Tổng hợp

Mai An Tiêm là ai? Truyền thuyết về Mai An Tiêm

Mai An Tiêm là ai?

Theo truyền thuyết: Mai An Tiêm tên là Mai Yển – hiệu là An Tiêm, là con nuôi Vua Hùng thứ 18.

Mai An Tiêm là ai?
Mai An Tiêm là ai?

Truyền thuyết về Mai An Tiêm

Thuở nhỏ, Mai An Tiêm là cậu bé thông minh, lanh lẹ. Lớn lên, Mai An Tiêm khỏe mạnh, chăm chỉ làm việc, lại khéo tay biết làm nhiều việc, nên được Vua Hùng quý mến và gả con gái nuôi làm vợ. Thời gian sau, vợ chồng Mai An Tiêm đã xây cất được nhà cửa khang trang, thóc gạo đầy nhà. Thấy thế, bọn người ganh tỵ tâu với Vua Hùng: “An Tiêm coi thường ơn vua. Hắn cho rằng của cải làm ra đều là nhờ ơn Trời và tài sức của hai vợ chồng hắn với các con”. Vua Hùng nghe tin giận lắm, liền truyền lệnh đầy cả gia đình Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang vắng ở biển đông.

Nơi hoang đảo, vợ chồng Mai An Tiêm cùng hai người con thương yêu của mình vật lộn với thiên nhiên, chọn hang đá làm nhà che mưa che nắng, dùng cành cây nhọn đào đất tìm nước uống, mài đá để lấy lửa, xuống biển mò cua bắt ốc để ăn… Một ngày kia, có một con chim trắng từ phía Tây bay tới làm rơi hạt cây màu đen xuống bãi cát trắng. Nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được, Mai An Tiêm đem hạt cây trồng thử. Mấy tháng sau, cây lớn bò lan trên mặt đất, có nhiều quả xanh thẩm to bằng đầu người lớn. Khi bổ ra ăn thử, thấy ruột quả màu đỏ, hạt đen, mùi vị thơm  ngọt. Mai An Tiêm đặt tên cho quả lạ đó là Tây Qua – vì chim đưa hạt từ phía Tây đến. Về sau, người Tàu ăn thấy ngon khen là “Hấu”, người về sau gọi trại đi là dưa hấu.

Mai An Tiêm đem hạt dưa gieo trồng khắp đảo. Khi có nhiều dưa rồi, Mai An Tiêm dùng que nhọn vạch chữ vào, thả xuống biển cho trôi đi khắp nơi. Thuyền buôn qua lại, vớt được trái dưa, ăn thấy ngon, liền tìm đến. Rồi từ đó tiếng đồn đi xa là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các thuyền buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng. Nhờ đó mà gia đình An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu. Tiếng đồn về quả dưa hấu khắp xa gần rồi đến tai Nhà Vua, Nhà Vua sai người ra đảo dò xét xem gia đình Mai An Tiêm ra làm sao, sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, Nhà Vua ngẫm nghĩ thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong Triều đình. An Tiêm về dâng cho vua cha giống dưa hấu mà mình may mắn có được, rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những nơi đất cát.  Kể từ đó, nước Văn Lang có thêm thứ trái cây danh tiếng. Chính vì vậy, người đời sau tôn An Tiêm là ông Tổ nghề trồng dưa hấu.

Ngày nay, trên vùng đất Nga Phú và một số xã lân cận còn có nhiều địa danh gắn liền với Mai An Tiêm. Nơi đảo hoang xưa gọi là bãi An Tiêm.   Ngọn núi – xưa kia là hoang đảo được nhân dân đặt tên là núi Mai An Tiêm. Hang đá – tương truyền là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm khi mới đặt chân lên nơi này được gọi là hang núi Mai An Tiêm. Ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì lập đền thờ hai vợ chồng chàng. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng An Tiêm trên đảo mỗi ngày  thêm đông đúc. Họ lập thành làng Mai An và dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật nổi tiếng ở Nga Sơn.

Truyền thuyết về Mai An Tiêm
Truyền thuyết về Mai An Tiêm

Sự thật về hòn đảo Mai An Tiêm

Tương truyền, hòn đảo nơi Mai An Tiêm bị đày và sinh sống đến sau này dần dần được bồi đắp trở thành đất liền, người dân đến sinh sống ngày đông hơn, dựng thành làng ấp và đặt tên là làng Mai An, còn gọi là Mai Thôn, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi đây được xem là vùng đất gốc nên là nơi trồng dưa ngon nhất nước; người dân ở đây tôn vợ chồng Mai An Tiêm là “Bố Cái dưa hấu” hay “ông bà tổ dưa tây” và thờ cúng. Theo sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện khi đến lễ bái đều lấy quả dưa Tây (dưa hấu) qua làm đồ tế tự. Về xuất xứ, quả dưa hấu ban đầu có tên là Tây qua vì được chim tha từ phía Tây đến. Xét theo khoa học nguồn gốc của loại quả này ở vùng Tây Á có tên Ả-rập là Baticha, tiếng Pháp là Pasteque. Về sau được gọi là dưa hấu, vì sau khi dâng lên Vua ăn thấy ngọt mát thấu dạ nên truyền đặt là dưa thấu, chữ thấu ở đây còn hàm ý Vua đã thấu hiểu được sự cố gắng và tấm lòng của Mai An Tiêm. Sau này được đọc chệch gọi là dưa hấu theo tiếng địa phương.

Sự phát triển của vùng đất dưa hấu

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt là thủy nguồn của những vị nhân, vị vua khai thiên lập địa như: nhà Tiền Lê, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, chúa Trịnh hay chúa Nguyễn. Nơi đây còn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú như nem chua, gỏi cá nhệch. Làng nghề thủ công như: làng chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa Hà Đông.

Nếu như cách đây chỉ khoảng 5 năm Nga Sơn còn khó khăn do áp lực cạnh tranh chỉ có vài hộ giữ nghề truyền thống này. Nhưng những năm gần đây được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành dưa hấu nơi đây đã phát triển hơn hẳn.

Ảnh hưởng của truyền thuyết Mai An Tiêm đến đời sống hiện nay

Năm 2014, trong lễ trao giải WeChoice Awards ban tổ chức đã chọn câu chuyện của Mai An Tiêm làm chủ đề lễ trao giải năm đó. Mai An Tiêm được cho là đại diện cho thế hệ thanh niên, dám nghĩ, dám làm, không trong chờ vào sự sắp đặt hay ban phước từ người khác cùng với quan niệm riêng của mình: “Của mình làm ra mới quý, còn của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Chính điều này là đã làm nên động lực cho thanh niên ngày nay học hỏi và nôi theo.

Đối với ngành Marketing, truyền thuyết Mai An Tiêm được xem là một trong những hình thức quảng cáo đầu tiên. Khi Mai An Tiêm khắc tên lên quả dưa và thả xuống dòng sông để mọi người biết đến loại quả này. Cách này được xem là hiệu quả và được áp dụng rộng rãi đến tận bây giờ và phát triển theo thời đại.

Truyền thuyết Mai An Tiêm mang lại những giá trị nhân văn về giá trị, cách sống, cách nghĩ, triết lý sống cho người Việt ta ngày nay lẫn mai sau. Dưa hấu một loại quả thơm mát, thanh ngọt và là một nghề truyền thống của người dân Nga Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Ảnh hưởng của truyền thuyết Mai An Tiêm đến đời sống hiện nay 
Ảnh hưởng của truyền thuyết Mai An Tiêm đến đời sống hiện nay 

Lễ hội Mai An Tiên ngày nay

Lễ hội Mai An Tiêm thường được diễn ra tại đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú (Nga Sơn), gồm 2 phần: Phần lễ có các hoạt động truyền thống được lưu truyền từ xưa đến nay, như: lễ rước sắc phong từ đình làng ra đền thờ Mai An Tiêm; lễ dâng hương tại đền thờ chính… Phần hội được tổ chức dưới màn trình diễn nghệ thuật bằng hình thức sân khấu hóa, tái hiện cảnh Mai An Tiêm và cả gia đình bị đày ra đảo hoang. Sau đó, Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý và nhân rộng ra khắp vùng. Nhờ quả dưa hấu truyền tin vào đất liền, vua biết được Mai An Tiêm và gia đình không những còn sống mà còn tìm ra giống dưa quý, nhà vua đã minh oan và đưa gia đình Mai An Tiêm trở về đất liền đoàn tụ… Trong khuôn khổ lễ hội còn có các trò chơi, trò diễn dân gian, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao truyền thống như: thi cắm trại, bóng chuyền, khắc dưa, kéo co, chọi gà, cờ người…

Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức không chỉ nhằm tái hiện lại cuộc sống khó khăn, song cũng đầy nghĩa tình của đôi vợ chồng trẻ, mà còn đề cao nghị lực sống của con người, cũng như mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống yêu nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương. Đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá, bảo lưu những giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích đền thờ Mai An Tiêm, về truyền thuyết Mai An Tiêm và quả dưa hấu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, tâm linh của các tầng lớp Nhân dân và du khách thập phương.

Trải qua những biến cố thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, nhiều địa danh gắn liền với An Tiêm đã thay đổi, ngôi đền thờ Mai An Tiêm bị đổ nát hoàn toàn, nhiều đồ thờ bị hư hỏng. Đến năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ để có quy mô kiến trúc chữ “Đinh” với 5 gian nhà tiền đường và 3 gian hậu cung. Di tích Mai An Tiêm đã được xếp hạng cấp Tỉnh và là một trong những di tích trọng điểm nằm trong quần thể di tích thắng cảnh  phục vụ phát triển du lịch của huyện Nga Sơn. Trong thời gian tới, đền thờ Mai An Tiêm sẽ được tu bổ, tôn tạo khang trang với 5 gian tiền bái và 3 gian hậu cung phỏng theo kiến trúc đình đền Việt Nam. Cổng tứ trụ gồm 4 cột theo cổng tứ trụ truyền thống, trên đỉnh trụ đắp Phượng lật, bốn mặt lồng đèn đắp hoa văn trang trí hính Long – Ly – Quy – Phượng.

Hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng 3 Âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội với nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, đức tính kiên trì nhẫn nại và tình yêu quê hương xứ sở của Mai An Tiêm, đặng góp phần động viên thế hệ hôm nay phát huy truyền thống của ông cha thuở trước, đem hết năng lực, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp.

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button