Giáo dụcLớp 8

Giải thích câu nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”

Đề bài: Giải thích câu nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”

giai thich cau noi hay yeu sach no la nguon kien thuc chi co kien thuc moi la con duong song

Bài làm:

Bạn đang xem: Giải thích câu nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”

M.Go-rơ-ki – đại thi hào kiệt xuất của nền văn học Nga thế kỷ 20 và là của cả nhân loại đã có một câu nói rất hay về sách rằng: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Thiết nghĩ đó là một quan điểm rất hay và sáng tạo về việc đọc sách. Có thể rất nhiều người chưa thực sự hiểu đúng về ý nghĩa của câu nói ấy hoặc họ không hề coi trọng sách vở vì đơn thuần chỉ nghĩ rằng sách là thứ lý thuyết sáo rỗng, rập khuôn. Vậy sự thực là gì? Câu nói ấy nên được hiểu như thế nào?

Trước hết bàn về khái niệm sách. Sách đã có từ rất lâu trước đây, thuở sơ khai con người đã hình thành ý thức về việc ghi chép, ban đầu họ khắc các ký hiệu lên trên đá, đồ dùng, rồi tiến bộ hơn thì viết trên gỗ, trên các thẻ tre ghép lại với nhau. Nhưng chỉ đến khi Thái Luân (Trung Quốc) sáng tạo ra kỹ thuật làm giấy thì sách mới bắt đầu bước vào thời kỳ hưng thịnh, bởi sự tiện lợi của nó. Người ta dùng sách như là một biện pháp lưu giữ thông tin tối ưu nhất.

Sách mang trong mình những giá trị tinh thần của người viết, là sản phẩm tinh hoa của trí tuệ. Sách cho ta biết về lịch sử như một chứng nhân quan trọng nhất, cho ta những phút giây thư giãn, đôi khi lại cho ta thật nhiều suy ngẫm. Sách cho ta biết những thứ ta chưa từng biết, đem lại cho ta những tình cảm ta chưa từng có, biết thế nào là hỉ, nộ, ái, ố. Sách cũng đem lại cả một kho tàng trí tuệ của các vĩ nhân bậc nhất trong lịch sử. Sách là cỗ máy thời gian đưa ta từ hiện tại hướng tới tương lai. Sách vừa là thầy vừa là bạn, cũng có khi là người tri kỷ nhất, sách dạy ta, sách tâm tình thủy chung với ta, sách luôn hiến dâng cho ta những gì quý giá nhất mà chẳng đợi ta phải cầu xin bao giờ. Tựu chung lại sách là nguồn kiến thức vô hạn, là vũ trụ tri thức bao la, ai khám phá được thì đó là người khôn ngoan nhất.

Nói đến kiến thức, ta chỉ cần nhìn nhận một cách sơ bộ đó là một dạng hiểu biết của con người về xã hội xung quanh mà chúng ta có được thông qua những kinh nghiệm, những bài học hoặc những giá trị tinh thần quý giá trong quá trình học tập, tìm tòi. Câu nói của M. Go-rơ-ki muốn chỉ ra rằng sách chính là nguồn kiến thức vô hạn, ông khuyến khích con người chúng ta nên chăm chỉ tìm tòi, học tập để tìm ra cho mình một con đường sống. Nên hiểu sống khác với tồn tại, một con người sống nhưng không có kiến thức, không có ý nghĩ về xã hội, không có niềm tin, vô định thì đó là tồn tại. Chính sách là động lực để khơi gợi những niềm tin, khơi gợi những giá trị tiềm tàng trong mỗi con người, khi ấy chúng ta đã tìm ra giá trị đích thực của cuộc sống nhờ những kiến thức vậy mới đúng là sống thực sự.

Về vấn đề đọc sách, trân trọng sách, có một điều đáng buồn rằng hiện nay số người đọc sách vô cùng ít ỏi, đặc biệt là giới trẻ những con người vốn phải chăm đọc để có tầm nhìn hơn thì lại ngày càng lười biếng. Ngược lại những người có tuổi lại rất có ý thức về đọc sách, họ coi sách như một người bạn tri kỷ. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao sách là nguồn kiến thức vô hạn như thế nhưng người trẻ lại không muốn đọc, phải chăng sách thực sự khô khan và đọc nhiều thì thành “mọt sách”? Khi mà tuổi trẻ chính là mùa xuân tươi đẹp của cuộc đời, là lúc mà con người ta có đủ tự do đủ điều kiện để thu nạp kiến thức, khi mà bộ não còn trẻ thì lại gặp một cái nghịch lý là lười biếng.

Chưa kể đến việc ngày nay có đủ thứ văn học “rác”, cũng ngang nhiên viết thành sách, tiêm nhiễm vào đầu con người những ý nghĩ lệch lạc, những thói xấu, những thứ tình cảm ủy mị, không có thực. Chúng khiến con người ta rời xa khỏi cái thế giới hiện tại, trở nên cô độc, luôn khép nép trong vùng “an toàn” của mình mà không có ý tưởng vươn ra thế giới bao la. Đó là thứ độc hại cần phải bài trừ. Đọc sách, yêu sách cũng cần phải đúng đắn, phải biết lựa chọn đừng quá mù quáng, đó là tự giết chính bản thân mình.

Tóm lại, câu nói của M. Go-rơ-ki nhằm khuyên mỗi con người chúng ta cần phải rèn luyện thói quen đọc sách, tôn trọng sách xem sách như một người bạn, người thầy vĩ đại. Bởi tôn trọng sách chính là tôn trọng bản thân của mỗi chúng ta, tôn trọng tác giả, tôn trọng tri thức. Rèn được cho bản thân tính kiên nhẫn, điềm đạm, đồng thời còn mở ra một thế giới mới thật phong phú biết bao.

Bên cạnh bài làm văn Giải thích câu nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”, học sinh và giáo viên tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Suy nghĩ về câu nói của M.Go-rơ-ki: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”, Giải thích câu Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người, hay cả những bài Nghị luận Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người và rất nhiều những bài văn hay khác các bạn tham khảo ứng dụng cho nhu cầu học tập hiệu quả nhất.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button