay cố tình lảng tránh.

– Có trách nhiệm với xã hội, đất nước:

+ Luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với pháp luật, tôn trọng luật pháp, không vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, pháp trị.

+ Sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình để đóng góp cho xã hội, tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người gặp khó khăn.

+ Tìm hiểu và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội một cách có trách nhiệm, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

+ Luôn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

– Đối với học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường:

+ Chăm lo học tập tốt, hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp.

+ Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà trường.

+ Có tinh thần yêu nước…

+ Sống hòa nhập với bạn bè, thầy cô và trường lớp.

+ Có mục đích học tập định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng.

+ Biết giữ gìn sức khỏe, học tập, đổi mới và tích cực phấn đấu.

+ Có trách nhiệm với bố mẹ, với anh chị em, với những lời nói mà mình nói ra hằng ngày đối với họ.

d) Ý nghĩa, vai trò của lối sống có trách nhiệm

* Đối với bản thân

– Giúp bản thân hoàn thiện nhân cách, rèn luyện ý thức tự giác, kỷ luật.

– Tạo dựng uy tín, niềm tin với mọi người xung quanh, được mọi người yêu quý, kính trọng và giúp đỡ

– Giúp bản thân học tập, rèn luyện và làm việc hiệu quả hơn, hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao

– Góp phần xây dựng cuộc sống bản thân ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc.

– Đảm bảo quyền hạn, lợi ích của mình và người khác góp phần phát triển và giữ gìn đất nước.

* Đối với gia đình và xã hội

– Mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình.

– Giúp gia đình đoàn kết, gắn bó hơn.

– Góp phần xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

– Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

– Tạo điều kiện cho sự phát triển chung của cộng đồng.

– Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

* Vai trò của lối sống có trách nhiệm

– Là kim chỉ nam cho hành động: Sống có trách nhiệm giúp con người định hướng hành động đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Là động lực thúc đẩy con người phấn đấu: Sống có trách nhiệm giúp con người có ý thức học tập, rèn luyện, làm việc hiệu quả hơn.

– Là sợi dây gắn kết con người: Sống có trách nhiệm giúp con người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

e) Bàn luận mở rộng

– Sống có trách nhiệm không phải là gánh nặng mà là một sự tự do, là cách để con người chủ động định hướng cuộc sống của mình, tự tạo ra những giá trị ý nghĩa cho bản thân và xã hội.

– Sống có trách nhiệm không phải là sự hy sinh bản thân mà là sự thỏa mãn về tinh thần khi được đóng góp cho cộng đồng, là sự tự hào khi bản thân trở nên hữu ích.

– Sống có trách nhiệm là một hành trình dài, không phải là một đích đến. Chúng ta cần không ngừng học hỏi, rèn luyện, thay đổi bản thân để phù hợp với những yêu cầu mới của xã hội.

– Nhiều người chưa nhận thức rõ ý nghĩa và vai trò của lối sống có trách nhiệm, thiếu động lực để thay đổi bản thân.

– Phê phán, lên án những kẻ sống vô kỉ luật, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và xã hội.

g) Bài học nhận thức và hành động

– Sống có trách nhiệm là một lối sống đúng đắn cần phải được cổ động và thực hiện phổ biến trong cộng đồng.

– Mỗi con người cần phải sống có trách nhiệm để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

– Hãy sống có trách nhiệm với cuộc đời mình vì chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn mong muốn.

– Cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rõ ý nghĩa và vai trò của việc sống có trách nhiệm, tăng cường ý thức về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

– Cần tạo ra những hoạt động, chương trình thú vị để khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa xã hội, tạo động lực cho họ sống có trách nhiệm hơn.

– Xây dựng môi trường xã hội tích cực, thuận lợi cho con người sống có trách nhiệm hơn, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xung quanh.

3. Kết bài

– Khái quát lại vấn đề: Lối sống có trách nhiệm là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có ý thức, trách nhiệm và hành động thiết thực để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.

– Liên hệ bản thân: Em sẽ xác định rõ trách nhiệm của bản thân, nâng cao ý thức học tập và rèn luyện, tham gia các hoạt động tập thể và xã hội, rèn luyện tính tự giác, kỷ luật, học hỏi từ những tấm gương tốt.

>>> Đề văn liên quan: Nghị luận xã hội về tinh thần trách nhiệm

Trên đây là những gợi ý của THPT Ngô Thì Nhậm cho cách làm và lập dàn ý bài văn nghị luận về lối sống có trách nhiệm trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, các em có thể đọc thêm một số bài văn mẫu tham khảo bên dưới để mở rộng vốn từ thêm phong phú cũng như học hỏi được những cách trình bày hấp dẫn, sáng tạo.

TOP 3 bài văn hay nghị luận về lối sống có trách nhiệm

Lối sống có trách nhiệm thể hiện nhân cách cao cả

Con người luôn sống trong tập thể, cộng đồng nhất định và luôn chịu sự ràng buộc nhất định về nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm từ tập thể, cộng đồng ấy. Để xã hội phát triển ổn định, mỗi con người cần ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, nêu cao và thực hiện lối sống có trách nhiệm với bản thân, trong tập thể và cộng đồng.

Sống có trách nhiệm là phải làm điều cần làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình công viiệc hoặc nhiệm vụ nào đó. Tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Sống có trách nhiệm có nghĩa là phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công việc.

Mỗi con người có mối liên hệ chặt chẽ về mọi mặt đối với xã hội. Bởi vậy, sự thành công hay thất bại của cá nhân có ảnh hưởng đến xã hội. Bản chất của xã hội là sự tổng hòa các giá trị của rất nhiều cá nhân. Nghĩa là xã hội chỉ hình thành khi có nhiều cá nhân thống nhất lại với nhau về công việc, văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo,… Ngược lại, chính xã hội đảm bảo các quyền hạn và  lợi ích của mỗi cá nhân. Xã hội còn là môi trường để cá nhân sống, làm việc và khẳng định mình.

Con người không thể tách mình ra khỏi đời sống xã hội. Bởi vậy, mỗi cá nhân phải sống có trách nhiệm đối với xã hội để quyền hạn và lợi ích của mình được đảm bảo và đảm bảo lợi ích của người khác, góp phần phát triển và giữ gìn đất nước. Nhắc nhở thanh niên có ý thức về lối sống cao đẹp, nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Một người đâu phải nhân gian

Sống trong một đóm lửa tàn mà thôi”.

Sống có trách nhiệm là lối sống cao đẹp, thể hiện nhân cách cao cả, hướng đến người khác. Đó cũng là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Bởi vậy, người sống có trách nhiệm luôn có một cuộc sống hạnh phúc, được người khác yêu mến, kính trọng và giúp đỡ. Người sống có trách nhiệm thường thành công trong công việc và trong cuộc sống.

Không ai có thể một mình tạo ra tất cả. Những gì chúng ta có được hay sở hữu được một phần được tạo ra bởi người khác. Lợi ích của bản thân mỗi cá nhân đều có liên hệ chặt chẽ với gia đình, xã hội, đất nước. Bởi vậy, phải sống có trách nhiệm và luôn thực hiện trách nhiệm của mình một cách tốt nhất để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Trước hết phải xây dựng ý thức vững mạnh về lối sống có trách nhiệm. Là thanh niên, bạn cần phải sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Phải xác định rõ ràng trách nhiệm của bản thân trong đời sống, kiên trì thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Chăm chỉ, tích cực và sáng tạo trong học tập và trong lao động, có mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Sống có lý tưởng cao đẹp, có ước mơ, hoài bão lớn lao, khát vọng hướng đến tương lai.

Tích cực rèn luyện đạo đức tác phong. Thực hiện lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Dũng cảm đấu tranh với các biểu hiện của lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Quyết liệt phê phán, tố cáo các hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho con người và đười sống xã hội. Phê phán những hành vi sống thiếu trách nhiệm. Cổ vũ, động viên mọi người thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội , đất nước.

Chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Quan tâm đến đời sống chính trị xã hội của địa phương và của đất nước. Thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện. Tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Cần xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết cộng đồng; lao động cần cù, sáng tạo; ham học tập, cầu tiến bộ, lòng nhân ái, khoan dung, trung thực, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Tự giác thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Tự giác làm những điều cần làm, hoàn thành công việc một cách tốt nhất mà không tính toán thiệt hơn.

Bài học nhận thức: Sống có tinh thần trách nhiệm là một lối sống đúng đắn, vững mạnh, cần phải được cổ động và thực hiện phổ biến trong cộng đồng. Mỗi con người cần phải sống có trách nhiệm để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Hãy sống có trách nhiệm với cuộc đời mình. hãy nhớ rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn mong muốn chứ không phải bất kì ai khác.

Bác Hồ từng nhiều lần nhắc nhở các thế hệ thanh niên về trách nhiệm của mình đối với xã hội, quê hương, đất nước. Trong thời đại ngày nay, lối sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và đất nước rất cần thiết, trở thành động lực để phát triển đất nước và xây dựng văn hóa xã hội lành mạnh, tiến bộ. Bản thân của mỗi cá nhân cần có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí độc lập, tự cường, tinh thần phấn đấu vươn lên vì Tổ quốc, góp phần đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức và lối sống.

(Nguồn: https://duongleteach.com/)

Đọc thêm: Top 6+ bài văn nghị luận hay nhất bàn về thói vô trách nhiệm

Hồ Chí Minh – Tấm gương làm việc có trách nhiệm

Trong công việc, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia và là thành viên; do vậy, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức đó. Trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, điều lệ của tổ chức, đơn vị mà mình là thành viên.

Bên cạnh trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc; do vậy, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta – là một mẫu mực về tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”(1), là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,…, là không có tinh thần trách nhiệm”. Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã tự mình đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Mục đích của Người là tranh đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Và cũng chính bởi mục đích, ham muốn tột bậc này, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, có lúc bị hiểu lầm hoặc phải “ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, dự báo được chiều hướng phát triển của tình hình, Người rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết gửi các cấp chính quyền, Người yêu cầu xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, xã phải là “công bộc” của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, óc bè phái, kiêu ngạo,… đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ.

Khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc, trở thành động lực để Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân, hành động, làm việc một cách tự giác, tự nhiên, không vì danh lợi, thành tích hay sự ca ngợi nào. Được cống hiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với Người là nguồn vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tinh thần trách nhiệm đó xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, tâm trong sáng, tình thương yêu con người vô hạn. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, gương mẫu trong mọi việc. Phương châm xử lý, giải quyết công việc của Người là “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”, không để cảm xúc, tình cảm cá nhân xen vào công việc. Muốn thực hiện được được điều này, theo Người, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, làm cho con người không giữ được mình, không vì lợi ích chung để giải quyết công việc, kém tinh thần trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, của gia đình, phe nhóm mình. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của đạo đức cách mạng. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân.

Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng như những gì Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính Người đã trở thành một tấm gương sống mẫu mực, sáng ngời về đạo đức, nhân cách, tài năng, kết tinh những giá trị, phẩm chất tốt đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm giá, lương tâm, trí tuệ của con người Việt Nam.

(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

Sống có trách nhiệm giúp chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn

Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào cấu thành nên một xã hội. Vai trò của con người trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vô cùng quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta vừa có trách nhiệm với bản thân vừa có trách nhiệm với xã hội. Bởi vậy sống có trách nhiệm chính là lối sống lanh mạnh và cần phải phát huy.

Sống có trách nhiệm là gì? Sống có trách nhiệm chính là lối sống làm tròn bổn phẩn, nghĩa vụ, chức trách đối với bản thân mình, với gia đình và xã hội. Hơn hết còn phải có trách nhiệm với những suy nghĩ, hành động và việc làm của bản thân mình. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm làm, có trách nhiệm gánh vác, có trách nhiệm nhận sai khi gây ra lỗi lầm. Đó mới chính là một công dân tốt và có ích cho xã hội.

Biểu hiện của lối sống có trách nhiệm hiện nay rất đa dạng và phong phú, xuất phát từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Bác Hồ đã từng bảo rằng trẻ nhỏ thì làm việc nhỏ, vậy thi lối sống trách nhiệm cũng xuất phát từ những việc bình dị, nhỏ nhặt như thế. Hằng ngày chúng ta có rất nhiều việc phải làm với mình, với gia đình, với nhà trường, xã hội. Hãy hoàn thiện bản thân mình trước khi muốn người khác hoàn thiện, cũng giống như việc có trách nhiệm với bản thân mình trước thì chúng ta mới có trách nhiệm được với người khác và với xã hội.

Là học sinh, mỗi ngày chúng ta cần phải có trách nhiệm với việc học. Trước khi đến lớp cần phải hoàn thành bải tập của ngày hôm qua và chuẩn bị bài mới cho ngày mai. Chúng ta cần phải trình bày cẩn thận sạch sẽ với chính bài làm của mình, không được cẩu thả, sống buông thả không có trách nhiệm. Từ những việc nhỏ thế này mà chúng ta không làm được thì những việc lớn hơn liệu chúng ta có đủ sức và đủ bản lĩnh để làm hay không?

Đối với gia đình, chúng ta nên có trách nhiệm với bố mẹ, với anh chị em, với những lời nói mà mình nói ra hằng ngày đối với họ. Tuy chỉ là những việc nhỏ nhặt nhưng nó sẽ hoàn thành nên thói quen và nhân cách của bạn sau này. Khi bạn làm việc gì đó sai lầm, bạn nhận ra rằng nó sai, bản thân không nên chối cãi, cố tình lảng tránh nó mà cần thiết nên có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm. Đó chính là cách để chúng ta có thể định hình được phương châm sống lâu dài mai sau. Có trách nhiệm với gia đình và xã hội sẽ giúp chúng ta ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện bản thân mình hơn. Khi bạn sống có trách nhiệm thì bạn sẽ thấy được rằng lúc đó mình không chỉ còn sống cho bản thân mình nữa mà còn sống vì người khác, sống cho người khác.

Tuy nhiên vẫn còn những kẻ sống vô kỉ luật, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và xã hội, họ sẽ nhận lấy những hậu quả rất đau lòng. Có rất nhiều người vì không có trách nhiệm với hành vi của bản thân mình mà gây ra nhiều mất mát, nỗi đau cho người khác. Hiện nay hiện tượng nạo phá thai ở giới trẻ diễn ra rất phổ biến. Tại sao vậy? Lý do nào khiến cho hiện tượng này ngày càng gia tăng như vậy. Là vì họ không có trách nhiệm với những gì mà mình làm ra, họ chối bỏ trách nhiệm bằng cách tàn nhẫn như thế này. Hỏi rằng vết thương đó còn hằn sâu đến bao giờ.

Như vậy chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của lối sống có trách nhiệm. Nó sẽ giúp cho chúng ta ngày càng sống tốt đẹp, ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn.

(Nguồn: https://thuvienvanmau.com/)

Với những gợi ý cơ bản cách làm và bài văn mẫu tham khảo ở trên, THPT Ngô Thì Nhậm hi vọng các em đã hình dung được cách triển khai một bài văn nghị luận bàn về lối sống có trách nhiệm. Từ đó, hãy vận dụng kiến thức hiểu biết thực tế của mình để viết thành một bài nghị luận hoàn chỉnh và kết hợp với những dẫn chứng thực tế thật sinh động. Chúc các em làm bài tốt và đạt kết quả cao!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button