Giáo dụcLớp 12

Khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn trong Rừng xà nu

Đề bài: Khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn trong Rừng xà nu

khuynh huong su thi va khuynh huong lang man trong rung xa nu

Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm Rừng xà nu hay, Chọn lọc

Bạn đang xem: Khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn trong Rừng xà nu

I. Dàn ý Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm Rừng xà nu

1. Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Trung Thành và truyện ngắn Rừng xà nu
– Nêu vấn đề nghị luận: Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm

2. Thân bài
a) Giải thích:
– Khuynh hướng sử thi: 
+ Nội dung: Phản ánh những sự kiện trọng đại, mang tính sống còn của dân tộc/ cộng đồng; xây dựng hình tượng người anh hùng tài năng, kết tinnh vẻ đẹp và lí tưởng lớn của dân tộc đó.
+ Hình thức thể hiện: Giọng điệu hào sảng, trang trọng
– Cảm hứng lãng mạn: 
+ Khái niệm: Là cảm hứng của cái tôi trữ tình tác giả 
+ Tác dụng: Để đề cao lí tưởng anh hùng của nhân vật, của cách mạng, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc của con người trong kháng chiến…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm Rừng xà nu chi tiết tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm Rừng xà nu

Nguyễn Trung Thành là một trong những cây bút văn học tiêu biểu cho nền văn học Cách mạng kháng chiến chống Mỹ. Trong cuộc đời của mình, ông đã sống và gắn bó với mảnh đất và con người Tây Nguyên. Vậy nên, các tác phẩm của ông thường tập trung viết về đề tài con người thiên nhiên trên mảnh đất này. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Rừng xà nu được in trong tập ” Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Truyện ngắn tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Cách mạng thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Sau cuộc chiến tranh chống Pháp gian khổ, những tưởng nhân dân ta sẽ được hưởng nền độc lập, hòa bình, thống nhất hai miền Nam Bắc. Thế nhưng không, giặc Mỹ đã nhảy dù vào chiến trường miền Nam, biến miền Nam trở thành một thuộc địa kiểu mới, tác động mạnh mẽ tới công cuộc giành độc lập của nước ta. Chúng ta lại một lần nữa phải đứng lên kháng chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược và hai miền Nam Bắc lại một lần nữa bị chia cắt. Chính vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như vậy, văn học trong thời kì này thường gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Khuynh hướng sử thi trong văn học phản ánh những sự kiện trọng đại, có tính sống còn của một dân tộc, một đất nước, về một người anh hùng tài năng, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc ấy. Khuynh hướng này thường được thể hiện bằng giọng điệu trang trọng, hào sảng. Còn cảm hứng lãng mạn là cảm hứng của “cái tôi trữ tình” của chính tác giả để đề cao lý tưởng anh hùng của nhân vật, của Cách mạng, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc của con người trong kháng chiến chống lại kẻ thù.

Hai cảm hứng này thường đi liền với nhau, đặc biệt là ở trong các tác phẩm văn học thời kì Cách mạng 1945-1975. Và nó cũng được thể hiện thật rõ trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Về khuynh hướng sử thi, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã thể hiện ở trong tác phẩm là một sự kiện mang tính trọng đại của buôn làng Xô Man. Đó là sự kiện cả làng, cả đất nước đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ. Ông cũng thể hiện thành công hình ảnh người anh hùng lý tưởng Tnú với những phẩm chất cao đẹp nhất của con người núi rừng Tây Nguyên. Ngoài ra, ở cảm hứng lãng mạn, ông đã đặt “cái tôi trữ tình” của mình vào trong hình ảnh của những cây xà nu, hình ảnh Tnú – người con của đất Tây Nguyên. Chính hai điều này đã viết lên những trang truyện vừa sống động hiện thực lại vừa thúc đẩy tinh thần Cách mạng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong truyện ngắn Rừng xà nu, chất liệu sử thi và cảm hứng lãng mạn xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm, từ đề tài, hoàn cảnh, con người, thiên nhiên, … Thế nhưng, nổi bật nhất, xuyên suốt nhất tác phẩm phải kể tới hình ảnh cây xà nu cùng bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng này.

Câu chuyện được Nguyễn Trung Thành kể lại là về một cuộc về thăm làng của người chiến sĩ cộng sản Tnú, vốn là người con của núi nước này. Tnú ra đi ba năm, về lại thăm làng, điều anh bắt gặp đầu tiên, đó chính là rừng xà nu. Đây là một loài cây vốn là tượng trưng cho người dân Xô man, cho núi rừng Tây Nguyên. Bởi không ở một nơi đâu, người ta lại có thể bắt gặp loài cây này mọc nhiều như ở nơi đây. Chúng mọc thành từng cánh rừng lớn, che chở cho con người nơi đây. Chúng gắn bó với họ, chúng đã trở thành biểu trưng của họ, trở thành niềm tự hào, trở thành một phần thân thể của người dân vùng đất này. Thế nên, cây xà nu trở thành biểu tượng cho số phận, cho phẩm chất của người dân nơi đây.

Mở đầu bức tranh, người ta thấy một rừng xa nu rộng lớn kéo dài “tận chân trời” thì ở cuối câu chuyện, người ta cũng vẫn thấy hình ảnh của nó kéo dài “hút tận chân trời”. Loài cây ấy là biểu tượng cho người dân, cho những mất mát đau thương của họ khi chiến tranh xảy ra. Cây xà nu cũng như con người Xô Man, “hàng vạn cây không cây nào là không bị thương”, “nhựa ứa ra tràn trề, … rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Đó là những vết thương của bom đạn chiến tranh, của sự độc ác, tàn nhẫn của bọn cướp nước. Chúng là chứng nhân cho những gì đau khổ nhất mà con người nơi đâu phải chịu đựng. Những vết thương của rừng xà nu cứ liên tiếp liên tiếp. “Cứ vài ba hôm một lần”, rừng xà nu lại chịu một loạt đại bác tầm cao của giặc bắn vào làng, rơi “xuống cạnh con nước lớn” khiến chúng bị thương, bị “chặt đứt đôi” thân cây, “nhựa ứa ra” “năm mười hôm rồi chết”. Thế mới biết, chiến tranh ác liệt như thế nào! Chúng cũng như những con người ở nơi đây, phải chịu đựng những điều mất mát ấy do chiến tranh, do bọn giặc Mỹ điên cuồng gây ra.

Thế nhưng không chỉ là loài cây biểu trưng cho số phận, cho sự mất mát trong chiến tranh của người dân Xô Man, cây xà nu còn mang trong mình những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên nữa. Bởi dù bị tàn phá đến thế nào, chịu tổn thương ra sao, loài cây ấy vẫn hiên ngang, “ưỡn tấm ngực lớn” trước những loạt đạn đại bác của kẻ thù. Tinh thần, ý chí ấy phải chăng chính là tinh thần của con người nơi đây? Họ chịu đựng bao tổn thương nhưng không đời nào chịu khuất phục, họ như những cây xà nu, cứ tiếp nối nhau, thế hệ này qua thế hệ khác “một cây ngã xuống, bốn năm cây con mọc lên” kế tiếp nhau đứng lên chống lại bè lũ giặc thù.

Không chỉ trở thành hiện thân cho những đau thương mất mát của con người, cây xà nu còn là hiện thân cho khát vọng tự do, cho sức sống mãnh liệt của con người cùng các thế hệ người dân Xô Man. Nguyễn Trung Thành nói rằng: “Có ít loài cây nào ham ánh sáng đến thế. Chúng phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng rọi từ trên cao xuống”, phải chăng đây chính là hình ảnh của con người nơi đây đang thay nhau đón lấy thứ ánh sáng của Cách mạng đang chiếu rọi xuống. Như Tố Hữu cũng đã từng nói, ánh sáng Cách mạng dường như là ánh sáng của mặt trời soi tỏ con tim ta:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”

Thì ở đây, cây xà nu – con người Tây Nguyên cũng đang “phóng lên rất nhanh” đón nhận thứ ánh sáng chói chang ấy để tiếp bước con đường tìm lại tự do. Ánh sáng ấy cũng tượng trưng cho khát vọng được tự do, được sống trong hòa bình của dân tộc.

Và chúng ta cũng không thể quên hình ảnh những cây xà nu cứ thi nhau mọc lên, dù những cây lớn đã ngã xuống, đã chịu những vết thương đau đớn vô cùng thì những cây con vẫn như “mũi lao” lao thẳng lên trời. “Một cây ngã xuống, bốn năm cây con mọc lên” vươn thẳng lên trời, đó là sức sống mãnh liệt của xà nu, của con người làng Xô Man. Đến Nguyễn Trung Thành cũng phải bật lên câu cảm thán “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi khỏe như vậy”. Phải, chúng sinh sôi khỏe, tiếp nối nhau liên tục bởi chúng là biểu tượng của con người nơi đây, là hiện thân cho các thế hệ con người dân tộc Việt Nam tiếp nối nhau đứng dậy kháng chiến chống kẻ thù.

Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn thể hiện thật rõ qua hình ảnh những cây xà nu bởi hình ảnh rừng xà nu hiện lên trước mắt chúng ta thật sống động, thật hùng vĩ biết bao nhiêu. Có thể nói chính cảm hứng sử thi đã giúp Nguyễn Trung Thành tái hiện được trước mắt chúng ta một thiên nhiên ở Tây Nguyên hùng vĩ, hào sảng đến như thế. Và cảm hứng lãng mạn, nó cũng đã kết nối từng câu chữ, gợi lên những hình ảnh sống động, cảm xúc chân thật trong từng mạch truyện.

Thế nhưng, tính sử thi và lãng mạn không chỉ có ở phong cảnh thiên nhiên mỹ lệ, nên thơ của núi nước Tây Nguyên mà nó còn hiện hữu thật rõ trong hình tượng người anh hùng Tnú. Tnú, trước hết, là hiện thân, là kết tinh những phẩm chất cao đẹp nhất, ưu tú nhất của con người làng Xô Man. Anh vô cùng dũng cảm, yêu quê hương, yêu thương vợ con, một lòng trung thành với Cách mạng và có một lòng căm thù giặc sâu sắc. Cảm hứng sử thi là cảm hứng lớn nhất bao trùm lấy nhân vật này.

Ở anh, người ta thấy một con người ưu tú của buôn làng. Tnú là một người con mồ côi, được dân làng Xô Man nuôi lớn, anh chính là kết tinh cho tình yêu thương thắm thiết giữa người với người của con người đất này. Anh có số phận gắn liền với đất nước với quê hương khi chính anh phải chịu đựng những tổn thương, mất mát trực tiếp do chiến tranh gây ra. Anh mất vợ mất con vì bị giặc giết, anh bị đốt cụt mười đầu ngón tay bằng lửa xà nu. Thế nên, anh đã quyết tâm đứng lên đi theo Cách mạng, để đền nợ nước, trả thù nhà. Có thể nói, hình tượng của anh tiêu biểu cho lý tưởng Cách mạng khi từ nhỏ anh đã “nuôi giấu cán bộ” trong rừng. Rồi sau đó, lớn thêm chút, anh lại trở thành người liên lạc cho cán bộ từ huyện về buôn làng. Bị giặc bắt, anh vượt ngục trở về, “lãnh đạo làng” nổi lên chống lại quân thù. Thế rồi, sau những biến cố đau thương, vợ con bị giết hại, bàn tay bị đốt cụt, anh đã dứt khoát ra đi theo tiếng gọi của Cách mạng để chống lại kẻ thù. Anh mang trong mình hết thấy những phẩm chất cao đẹp nhất của con người nơi đây. Đó là sự dũng cảm, sự gan dạ, khi chỉ mới vài tuổi, anh đã “băng rừng”, “xé rừng” đi làm liên lạc, rồi nuôi giấu cán bộ Cộng sản. Đến khi bị giặc bắt, bị tra tấn, anh không hề nghĩ tới sự sống còn của mình mà chỉ nghĩ tới việc “ai sẽ thay mình lãnh đạo dân làng nổi dậy” khi Cách mạng phát động tiến công. Tóm lại, Tnú là một hình tượng nhân vật anh hùng mang tất cả những đặc điểm của một nhân vật sử thi. Chính vì thế, anh cũng làm nên chất sử thi trong tác phẩm, làm rõ chân lý “phải lấy bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng”. Và cảm hứng lãng mạn cũng góp phần soi tỏ ở đây vẻ đẹp trong con người, trong nhân cách của Tnú.

Ngoài ra, nghệ thuật trần thuật cùng với giọng điệu trong câu chuyện cũng được Nguyễn Trung Thành thổi vào đó tính sử thi, lãng mạn. Chính điều đó đã giúp chúng ta cảm nhận được thật rõ cảnh sắc, thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của con người nơi núi rừng Tây Nguyên.

Có thể nói, Rừng xà nu đã khắc họa thật trọn vẹn hình ảnh của những con người với tinh thần cách mạng bất diệt, mang trong mình khát vọng tự do, khát vọng được sống trong hòa bình. Để làm được điều đó, không thể không nhắc tới khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thời kì này, chính nó đã làm nên một Rừng xà nu thật đặc sắc, đặc biệt. Xây dựng lên hình tượng cây xà nu kiên trung và hình tượng người anh hùng bất tử Tnú, Nguyễn Trung Thành đã góp phần xây dựng lên vẻ đẹp của cảm hứng sử thi cũng như góp phần tô đậm cảm hứng lãng mạn xuyên suốt thời kỳ lịch sử 1945 – 1975 hào hùng của dân tộc. Và điều đó cũng khiến Rừng xà nu trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất của khuynh hướng này.

——————- HẾT ——————-

Thông qua việc phân tích Khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn trong Rừng xà nu, các em có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Để hiểu rõ hơn về nội dung bài đồng thời biết cách làm bài văn phân tích Rừng xà nu hay, đặc sắc, các em có thể tham khảo thêm bài viết Phân tích nhân vật cụ Mết trong truyện Rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu, Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Rừng xà nu,…

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button