Lớp 9Văn mẫu 9

Nghị luận bàn về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay

[Văn mẫu 9] Tuyển tập văn nghị luận hay suy nghĩ về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay.

Nghị luận về lí tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay – THPT Ngô Thì Nhậm tuyển chọn những bài văn nghị luận hay bàn về lý tưởng sống của thanh niên học sinh Việt Nam ngày nay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của mình về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay.

***

Bài văn được đánh giá cao nghị luận về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay

Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới với rất nhiều cơ hội và thử thách được mở ra. Và thanh niên chúng ta – những người chủ tương lai của đất nước – phải góp một phần sức cho quê hương của mình. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và xem lại cách sống của mình, và một câu hỏi lớn được đặt ra: Lí tưởng sống của thanh niên ngày nay là gì?

Trước hết chúng ta phải hiểu được “lí tưởng sống” là gì? Lí tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong mỏi đạt được. Người có lí tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình xã hội và đất nước. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc, với lòng khao khát đó thúc giục chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc. Hơn thế nữa, tự đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than, muốn an hưởng sự may lành hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo nàn. Để đạt được khát vọng đó, người ta luôn tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời, hay nói đúng hơn là một lí tưởng. Lí tưởng này sẽ hướng dẫn đời họ vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh. Vì có một lí tưởng để theo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người.

Bạn có bao giờ tự hỏi bạn tồn tại trên cuộc đời vì lí do gì không? Một câu hỏi lẽ ra rất dễ nhưng nó làm cho bạn phải bắt đầu ngồi lại suy nghĩ về bản thân mình. Có thể bạn cũng đã có được một mục đích sống cho riêng mình, nhưng bạn vẫn nên xem lại mục đích đó có thật sự cao đẹp hay không bạn ạ. Chúng ta sống trong cộng đồng là sống vì mọi người, vì quê hương, vì đất nước.

Nhiều người từng nghe câu nói trong bài hát khá nổi tiếng của Trịnh Công Sơn:

“Sống ở đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Phải mất một thời gian dài tôi và các bạn mới có thể mới ra rằng ý nghĩa của câu này là “hãy mở rộng tấm lòng của bạn với cuộc sống này, với mọi người xung quanh bạn và đừng mong đợi bạn sẽ nhận lại được gì… Hãy san sẻ tấm lòng để cuộc sống này đẹp hơn và đừng nghĩ rằng những cái gì mình đã cho đi là lớn lao mà nó chỉ là những cái gì nhỏ nhoi nhất nhẹ nhàng… chỉ để gió cuốn đi…”. Đó cũng là một phần của lí tưởng sống đẹp.

Lí tưởng của ta không cần lớn lao dù chỉ là một chiếc lá, nhưng chúng ta cũng cần có cho mình một lí tưởng bình dị như để vươn lên. Hãy sống có lí tưởng! Bạn có thể ra đi từ nhiều phía, theo những con đường khác nhau, nhưng cuối cùng mỗi người phải lựa chọn cho mình mục đích của cuộc sống. Ta sống cho ta, cho những người thân, bạn bè và cho mọi người. Vì vậy, chỉ có hạnh phúc khi “mình vì mọi người và mọi người phấn đấu vì hạnh phúc của từng người”. Rõ ràng lí tưởng là mục đích sống, là ý nghĩa của mỗi cuộc đời. Lí tưởng quyết định sự thành công trong cuộc sống. Lí tưởng dẫn dắt sự nghiệp, tăng thêm sức mạnh cho mọi người để đạt đến thành công trong sự nghiệp. Lí tưởng cho ta sức mạnh vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Nhà văn Pháp Đi-dơ-rô từng nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Câu nói đó, lời khẳng định đó thật rõ ràng. Nó khuyên chúng ta sống thì phải có mục đích, lí tưởng phải cao đẹp thì sống mới có ý nghĩa, mới làm được những điều vĩ đại.

Trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa, kinh tế thế giới hội nhập, khoa học kĩ thuật hiện đại, con người đặt ra vấn đề về lẽ sống của cuộc đời và sống như thế nào cho xứng đáng? Chúng ta nên hiểu sống có mục đích và lí tưởng cao đẹp là như thế nào ? Đó là phải sống để xây dựng đất nước, sống vì xã hội vì sự tiến bộ của nhân loại. Vậy thì tại sao ta phải sống có lí tưởng cao đẹp ? Vì nếu “sống không mục đích không làm được gì cả” và nếu “mục đích tầm thường thì không làm được điều gì vĩ đại”. Thế chúng ta phải làm gì để trở thành người có mục đích cao cả và có ích cho xã hội? Trước hết, ta cần phải xác định lí tưởng sống đúng đắn – dự tính về tương lai sẽ cống hiến cho xã hội về những mặt nào. Tiếp theo ta cần phải lên kế hoạch học tập, rèn luyện kĩ năng, sức khoẻ, tư tưởng nhằm thực hiện mục đích đó. Sau đó, ta phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị; điều này sẽ giúp cho bản thân hòa nhập cộng đồng. Ta cần phải phát huy những thế mạnh của bản thân, khắc phục các điểm yếu và vận dụng những điều đã học vào thực tế.

Ngày xưa, anh hùng Lý Tự trọng đã từng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác!”. Trong thời kỳ chiến tranh bao lớp thanh niên xông pha lên đường với một mục tiêu – lí tưởng tất cả vì tiền tuyến, vì độc lập tự do của đất nước. Tư tưởng đó đã đi vào lời ca tiếng hát của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam. “Anh lên xe trời đổ cơn mưa, Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ; Em xuống núi nắng vàng rực rỡ; Cái nhành hoa gạt mối riêng tư” hay “Khi tạm biệt mùa xuân; Anh lính về biên giới; Cô gái vào ca ba”. Bên cạnh một tình yêu nồng cháy của tuổi trẻ nhưng họ phải tạm gác lại để dành tất cả cho một mục tiêu cao cả. Trong thời kỳ ngày nay có lẽ chúng ta khó có thể tìm kiếm được một ca khúc nói về tình yêu đẹp như vậy. Biết bao thế hệ thanh niên đã ngã xuống vì một lí tưởng duy nhất là giành lại độc lập tự do cho đất nước. Đến hôm nay khi đất nước hoà bình và đang trên đà phát triển, thì lí tưởng sống cao đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ lại càng rộng hơn, bao la hơn, ”Vì một Việt Nam phát triển”.

Thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ thể của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên càng cần phải sống có mục đích cao đẹp. Hãy nhớ rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ vào công học tập của các em”. Lời nhắn như thiêng liêng ấy phải được thực hiện! Bác luôn mong lớp lớp thanh niên sau này sẽ không chùn bước trước những khó khăn trước mắt, luôn vững chí bền tâm vượt qua thử thách để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

(Hồ Chí Minh)

Chúng ta chắc còn nhớ hai chiến thắng vẻ vang liên tiếp của đội tuyển Robocon Việt Nam, hay những tấm huy chương vàng, huy chương bạc từ những môn Olympic Toán, Lý, Hoá, Sinh hay trong những giải thể thao hàng đầu của châu lục và thế giới. Đó là những tấm gương gần gũi, rõ ràng mà thanh thiếu niên cần noi theo. Tôi xin được nhắn nhủ các bạn thanh thiếu niên, học sinh: “Hãy học tập để nắm lấy tri thức vì tri thức là sức mạnh. Có tri thức, các bạn như đứng trên vai những người đi trước để cao hơn người khác. Hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chấp nhận và vượt qua thử thách, bởi không có người thất bại, chỉ có người không biết cố gắng mà thôi”. Và chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết những Enstein, Môza, Đác-uyn,… Tất cả họ đều là những người sống có lý tưởng cao đẹp, tất cả đều làm nên điều vĩ đại và được lưu danh muôn thuở. Như mục đích “ra đi tìm đường cứu nước, hi sinh cuộc đời vì cách mạng, vì dân tộc“ của Bác. Đó là một minh chứng rất cao đẹp!

  • Xem thêm: Mẫu bài văn nghị luận về vai trò của lí tưởng sống

Nhưng hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên lại không suy nghĩ được như thế. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xung quanh, sống theo quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”, “Nước đến chân mới nhảy”. Tuổi trẻ ngày nay có nhiều thời gian để dành cho tình yêu nên có lẽ họ không thể nhận ra những hạnh phúc mà họ đang có mà chỉ toàn nhìn thấy sự khổ đau trong tình yêu, phải chăng tuổi trẻ ngày nay khi đã được đáp ứng quá đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần thì dần trở nên ích kỷ hơn. Chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Và mục tiêu của phần lớn các bạn trẻ ngày nay là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội; kiếm thật nhiều tiền để có thể thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống của riêng mình. Trong khi rất nhiều người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn thì lại không ít người lại tỏ ra rất hờ hững với những gì đang diễn ra cho đất nước mình. Thật đáng buồn cho một tương lai đất nước!

Các bạn luôn mong muốn mình sẽ là người tài giỏi nhưng lại không có được một lí tưởng cho riêng mình, thì cuộc đời bạn sẽ trôi về đâu ? Hãy tưởng tượng mà xem: một thanh niên sống không mục đích, không có định hướng, học tập chỉ do ba mẹ gượng ép; chàng ta chẳng hề ham thích những lựa chọn ấy và cũng chẳng hề thích học những môn học ấy; rồi cậu rớt đại học, thất nghiệp (chẳng ai nhận những người không có học vấn cả, dù cậu đã qua các năm trung học rồi nhưng với tinh thần thiếu ý chí thì xét lại cậu cũng chẳng đủ sức cho công việc)… Không có tiền cậu đâm ra vòi vĩnh bố mẹ (tuy nhiên vẫn có một số người tốt, không phạm phải những sai lầm này)… tiêu xài tiền, rồi đủ các thói hư, tật xấu. Cuối cùng chàng thanh niên ấy đã kết thúc cuộc đời trong nhà tù hoặc trên giường bệnh sau bao năm ăn chơi, nghiện ngập. Đó là ví dụ về một con người không có lí tưởng sống. Còn những người sống có mục đích nhưng lại là mục đích tầm thường như ăn no mặc ấm, hạnh phúc gia đình, kiếm được nhiều tiền, cưới vợ đẹp,…Những người này vì lợi ích của bản thân, họ dễ dàng làm bạn với cái ác và sẽ phạm tội. Chúng ta thường đọc thấy trên báo công an hay thấy trên ti vi những tin liên quan đến ông này bà nọ có chức vụ, lạm dụng quyền hạn để trục lợi; hay những nhóm tội phạm, nhất là các nhóm thanh thiếu niên trẻ cướp giật, phạm tội… để kiếm tiền ăn chơi hay những thanh niên, học sinh (kể cả người lớn) ghiền chơi game đến mê mệt! Tất cả, những người sống không có mục đích và những người có mục đích tầm thường đều có kết quả không tốt.

Tóm lại, thanh niên chúng ta cần phải biết và tạo cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, vì mọi người, vì quê hương đất nước. Bản thân mỗi chúng ta hãy tự nhìn lại cách sống của mình để hướng đến tương lai tươi sáng. Cuối cùng xin kết thúc bằng lời của chiến sĩ cách mạng, một người cộng sản trẻ tuổi, một nhà văn, một anh hùng thời vệ quốc Xô Viết vĩ đại, Paven Copsagine trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (tác giả Nikolai Ostrovsky): “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lí hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này”.

Top 3 bài văn hay nghị luận về thanh niên học sinh hiện nay với lí tưởng sống

Bài mẫu 1

: Bức thư đầy xúc động của một người cha gửi con gái chuẩn bị đi du học xa nhà.

“Gửi con gái yêu,

Con năm nay vừa tròn mười tám tuổi. Nụ cười tươi tắn, chiếc răng hơi khểnh, đôi mắt đen huyền. Con là cô công chúa dễ thương nhất thế giới, là bông hồng đầu tiên mà ba mẹ đã nâng niu chăm sóc mười tám năm nay.

Ba yêu con, yêu nhất là ánh nhìn cương nghị giống ba, nhưng cũng yêu nụ cười trong veo như mẹ. Từ trong nụ cười ấy, ba thấy con gái của ba thật mong manh và trong sáng. Nó khiến ba tự nhủ phải yêu con, phải bảo vệ con nhiều hơn nữa.

Ấy thế mà sáng nay, con gái bé nhỏ của ba nói rằng muốn đi du học ở một xứ sở xa xôi. Giây phút ấy, ba nghĩ mình cần gạt ngay ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí con, muốn giấu kín con đi để được bao bọc con trong vòng tay của mẹ và ba. Nhưng trong hồi ức của ba thoáng hiện về hình ảnh một chàng thanh niên của gần ba mươi năm trước, dám tạm ngưng việc học đại học để xung phong ra chiến trường. Và lúc ấy ba hiểu, có một thứ còn mạnh mẽ hơn cả sự đủ đầy vật chất, hơn cả sự bao bọc của mẹ cha, ấy là lí tưởng của con. Không thể nói là ba muốn con đi, nhưng ba tự hào vì con quyết định ra đi, đồng nghĩa với việc chấp nhận bao khó khăn, thử thách trên hành trình ấy.

Có thể con biết rồi, nhưng con phải nhớ kĩ điều này, con yêu ạ: Lí tưởng là mục đích, là hoài bão, là cách sống tốt đẹp nhất mà con người ta theo đuổi. Nó chắp cánh cho ta bay lên, vượt bao khó khăn để đạt được ước vọng. Và đối với một người trẻ tuổi, khi trọng trách đối với quốc gia, gia đình quyện hoà cùng khát vọng dựng xây thì lí tưởng càng trở nên quan trọng. Nó giúp người ta xác định đúng đường đi, giúp ta tránh xa những cạm bẫy nguy hiểm trong cuộc đời. Sống trong một xã hội hiện đại mà khoa học công nghệ thay đổi từng giờ, từng phút, lí tưởng còn giúp người thanh niên tiến nhanh hơn trên con đường học tập và rèn luyện. Lí tưởng tuy vô hình mà có ý nghĩa lớn lao như thế đấy.

Khi nghe con bày tỏ về mơ ước của mình, nhìn những tia sáng lấp lánh trong mắt con, ba mừng vì con đã và đang theo đuổi một hoài bão lớn. Nhưng đó mới chỉ là ước mơ, là hoài bão thôi con gái ạ. Để xác định cho mình một lí tưởng, người ta phải trăn trở, phải nghĩ suy nhiều lắm. Thậm chí có người cả cuộc đời cũng không xác định được lí tưởng của mình là gì. Ba không thể giúp con tìm ra lí tưởng, nhưng ba có thể chỉ cho con thấy một lí tưởng theo ý nghĩa vẹn nguyên tốt đẹp của nó thì trước tiên phải cao cả. Con có để ý thấy không, mỗi khi nhắc đến lí tưởng, người ta thường tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca, bởi ở đó không có chỗ cho những gì đê hèn và thấp kém. Lí tưởng của con phải giúp ích cho cuộc đời, giống như Ê-đi-xơn xưa từng có ước vọng cống hiến đời mình vì khoa học, để rồi đưa con người từ màn đêm thăm thẳm tới một xã hội lung linh ngập tràn ánh sáng. Và cuối cùng, lí tưởng của con phải là một điều khả thi, vì đời người sẽ không có ý nghĩa nếu ta đuổi theo những gì mông lung, vô vọng. Chắc hẳn con biết truyện dã tràng xe cát. Vậy con thử nghĩ xem dã tràng đã để lại cho đời một công trình quý báu hay chỉ là bài học xót xa về một ước mơ không cách gì thực hiện?

Con đã biết những phẩm chất cần có để một ước mơ, hoài bão trở thành lí tưởng, vậy con có biết cách để xác lập và theo đuổi lí tưởng của mình? Trước hết, con hãy nghĩ thật kĩ để tìm ra khát vọng to lớn nhất của đời mình, đối chiếu với những phẩm chất của lí tưởng trên đây. Và nếu phù hợp, con hãy khắc cốt ghi xương lí tưởng ấy. Con sẽ cần lòng kiên trì và đôi khi cả sự hi sinh nữa. Hai mươi lăm năm đã trôi qua, nhưng tim ba vẫn còn ghi rõ hình ảnh người đồng chí ngã xuống, máu nhuộm đỏ cả tấm ảnh anh giữ chặt trong tay tấm ảnh của người con gái có mái tóc thề. Người thanh niên ấy đã dũng cảm bỏ lại những gì thân thương nhất để cống hiến cuộc đời cho Tổ quốc. Lí tưởng của những người thanh niên như thế sẽ mãi mãi soi sáng mảnh đất này. Và một điều nữa, con hãy sắp xếp lịch làm việc một cách khoa học. Một tâm hồn đẹp và một thể chất tốt sẽ giúp con vững vàng rèn luyện vì lí tưởng.

Xã hội ngày nay có biết bao cạm bẫy hiểm nguy. Chính ba cũng từng chứng kiến bao thanh niên sống chơi bời, buông thả. Họ dùng tiền của mẹ cha để đổi lấy cuộc sống hưởng lạc suy đồi và hoàn toàn mất phương hướng. Con tàu lạc lối sẽ gặp phải đá ngầm và chìm dần xuống đáy biển sâu. Ba mừng là con gái ba không thế. Ngay từ khi học lớp 6, con đã mơ ước thiết kế một website có 3000 lượt khách vào thăm. Lớp mười, con mơ ước trở thành một Bill Gates thứ hai, sở hữu một công ty máy tính khổng lồ. Và bây giờ, con gái ba đang hướng về một đất nước xa xôi với khát vọng khẳng định bản thân mình. Nhưng dù con có đi đâu, hãy nhớ rằng con có mẹ, có ba, có những bờ vai vững chắc cho con ngả đầu vào khi gặp nhiều sóng gió.

Chào mừng ngày con tàu của con ra khơi, và càng chào đón hơn ngày con trở về!

Yêu con”.

Có thể bạn muốn tham khảo: Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay

Bài mẫu 2:

Sự phát triển của thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ, cùng với đó là sự thay đổi trên mọi lĩnh vực, nó đòi hỏi con người cũng cần có những thay đổi để thích ứng. Đứng trước những đòi hỏi đó, là một người thanh niên Việt Nam trong thế hệ mới, là lực lượng đông đảo và mang sứ mệnh lớn trong sự phát triển của đất nước, chúng ta cần phải có mục đích sống, lí tưởng sống cho bản thân. Vậy vấn đề đặt ra đó là: “Lí tưởng sống là gì?”. Có rất nhiều quan niệm về lí tưởng sống. Tuy nhiên đều hướng tới đó là lí tưởng sống là một lối sống, là một mục đích tốt đẹp nhất, cao đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin là điều mà con người tôn thờ, khát khao. Lí tưởng sống chính là nguồn sáng chỉ đường cho ta đi đến mục đích và đó là con đường sáng. Lí tưởng cũng tạo ra sức mạnh, nó tạo ra động lực thúc đẩy, động viên con người hành động để đạt được mục đích. Con người sống có lí tưởng cao đẹp là người luôn biết suy nghĩ, luôn định hướng rõ ràng con đường mình phải đi, mà không bị cám dỗ, níu kéo bởi những điều tầm thường, hèn kém.

Trong hoàn cảnh nước nhà gặp giặc ngoại xâm, lí tưởng chung của con người Việt Nam là giết giặc cứu nước. Lí tưởng đó đã soi rọi con đường mà người dân Việt Nam đang đi, họ hiểu rõ “thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”. Đặc biệt là thế hệ thanh niên Việt Nam thời kì cứu nước. Những con người ấy tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã cống hiến tuổi trẻ của mình vì mục đích cao cả là giải phóng dân tộc. Hai mươi mốt tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hành trang là bầu máu nóng sôi sục, lòng yêu quê hương, đất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên là Văn Ba đã rời quê hương thân yêu ra đi với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm nóng chảy đó là “giành tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những gì tối hiểu”. Người thanh niên ấy đã đi năm châu, bốn bể, làm tất cả những công việc từ rửa bát, quét lá hay đánh giày, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đem lại hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay. Những người thanh niên ấy còn là chị Trâm, anh Thạc. Gạt bỏ đi cuộc sống sung sướng, có thể có tình yêu và làm bác sĩ ngay chính quê hương, hưởng một cuộc sống với tuổi trẻ thanh xuân vô tư, vô lo, nhưng chị Trâm đã lựa chọn con đường khổ cực hơn, làm bác sĩ chữa bệnh cho anh bộ đội, gạt bỏ tình cảm cá nhân, chỉ vì một lí tưởng duy nhất là làm cách mạng… Điều làm ta khâm phục hơn nữa còn là ý chí phi thường xông xáo, bạo dạn như chính con người anh hùng Lí Tự Trọng; 17 tuổi đẹp như một bức tranh, 17 tuổi là cái tuổi vui chơi, học tập, nhưng người thanh niên ấy đã đi làm cách mạng và hi sinh ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, sau những tháng ngày bị tra tấn thể xác dã man nhất, trước khi bị xử chém, anh không hề xin được khoan hồng, mà đã hùng hồn tuyên bố “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng, tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Câu nói này đã là tuyên ngôn thể hiện trách nhiệm thời đại của những người trẻ tuổi và đi theo câu nói của người thanh niên này để “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ đây ta có thể thấy rõ được lí tưởng sống để bảo vệ dân tộc đã là mục đích phấn đấu của mọi tầng lớp, đặc biệt là thanh niên Việt Nam trong thời kì chiến tranh.

Hôm nay, khi đất nước không còn chiến tranh, Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập với nền kĩ thuật toàn cầu, công nghệ thông tin phát triển dần thay thế sức lao động của con người nên đòi hỏi thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay cần xông pha vào các trận chiến như sáng tạo khoa học kĩ thuật, phát triển kinh doanh, tham gia các chương trình sáng tạo, tạo nên các sản phẩm từ tri thức, giúp đỡ con người trong kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh chóng … Đó mới là lý tưởng sống hợp thời đại. Có nhiều tấm gương khiến chúng ta thực sự bội phục họ. Đã có rất nhiều những tấm gương thanh niên khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn vươn lên với thành tích xuất sắc trong học tập, chúng ta có thể kể đến hàng loạt các tấm gương như trong những bài viết về những thí sinh khuyết tật nhân mùa thi đại học hàng năm hoặc trong lễ tuyên dương thủ khoa đầu vào, đầu ra đại học: Đó là Nguyễn Đình Chung (khiếm thị) thủ khoa đầu vào đại học Kinh Bắc, chàng trai bại liệt Hoàng Đình Quân thủ khoa đầu vào đại học Thái Nguyên và còn rất nhiều tấm gương thanh niên khác nữa. Những thanh niên ấy không hề tự ti về bản thân, mà luôn cố gắng hết mình học tập rèn luyện gian khổ để góp sức mình cống hiến cho xã hội, là những người tiêu biểu “tàn nhưng không phế” của xã hội. Trên con đường đi tới thành công, sẽ có lắm chông gai, thử thách, có nhiều lúc chúng ta muốn từ bỏ, muốn gục ngã, đầu hàng trước số phận nhưng bạn ơi! Hãy nhìn vào những tấm gương kia mà vươn lên, có như thế bạn mới thành công được…

Ấy vậy mà hiện nay nhịp sống gấp gáp, hối hả, một số bộ phận thanh niên nhầm lẫn lí tưởng và nhu cầu, hay sống không lý tưởng. Có lẽ vì chưa định hướng được lí tưởng, một số thanh niên sống rất buông thả, tha hóa, sống theo phong trào, nước đến chân rồi mới nhảy, há miệng chờ sung, sống không có mục đích, không dùng thời gian để học tập, trau dồi kiến thức mà chỉ sa vào tệ nạn xã hội; trò tiêu khiển, quên đi bản thân, quên đi mục đích sống vì cộng đồng. Thật đáng buồn thay khi trên tin tức, ta có nghe thấy những thanh niên bị xử phạt vì phạm các tội như cướp của, giết người ngày càng nhiều, còn có các xe mô tô kẹp 3, kẹp 4, lạng lách, đánh võng trên đường hay trong các sàn bar thâu đêm, những học sinh sinh viên vui đùa, mê đắm. Có những thanh niên còn chưa tới tuổi thành niên đã chơi ma túy, dẫn nhau vào nhà nghỉ,… Điều đó thực rất đáng lo ngại!

Thanh niên chúng ta cần phải định hướng lí tưởng phát triển bản thân, đem kiến thức, chất xám để xây dựng đất nước. Là một người học sinh, trước tiên chúng ta cần phải thực hiện cuộc cách mạng bản thân (nó xuất phát từ 3 yếu tố: ý thức sâu sắc, tính chất mạnh mẽ, ý chí vững vàng) sau đó rèn luyện bản thân, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, trau dồi tri thức, hiểu biết, học tập thật tốt, dám ước mơ và cố gắng thực hiện mục đích của mình để xứng đáng với sự hi sinh của anh hùng bảo vệ độc lập dân tộc và lòng mong mỏi của Bác Hồ.

  • Nghị luận bàn về quan niệm: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường

Bài mẫu 3:

Bác Hồ từng nói:

“Một năm bắt đầu từ mùa xuân

Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”

Cũng giống như mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm thì tuổi trẻ chính là điểm tựa khởi nguồn cho cuộc đời mỗi người. Bởi tuổi trẻ là hiện thân của sức sống căng tràn, rạo rực, cháy bỏng với biết bao hoài bão, bao mơ ước, dự định. Và để những ước mơ, hoài bão ấy trọn vẹn thì mỗi người đều phải có cho mình những lí tưởng sống đúng đắn.

Vậy lí tưởng sống là gì? Lý tưởng sống là định hướng, là mục đích sống đúng đắn, lành mạnh và tích cực. Lí tưởng sống của mỗi người khác nhau là khác nhau, đó có thể là lớn lao có thể là những điều nhỏ bé nhưng đối với mỗi người nó đều có ý nghĩa nhất định.

Lí tưởng sống là điều vô cùng cần thiết đối với cuộc sống mỗi người. Ai trong mỗi chúng ta chả ước mong có một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi, hạnh phúc. Nhưng đâu phải ai cũng dễ dàng đạt được điều đó. Hơn nữa đối với mỗi người thước đo về sự cảm nhận là khác nhau. Có thể đối với anh cuộc sống thế này là đủ nhưng đối với tôi nó còn phải cao hơn thế nữa. Hoàn cảnh mỗi người là khác nhau, nên tiêu chuẩn cuộc sống đặt ra cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, mỗi người cần phải tạo dựng cho mình một lí tưởng sống để theo đuổi, một chuẩn mực riêng của bản thân để cố gắng.

Lý tưởng sống giống như một cái đích tương lai. Khi bản thân ta đã tự vạch ra cho mình một lý tưởng đúng đắn thì ta sẽ có một lộ trình rõ ràng để thực hiện. Bản thân nhìn vào đó để nỗ lực, phấn đấu đạt được. Lý tưởng sống là động lực thôi thúc mỗi người mạnh mẽ, can đảm đối mặt mọi chông gai thử thách, đứng lên bước tiếp, chinh phục thành công. Lý tưởng sống của thanh niên như chiếc kim chỉ nam trong cuộc đời mỗi con người; định vị cho mọi hành động; là nhân tố không thể thiếu quyết định đến sự thành bại trong cuộc đời mỗi con người.

Những người có lí tưởng sống đúng đắn, rõ ràng là những người có suy nghĩ sâu sa, có nhận thức đúng đắn. Họ không ngừng cố gắng, hoàn thiện và phát triển bản thân theo một lẽ sống, một chuẩn mực cao cả. Họ hành động một cách có lí trí và khoa học. Họ đã và đang tôn lên vẻ đẹp và giá trị của bản thân, cống hiện và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển. Những người như thế dù ở đâu, khi nào cũng luôn nhận được tình cảm trân trọng, yêu quý đến từ tất cả mọi người.

Ngược lại, đối với những người không có lí tưởng sống là người không nhận thức được vai trò tồn tại của bản thân. Họ được tạo hóa ban cho sự sống nhưng lại không biết phải làm sao để tận dụng nó. Sống một cách buông thả, thụ động, sống chỉ trên cái danh nghĩa hư vô. Cuộc sống của họ cứ lặp đi lặp lại một cách tuần tự, tẻ nhạt, vô vị và mờ ảo.

Thế hệ trẻ – lứa tuổi với bao trải nhiệm bao năng lực căng tràn và là những chủ nhân tương lai của đất nước thì lí tưởng sống là điều vô cùng cần thiết. Trong cuộc sống ngày nay có nhiều bạn trẻ có lí tưởng sống đúng đắn. Trong một bài phỏng vấn gần đây, bé Đỗ Nhật Nam từng chia sẻ: “Em chưa bao giờ nghĩ mình là thần đồng nên không thấy áp lực gì. Chỉ khi em xem mình là thần đồng thực sự, em mới phải nghĩ cách để giữ vững danh hiệu đó thôi. Em vẫn nghĩ là mọi người ưu ái cho những nỗ lực của bản thân em thôi ạ. Em thích cách mẹ vẫn gọi em là “Nam na”. Vì em tròn như một quả na, nhiều “mắt” để sẵn sàng mở to học hỏi”. Lí tưởng sống của Nam đó là trau dồi thêm thật nhiều tri thức. Chính điều đó đã khiến Nam ý thức rõ được những việc mình làm, bỏ qua mọi áp lực, mọi lời bàn tán hay nhận xét về mình. Việc của em là học hỏi, không ngừng nỗ lực để chinh phục đỉnh cao tri thức. Chúng ta cũng hẳn còn nhớ đến chiến thắng lịch sử của đội tuyển Việt Nam trên trường quốc tế vào năm 2018: huy chương bạc U23 Châu Á; huy chương vàng AFF Cup 2018 với những cái tên lẫy lừng được ghi danh như Duy Mạnh, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu… Họ – những lứa cầu thủ mới chỉ mười chín, đôi mươi nhưng đã làm nên những chiến thắng mang tính lịch sử dân tộc. Những đôi chân ấy, những con người mang trong mình một khát vọng chiến thắng, một lí tưởng mãnh liệt đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu. Và rồi từ chính niềm tin và lí tưởng ấy đã thôi thúc những chàng trai của chúng ta vượt gió, vượt tuyết chiến đấu hết mình mang về tấm huy chương vàng cho quốc gia. Đó là những tấm gương tiêu biểu mà thanh niên chúng ta cần noi theo.

Trái ngược với hình ảnh đẹp đẽ đó là một bộ phận không ít các bạn trẻ có lối sống bạc nhược, không có lí tưởng sống rõ ràng, đúng đắn. Sống theo kiểu đến đâu hay đến đó, sống phụ thuộc vào gia đình, nhà trường, thầy cô. Họ không biết cuộc sống ngày mai sẽ ra sao, đi về đâu. Trong tâm tưởng của họ chưa hề hoặc thậm chí chả có một chút mường tượng, chút nét vẽ phác thảo định hướng cho con đường phía trước. Mỗi ngày chỉ biết vác sách vở đến lớp ngồi đến hết giờ lại về; chỉ biết xin tiền bố mẹ để tiêu xài phung phí, ăn chơi, sa đọa; sống một cuộc sống vô nghĩa. Một số khác thì định hướng những cái lớn lao tiêu cực với quan niệm: “Tiền là tất cả”; họ coi trọng vật chất tầm thường, chạy theo cái xa hoa mà sẵn sàng làm những điều sai trái, tiêu cực. Thật đáng buồn.

Tạo hóa ban cho mỗi người sự sống vì vậy mỗi chúng ta phải biết trân trọng sự sống ấy. Đã được tồn tại trên thế gian thì phải biết sống sao cho trọn cái giá trị của nó. Sống là phải có lí tưởng đúng đắn, có mục đích rõ ràng, sống là phải có ý nghĩa. Chúng ta không chỉ sống cho chúng ta mà còn sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng. Vì lẽ đó mỗi người phải không ngừng cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, trở thành công dân có ích xây dựng cho đất nước. Thế hệ trẻ – thế hệ của tương lai, thế hệ được gửi gắm trọng trách và sứ mệnh cao cả “sánh vai với các cường quốc năm châu” chúng ta lại càng phải thấm nhuần hơn tư tưởng cao đẹp ấy. Cũng giống như Nikolai Ostrovsky từng chia sẻ “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lý hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này”.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 9 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button