Giáo dụcLớp 9

Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí

Đề bài: Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí

ke lai doan trich hoang le nhat thong chi

Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí

Bạn đang xem: Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí

I. Dàn ý Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, trích đoạn hồi thứ 14: Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài.

2. Thân bài

– Quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế:
+ Vua Nguyễn Huệ hành động mạnh mẽ, quyết đoán
+ Nghe tin giặc chiếm Thăng Long không hề nao núng mà đích thân chinh cầm quân đi đánh.
+ Trí tuệ sáng suốt, nhạy bén làm được nhiều việc lớn chỉ trong một tháng.

– Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung:
+ Hoàng đế Quang Trung lẫm liệt khi ra trận, dụng binh như thần.
+ Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng, tổng chỉ huy chiến dịch thực sự.

– Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống:
+ Quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì sợ mất mật, quân lâm trận thì xin hàng hoặc bỏ chạy.
+ Lê Chiêu Thống và bề tôi trung thành đặt vận mệnh đất nước và kẻ thù xâm lược, chịu số phận bi thảm của kẻ vong quốc.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận về hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự thảm bại quân Thanh cũng như số phận bi đát của Lê Chiêu Thống.

II. Bài văn mẫu Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí 

1. Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 1 (Chuẩn)

Ngay khi nghe tin quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, Nguyễn Huệ giận lắm, họp các tướng sĩ định thân chinh đi ngay nhưng được các quần thần khuyên nên để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người sau đó mới đem quân ra dẹp loạn ngoài Bắc. Bắc Bình Vương nghe phải liền cho đắp đàn ở núi Bân, tế cáo trời đất rồi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung. Lễ xong thì hạ lệnh xuất quân, đúng ngày 25-12-1788 (âm lịch). Trong vòng một tháng xuất quân ra Bắc, trên đường đi Nguyễn Huệ đã làm được nhiều việc lớn như: đốc suất đại binh, tuyển mộ quân lính, mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, hoạch định kế hoạch đánh giặc và cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Lời phủ dụ của vua với quân lính ở Nghệ An:

– Quân Thanh kéo sang đánh chiếm, mưu đồ lấy nước Nam đạt làm quận huyện. Để phá vỡ âm mưu thâm độc của chúng, các ngươi hãy cùng ta đồng tâm hiệp lực để làm nên sự nghiệp lớn.

Sau đó đêm 30 tháng chạp đã tiến quân ra Thăng Long, vua Quang Trung tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc và xông pha, bày mưu tính kế. Dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung, đội quân đã đánh thắng áp đảo kẻ thù, bắt sống quân do thám của địch ở Phú Xuyên, vây kín làng Hà Hồi, công phá đồn Ngọc Hồi, khí thế của quân ta khiến cho kẻ địch khiếp sợ. Tướng thì sợ mất mật tìm đường tháo chạy, lính thì xin hàng rồi giày xéo lên nhau mà chét, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn tan tác bỏ chạy. Vua Lê Chiêu Thống và lũ quan bán nước phải chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông chịu đói khát suốt cả mấy ngày mới trốn chạy được.

Cuối cùng quân Tây Sơn giành thắng lợi, vừa đánh đuổi quân Thanh lại dẹp yên lũ vua quan phản nước hại dân. Chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.

2. Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 2 (Chuẩn)

Tác phẩm chữ Hán Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái tổng cộng có đến 17 hồi. Những hồi này không chỉ nói về sự thống nhất của vương triều nhà Lê mà còn tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19. Tiêu biểu nhất là hồi thứ 14 với sự kiện vua Quang Trung đại phá quân thanh.

Ngay sau khi quân Thanh chiếm đóng thành Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế và quyết định thân chinh cầm quân ra Bắc đánh giặc. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã tức tốc chuẩn bị kỹ càng mọi thứ cho cuộc khởi nghĩa. Sau lễ tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã tìm gặp người cống sĩ ở huyện La Sơn để hỏi ý kiến. Nhận được lời tán thành của người cống sĩ, Nguyễn Huệ bắt đầu tuyển mộ quân lính và bắt đầu duyệt binh chuẩn bị tấn công. Nguyễn Huệ vô cùng sáng suốt và nhạy bén trong phân tích thời cuộc, trong lời dụ binh, vừa khẳng định chủ quyền dân tộc lại vừa nêu bật dã tâm của giặc, nhắc lại truyền thống của cha ông ta để kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực. Với các tướng sĩ ở Tam Điệp, vua hiểu rõ sở trường, sở đoản của tướng sĩ mà khen chê đúng người đúng việc. Vua mở tiệc khao quân chia quân sĩ làm năm đạo, đêm tối 30 Tết năm 1788 lên đường, vua nói với các binh lính:

– Chiến sự cấp bách, nay ta cùng các ngươi lên đường ra Bắc, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới, sau khi vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc khao binh.

Quân Tây Sơn lên đường ra Bắc, đi đến sống Gián thì binh trấn thủ tan vỡ chạy trước, bắt hết quân Thanh do thám ở Phú Xuyên. Nửa đêm ngày mồng 3 năm 1789 quân tới làng Hà Hồi, trong đồn ai nấy đều rụng rời sợ hãi liền xin ra hàng. Nguyễn Huệ cho đóng ván lấp rơm dấp nước, làm thành 20 bức khiên to, cứ 10 người khiêng một bức dàn trận chữ “nhất” mà tiến vào đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh bên trong nổ súng bắn nhưng chẳng trúng người nào, phun khói lửa ra thì lại gặp gió Nam, tự mình hại mình. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, tên Thái thú thì thắt cổ tự sát, thây nằm đầy đồng quân Thanh đại bại. Sau đó vua Quang Trung tiến quân vào Thăng Long, Tôn Nghị Sĩ mải mê yến tiệc nghe tin sợ mất mật, cứ nhằm hướng Bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh đều hoảng hồn tan tác, vua Lê và tùy tòng chạy suốt mất ngày không ăn không nghỉ.

Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ quả thực là người anh hùng lẫm liệt, như tướng trên trời rơi xuống, quân ta cũng vô cùng kiên cường, quyết tâm. Cả quân và dân đã giành chiến thắng, chiến thắng vang dội lẫy lừng, tự hào mãi muôn đời sau.

3. Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 3 (Chuẩn)

Ngày 24 tháng chạp 1788, nghe tin quân Thanh đóng chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ cho đắp đàn ở núi Bân, tế cáo trời đất, sông núi lên ngôi hoàng đế, lễ xong liền hạ lệnh xuất quân. Ngày 25 đốc suất đại binh cả thủy lẫn bộ cùng đi, ngày 29 đến Nghệ An. Tại đây Nguyễn Huệ gặp cống sĩ Nguyễn Thiếp, biết được chuyến này ắt thắng vua mừng lắm, liền tổ chức kén lính. Chưa mấy lúc đã được hơn vạn binh tinh nhuệ, sau đó lại duyệt binh lớn chia quân thành bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu, trung. Vua Quang Trung cưỡi voi ra doanh dụ binh rằng:

– Nay quân Thanh mang quân đánh chiếm Thăng Long với mưu đồ biến nước ta thành quận huyện của chúng. Các ngươi hãy cùng ta ra Bắc để đánh đuổi chúng.

Hôm sau vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân, đến núi Tam Điệp, các tướng sĩ mang gươm ra chịu tội nhưng vua khen chê rõ ràng, công tội rành mạch, phải nói tài dùng binh như thần của người hiếm có. Sau đó vua sai mở tiệc khao quân, tối 30 Tết năm Mậu Thân lập tức lên đường, hẹn ngày mồng 7 năm mới vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Quân đi đến đâu quân giặc đều tán loạn chạy đến đó, kể cả quân do thám nhà Thanh cũng bị bắt sống hết. Trong khi quân Thanh ở đồn Hà Hồi và Ngọc Hồi không hay tin gì thì đêm mùng 3 quân ta đã tới làng Hà Hồi, quân lính trong đồn sợ hãi xin hàng, ta lấy được lương thực khí giới. Vua sai làm những bức ván to bên ngoài lấp rơm dấp nước, cứ 20 người khiêng một bức, dàn trận chữ Nhất rồi mờ sáng mồng 5 đã tới đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng không được, phát khói không lại đành chịu thua, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Quân Thanh đại bại, chạy đâu cũng bị quân ta lùa voi đuổi theo. Khi quân ta kéo vào thành, Tôn Nghị Sĩ thì sợ mất mật, chạy không kịp mặc áo giáp, vua Lê trong điện cũng vội vã chạy theo cướp cả thuyền dân để sang bờ bắc. Còn đâu tư cách của bậc quân vương khi đã là kẻ vong quốc, phải chịu số phận bi thảm không khác gì quân Thanh.

——————HẾT——————–

Các tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện lịch sử dân tộc một cách hào hùng. Là thế hệ sau, các em sẽ kể lại lịch sử năm tháng hào hùng ấy như thế nào? Hãy tham khảo ngay bài văn sau: Hãy đóng vai một người lính kể lại hồi thứ 14 trong bài Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích nhân vật Quang Trung trong đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, Nét đẹp về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ qua Hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button