Kể lại một câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày
[Văn mẫu 10] – Văn tự sự kể lại một câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày với top 3 bài văn hay nhất được chia sẻ ở bài dưới đây
Kể lại câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày là bài văn mẫu lớp 10 thể văn tự sự kể ra những bài học, những kinh nghiệm được đúc kết từ chính bản thân mình qua những sự việc được chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày, mang lại những bài học nhân văn về đạo làm người. Cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo những bài văn mẫu đó ở bài này nhé.
Đề bài
Kể lại một câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày mà em được chứng kiến
Top 3 bài văn kể lại câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày lớp 10
Bài văn mẫu 1
Câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc lớp 10: Quà tặng trái tim của mẹ
“Quà tặng trái tim” – đó chính là những gì mà mẹ tôi đã dành cho tôi khi tôi mới 13 tuổi. Năm ấy tôi đang học lớp 7.
Hôm ấy, tôi cùng mẹ đi chợ đầu cầu Mới, ghé vào một cửa hàng tạp hoá đầu cổng chợ. Cùng mua hàng với chúng tôi là một gia đình khá đặc biệt.
Tôi biết điều đó qua những bộ quần áo mà ba người trong gia đình ấy mặc. Người mẹ mặc một chiếc áo sơ mi hoa kiểu cũ đã rất bạc màu, chiếc quần âu ống thả dài quá mắt cá cũng đã cũ có vẻ như quá rộng so với thân hình gầy gò của cô. Một đứa bé gái trạc 10 tuổi tóc cháy nắng, rối bù kẹp bằng chiếc cặp ba lá, tay cắp chiếc rổ ướt nước. Đứa bé nhỏ hơn là con trai chỉ mặc độc một chiếc quần đùi đen hình như được cắt ra từ quần dài người lớn đang túm chặt lấy tay mẹ. Họ là một gia đình sống trên sông nước mà chúng tôi quen gọi là “hàng thuyền”. Nhà của họ là chiếc thuyền xi-măng nhỏ, đồ đạc chỉ có vài chiếc xoong treo trên, mạn thuyền, mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh và những bộ quần áo cũ đang phấp phới bay trước đầu con thuyền. Ngoài việc chở cát cho các chủ bãi, họ còn kiếm sống thêm bằng nghề quăng chài. Những thứ mà họ kéo được là mớ cá vụn, vài con chẫu chuộc, thỉnh thoảng là ít tôm nhỏ hay trai, hến.
Trong khi người mẹ lựa chọn những nhu yếu phẩm hàng ngày thì hai đứa trẻ đứng ngắm nhìn một cách thèm thuồng những gói kẹo xanh đỏ, những chùm bim bim hấp dẫn. Thằng bé bặm môi đứng dí mũi vào quầy bán kẹo cao su vàng, xanh, đỏ được bỏ vào những hộp thuỷ tinh. Mắt nó sáng rực lên lạ thường.
Mẹ cùng tôi đã mua hàng xong và đi tới quầy trả tiền. Tồi đứng cạnh, thấy người mẹ đang trả tiền và liên tục hỏi bác bán hàng về số tiền mà cô sẽ phải trả. Trong lúc ấy thì cô con gái vẫn mân mê chiếc mũ để ở phía dưới quầy hàng. Đứa bé trai tay nắm chặt phong kẹo cao su. Tôi sốt ruột nhìn cô lưỡng lự bỏ túi xà phòng to để lấy túi bé hơn rồi lần lượt bỏ chai dầu ăn, mấy gói mì tôm. Cuối cùng, cô quay lại buồn rầu bảo cậu con trai:
– Con trả lại bác phong kẹo cao su đi. Hôm sau bán được nhiều tiền, mẹ sẽ mua cho con!
Thằng bé chầu bậu môi, phụng phịu đưa lại mấy thanh kẹo cho bác bán hàng. Hình như mát nó rân rấn nước. Còn chị nó cũng thôi không nhìn vào chiếc mũ nữa, lặng lẽ nhìn đứa em trai và lại quay sang nhìn mẹ.
Ngay lúc ấy, mẹ tôi rút ví lấy tờ 50. 000 đồng dúi vào tay người mẹ của hai đứa trẻ. Cô có vẻ rất ngạc nhiên và thốt lên:
– Chị ơi, em không thể nhận được đâu.
Mẹ tôi nhìn vào mắt cô, từ tồn nói:
– Em cứ cầm lấy mà mua thêm cho cháu gái cái mũ. Đừng bỏ lại gì cả. Nhà em đang cần mà.
Mẹ tôi còn quay lại cậu con trai, cầm mấy thanh kẹo đưa cho nó. Mẹ nói với nó:
– Cháu thật ngoan. Bác cho cháu đấy.
Đứa bé cứ tần ngần, hết nhìn mẹ tôi lại quay sang nhìn mẹ nó. Cuối cùng, nó nói:
– Cháu xin bác ạ.
Cô nhận tiền, nắm lấy tay mẹ tôi và nói trong nước mắt:
– Em cảm ơn chị nhiều lắm. Em còn một đứa bé nữa ở nhà. Nhà em khó khăn quá, nhiều khi thương con nhưng không biết làm thế nào. Từ trước tới giờ, chưa ai đối xử tốt với em như chị.
Tôi nhớ rằng: mình đã khóc khi ra khỏi cửa hàng. Mẹ tôi đi bên cạnh tôi, gương mặt mẹ lặng lẽ. Đây là một kỉ niệm mà tôi luôn nhớ mãi. Dù gia đình tồi chẳng bao giờ dư tiền bạc vì chỉ có lương của mẹ, còn bố tôi lao động tự do nhưng bất cứ khi nào, gặp ai đó khó khăn, mẹ tôi đều sẵn lòng.
Tôi rất hạnh phúc vì có một người mẹ có trái tim nhân hậu. Những gì tôi chứng kiến hôm đó là một bài học quý giá mà mẹ đã dạy tôi. Tôi luôn nghĩ rằng, đó là bài học của trái tim.
Bài văn mẫu 2
Văn mẫu 10 kể câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc
Nhà tôi ở xa trường nên những buổi trưa, tôi thường phải ở lại, vào quán ăn cơm. Và ở cái quán cơm quen thuộc này, tôi đã được chứng kiến một câu chuyện thật xúc động.
Lần đầu tiên bước chân vào quán, tôi còn đang bỡ ngỡ… thì một người phụ nữ khoảng chừng bốn mươi tuổi đi đến hỏi han, và phục vụ tận tình. Nhìn cô tôi không khỏi chạnh lòng, gương mặt cô xanh xao, gầy gò, đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt ngơ ngác như vừa trải qua một việc gì đó kinh hoàng. Nhìn nhanh sang phía bên kia, tôi thấy một người phụ nữ khác trông nhanh nhẹn và tháo vát đang lúi húi làm việc trong bếp lò, vừa làm vừa nhìn lại cô, tôi hiểu vai trò của cô ở nơi này. Vâng, họ là bà chủ và cô giúp việc! Nhưng một điều lạ là họ nói chuyện với nhau, gọi nhau rất nhẹ nhàng, thân mật giống như người trong một nhà vậy.
Một bé gái chừng độ 9 tuổi chạy ra níu áo cô. Tôi mỉm cười hỏi:
– Con gái cô đây ạ?
Người đàn bà ngơ ngác gật đầu, rồi mang bát đũa ra cho khách. Quán vắng người. Cái thị trấn nhỏ này chỉ có mấy cô chú làm ở cây xăng, hoặc vài người chuyển hàng từ miền ngoài vào là khách của quán cơm trưa duy nhất. Mẹ con người làm thuê thường phải mang cơm ra tận nơi làm của họ. Hôm đó, tôi mới có dịp hỏi chuyện về mẹ con người đi ở. Bác chủ quán mới thong thả kể:
Người đàn bà ấy vốn là một đứa trẻ mồ côi, rồi lớn lên, lấy chồng, lại bị nhà chồng hắt hủi, đến nỗi phải bỏ nhà ra đi. Chị có con, nhưng người chồng tệ bạc cũng không nhận. Cuối cùng, chị phải bế con đi ăn xin. Cuộc đời khổ ải khiến chị trở thành một người ngơ ngác. Đôi mắt lúc nào cũng ngây ngây. Và chị sợ, luôn sợ một cái gì đó, có lúc ánh mắt trông hoang dại, thật đáng thương.
Đến thị trấn này, hai mẹ con người đàn bà tội nghiệp đã gặp bác chủ quán. Công việc chẳng nhiều, nhưng bác trai vốn là một thầy giáo, cả hai bác giàu lòng thương người cứ nhận họ về ở, vừa để giúp việc cho gia đình, vừa để tạo điều kiện cho mẹ con họ có chỗ ăn chỗ ở. Rồi mấy năm sau, hai bác còn cho đứa con gái nhỏ được đi học.
Chỉ vì cuộc đời xô đẩy mà mẹ con họ ra nông nỗi này! Biết bao giờ mẹ con chị mới có một mái nhà để sống như những người bình thường khác? Tôi thầm cảm ơn bác chủ quán và thầy giáo đã cho hai mẹ con tội nghiệp ấy một chỗ ở, một nơi làm, dù chỉ tạm bợ, để những đêm đông giá lạnh hay những ngày mưa bão, mẹ con họ có chỗ nương nhờ.
Tấm lòng của gia đình bác thật đáng trân trọng. Tôi mong sao mẹ con họ sẽ còn gặp được nhiều tấm lòng hảo tâm như vậy để có một ngày mai tươi sáng hơn.
Bài văn mẫu 3
Văn tự sự – kể câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc lớp 10
Nhà chị Hương chỉ cách nhà em một khu vườn đẹp. Hàng ngày, em thường sang chơi với chị và được chị cưng chiều lắm. Hôm ấy chị đến rủ em sang nhà bà Tư chơi, thấy việc làm của chị đối với bà Tư, em lại càng yêu thương và quý trọng chị hơn.
Bà Tư năm nay đã ngoài bảy mươi, sức khỏe yếu đi nhiều so với mây năm trước. Chị Hương bảo:
– Bà có năm người con đều hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ. Vừa qua, bà được chính phủ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Bà không có cháu chắt gì cả, sống thui thủi một mình nên chị Hương thương bà lắm. Thường ngày, chị sang giúp bà quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, đấm lưng, bóp chân… cho bà những lúc trời trở gió. Không ruột rà máu mủ, không họ hàng thân thích, vậy mà chị yêu quý bà Tự như bà ruột của mình.
Hôm hai chị em đến, thấy nhà cửa im lìm, tưởng bà đi đâu đó. Đứng ngoài sân chị gọi hai, ba tiếng, không thấy bà trả lời. Chị bảo em: “Mình đẩy cửa vào đi!”. Vừa bước vào nhà, chị Hương đã la to: “Bà làm sao thế hở bà? Bà bị bệnh ư? Chị vội giở chiếc chăn bông lên, lay gọi bà. Mãi sau mới thấy bà mở mắt, trở mình nhìn chị Hương và em rồi thều thào nói trong hơi thở: “Hai cháu đến với bà đó à! Bà thấy chóng mặt từ tối hôm qua, sáng nay muốn dậy mà không dậy được”.
– Suốt mấy ngày nay, bà chưa ăn gì, hở bà! Cháu tệ quá, không biết sang giúp bà!
Chị quay sang em, nói vội: “Em ngồi đây bóp chân bóp tay và xoa dầu cho bà, chị ra tìm mua cái gì cho bà ăn rồi chị vào ngay.
Nhìn theo bóng chị vội vã khuất sau hàng rào râm bụt, em cảm thấy lòng mình dâng lên một tình thương và một sự cảm phục. Đời chị cũng quá ư vất vả và bất hạnh. Mồ côi mẹ từ tấm bé, chị thiếu đi tình thương bao la của một người mẹ. Ba chị ở vậy nuôi chị cho đến bây giờ. Phải chăng sông trong hoàn cảnh ấy chị mới thấm thía cảnh cô đơn, bóng chiếc của người đời mà chị đem tình thương của mình sưởi ấm cho bà Tư và cho bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ. Cả xóm em, ai cũng khen chị, quý chị. Giờ đây nghĩ lại những lời ca tụng của mọi người về đức hạnh của chị, em lại càng hiểu chị hơn. Đang miên man suy nghĩ thì đã thấy chị trên tay cầm tô cháo đang bốc hơi nghi ngút, nhanh nhẹn bước vào. Đặt tô cháo lên bàn, chị đến bên giường nhỏ nhẹ:
– Để cháu đỡ bà dậy, bà ăn cháo cho khỏe, bà nhé!
Nhìn chị đút từng muỗng cháo cho bà, em nhớ lại hình ảnh trước đây, mẹ em cũng chăm sóc ngoại em như chị Hương bây giờ. Chao ôi! Chị Hương thật là tuyệt! Chị là tấm gương, là biểu tượng đẹp về lòng nhân ái, về tình yêu thương và đức hạnh cho em và các bạn noi theo.
Trên đường trở về nhà cùng em, chị dặn:
– Những lúc học bài xong, rỗi rãi, cưng ráng qua lại thăm bà, động viên bà nghe cưng. Tội nghiệp bà lắm Trúc Ly ạ.
– Vâng! Em sẽ làm như lời chị dặn.
———-
Trên đây là bài văn mẫu 10 – văn tự sự kể lại một câu chuyện mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sinh hoạt hàng ngày mà em được chứng kiến với top 3 bài văn hay nhất, mang nhiều ý nghĩa nhất được chúng tôi biên soạn. Để viết bài tốt hơn, bạn có thể truy cập vào trang doctailieu.com để tham khảo nhiều hơn những bài văn mẫu hay khác nhé. Chúc các bạn học tốt môn văn mẫu 10.