Giáo dụcLớp 9

Giá trị hiện thực trong đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Đề bài: Em hãy phân tích Giá trị hiện thực trong đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

gia tri hien thuc trong doan trich chuyen cu trong phu chua trinh

Giá trị hiện thực trong đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Bạn đang xem: Giá trị hiện thực trong đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Bài văn mẫu Giá trị hiện thực trong đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Là bậc vua chúa đáng lẽ ra phải chăm lo cho đời sống nhân dân nhưng chúa Trịnh Sâm lại chỉ lo ăn chơi vô độ, không quan tâm đến dân lành. “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” được trích từ tập “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ đã tái hiện lại chân thực lối sống xa hoa, trác táng ấy. Đó là cơ sở để tạo nên giá trị hiện thực của đoạn trích.

Giá trị hiện thực là toàn bộ hiện thực cuộc sống mà tác giả muốn phản ánh thông qua tác phẩm của mình. Đó là sự tố cáo những thói ăn chơi sa đọa của các bậc vua chúa, sự cực khổ của dân lành hay những bất công của chế độ xã hội,…Trong đoạn trích này, giá trị hiện thực được thể hiện qua sự quan sát, miêu tả chi tiết, chân thực của Phạm Đình Hổ về thói ăn chơi trụy lạc của chúa Trịnh. Mở đầu đoạn trích, bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy lối sống xa xỉ của Trịnh Sâm khi chúa xây dựng các đình đài liên miên để phục vụ cho công cuộc ăn chơi hưởng lạc. Chúa sống trong sự giàu có và sung sướng còn nhân dân thì phải lao động cực khổ theo lệnh chúa để xây xong các đình đài. Chỉ vì thú chơi đèn đuốc mà Trịnh Sâm bóc lột sức lao động của dân lành. Điều đó thật bất nhân.

Chúa Trịnh không quan tâm việc triều chính mà chỉ quan tâm đến những trò tiêu khiển tốn kém, những trò mua vui cho bản thân: “Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên bên bờ Tây hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán”. Một cảnh tượng nhốn nháo, nực cười đang hiện lên trước mắt người đọc. Cuộc vui chơi ấy không chỉ có chúa mà còn có cả các quan và binh lính. Họ mặc áo đàn bà để làm trò mua vui cho Trịnh Sâm. Ngoài ra còn có các nhạc công “ngồi trên gác chuông chùa Trần Quốc hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc” để không khí cuộc mua bán trở nên sôi động hơn. Thay vì luyện tập để bảo vệ chủ quyền thì các binh lính lại được huy động để bảo vệ cho những cuộc chơi vô bổ, lố lăng của chúa.

Không chỉ có sở thích đèn đuốc, Trịnh Sâm còn có thú chơi cây cảnh. Chúa vơ vét, cướp đoạt từ tay nhân dân tất cả loài cây quý hiếm. Chúa ra sức thu lấy những loài “trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian”. Ngay cả cây đa to “giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng” chúa cũng cho “một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng cho đều tay” để “từ bên bắc chở qua sông đem về”. Bọn hoạn quan thì mượn gió bẻ măng, ức hiếp dân lành để phục vụ lợi ích cho bản thân. Chúng dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt, khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” rồi đêm đến thì đem lính tới lấy và buộc những người dân vô tội vào tội “đem giấu vật cung phụng” nhằm lấy tiền của họ. Bọn chúng dùng thủ đoạn để chèn ép và cướp bóc tài sản của nhân dân ta. Thậm chí chúng “phá nhà hủy tường” để lấy bằng được hòn đá hay cây cảnh quý về trang trí cho phủ chúa. Cuộc sống của nhân dân lầm than bao nhiêu thì sự cướp bóc của hoạn quan lại trắng trợn bấy nhiêu. Trước hành động tàn nhẫn đó, những nạn nhân vô tội chỉ còn cách nộp tiền, để chúng “phá nhà hủy tường” hoặc “phá cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”. Cũng vì cớ ấy mà bà cung nhân nhà Phạm Đình Hổ sai người chặt đi hai cây lựu trắng, lựu đỏ để tránh sự dòm ngó của hoạn quan. Tác giả đã kể thêm câu chuyện có thật ở gia đình mình để tăng tính thuyết phục cho những hành động bỉ ổi của bọn quan lại. Lấy được lòng tin tưởng của chúa nên bọn chúng ra sức thực hiện những hành vi cướp đoạt, vu khống nhân dân.

Với lối kể chuyện tự nhiên, sinh động, Phạm Đình Hổ không chỉ liệt kê chi tiết những việc làm của chúa và bọn hoạn quan mà còn thể hiện thái độ bất bình của mình trước những hành động đó. Đó là cảm giác “triệu bất tường” khi mỗi đêm nghe thấy “tiếng chim kêu vượn hót vang khắp bốn bề hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp,vỡ tổ tan đàn”. Trước hiện thực rối ren như vậy thì đó là dự cảm chẳng lành về sự suy tàn của một triều đại. Vua chúa, quan lại ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi công sức, xương máu của nhân dân mà không chăm lo cho đời sống của họ thì sự suy vong lại càng đến gần.

Giá trị hiện thực của đoạn trích được Phạm Đình Hổ thể hiện bằng ngòi bút trung thực và khách quan. Vì lẽ đó mà “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” nói riêng và tập “Vũ trung tùy bút” nói chung đã chiếm được vị trí nhất định trong lòng bạn đọc.

——————HẾT——————-

Bên cạnh bài Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, các em có thể củng cố kiến thức bài học của mình bằng việc tham khảo nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như: Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Phát biểu cảm nghĩ của em về tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Tóm tắt Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button