Lớp 6Văn mẫu 6

Kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Tham khảo dàn bài chi tiết và các bài văn mẫu hay kể tóm tắt truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, tài liệu hữu ích cho học sinh lớp 6.

Kể tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh – Hướng dẫn cách kể tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh bằng lời văn của em hay và dễ hiểu, cùng một số bài mẫu tham khảo đóng vai các nhân vật để kể tóm tắt câu chuyện.

Kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Dàn ý kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về sự việc và nhân vật. Thời vua Hùng Vương thứ mười tám có con gái tên là Mị Nương, vua truyền lệnh kén rể.

2. Thân bài

Kể lại diễn biến của sự việc, theo trình tự:

– Có hai chàng trai đến cầu hôn Mị Nương: Một người ở vùng núi Tản Viên, tên gọi là Sơn Tinh. Một người ở vùng biển, tên gọi là Thủy Tinh, cả hai đều tài giỏi hơn người.

– Vua phân vân không biết chọn ai nên ra điều kiện: Ai đem lễ vật đến trước thì người đó là chồng Mị Nương.

– Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.

– Thủy Tinh đến sau không lấy được Mị Nương nên nổi giận.

– Thủy Tinh và Sơn Tinh giao chiến với nhau. Thủy Tinh hóa phép trời giông đất bão, thủy thần thủy tộc ra bao vây núi Tản đánh Sơn Tinh (lũ lụt khắp nơi). Sơn Tinh bình tĩnh, dùng phép lạ dời đồi, chuyển núi, dựng thành đất ngăn chặn Thủy Tinh (dòng lũ lụt), nước sông dâng cao, đồi núi cũng cao lên.

– Hai bên đánh nhau mấy tháng ròng, Sơn Tinh chiến thắng, Thủy Tinh kiệt sức đành rút quân.

3. Kết bài

– Oán nặng, thù sâu, hàng năm Thủy Tinh làm mưa gió, bão lụt đánh Sơn Tinh, nhưng năm nào cũng thất bại, đành rút quân về. Đây cũng là chi tiết mà người xưa muốn giải thích về hiện tượng lũ lụt thường xảy ra trong năm.

Trên đây là dàn ý để em hình dung các sự việc chính cần thể hiện trong bài tóm tắt. Tham khảo một số bài văn mẫu tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài em nhé:

Bài văn mẫu tham khảo

Bài văn mẫu 1:

Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng.

Một người là Sơn Tinh – chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh – chúa vùng nước thẳm. Để lựa chọn được chàng rể xứng đáng, Vua Hùng bèn đặt ra điều kiện: “Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thi ta sẽ gả con gái cho”.

Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, cưới được Mị Nương. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho thành Phong Châu ngập chìm trong nuớc. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép bốc từng quả đồi, dời tùng dãy núi, đắp thành dựng luỹ, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua.

Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào cũng mang thất bại trở về.

Xem thêm: Phân tích nhân vật Sơn Tinh trong truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Bài văn mẫu 2:

Vua Hùng Vương thứ 18 có một nàng công chúa tên là Mị Nương, nàng đẹp như hoa như phấn, tính tình thì hiền dịu nết na. Khi Mị Nương đến tuổi lấy chồng, vua Hùng muốn kén một chàng rể thật tài giỏi, nhưng mãi chưa có một ai xứng đáng với con gái của mình.

Một hôm nọ, đến cầu hôn công chúa có hai vị thần, cả hai đều ngang tài, ngang sức với nhau,và đều xứng đáng để trở thành con rể của vua Hùng. Một người tên là Sơn Tinh là chúa của vùng rừng núi cao, thần có thể dời non lấp bể, dựng núi xây đồi. Còn người thứ hai tên là Thủy tinh là chúa vùng biển cả, thần có khả năng hô mưa gọi gió, dâng nước…Vua Hùng không biết chọn ai, ngẫm nghĩ một hồi lâu, vua bèn ra điều kiện: “Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thì ta sẽ gả con gái cho”.

Sáng hôm sau, mới tinh mơ, Sơn Tinh đã mang lễ vật đến và cưới được Mị Nương, thần đưa nàng về núi cao. Còn Thủy Tinh đến sau, nên không cưới được công chúa, tức giận bèn hô mưa, gọi gió, tạo ra giông bão, dâng nước lên cao để nhấn chìm Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương. Lúc đó, cả một vùng Phong Châu như chìm trong biển nước. Nhưng Sơn Tinh không hề sợ sệt, thần dung phép dời núi, bốc đồi, đắp thành lũy để ngăn chặn dòng lũ đang đang cao. Hai bên đánh nhau suốt ngày đêm. Vùng núi Tản Viên, Sông Đà lúc đó như trở thành một chiến trường khóc liệt, cấy cối đất đá đổ vỡ khắp nơi, xác các sinh vật biển chết thả đầy sông. Cuối cùng Thủy Tinh không đánh lại được đành chịu thua.

Nhưng oán hận thù sâu trong lòng Thủy Tinh vẫn không khôn nguôi, hang năm cứ đến tháng 7 tháng 8, Thủy Tinh lại đánh Sơn Tinh, vẫn làm mưa, làm gió, gây bão để rửa hận.

Xem thêm: Kể diễn cảm truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Bài văn mẫu 3:

Vua Hùng thứ mười tám có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương. Vua rất thương con và muốn tìm cho Mị Nương một người chồng xứng đáng.

Mị Nương càng lớn càng đẹp. Đến tuổi trăng rằm, không biết bao nhiêu chàng trai dòng dõi mong được lấy nàng làm vợ. Tiếng tăm về người con gái đẹp người đẹp nết vang xa tới tận núi Tản Viên, nơi Sơn Tinh – vị thần của núi và đất sinh sống. Một buổi sáng, Sơn Tinh quyết định cưỡi hổ trắng oai phong lẫm liệt đến cầu hôn Mị Nương. Cũng ngày hôm đó, một chàng trai cưỡi rồng nước uy nghi to lớn, tự xưng là Thuỷ Tinh cũng đến cầu hôn Mị Nương. Vua Hùng băn khoăn, ai cũng tài giỏi, biết gả con gái yêu cho ai bây giờ? Cuối cùng, vua quyết định, hai người so tài, ai thắng sẽ được lấy Mị Nương. Lập tức, Thuỷ Tinh hô mưa gọi gió, sấm chớp nổ đùng đùng, cả thành Phong Châu như muốn nổ tung vì lũ quét, khiến cho không chỉ các lạc hầu lạc tướng kinh hãi mà đến ngay cả vua Hùng cũng phải run sợ. Sơn Tinh cũng chẳng thua kém, chàng chỉ tay về phía Đông, phía Đông mọc núi đồi, chàng chỉ tay về phía Tây, phía Tây nổi cồn bãi. Ai ai cũng đều thán phục. Vua Hùng muốn gả Mị Nương cho Sơn Tinh nhưng lại sợ Thuỷ Tinh nổi giận. Sau một hồi bàn bạc với các lạc hầu lạc tướng, vua phán: “Cả hai chàng đều tài giỏi nhưng ta chỉ có một mụn con, vì vậy, ngày mai, ai đến sớm, mang được đầy đủ một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà. Gà chín cựa, ngựa chín hồng mao sẽ được đón Mị Nương về làm vợ”.

Sáng hôm sau, khi tia nắng đầu tiên của ngày mới chưa xuất hiện, khi bầu trời còn đang đắm chìm trong màn sương đêm thì Sơn Tinh cùng đoàn tuỳ tùng đã đến rước Mị Nương về núi Tản. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ liền đùng đùng nổi giận, sai đoàn thuỷ quái đánh đuổi Sơn Tinh. Sơn Tinh gọi một đoàn quân hùng dũng gồm hùm beo gấu rắn.., lên đánh lại Thuỷ Tinh. Trời đất tối sầm, những tia sét ngang dọc lượn trên bầu trời như những con rắn khổng lồ đang uốn lượn như muốn xé tan bầu trời. Sơn Tinh cùng quân lính liên tục ném đá vào lũ thuỷ quái. Sau một hồi giao chiến, Thuỷ Tinh bèn dâng nước lên cao, nhấn chìm mọi nhà cửa ruộng đồng cây cối,… chẳng bao lâu, cả thành Phong Châu ngập chìm trong biển nước. Nhân dân cùng muông thú vội chạy lên núi cao trú ẩn. Sơn Tinh hoá phép cho đồi núi luôn cao hơn nước của Thuỷ Tinh. Thuỷ Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại dâng núi cao bấy nhiêu. Trận chiến diễn ra hết ngày này sang ngày khác. Thuỷ Tinh dần kiệt sức, đành phải rút quân về. Mọi người xuống núi dựng lại nhà cửa, vỡ ruộng khai hoang.

Từ đó, năm nào Thuỷ Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua trận. Ngày nay, nhân dân ta vẫn đắp đê, trồng rừng, hằng năm vẫn chung sức chống lại lũ lụt, như xưa kia, ông cha ta và Sơn Tinh đã chống lại Thuỷ Tinh.
Thế mới biết, nếu đồng sức đồng lòng, không có việc gì chúng ta không làm được.

  • Tham khảo hướng dẫn soạn bài Sơn Tinh, Thủy Tinh ngắn gọn nhất

Đóng vai các nhân vật kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Dàn ý tham khảo

1. Mở bài: Chọn một nhân vật để kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

Ví dụ: Ta là Mị Nương, con gái của Hùng Vương thứ 18. Ta là một công chúa xinh đẹp và thùy mị, vua cha một mực yêu thương nên muốn kén cho ta một chàng rể xứng đáng. Khi vua cha loan tin kén rể cho ta thì tin được mọi người biết đến.

2. Thân bài: Tưởng tượng kể chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

* Các người hùng đến cầu hôn ta:

– Sơn Tinh:

+ Chàng trai này ở vùng núi Tản Viên

+ Các tài năng của chàng trai: Vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây mọc lên từng dãy núi đồi.

+ Chàng là chúa vùng non cao.

– Thủy Tinh:

+ Tài năng của chàng: Gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về.

+ Chàng là chúa tể vùng nước thẳm.

* Những đồ vật, sính lễ vua cha đưa ra:

+ Một trăm ván cơm nếp

+ Một trăm nẹp bánh chưng

+ Một đôi voi chín ngà

+ Một đôi gà chín cựa

+ Một đôi ngựa hồng mao

* Kết quả của cuộc tuyển chọn

– Sơn Tinh là người mang sính lễ đến trước

– Thủy Tinh đến sau không cưới được ta, tức giận khiêu chiến với Sơn Tinh

– Sơn Tinh không hề hoảng sợ, Thủy Tinh dâng nước cao đến đâu thì Sơn Tinh lấp núi đến đó

– Cuối cùng chồng ta, Sơn Tinh thắng

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

Ví dụ: Tuy thất bại nhưng Thủy Tinh không khuất phục, mỗi năm hắn ta đều dâng nước lên cao, làm lũ lụt khắp mọi nơi.

Với dạng bài đóng vai một nhân vật trong truyện để kết tóm tắt truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, các em có thể tham khảo một số bài mẫu dưới đây để hiểu được cách làm:

Bài văn mẫu 1:

Đóng vai vua Hùngkể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Ta là Hùng Vương đời thứ mười tám. Ta có một người con gái gọi là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính tình lại hiền dịu nên ta rất mực yêu thương, chiều chuộng. Khi Mị Nương đã đến tuổi cập kê, ta muốn kén cho con một chàng rể thật xứng đáng. Vì vậy, ta đã cho người đi loan báo khắp nơi, mong tìm được chàng rể ưng ý.

Chẳng bao lâu sau đã có hai chàng trai đến cầu hôn. Ai cũng mang cốt cách phi phàm, không giống người thường. Trong bụng ta đã có phần ưng ý lắm. Một ngưòi tự xưng là Sơn Tinh, tướng mạo khôi ngô, dáng vẻ hùng dũng và oai phong. Sơn Tinh mặc áo bằng da hổ trắng, vai mang cung tên, tay cầm rìu lớn, giọng nói oang oang. Người này tài phép cao cường: vẫy tay về phía đông, phía đông lập tức nổi lên nhiều cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Ta và triều thần ai nấy đều khâm phục hết sức. Người thứ hai cũng hùng dũng không kém. Người đó tự xưng là Thủy Tinh, sống ở miền nước thẳm. Sơn Tinh có thân hình to lớn, tóc xanh, xoăn tít. Vị chúa vùng nước thẳm khoác trên mình bộ giáp bằng vảy cá, sáng lóng lánh dưới ánh mặt trời. Tay cầm một thanh mâu lớn, cao hơn trượng. Khi thanh mâu vừa đuợc vung lên thì ờ đâu kéo đến một luồng gió mạnh kèm theo mây đen và chỉ một lát sau, mưa trút xuống ào ào, khiến tất thảy đều kinh sợ. Cả hai người đều tài giỏi, đều xứng đáng làm rể ta. Nhưng ta chỉ có một người con gài, biết nhận lời ai, từ chối ai. Suy nghĩ đắn đo mãi không được, ta bèn triệu các Lạc hầu, Lạc tướng vào bàn bạc. Sau khi bàn bạc xong xuôi, ta phán như sau:

– Cả hai Ngài đều vừa ý ta. Song ta chi có một người con gái, biết gả cho ai bây giờ? Thôi thì ngày mai, ai đem sính lễ đến truớc, ta sẽ gả con gái cho người đó.

Sơn Tinh và Thủy Tinh đều đồng ý với quyết định của ta. Hai chàng còn hỏi ta lễ vật gồm những gì. Suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng vì có phần ưng Sơn Tinh hơn nên lễ vật ta đưa ra gồm toàn những thứ có thể dễ dàng tìm thấy ở trên cạn: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.”

Quả thực, trời không phụ lòng người. Sáng tinh mơ hôm sau, khi ta còn đang yên giấc, Sơn Tinh đã đem lễ vật đến trước điện. Lễ vật đã đầy đũ, ta cho phép Sơn Tinh rước Mị Nương về núi. Đoàn rước dâu vừa đi được một đoạn thì Thuỷ Tinh đem lễ vật đến. Nghe tin ta đã gả Mị Nương cho Sơn Tinh, Thủy Tinh điên cuồng giận dữ, đem quân đuổi theo. Ta không thể khuyên giải được nên cho người phi ngựa hỏa tốc báo tin cho Sơn Tinh. Nghe tin, Sơn Tinh không hề nao núng mà còn động viên để ta yên tâm. Nhưng lòng la như có lửa đốt khi nghĩ lại ánh mắt đỏ ngầu, tiếng thét man rợ của Thuỷ Tinh lúc nghe tin mình đến trễ, không cưới được vợ. Cùng lúc đó, từ phía cung điện, ta lại nhìn thấy những vầng mây đen cùng những cơn cuồng phong đang ùn ùn kéo tới chỉ chờ đợi nhấn chìm thành Phong Châu của ta trong biển nước. Một dự cảm không lành ngập tràn trong lòng ta. Quả thật, điều ta lo sợ đã xảy ra.

Thuỷ Tinh hô mưa, gọi gió, dâng nước làm ngập nhà cửa, làng mạc. Thành Phong Châu dần dần ngập chìm trong nước. Ta và triều thần tìm mọi cách đưa người dân lên núi cao lánh nạn mà trong lòng vần không nguôi lo lắng cho vợ chồng Mị Nương. May thay, trước những đòn tấn công dữ dội của Thủy Tinh, Sơn Tinh cũng không hề thua kém, một tay bốc từng quả đồi, một tay dời từng dãy núi, ngăn chặn dòng nước dữ. Binh tôm, tướng cá của Thuỷ Tinh kéo đến đâu đều bị mãnh hổ và voi trắng hạ gục đến đấy. Nước dâng cao lên bao nhiêu thi đồi núi cao lên bấy nhiêu. Trận đánh càng ngày càng gay go ác liệt. Cuối cùng, Thủy Tinh đuối sức, đành rút quân về trong nhục nhã ê chề.

Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thuỷ Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh. Vào những ngày ấy, ta và các Lạc hầu, Lạc tướng góp sức cùng Sơn Tinh, mong chàng giành thắng lợi, mang lại bình yên cho muôn dân. Quả là như vậy, năm nào Sơn Tinh cũng giành thắng lợi, Thuỷ Tinh đánh mãi, mỏi mệt lại rút quân về. Nhưng sau bao lần thất bại mà Thuỷ Tinh vẫn không thôi ý chí báo thù, đúng như câu ca dao:

“Núi cao sông hãy còn dài

Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”

Bài văn mẫu 2:

Đóng vai nhân vật Sơn Tinh kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Ta là Sơn Tinh, vị thần trị vì ở vùng núi Tản Viên. Hôm nay, nhìn lại cảnh bình yên của đất nước, ta lại nhớ đến lần cầu hôn nàng Mị Châu xinh đẹp, vợ của ta bây giờ. Ta lại nhớ đến cuộc chiến khốc liệt với Thủy Tinh với những khó khăn, thử thách.

Câu chuyện bắt đầu từ lời kén rể của vua Hùng thứ 18. Vua Hùng có người con gái Mị Nương, xinh đẹp, nết na, nên muốn tìm cho nàng người chồng xứng đáng. Lúc ấy, ta nghe khắp thành Phong Châu dân chúng đều xôn xao bàn tán, ai sẽ là phò mã. Ta đem lòng mến mộ nàng Mị Nương từ lâu, nên thấy đây là cơ hội hiếm có để hỏi nàng làm vợ. Ta tức tốc đến thành Phong Châu. Lúc ra mắt nhà vua, trong tất cả các đối thủ, ta thấy có chàng Thủy Tinh tướng mạo khôi ngô, tài giỏi. Nếu ta có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy đồi thì chàng lại có tài gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Nhà vua phân vân, không biết chọn ai cho con gái, nên đã gọi các quan tướng và họp mặt. Sau thời gian suy nghĩ khá lâu, cuối cùng nhà vua đưa ra quyết định: “Sáng mai, ai mang sính lễ đến trước sẽ được lấy công chúa” .Ta và Thủy Tinh đồng thanh hỏi nhà vua: “Dạ, bẩm sính lễ gồm những gì?”. Vua Hùng uy nghi trả lời: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, vơi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao mồi thứ một đôi.”

Nghe xong những lễ vật vua yêu cầu, ta thở phào nhẹ nhõm vì tất cả đều là sản vật trên rừng dễ tìm kiếm. Ta cáo biệt nhà vua, rồi nhanh chóng trở về, tức tốc sai quân đi tìm đủ sính lễ. Sáng hôm sau, cả thành Phong Châu còn chìm trong mờ sương, ta đã mang đầy đủ lễ vật đến rồi xin vua Hùng đón nàng Mị Nương núi Tản. Ta rời đi không bao lâu, thì đoàn tùy tùng phía sau bỗng dưng cấp báo, vì thấy phía sau nổi lên giông tố, bão bùng cây cối nghiêng ngả. Thấy có sự bất bình, ta liền hóa phép thuật xem có chuyện gì xảy ra. Ta bay lên trên đỉnh núi cao nhìn xuống, thấy Thủy Tinh đùng đùng nổi giận đang hô mưa gọi gió di chuyển về phía núi Tản Viên. Vậy là Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ nên tức giận đuổi theo ta trả thù. Ta nhanh chóng hóa phép, bốc từng ngọn đồi di chuyển từng ngọn núi để chặn dòng nước lũ của Thủy Tinh. Trận chiến càng về sau, càng khốc liệt cả thành Phong Châu chìm trong biển nước, ta sai quân cho di rời người dân lên chỗ cao. Sức chiến đấu của Thủy Tinh, về sau yếu đi, còn ta không hề nao núng. Thủy Tinh kiệt sức, không thể cầm cự lại được bèn rút quân về.

Nhiều năm sau, Thủy Tinh vẫn ôm mối hận trong lòng nên vẫn dâng nước khiêu chiến với ta nhưng đều thất bại. Người dân thành Phong Châu đời này qua đời khác rút ra được nhiều bài học để chống lại những lần Thủy Tinh nổi giận, để cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Xem thêm: Kể tóm tắt truyện Thạch Sanh

***

    Hy vọng rằng bài mẫu kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Ngoài ra, nhằm giúp các em học sinh học tốt Tập làm văn lớp 6, doctailieu.com đã tổng hợp các bài Văn mẫu lớp 6 tập 1, tập 2 với đủ các dạng bài: Văn kể chuyện và miêu tả, văn tóm tắt – diễn cảm – phát biểu cảm nghĩ . Chúc các em học tốt!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button