Giáo dục

Nghị luận Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp

Nghị luận Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp – Top 2 bài viết hay bàn về sự tức giận.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về câu nói: Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp

.

***

Bạn đang xem: Nghị luận Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp

Top 2 bài viết hay bàn luận về ý nghĩa câu Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp

Bài viết số 1

Aristotle từng nói: “Bất cứ ai cũng sẽ tức giận, người ta rất dễ phát hỏa; nhưng muốn giận đúng người, đúng lúc, đúng cách thì chẳng hề dễ dàng.” Quả thực, khi đang tức giận, rất khó để có thể kiềm chế được sự kích động.

Khi bị người khác khiêu khích, chúng ta tự nhiên sẽ muốn đáp trả lại và công kích đối phương. Có người hết lần này đến lần khác phạm lỗi khiến bạn không nhịn được nữa mà phát hỏa. Lúc đáp trả ấy, có thể bạn sẽ có cảm giác thoải mái, nhưng sau đó thì sao? Liệu bạn có hối hận không? Liệu có được kết quả trọn vẹn không? Liệu có giải quyết được vấn đề chăng? Liệu mối quan hệ với người khác có tốt hơn hay ngược lại?

Từng có một người phụ nữ viết thư cho tác giả Dale Carnegien vì câu chuyện về Tổng thống Lincoln mà ông nói trên đài, rất nhiều mốc thời gian được nhắc đến trong thư đều sai.

Người phụ nữ ấy rất thần tượng Lincoln, vì vậy nên đã viết một lá thư đầy tức giận: “Nếu ông không biết cả tiểu sử cơ bản nhất của ngài Lincoln thì đừng lên đài, đây là một sự sỉ nhục đối với ngài Lincoln. Nếu ông không đọc đủ tài liệu, tốt nhất hãy tìm kiếm trước khi bắt đầu nói.”

Khi đó, Dale Carnegien đã rất nổi tiếng rồi, ông từng viết rất nhiều quyển sách bán chạy. Ông cảm thấy mình bị xúc phạm nên vô cùng tức giận, lập tức gửi một lá thư với giọng văn tương tự để đáp trả. Khi viết xong thư, ông đang định nhờ nhân viên chuyển thư đi thì phát hiện đã quá giờ làm và không còn ai ở lại. Ông để lá thư trên bàn, dự định sáng mai sẽ gửi đi.

Đến sáng, khi chuẩn bị gấp lá thư vào phong bì, ông đọc lại, nghĩ thầm: “Mình tức giận quá mức rồi, người phụ nữ kia đâu có viết như thế này, cô ta không đáng để mình tức giận như vậy”. Hơn nữa, xét về mặt nào đó, những gì cô ta nói cũng có lý. Do đó, ông xé lá thư đó đi và lại viết một lá thư hoàn toàn khác.

Trong thư không hề có sự tức giận, mà ngược lại ông còn cảm ơn người phụ nữ kia đã giúp ông biết điều gì không đúng. Sau đó, ông lại nghĩ: “Nếu trong vòng 12 tiếng mà có thể thay đổi nhiều đến thế, vậy sao mình không đợi vài ngày nữa, trước tiên khoan vội gửi lá thư này đi.”

Ông đã làm một cuộc thí nghiệm, ông lại để lá thư lên bàn, đến tối đọc lại, ông lại muốn sửa vài chữ trong thư. Đến ngày thứ 7, nó đã biến thành một lá thư tràn đầy sự hòa ái.

Dale Carnegien cho biết: “Sau này, thực tế đã chứng minh người phụ nữ đó rất tốt. Cô ấy là một trong những người bạn tốt nhất của tôi. Nếu khi đó người làm vẫn chưa tan sở hết, lá thư ban đầu được gửi thì sự việc sẽ ra sao? Hẳn là tôi sẽ có thêm một kẻ thù.”

Trong “Kinh Do Thái” có viết: “Con người ta sẽ phạm sai lầm khi tức giận”. Kinh Tân Ước “Philemon” cũng có nói: “Con người đều điên cuồng khi tức giận”. Dù nguyên nhân là gì, khi bạn tức giận, không kiểm soát lời nói, có thể sẽ gây tổn thương cho người khác, hủy hoại tình bạn, thậm chí làm những việc khiến bản thân hối hận cả đời.

Theo thống kê, đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều do tức giận, kích động. Hôn nhân tan vỡ cũng do tranh cãi không ngừng. Những người dễ tức giận chết sớm hơn cả hút thuốc, uống rượu, cao huyết áp, cholesterol cao. Kết quả của sự tức giận luôn đáng sợ hơn nguyên nhân của nó. Nếu bạn vào nhà tù hỏi thử thì hơn phân nửa số họ đều sẽ nói với bạn rằng: “Nếu khi đó tôi không kích động đến thế thì bây giờ cũng sẽ không bị ngồi tù rồi”.

Những hành động khi tức giận đều dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, tuyệt đối đừng kích động. Trước tiên hãy bình tĩnh lại, thử đợi một khoảng thời gian xem thử ngày hôm sau có cảm giác thế nào. Đến khi bạn nhìn lại, tin rằng bạn sẽ tự nói với mình rằng: “Mình rất vui vì hôm qua không nổi nóng, không quyết định bất cứ điều gì”. Cảm giác này tốt hơn sự tức giận gấp trăm ngàn lần.

Cái gọi là “khôn ngoan” chính là tiếng nói trong lòng khi bạn bình tĩnh, vui vẻ. Hãy nhớ kỹ, tuy nổi nóng thoải mái hơn giữ trong lòng, nhưng bình tĩnh mới là thượng sách. Đừng xem sự tức giận là lẽ dĩ nhiên thì trong lòng bạn mới có lý do để làm nó tan biến.

  • Nghị luận xã hội về tác hại của mất kiểm soát giận dữ

Bài viết số 2:

Cuộc sống bộn bề với những áp lực dồn nén có thể dễ làm cho con người nổi giận. Khi tức giận, con người sẽ khó kiểm soát được những lời nói và hành vi bằng lí trí khách quan, vì vậy mà ta dễ làm cho mọi chuyện trở nên nghiêm trọng, thậm chí là gây rạn nứt những mối quan hệ. Tức giận là trạng thái tâm lí thông thường mà bất cứ ai cũng có nhưng hãy học cách kiểm soát những cơn tức giận để những cảm xúc cực không phá hỏng những cố gắng và cả những mối quan hệ của chúng ta. Có ai đó từng nói rằng “Trong cuộc sống, con người cần biết kiềm chế sự tức giận”.

Tức giận là những cảm xúc tiêu cực được hình thành khi con người bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại… Tức giận không chỉ mang đến sự bức bối, khó chịu mà còn làm con người mất kiểm soát trong lời nói, hành vi. Đây là trạng thái cảm xúc quen thuộc trong thế giới tình cảm của con người, ai cũng từng tức giận nhưng đứng trước cơn tức giận bùng phát thì mỗi người lại có cách xử sự khác nhau.

Thông thường, khi tức giận con người thường sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối tột độ mà đánh mất đi sự kiểm soát khách quan đối với những lời nói, hành vi của mình. Khi ấy ta có thể nói hay có những hành vi mà chính bản thân mình cũng không nghĩ đến, đó là những lời nói, hành vi bị điều khiển bởi cơn tức giận nên rất nặng nề, nghiêm trọng. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì tức giận mà gây ra những hậu quả khôn lường, đó là những người vì tức giận khi bị phản bội mà phỏng hỏa, giết người, cũng có người vì những lời chê bai, chế giễu mà giết bạn bằng những hành vi tàn nhẫn nhất.

Những cơn tức giận có thể làm rạn nứt những mối quan hệ, gây đổ vỡ mọi chuyện tốt đẹp, đánh mất những thời cơ. Khi tức giận mà không kiểm soát được sự tức giận thì con người sẽ không thể nhìn thấy gì khác ngoài cơn tức giận và nhu cầu trút giận của mình. Khi tức giận kiểm soát sẽ làm cho con người đánh mất khả năng đánh giá khách quan, khi ấy bạn cũng có thể đánh mất cơ hội để học hỏi những điều tốt đẹp, bạn cũng không thể đưa ra những cách giải quyết thấu đáo, hợp lí nhất bởi bạn chỉ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo khi bạn bình tĩnh, hạnh phúc.

Tức giận mang đến những bức bối khủng khiếp nhưng đừng để một phút mất bình tĩnh mà đánh mất chính mình. Những lời nói nặng nề, những hành vi không kiểm soát có thể khiến chúng ta mãi mãi mất đi những mối quan hệ tốt đẹp, để vụt mất những thời cơ phát triển. Đôi khi sự việc không giống như những gì chúng ta chứng kiến được, vì vậy hãy học cách kiềm chế cơn tức giận, bình tĩnh để đánh giá và xử lí vấn đề.

Chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ việc gì khi tức giận, bởi mọi quyết định khi ấy sẽ mang tính chủ quan, cảm tính. Trong những lúc tức giận, nếu không thể dập tắt ngay cơn giận dữ thì bạn hãy im lặng để mình bình tĩnh lại, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta đã bình tĩnh và có sự thấu đáo trong suy nghĩ.

Khi biết kiểm soát cơn tức giận chúng ta không chỉ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà còn là cách chúng ta rèn luyện bản lĩnh để trưởng thành hơn.

Có thể bạn cũng quan tâm: Nghị luận về cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn

Câu chuyện ý nghĩa về cụ bà hay tức giận

Một bà cụ có tính tình nóng nảy, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì vậy chẳng mấy ai dám gần gũi, tất cả đều lánh xa bà cụ.

Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, nhiều lần quyết tâm sửa chữa cái tật xấu này. Nhưng mỗi khi hỏa khí bốc lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.

Một hôm, có người hàng xóm đã nói với bà: “Gần đây có một vị thiền sư, sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà”. Bà ta nghe thấy thế liền đến tham vấn với thiền sư.

Khi bà ta nói ra tâm nguyện muốn cải sửa tính nóng giận của mình và rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư, sau khi nghe bà cụ kể lể thì thiền sư chỉ im lặng, và dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.

Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, không còn giữ được sự bình tĩnh nữa, và buông những lời nhục mạ không ngừng chửi rủa. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, thiền sư vẫn im lặng.

Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn im lặng.

Qua một hồi rất lâu, thiền sư hỏi: “Bà còn giận không?”. Bà ta quát lên: “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ông”.

Thiền sư ôn tồn nói: “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ?”. Nói xong thiền sư lại im lặng.

Một lúc sau, thiền sư lại hỏi: “Bà còn giận không?”. Bà ta trả lời: “Hết giận rồi!”. Thiền sư lại hỏi: “Tại sao hết giận?”

Bà ta bực bội trả lời: “Tôi giận thì có ích gì? Không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao?”. Thiền sư nói: “Bây giờ bà đang đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn”. Nói xong, thiền sư lại quay đi.

Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời: “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận!”. Thiền sư nói: “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã”.

Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư: “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không?”. Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay. Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu. Thì ra trong tâm không bực tức, thì làm gì có cơn giận? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì hỏa khí sao có dịp bùng phát?

-/-

Hi vọng với những gợi ý trong một số bài viết mẫu trên đây, các bạn sẽ dễ dàng triển khai được một bài nghị luận cho riêng mình bàn về câu nói “Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp“. Chúc các bạn làm bài tốt !

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm

Nghị luận Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp


Những bài nghị luận hay về ý nghĩa câu nói: Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button