Lớp 9Văn mẫu 9

Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy)

Hướng dẫn nêu và phân tích giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy), nhận xét về những đặc sắc nghệ thuật và ý nghĩa nội dung bài thơ.

Bạn đang tìm tài liệu phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng? Không cần tìm thêm nữa, THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp và gửi đến các bạn những ý cơ bản nhất về đặc sắc nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng giúp bạn làm bài tốt hơn với đề tài này.

Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy)

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

– Nêu ngắn gọn vài nét về nhà thơ Nguyễn Duy

– Bài thơ Ánh trăng trích từ tập thơ cùng tên của Nguyễn Duy được viết vào năm 1978 tại TP. Hồ Chí Minh.

2. Giá trị nội dung bài thơ Ánh trăng

– Vầng trăng trong bài thơ không đơn thuần là vầng trăng thiên nhiên trên bầu trời, mà đó là trăng tình, trăng nghĩa của tuổi thơ trong thời chiến tranh và hiện tại. Vì vậy, bài thơ đã lay động lòng người về một triết lí sống sâu sắc.

– Ý nghĩa của vầng trăng trong từng quãng đời của tác giả

+ Vầng trăng tuổi thơ: Trăng gắn bó với tác giả từ thuở ấu thơ. Trăng gắn liền với đồng ruộng, dòng sông, biển cả và trăng luôn bên cạnh như một người bạn thuỷ chung. Điều đó nhằm biểu hiện niềm hạnh phúc của tuổi thơ gắn liền với vầng trăng thân thương.

+ Vầng trăng trong chiến tranh: Trăng được miêu tả trong sự suy ngẫm của nhà thơ. Khi xa quê đi vào cuộc chiến, nỗi nhớ thương chợt hiện về đến quay quắt tâm hồn và vì vậy, đến bây giờ – khi đối diện với cuộc chiến khốc liệt, trăng mới thực sự trở thành là người bạn tri kỉ, tri âm của tác giả. Khi trăng xuất hiện, thì nhịp thơ cũng chậm lại như thủ thỉ tâm tình “hồn nhiên như cây cỏ” và ân tình ấy “ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa”.

+ Vầng trăng thời bình giữa thành phố phồn hoa. Thật xót xa cho vầng trăng tuổi thơ, vầng trăng đi bên nhau một thời chinh chiến như tri kỉ, vậy mà khi người ta sống giữa phồn hoa đô thị thì vầng trăng “tình nghĩa” bị lãng quên: “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”. Thế mới biết hoàn cảnh đã tác động ghê gớm đến hành vi sống của con người. Hình ảnh nhân hoá vầng trăng lặng lẽ đi qua ngõ như lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía: mọi người hãy sống có tình với nhau hơn.

– Tác giả gặp lại vầng trăng

+ Trong tình huống “phòng buyn – đinh tối om” vầng trăng xuất hiện thật bất ngờ đã khơi dậy những kỉ niệm đã qua làm bàng hoàng tâm hồn tác giả. Cấu trúc thơ song hành, nhịp thơ như thúc hối, niềm vui oà vỡ, kỉ niệm đẹp ùa về làm sống lại một thời đã qua bằng giọng thơ chân thành tha thiết, khiến người đọc nhận ra vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn nhà thơ qua vầng trăng tình nghĩa. Vầng trăng soi sáng những tâm hồn lãng quên.

>>> Đừng bỏ lỡ những bài văn phân tích bài thơ ánh trăng tuyển chọn!

3. Giá trị nghệ thuật bài thơ Ánh trăng

– Kết cấu: Sự chung thể thơ năm chữ, mỗi khổ bốn dòng thơ và chữ đầu dòng thơ không viết hoa.

– Giọng điệu

+ Giọng thơ không hoa mỹ, không lộng ngữ mà như lời thủ thỉ tâm tình tự nhiên chân thành, như sự trải lòng, như đang độc thoại. Chính điều đó tạo nên sự truyền cảm sâu sắc của bài thơ.

+ Với giọng điệu và kết cấu như thế, nhà thơ nhằm gửi gắm lời nhắn nhủ về những năm tháng đã qua của cuộc đời người lính như một kỉ niệm không thể nào quên, không được phép quên, để nhắc nhở mọi người sống ân tình thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn.

=> Kết cấu, giọng điệu thơ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm tạo nên tính chân thực, chân thành sức truyền cảm sâu sắc cho tác phẩm, gây ấn tượng mạnh với người đọc.

– Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và tự sự, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa sinh động vừa giàu tính biểu cảm (hình ảnh trăng).

+ Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ, một lời tâm tình kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm hứng trữ tình của nhà thơ men theo mạch tự sự đó. Ở quãng thời gian quá khứ đã có một sự biến đổi, một sự thực đáng chú ý: bắt đầu từ hồi ức về “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng: “ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa”. Tiếp đó là sự đổi thay của hoàn cảnh hiện tại: “Từ hồi về thành phố”, con người sống với những tiện nghi hiện đại mà quên đi vầng trăng: “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”.

+ Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường ở khổ thơ thứ tư: “Thình lình đèn điện tắt” chính là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm. Vầng trăng tròn ở ngoài kia, trên kia đối lập với “phòng buyn-đinh tối om”. Chính vì xuất hiện đột ngột trong bối cảnh ấy, vầng trăng bất ngờ mà tự nhiên đã gợi ra bao kỷ niệm nghĩa tình.

Để hiểu và cảm nhận rõ hơn những giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ánh trăng đã mang đến cho người đọc, các em có thể tham khảo thêm một số bài phân tích sau:

  • Trọn bộ  các đề văn về bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

  • Cảm nhận về bài thơ Ánh trăng – Nguyễn Duy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button