Lớp 9Văn mẫu 9

Nghị luận Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận

Dàn ý và bài văn mẫu nghị luận xã hội về câu nói: Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận (Euripides).

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý và bài văn tham khảo nghị luận Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân … (câu nói của Euripides) giúp học sinh định hướng nội dung khi làm bài để có một bài văn hay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về câu nói của Euripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”.

Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài

– Cuộc sống bôn ba vất vả để mưu sinh, nhiều lúc con người ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Khi đó, điểm tựa và nguồn động lực lớn lao có thể đưa con người vượt qua khó khăn đó chính là gia đình.

– Bàn về ý nghĩa và vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi cá nhân, Euripides nói: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Gia đình: chỉ mối quan hệ hôn nhân và huyết thống giữa các thành viên của gia đình, thể hiện tình cảm gắn bó bền chặt, không thể chia cắt.

– Tai ương của số phận: chỉ những khó khăn, trắc trở gặp phải khi bước trên đường đời.

– Nội dung câu nói: Khẳng định vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi con người – gia đình là sức mạnh giúp con người vượt lên khó khăn, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và vững vàng hơn trong cuộc sống.

2. Bàn luận

* Vai trò của gia đình

– Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người và là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp nhất cuộc sống. Gia đình không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách của một con người mà còn góp phần lớn tạo ra những thành công khi trưởng thành.

+ Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tài năng và nhân cách con người. Bởi vậy, mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình. Chính điều đó sẽ là hành trang cho mỗi chúng ta bước vào đời, giúp ta khẳng định năng lực và phẩm giá của mình để thành công trong cuộc sống.

+ Gia đình là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ: không chỉ đùm bọc, chở che, gia đình còn giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Trong cuộc đời, không ai có thể tránh khỏi những va vấp, những tổn thương, những khó khăn thử thách, những thất bại. Khi đó, gia đình sẽ là nơi bao bọc, chở che, động viên, vỗ về chúng ta đứng lên sau thất bại, là chỗ dựa vững chắc và vô điều kiện những khi ta đã “lưng chùng gối mỏi” sau những lúc tất tả trên đường đời.

* Trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình

– Câu nói trên đặt ra vấn đề cho mỗi con người, xã hội: Bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần: trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thói gia trưởng…

* Mở rộng, phản đề

– Gia đình có vai trò to lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con người vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáo dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích cho xã hội.

– Gia đình là quan trọng như thể sinh mệnh con người vậy mà có những đứa con bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ; lãng quên cội nguồn, cự tuyệt tình thân; sống thiếu trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Câu nói trên thật đúng khi khẳng định vai trò của gia đình đối với cuộc sống mỗi người. Vì gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi.

– Mỗi chúng ta cần góp phần bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hãy biết thương yêu, đùm bọc, chia sẻ cho nhau. Hãy biết  nhẫn nhịn, chịu đựng, hi sinh để gia đình luôn là tổ ấm hạnh phúc nhất.

III. Kết bài

– Ai đó đã định nghĩa: Gia đình, đó là nơi ngay cả khi nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc. Vậy chúng ta hãy bằng tình yêu và hành động của mình để cho niềm hạnh phúc ấy luôn được reo lên trong hai tiếng thiêng liêng “gia đình”.

» Xem thêm: Top 5+ bài văn nghị luận về tình cảm gia đình hay và ý nghĩa nhất

Sau khi đã tìm hiểu xong phần dàn ý cơ bản, trước khi triển khai nó thành một bài văn hoàn chỉnh cho riêng mình, các em có thể đọc thêm một số bài văn mẫu nghị luận về câu nói “Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận” để học hỏi cách làm sao cho hợp lí và hay nhất.

Bài nghị luận đạt điểm cao của học sinh lớp 9 bàn về câu nói Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân …

Gia đình luôn là điểm tựa tinh thần cho từng cá nhân. Trong cả cuộc đời này cũng sẽ không có bất kỳ ai có thể quan tâm tới bạn hơn những người thân trong gia đình. Bạn sẽ không tìm được nơi nào khác mà có những người sẵn sàng hi sinh, lo lắng và bảo bọc bạn hơn gia đình. Đó là chốn bình yên nhất trong cuộc sống này, gia đình là nơi che chở nuôi chúng ta khôn lớn là nơi chứa đựng rất nhiều cảm xúc tình cảm khác nhau mà ai trong số chúng ta cũng từng trải qua. Nói như Euripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”.

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Còn “tai ương của số phận” ở đây là những khó khăn, trắc trở mà mỗi người gặp phải trên đường đời. Câu nói của Euripides đã nhắc nhở chúng ta về vai trò, giá trị của gia đình đối với con người. Mỗi người trong cuộc sống này, không ai là không gặp phải những khó khăn, thử thách. Và mỗi lần như vậy, họ có một gia đình để quay về, để được chở che, an ủi, được động viên, khích lệ để vượt qua sóng gió. Khi đó, gia đình trở thành “chốn nương thân” giúp họ “chống lại tại ương của số phận”. Như vậy, gia đình thật thiêng liêng, cao cả và ý nghĩa biết bao.

Vậy, tại sao chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương số phận?”. Vì gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi. Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, chở che cho ta khôn lớn. Chính bố mẹ, người đã mang nặng đẻ đau chúng ta, người có công ơn sinh thành – dưỡng dục hơn ai hết là những người quan tâm đến ta nhất. Họ có thể đặt con cái lên trên hết tất thảy mọi thứ. Con dù lớn vẫn bé bỏng trong vòng tay mẹ, bố mẹ lo lắng cho con dù đứa con ấy đã lập gia đình, đã là những ông bố, bà mẹ của những đứa trẻ khác. Gia đình còn là anh – chị – em. Đó là những người máu mủ với nhau. Những người đã gắn bó với nhau, cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với nhau. Vì vậy, hơn ai hết những người trong gia đình mới có thể thấu hiểu được nhau, cảm thông cho nhau và chia sẻ với nhau. Mỗi khi bạn gặp khó khăn, người đầu tiên bạn tìm tới, nghĩ tới để lấy làm chỗ dựa là ai? Chắc hẳn sẽ không ai khác ngoài gia đình mình. Nếu như bạn có thất bại, có phạm lỗi hay bạn có trở thành những người nỗi tiếng thì khi quay về bên gia đình, bên mâm cơm thân thuộc bạn vẫn là đứa con bé bỏng. Sẽ được mẹ hỏi han, quan tâm, được bố chở che, được anh em trong một nhà hỏi han, quan tâm. Và một khi ai đó gặp những trở ngại không đáng có trong cuộc sống, gia đình sẽ dang rộng vòng tay ra giúp đỡ, bảo vệ mà không hề đòi hỏi bất kì một sự báo đáp nào hết. Gia đình không những là cái nôi nuôi dưỡng con người lúc thơ bé, mà nó đã trở thành “chốn nương thân” kì diệu nhất, ấm áp nhất đối với tất cả mọi người.

Chúng ta biết, mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình. Nền tảng gia đình là vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến nhân cách của từng thành viên trong gia đình. Nếu bạn được sinh ra trong một gai đình có truyền thống tốt đẹp, bạn sẽ là người được dạy dỗ tử tế, cẩn thận. Khi đó, lớn lên bạn sẽ trở thành những công dân có phẩm chất tốt đẹp, những người có ích cho xã hội. Ngược lại, nếu được sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ chửi bới, đánh đập lẫn nhau với những lời lẽ thô tục. Điều này sẽ dẫn đến người con đó bị ảnh hưởng bởi những cái xấu ấy, và sau này lớn lên phần lớn sẽ trở thành những người không có văn hóa, ứng xử như bố mẹ mình. Nói về vấn đề này để biết rằng gia đình có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân.

Câu nói của Euripides là đúng đắn. Gia đình không chỉ là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ. Mà gia đình con đùm bọc, chở che, giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Nếu một ai đó, trên đường đời gặp phải những sóng gió. Thế nhưng, họ không có người thân để san sẻ, để giúp đỡ, để họ có thể dựa vào thì người đó ắt hẳn sẽ cô đơn biết bao. Và để vượt qua được khó khăn ấy, chắc hẳn là họ sẽ phải tự mình nỗ lực gấp năm, gấp mười những người luôn có người thân bên cạnh sẻ chia, an ủi. Tuy nhiên, câu nói chưa hoàn toàn chính xác. Bởi trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáp dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích của xã hội.

Bởi đã nhìn nhận thấy được vai trò, giá trị to lớn của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là nền tảng để con người vươn lên trong cuộc sống. Thế nên, mỗi người cần quý trọng gia đình của mình. Hãy xây dựng một gia đình hạnh phúc, đừng tự tay mình đập bể những mối quan hệ tốt đẹp ấy. Là một đứa con hãy là những đứa con ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ. Là người lớn, là ông bà, cha mẹ, hãy là những tấm gương sáng để trẻ có thể nói theo, để trẻ có thể được chở che, giúp đỡ khi cần. Hãy bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thói gia trưởng,… Nhà nước và pháp luật cũng cần nghiêm khắc hơn đối với những hành vi xâm hại đến gia đình. Hơn nữa, chúng ta cần phê phán những người coi thường gia đình, vô cảm với chính nỗi đau của những người ruột thịt trong gia đình. Trên thực tế, không ít những người đã không giúp đỡ anh chị em của mình khi họ gặp khó khăn. Trên thực tế, có rất nhiều người trong một gia đình vì một chút lợi ích, vì đồng tiền nên đã gây ra cải vã, xích mích và bài trừ lẫn nhau. Và đáng buồn hơn, có nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng nhẫn tâm, tàn ác đánh đập đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Ngược lại, có nhiều người con bất hiếu với bố mẹ của mình. Khi bố mẹ già họ không những không nuôi nấng, phụng dưỡng mà còn dùng những lời nói không hay để chửi rủa, mạt sát bố mẹ. Hay nặng hơn đó là bỏ mặc đấng sinh thành trong cơn bạo bệnh. Tất cả những hành vi băng hoại về mặt đạo đức ấy cần phải được lên án gay gắt. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một gia đình hạnh phúc.

Câu nói của Euripides nhắc nhở mọi người về ý nghĩa to lớn của hai từ gia đình. Hai từ ấy, nghe giản đơn nhưng thật thiêng liêng và ý nghĩa biết bao. Mỗi người hãy biết trân quý gia đình của mình, và hãy biến “Gia đình là điều tuyệt vời nhất”.

Có thể bạn quan tâm: Nghị luận Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của bạn đối với những gì bạn làm

Một số bài văn ngắn hay khác phân tích ý nghĩa câu nói: Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân

Bài mẫu số 1:

Cuộc sống con người vốn tồn tại rất nhiều khó khăn, không phải bất kì ai cũng có thể đủ bản lĩnh để một mình đương đầu với tất cả những thử thách ấy. Từ đó, mỗi người luôn phải tìm cho mình những bến bờ bình yên đích thực, trong đó có câu nói: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số phận”.

Thật vậy, cuộc sống là một hành trình bộn bề những thử thách và những vấp ngã đang sẵn sàng chờ đợi ta phía trước. Tuy nhiên, mỗi người đều được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Vì thế, từ nhỏ, luôn được bao bọc trong vòng tay của ba mẹ. Vì vậy, gia đình từ lúc ta còn bé, đã là một nơi nương tựa về tinh thần.

“Gia đình” hai từ bình dị mà ấm áp. Đó là nơi mỗi người được sinh ra và lớn lên, nơi đó có thể có cả bố, có cả mẹ..nơi mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng bằng chính tình yêu thương chân thành nhất. Những hi sinh nhất dành cho ta. Vì thế, gia đình mãi mãi là nơi ấm cúng và tràn đầy tình yêu.. Mà những sóng gió ngoài kia không thể tìm cách nào dập tắt được.

Còn “tai ương của số phận” thì là những bất trắc, những rủi ro ta không may gặp phải trong đời. “duy chỉ có..” nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng vượt bậc, tính duy nhất của gia đình, và tầm quan trọng cố hữu trong lòng mỗi người khi nghĩ về gia đình.

Vì thế, ta càng thấy câu nói thật sự đúng và chính xác. Đã đề cao vai trò cực kì quan trọng của gia đình đối với mỗi người. Gia đình là nơi ta được yêu thương, được nhận yêu thương vô bờ bến. Nơi ta không còn những lừa dối mà chỉ còn những chân thành và ấm áp. Không phải ai trên đời cũng may mắn có điều đó, nhưng nếu có, chắc chắn phải biết trân trọng và giữ gìn bằng bất kí giá nào. Là chỗ dựa để ta vượt qua những khó khăn, bất trắc trong đời.

Gia đình là nơi từ nhỏ ta được nuôi dưỡng và lớn lên, chính truyền thống giáo dục trong gia đình là cái nôi của ta. Không chỉ bồi đắp cho ta những giá trị về tri thức, còn mang cho ta giá trị về tinh thần sâu sắc. Nơi ta được nuôi dưỡng, che chở bao bọc. Gia đình chính là nơi cung cấp cho ta những hành trang cần thiết trên bước đường đời. Gia đình là hậu phương cho ta, chỗ dựa tinh thần vững chắc và nâng đỡ chúng ta khi mình gặp vấp ngã. Tiếp thêm sức mạnh cho ta vượt qua những khó khăn trở ngại, và chia sẻ cho ta những đau buồn.

Gia đình không chỉ có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời mỗi người, mà còn góp phần tạo nên sự phát triển cho một xã hội. Từ đó phê phán những ai có thái độ vô cảm, không quan tâm đến người thân, chà đạp giá trị truyền thống gia đình..

Cảm ơn câu nói đã lần nữa khẳng định trong chính chúng ta giá trị của gia đình. Không phải ai không có gia đình cũng sẽ sa ngã, mà mỗi chúng ta hãy tự ý thức cho mình và trân trọng nó. Cố gắng hoàn thiện mình và gây dựng một hậu phương vững chắc cho chính mình.

Bài mẫu số 2:

“Gia đình gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ

Cho ta bao nhiêu niềm thương mến

Gia đình gia đình

Bên nhau khi đớn đau

Bên nhau đến suốt đời”

Gia đình là mái ấm của mỗi con người, nơi đó có ông bà, có cha mẹ những người thương yêu chúng ta nhất. Có thể nhận xét chỉ có gia đình mới thương yêu ta vô điều kiện còn xã hội thì phải có điều kiện họ mới thương ta. Dù ta có bao nhiêu tuổi, có ở hoàn cảnh nào chăng nữa thì đối với gia đình, ta vẫn luôn nhỏ bé, mong manh, yếu ớt và luôn là tình yêu của tất cả mọi người. Trong gia đình, con người có thể hi sinh vì nhau, có thể nhường nhịn miếng ăn cái mặc cho những thành viên còn lại. Gia đình là điểm tựa tinh thần của mỗi con người. Cũng giống như con chim với cái tổ của mình. Chim cứ đến lúc kiếm được xong miếng ăn, mỏi cánh bay sẽ tìm về với tổ của mình. Con người cũng vậy, những lúc cô đơn, buồn bã, đau khổ nhất thì gia đình cũng chính là nơi ta tìm về.

Con người khi lâm vào cảnh ngộ cùng đường, vào lúc tâm trạng trở nên yếu đuối thì chỉ tìm về với gia đình họ mới được thanh thản, yên bình. Tai ương sóng gió cuộc đời dường như đã bất lực trước sức mạnh của gia đình. Khi con người trở về nhà, về với vòng tay của bố mẹ, những người thân yêu, họ cảm thấy an tâm hơn, được tiếp thêm sức mạnh và sự ấm áp để đối phó với bão tố cuộc đời.

Nếu như khi xưa, gia đình thường bao gồm nhiều thành viên từ ông bà, cha mẹ cho đến con cháu đầy đàn thì ngày nay quy mô gia đình đã thu nhỏ hơn rất nhiều. Một gia đình kiểu mẫu thông thường có bốn người gồm cha mẹ và con cái. Thế nhưng không vì ít thành viên mà tình cảm của họ cũng giảm dần đi. Ngược lại, mỗi một mảnh ghép trong gia đình càng thêm thương yêu, gắn bó với nhau nhiều hơn. Cha mẹ là chỗ dựa cho con cái, là những người sinh thành, giáo dục và nuôi dưỡng con, yêu thương con suốt cả cuộc đời mình, con cái lại chính là niềm vui, là hi vọng, là tất cả tình yêu của cha mẹ. Mỗi một người trong gia đình đều coi nhau là những con người quan trọng nhất, chính điều đó đã tạo nên một mối quan hệ gắn kết đầy thiêng liêng.

Gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành, định hướng nhân cách của mỗi con người. Làm gì người ta cũng thường nói: “con nhà công không giống lông thì giống cánh”, “cha nào con nấy”, “nhà dột từ nóc”… tầm ảnh hưởng của gia đình đối với tính cách và sự phát triển của mỗi con người là rất lớn. Nếu trong gia đình các thành viên thương yêu đùm bọc lẫn nhau, luôn sống nghĩa tình, chan hòa nhân ái thì con người khi lớn lên cũng đầy tình cảm, lòng vị tha, nhân hậu. Nếu gia đình sống với nhau không hạnh phúc, thường xuyên diễn ra cảnh bạo lực thì nhân cách con người khi lớn lên cũng theo đó mà trở thành méo mó, dị dạng.

Chính vì tầm quan trọng của gia đình, mỗi người nên thấu hiểu và sống trọn nghĩa tình với mái ấm của mình. Hãy vun vén cho ngôi nhà của mình ngày ngày đều đầy ắp niềm vui, niềm hạnh phúc. Hãy để gia đình trở thành nơi nương tựa, là mái ấm bền vững và thiêng liêng nhất cho tâm hồn mỗi con người, giúp con người trở nên mạnh mẽ vượt qua những giông bão của cuộc đời.

-/-

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và top 3 bài nghị luận hay về câu nói “Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Hi vọng, với dàn ý và bài văn mẫu mà THPT Ngô Thì Nhậm vừa cung cấp, các bạn đã nắm được những luận điểm cơ bản cần triển khai cũng như có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình.

Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button