Lớp 9Văn mẫu 9

Nghị luận Cần tôn trọng sự riêng tư của người khác

[Văn mẫu 9] Hướng dẫn làm bài văn nghị luận về vấn đề cần tôn trọng sự riêng tư của người khác trong cuộc sống.

 Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ, được coi là một trong những quyền cơ bản của con người. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Sự riêng tư được công nhận trên toàn thế giới với các khu vực đa dạng về nền văn hóa. Nó được bảo vệ trong Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị và nhiều công ước quốc tế và khu vực về nhân quyền. Đa số các nước đều xác định quyền riêng tư trong Hiến pháp. Quy định tối thiểu nhất là quyền bất khả xâm phạm về nơi ở và bí mật thông tin liên lạc. Gần đây, một số Hiến pháp các nước quy định cụ thể về quyền tiếp cận và kiểm soát thông tin cá nhân.

* Tôn trọng sự riêng tư của người khác là gì?

– Tôn trọng là sự đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người.

– Sự riêng tư của người khác chính là đời sống cá nhân, tỉnh cảm của người đó trong cuộc sống hàng ngày.

=> Khẳng đinh ý kiến: “Cần tôn trọng sự riêng tư của người khác” là vô cùng cần thiết, là cách tốt nhất để duy trì quan hệ tốt đẹp trong xã hội.

* Quyền về đời sống riêng tư của cá nhân: Là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân, không thể trộn lẫn với người khác. Đời sống riêng tư của cá nhân có đặc điểm riêng biệt của cá nhân trong quá trình sống, thời gian sống, sự trải nghiệm trong các quan hệ xã hội mà hình thành và mang dấu ấn riêng của cá nhân. Đời sống riêng tư là một quan hệ phản ánh đời sống của một cá nhân có tính độc lập và với tư cách chủ thể trong các quan hệ xã hội ổn định hoặc không ổn định trong không gian và thời gian xác định được.

  • Tham khảo thêm: Top 5+ bài văn nghị luận hay nhất bàn về văn hóa ứng xử

Một số bài viết hay bàn về vấn đề tôn trọng sự riêng tư của người khác

Quyền riêng tư phải được tôn trọng

“Ai bảo làm những việc vô văn hoá nơi công cộng bị tung lên mạng là đáng đời”, “Cứ phải bị thế một lần cho nhớ”…, bạn có thể bắt gặp rất nhiều những phán xét như vậy trong vụ ảnh nóng của đôi nam nữ trong rạp chiếu phim. Cặp đôi này có sai không?

Nếu chiếu theo những quy định của một rạp phim thì phải thừa nhận cặp đôi này đã sai. Nếu chiếu theo những chuẩn mực văn hoá xã hội thông thường thì đối tượng trong clip sex ở một hàng trà sữa cũng sai. Nhưng từ bao giờ chúng ta đã có thói quen thoá mạ cái sai, phán xử cái sai, kết tội cái sai bằng những status hoặc những dòng comment vi phạm pháp luật như thế này?

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, tất cả các hành vi của một công dân chân chính – kể cả việc đối diện với cái sai, ứng xử với cái sai cũng phải diễn ra đúng pháp luật. Nếu phát hiện một cặp đôi đang thực hiện những hành vi khó coi trong rạp phim thì nhân viên rạp phim có thể tiến đến nhắc nhở tức thời.

Nếu chỉ phát hiện ra điều đó nhờ xem lại những chiếc camera an ninh, và lo sợ tình trạng đó lặp lại thì một rạp hoặc một hệ thống rạp phim có thể đưa ra những khuyến cáo rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Đấy là những phản ứng công chính, phù hợp với luật pháp và những quy định về văn hoá ứng xử. Đằng này lại đưa tất cả lên Internet, châm ngòi cho những bình phẩm thiếu tích cực về những vấn đề mang tính riêng tư của công dân, đấy rõ ràng là một biểu hiện vi phạm pháp luật.

Trong câu chuyện về cô dâu 61 tuổi và chú rể 35 tuổi ở Cao Bằng, đấy thậm chí là câu chuyện chẳng có bất cứ một dấu hiệu sai trái nào cả. Có chăng đấy chỉ là một chuyện lạ, và cái lạ ấy có vẻ rất được “ưa chuộng” trong một cộng đồng có không biết bao nhiêu những “anh hùng bàn phím”. Thế nên việc một nhân viên phường chụp lại bản đăng ký kết hôn lạ, rồi truyền cho một người bạn, rồi người bạn này lại tung lên mạng là một chuỗi những hành động rất thiếu hiểu biết về pháp luật.

Điều 21, Hiến pháp năm 2013 có quy định rất rõ ràng về việc: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”. Các điều 32, 34, 38 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rất cụ thể về một thứ quyền được gọi là “quyền riêng tư”. Thế cho nên, bất kể ai, bằng bất kể hình thức nào xâm phạm “quyền riêng tư” của người khác đều đã vi phạm pháp luật, và vì thế hoàn toàn có thể bị xử kiện.

Qua những câu chuyện như thế này, và trong một môi trường Facebook mà những hình ảnh riêng tư, những câu chuyện riêng tư có thể bị khai thác vô tội vạ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc chủ ý hoặc vô ý, hơn bao giờ hết phải nhấn mạnh đến thứ quyền đã được nhắc đến từ rất sớm trong xã hội loài người này.

Xã hội nguyên thuỷ với đời sống bầy đàn hẳn nhiên chưa nảy sinh ý niệm về quyền riêng tư. Nhưng đến xã hội chiếm hữu nô lệ thì cái quyền này đã được đề cập, dù nó bị giới hạn trong sự riêng tư của những chủ nô – những người làm chủ xã hội, chứ không phải những người nô lệ. Nhưng sang đến xã hội phong kiến thì câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Chúng ta không quên những dòng bất hủ mà nghị sĩ William Pitt (Anh) đã viết từ năm 1361: “Những người nghèo nhất có thể thách thức để buộc tất cả các quan chức phải tôn trọng. Mặc dù căn nhà của họ có thể xập xệ, mái của nó có thể lắc, gió có thể thổi, các cơn bão có thể vào, mưa có thể xâm nhập – nhưng vua nước Anh không thể vào nhà được”.

Câu nói này nhắc nhở chúng ta rằng, quyền riêng tư thậm chí là quyền con người, chứ không chỉ là quyền công dân. Quyền con người có nội hàm rộng hơn nhiều so với quyền công dân, bởi nếu quyền công dân được quy định bởi từng nhà nước thì quyền con người được quy định bởi tạo hoá. Quyền riêng tư – quyền con người, vì thế là một thứ giá trị tất yếu và thiêng liêng của con người.

Nếu không ý thức được sự thiêng liêng này, chúng ta có thể sẽ vô tình tạo ra rất nhiều những hành động lầm lạc trong đời sống, đặc biệt là trong một môi trường mà con người có thể tha hồ tung mọi bức ảnh, mọi video mình có, rồi lại tha hồ bàn tán, phán xét mọi điều mình thích trên Internet hiện nay.

Quyền riêng tư phải được coi trọng và tôn trọng hơn bao giờ hết. Vi phạm vào quyền riêng tư là vi phạm vào những giá trị thiêng liêng mà tạo hoá đã ban tặng cho loài người chúng ta.

  • Bàn về hậu quả của việc phán xét người khác một cách dễ dàng

Vấn đề tôn trọng quyền riêng tư của con cái

Rất nhiều trẻ vị thành niên đã bức xúc khi phát hiện “bị” cha mẹ đọc nhật ký, tin nhắn điện thoại và cho rằng không được tôn trọng.

Trong khi đó, nhiều bậc làm cha làm mẹ lại khẳng định: Đó là một trong rất nhiều cách để quản lý nhằm giáo dục kịp thời con mình, giúp chúng không “lạc lối”. Vậy, liệu có cái gọi là ranh giới giữa quyền riêng tư của teen và quyền bảo hộ của cha mẹ?

Mới đây tại Trung Quốc, một dự thảo luật vừa được đề xuất nhằm ngăn chặn bất cứ ai, kể cả các bậc cha mẹ tiếp cận cách thông tin riêng tư của trẻ vị thành niên trên điện thoại và internet. Đây được coi là bước đệm cho quá trình sửa đổi lần thứ hai Luật bảo vệ trẻ vị thành niên.

Trước đây, Luật quốc gia về việc bảo vệ trẻ vị thành niên chỉ quy định thư từ, nhật ký và email của giới trẻ sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, các chuyên gia đang tự hỏi làm thế nào để quy định bổ sung này, đặc biệt là việc ngăn cấm các bậc phụ huynh đọc tin nhắn và đoạn chat của trẻ sẽ được thi hành. Bởi, xét về một khía cạnh khác, điều luật này đã vi phạm quyền giám hộ của các bậc phụ huynh, vì trẻ vị thành niên cần phải được cha mẹ hướng dẫn khi sử dụng tin nhắn và tán gẫu trên mạng.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc cũng tỏ ra lo lắng về “hàng rào” bảo vệ mới này của con em họ và cho rằng điều luật này là sự sao chép những điều luật ở phương Tây, trong khi Trung Quốc có một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt trong giới hạn bảo vệ quyền của trẻ vị thành niên.

Khác với suy nghĩ của những người làm cha làm mẹ, một số trẻ vị thành niên ở Trung Quốc lại đang tỏ ra hào hứng với đề xuất mới này và nghĩ nó sẽ giúp các em sống tốt hơn trước sự giám sát nghiêm ngặt của cha mẹ.

Trong một cuộc họp đầu năm học, bản thân người viết đã thực sự bối rối khi “bị” một phụ huynh của bạn con mình hỏi: “Nếu có điều kiện, chị có đọc nhật ký của con, không, nhất là trong hoàn cảnh cảm thấy con mình đang có biểu hiện khác thường cần xác định nguyên nhân?”. Nói “có” thì… quá cũng ngượng ngùng, mà nói “không” thì e là… không thực lòng, tôi đành cười trừ.

Còn vị phụ huynh nói trên thì cũng tỏ ra thực sự “khổ sở” khi thú nhận đã chọn giải pháp “có”, vì “ngoài cách đó ra thì không thể tìm được nguyên nhân bất ổn của con mình” sau khi đã cố trò chuyện với con mà không thành công. “Biết là mình làm việc không đường hoàng, thậm chí sẽ gặp phản ứng dữ dội của con, đẩy chúng đến những diễn biến tâm lý phức tạp hơn, nhưng vẫn phải “liều” thôi. Đành tự nhủ lòng mình rằng tất cả âu cũng chỉ vì con cái!” – vị phụ huynh nọ tâm sự.

Quả là càng ngày, thế giới tâm lý và biểu hiện hành vi của trẻ vị thành niên càng phức tạp, làm không ít phụ huynh chỉ còn biết kêu trời vì “chẳng hiểu chúng nghĩ gì, tại sao lại có những hành động quá bất ngờ như vậy?”. Thậm chí cả những người thường xuyên cọ xát với thế giới học trò cũng có lúc phải quá “kinh ngạc” trước thực tế.

Thầy giám thị của một trường trung học sơ sở dân lập khá nổi tiếng ở Hà Nội đã đưa chúng tôi xem bản in lại những lời bình luận về chính ông trên blog của một học sinh lớp 7, tất nhiên là với thứ “ngôn ngữ chat chit đặc chủng”. Ông đã nhờ học sinh khác “dịch lại” và trời ơi, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình khi đọc những lời lẽ tục tĩu, bậy bạ đến không thể có mức độ nào hơn được nữa ấy.

Thầy giám thị tâm sự rằng trước đây, công tác trong ngành công an (sau khi nghỉ hưu, ông nhận công việc này làm thêm – nv) nên có nhiều biện pháp nghiệp vụ để khám phá ra các trò quậy phá của học sinh. Dĩ nhiên vì thế mà không ít trò rất ghét ông. Đó âu cũng là chuyện thường, nhưng ông chỉ cảm thấy sốc và vô cùng buồn  khi phát hiện một học sinh bề ngoài không có vẻ gì là cá biệt, cũng chưa có mâu thuẫn gì công khai với ông mà lại có thể suy nghĩ và viết ra “để chia sẻ với các bạn” những điều kinh khủng như thế. “Điều đó chứng tỏ, rất khó để nhận xét các học sinh thời nay qua biểu hiện bên ngoài, thế giới bên trong các em mới là điều cần quan tâm” – ông kết luận.

Câu chuyện trên đây tuy chỉ là một ví dụ, nhưng cũng đặt ra một vấn đề nghiêm túc cho những người làm cha làm mẹ: Vậy thì người lớn có nên “kiểm soát” đời sống tinh thần của trẻ vị thành niên (tất nhiên là với động cơ tích cực chứ không chỉ đơn thuần là thoả mãn sự tò mò và áp đặt của bản thân).

Hơn thế nữa, dù là với động cơ tích cực thì cách ứng xử tiếp theo cũng vô cùng quan trọng. Biết để cảm thông, chia sẻ hay để làm tổn thương con trẻ là hai giả thiết cho kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em của nước ta hiện chưa có điều khoản nào đề cập đến quyền riêng tư của trẻ em, trong khi thực tế cuộc sống hiện đại đang có nhiều diễn biến liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này.

Thầy giám thị của câu chuyện vừa kể trên đây đã khiến người viết phải suy nghĩ khi cho biết hoàn toàn có thể sử dụng bằng chứng trong tay để đề nghị nhà trường kỷ luật em học sinh nọ, thậm chí ở mức cao nhất là buộc thôi học. Tuy nhiên ông đã không làm thế, mà ngược lại còn tự kiểm điểm bản thân xem đã chọn đúng phương pháp giáo dục học sinh hay chưa, những hành động nào khiến các em có suy nghĩ tiêu cực về ông như thế?

Ông tiếp: “Chuyện xảy ra với tôi suy cho cùng cũng tương tự chuyện thường xảy ra giữa cha mẹ với con cái thôi, nếu không khéo léo, con trẻ rất dễ cảm thấy không an toàn trong thế giới của chúng. Người lớn chúng ta phải ứng xử bằng một tình thương và sự hiểu biết, nếu không tác dụng sẽ ngược lại”.

-/-

Với sự phát triển của mạng internet và những tiện ích của nó trong đời sống của cá nhân, cộng đồng, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đời tư, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân đã ngày càng phát sinh những vấn đề phức tạp, bởi sức lan tỏa của những thông tin trên mạng internet. Vậy nên vấn đề cần tôn trọng sự riêng tư của người khác càng cần thiết phải được đặt ra để xã hội cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp thích hợp.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 9 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button