Dàn ý chi tiết và văn mẫu tham khảo trình bày suy nghĩ của em về ý kiến Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
Với đề văn nghị luận về ý kiến: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích thì nên triển khai những ý chính nào và đưa dẫn chứng ra sao để bài văn chặt chẽ và thuyết phục? Bài hướng dẫn dưới đây của THPT Ngô Thì Nhậm sẽ giúp em giải đáp điều này để hoàn thành tốt bài viết của mình. Cùng xem nhé!
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”.
******
Hướng dẫn làm bài nghị luận Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
Phân tích đề
– Yêu cầu đề bài: nghị luận, nêu ý kiến bàn luận về câu nói: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
– Phương pháp làm bài: nghị luận
Hệ thống luận điểm
Luận điểm 1: Giải thích ý nghĩa câu nói
Luận điểm 2: Nổi tiếng cũng có mặt tốt nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách
Luận điểm 3: Làm sao để là người có ích?
Dàn ý nghị luận Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích chi tiết
Dàn ý chi tiết:
Giới thiệu vấn đề:
Cuộc sống không phải lúc nào cũng sống cho ta mà nhiều khi phải biết sống vì người khác. Nhận định:”Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích” đã thể hiện rõ vấn đề trên.
Nghị luận về vấn đề
– Giải thích :
+ Người nổi tiếng : là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến.
+ Người có ích : là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội.
+ Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người : hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.
– Bình luận vấn đề
+ Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng :
- Tiếng tăm, danh vọng : thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.
- Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.
- Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.
+ Trước hết, hãy là người có ích :
- Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.
- Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.
- Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).
+ Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội.
+ Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.
+ Làm sao để là người có ích :
- Hãy sống có lý tưởng;
- Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;
- Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng;
+ Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.
Kết thúc vấn đề: Khảng định đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá.
Xem thêm: Nghị luận về sống có mục đích
Dàn ý ngắn gọn:
Giải thích ý kiến
– Người nổi tiếng được khâm phục, được nhiều người biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó; n
– Người có ích là người đem lại lợi ích, giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng những việc làm cụ thể của mình.
– Về thực chất, ý kiến này khẳng định giá trị đích thực của mỗi cá nhân thông qua những đóng góp của họ đối với gia đình và xã hội.
Luận bàn về ý kiến
Ý kiến nêu trong đề cần được lật đi lật lại, xem xét từ nhiều phía, thấy được mối quan hệ giữa hai mệnh đề (đừng cố gắng thành người nổi tiếng và trước hết hãy là một người có ích), để luận bàn (theo hướng khẳng định hay bác bỏ) cho thoả đáng, thuyết phục. Dưới đây là một số ý cơ bản:
– Khát vọng trở thành người nổi tiếng là chính đáng nhưng không phải ai cũng có năng lực, tố chất và điều kiện để đạt được.
– Nếu cố gắng bằng mọi cách chỉ để nổi tiếng, con người dễ trở nên mù quáng, ảo tưởng về bản thân, thậm chí gây tác hại cho xã hội.
– Mỗi cá nhân, bằng những suy nghĩ, việc làm bình thường, hoàn toàn có thể khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp cho cộng đồng, trở thành người có ích mà vẫn có cơ hội nổi tiếng; tuy nhiên, có ích là điều kiện để nổi tiếng, vì thế trước khi thành người nổi tiếng thì hãy là người có ích.
– Những người chỉ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng thì cuộc sống sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ không còn hi vọng trở thành người nổi tiếng.
Bài học nhận thức và hành động
– Cần xác định rõ mục đích sống, ý thức được điều quan trọng trong cuộc đời là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội.
– Không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Có thể em quan tâm: Nghị luận xã hội về sự nổi tiếng
Sơ đồ tư duy
Sau khi tham khảo dàn ý và hướng dẫn, các em có thể xem thêm một số bài văn mẫu nghị luận Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích dưới đây để có thêm ý tưởng hoàn thành bài viết của mình.
Văn mẫu tham khảo nghị luận Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
Bài văn mẫu 1:
Trở thành một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng như Michael Jackson? Trở thành một cầu thủ bóng đá huyền thoại như Maradona hay giàu có như Bill Gates? Nếu có ai đặt ra câu hỏi đó cho chúng ta, tôi dám chắc ít ai không mơ ước mình được nổi tiếng như vậy. Trong cuộc sống có rất nhiều quan niệm sống và cũng có rất nhiều mơ ước khác nhau. Có người mơ ước mình trở thành nhà khoa học nổi tiếng. Có người mơ ước mình trở thành một doanh nhân. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi cũng từng mơ ước mình trở thành một nhà văn nổi tiếng. Và chỉ khi đọc được câu nói “Đừng cố gắng để trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy làngười có ích” tôi mới thấy cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Vậy người nổi tiếng là gì mà ai cũng mong muốn trở thành người nổi tiếng? Người nổi tiếng là những người có công danh sự nghiệp – là người thành công trong cuộc sống, trong công việc hay một lĩnh vực nào đó được nhiều người biết đến, yêu mến, kính trọng. Trên thế giới ai cũng biết Bill Gates là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ mà ông cùng với Paul Allen đã sáng lập ra. Ông luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới. Hay như giáo sư toán học Ngô Bảo Châu – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Fields toán học – một giải thưởng danh giá trên thế giới mà không phải nhà toán học nào cũng có thể đạt được. Giáo sư Ngô Bảo Châu không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực toán học mà còn là một trong những giảng viên danh tiếng ở các trường Đại học nổi tiếng của Mĩ và thế giới. GS Ngô Bảo Châu chính là niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam trên thế giới. Và nữa, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn – một tài năng xuất chúng về âm nhạc. Những buổi biểu diễn của Đặng Thái Sơn là sự chờ đợi của biết bao người yêu nhạc ở Việt Nam và trên thế giới. Những khán phòng chật cứng, những nhà hát đông nghịt. Hàng triệu con tim như đang rung lên theo từng âm thanh của vũ điệu bàn tay tài hoa trên phím đàn. Đặng Thái Sơn chẳng phải là một thiên tài âm nhạc đó sao…
Trở thành người nổi tiếng là một mơ ước mà ai cũng mong muốn đạt được. Nhưng nếu như không thể trở thành người nổi tiếng bạn cũng đừng buồn bởi chúng ta vẫn có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng như một số bạn trẻ bằng cách bắt chước người này, người khác cách ăn mặc, đầu tóc kì dị hay có những hành động đặc biệt gây sự chú ý để nổi tiếng. Cái giá mà bạn phải trả cho sự nổi tiếng đôi khi là quá đắt. Có những bạn trẻ muốn được nổi tiếng trong mắt bạn bè, người yêu đã thể hiện mình là một tay đua trên xa lộ bằng những trận quyết đấu với tử thần để rồi có thể sẽ nổi tiếng nhưng đó là sự nổi tiếng mà những người thân yêu của họ sẽ mãi mãi đau đớn khôn nguôi.
Câu nói trên thực sự đã làm tôi suy nghĩ lại giấc mơ trở thành người nổi tiếng của mình. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành những người nổi tiếng nếu như có tài năng thật sự nhưng trước hết chúng ta hãy sống thật tốt để làm một con người có ích. Xã hội rất cần những người nổi tiếng nhưng còn cần hơn những người có ích. Hãy làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn bởi những việc làm có ích, bởi những con người có ích.
Câu nói “Đừng cố gắng….” quả thực đã để lại cho mỗi chúng ta một bài học nhận thức về ý nghĩa cuộc sống và quan niệm sống. Tôi nhớ một câu nói của một văn hào nổi tiếng: “Có thể trong cuộc đời này không ai biết đến tên tuổi bạn, nhưng những việc bạn làm lại không thể thiếu được với cuộc đời họ”. Tất nhiên, bạn hãy cứ mơ ước mình sẽ trở thành một người nổi tiếng. Biết đâu, bằng những cố gắng và tài năng của mình, một ngày không xa bạn sẽ nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng phải chăng, câu nói trên cũng là một lời khuyên hữu ích cho mỗi chúng ta khi bước vào cuộc sống.
>> Nghị luận bàn về lý tưởng sống của thanh niên học sinh hiện nay
Bài văn mẫu 2:
Phải sống như thế nào cho hợp lòng người, cho đúng đạo lí, để trở thành người nổi tiếng hay người có ích?
Đây là một ý kiến khá xác đáng, từng được nhiều người nhắc đến để làm phương châm ứng xử, hành động trong suốt cuộc đời: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiến ạ mà trước hết hãy là người có ích”.
Vậy, thế nào là người nổi tiếng? là người có ích?
Người nổi tiếng là người có tiếng đồn xa, được rất nhiều người nhắc đến, biết đến. Đồng nghĩa với nổi tiếng là nổi danh, lừng danh, nức danh, nức tiếng. Người nổi tiếng có thể là người được cộng đồng tôn vinh về tài đức, cũng có thể là người ”cộm cán”, bị tai tiếng.
Ví dụ, thầy giáo Nguyền Ngọc Kí bị tàn tật bẩm sinh mà dùng đôi chân để viết, vẽ … nổi tiếng gần xa, được hàng triệu học sinh Tiểu học yêu quý. Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng nổi tiếng từ năm lên 9 – 10 tuổi. Trái lại, tướng cướp Năm Cam “nổi tiếng” đâm chém, giết người cướp của một thời! Nhân vật Sở Khanh cũng là người “nổi tiếng”:
“Bạc tình nôi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung”.
(Truyện Kiều)
Còn người có ích là người đem lại điều có lợi, đem lại hiệu quả tốt cho gia đình hoặc xã hội trên tinh thần phục vụ và cống hiến. Nhân dân lao động là những người có ích, được xã hội ghi nhớ công ơn: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”. Đồng nghĩa với người có ích là /Igười hữu ích’, trái nghĩa , vô tích sự.
Câu nói trên đây nhắc nhở mỗi chúng ta phải sống thiết thực, phải tùy theo tài, đức của mình để phấn đấu: “trước hết là người có ích”, coi việc hiến dâng, phục vụ gia đình, Đất nước là nghĩa vụ, là niềm vui hạnh phúc trong suốt cuộc đời.
Muốn trở thành người nổi tiếng thì phải có đức trọng tài cao, làm nên công danh sự nghiệp. Nếu chỉ là người bình thường, “một phó thường dân” thì làm sao mà thành người nổi tiếng được? “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng” vì chỉ là mơ hồ, hão huyền. Câu tục ngữ: “Liệu cơm gắp mắm” nhắc nhở mọi người phải có đầu óc thực tế, phải sống thiết thực! Thành ngữ “hữu danh vô thực” châm biếm, mỉa mai những kẻ “có danh” mà vô tích sự đầy rẫy trong xã hội, nhan nhản trong đời!
Vị thế xã hội của mỗi người có thể khác nhau, người lãnh đạo/ thường dân; giàu sang phú quý/ nghèo khổ; trí thức/ lao động chân tay; trẻ con/ người lớn,… ai cũng cần học tập, lao động, tu dưỡng thành người có ích. Người có ích là người cao quý, là người vẻ vang vì đã làm nên bao thành quả ích nước, lợi nhà. Đúng vậy, “người hoàn thiện nhất là người hữu ích nhất cho xã hội” (Kinh Coran).
Thiếu niên, nhi đồng “tuổi nhỏ làm việc nhỏ…”, chăm ngoan, học giỏi. Các cụ già: “Sống khỏe, sống vui, sống có ích”. Công nhân, nông dân ra sức sản xuất vì dân giàu, nước mạnh. Thầy cô giáo, kĩ sư, bác sĩ… đem tài năng hiến dâng cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Anh bộ đội nắm chắc tay súng, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ, giữ vững hòa bình của đất nước.
Sống phải có ước mơ, luôn luôn có ý thức vươn lên xây dựng cho bản thân một sự nghiệp. Không được mơ mộng hão huyền, nhưng cũng không nên an phận thủ thường.
Câu khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó cố thanh niên” luôn luôn nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta biết sống đẹp, phấn đấu trở thành người có ích, có ích cho gia đình, có ích cho Tổ quốc.
Bài văn mẫu 3:
Mỗi người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành ai cũng có những ước mơ, những hoài bão và có cho riêng mình những hình mẫu riêng để không ngừng cố gắng đạt được. Song ước mơ trở thành người như thế nào, sống ra sao không phải là điều dễ dàng có thể tìm thấy câu trả lời. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”. Tìm hiểu về ý kiến này, chắc hẳn sẽ mang đến cho mỗi người nhiều điều thú vị.
“Đừng trở cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”, ý kiến đã mở ra trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm. Vậy nên hiểu ý kiến này như thế nào? Trước hết, “người nổi tiếng” là những người được nhiều người trong xã hội biết đến, họ có thể là những có tài năng, giàu có, thành công ở một lĩnh vực nào đó hoặc cũng có thể nổi tiếng chỉ vì scandal. Còn “người có ích” là những người có những đóng góp ý nghĩa và thiết thực cho những người xung quanh, cho cuộc sống và xã hội bằng những việc làm, hành động cụ thể. Từ cách hiểu đó, có thể thấy, ý kiến đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn và giàu ý nghĩa về mục đích sống của con người, hãy sống với những mục đích chân chính và cao đẹp, đừng chạy theo danh vọng, sự ngưỡng mộ của người khác mà hãy sống là một người có ích, biết quan tâm và sẻ chia với những người xung quanh, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Trước hết, ý kiến nêu lên vấn đề “đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng”. Quả thật vậy, nổi tiếng, danh vọng luôn là ước mơ, mong muốn của nhiều người song tiếng tăm và danh vọng không phải là những thứ bất biến, có thể theo chúng ta mãi trong suốt những tháng năm của cuộc đời và chúng cũng không phải là mục đích cao đẹp nhất trong cuộc sống của mỗi người. Cùng với đó, danh vọng, tiếng tăm có thể làm con người ta rơi vào vòng xoáy của tội lỗi, của sự băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp bởi lẽ con đường đi đến sự nổi tiếng không phải là con đường dễ dàng, đơn giản, được trải sẵn những cánh hoa hồng mà chặng đường đó luôn tràn đầy những khó khăn, thử thách và cả những cạm bẫy buộc con người ta phải đối mặt và vượt qua. Chính điều đó đã khiến nhiều bạn trẻ bất chấp mọi thủ đoạn, mọi cách để đạt được sự nổi tiếng mà mình hằng mong muốn. Trên thực tế đã có không ít người tìm đến sự nổi tiếng không phải vì tài năng, năng lực vốn có của mình mà lại bằng những thủ đoạn, bằng những scandal tình yêu hay bằng những hành động làm hại đến chính mình và cả những người xung quanh. Chắc hẳn, chúng ta sẽ chưa thể nào quên được câu chuyện về những người “nổi tiếng” như Khá Bảnh. Và vì những điều đó, chúng ta đừng chỉ biết cố gắng để trở thành những người nổi tiếng bởi lẽ nổi tiếng là khát vọng chính đáng song con đường để con người ta cố gắng đi đến sự nổi tiếng luôn chứa đầy những cạm bẫy, nó có thể đánh gục và biến ta thành một người hoàn toàn khác.
Cùng với việc khuyên con người “đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng” ý kiến còn nhấn mạnh, khuyên nhủ con người trước hơn hết hãy trở thành một người có ích. Người sống có ích bằng những việc làm giản dị, đời thường sẽ mang lại niềm vui cho những người xung quanh và làm cho cuộc sống ngày càng trở nên tươi sáng, tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có thật nhiều những người sống có ích, họ sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ, tình yêu của mình để mang lại niềm vui, sự bình yên và ánh sáng cho những người xung quanh. Đó là những anh bộ đội phải xa gia đình, quê hương làm nhiệm vụ nơi biên giới xa xôi hay nơi hải đảo đầy sóng gió. Đó là những cô giáo, thầy giáo trẻ không ngại khó khăn, vất vả lên những miền rẻo cao dạy chữ cho các em nhỏ. Đó là những con người với trái tim nhân hậu và tràn đầy yêu thương để hoàn thành những chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa và giá trị với những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống, mang đến cho những con người ấy niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Những con người ấy không phải là những người nổi tiếng nhưng hơn hết họ luôn mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội, nhận được sự yêu thương, quý mến của những người xung quanh. Đồng thời, họ sẽ khẳng định được những giá trị tốt đẹp của bản thân và không ngừng phát huy chúng. Thêm vào đó, sống có ích cũng chính là một trong số những điều kiện để trở thành người nổi tiếng, vì vậy trước khi trở thành một người nổi tiếng hãy luôn phấn đấu để trở thành một người có ích.
Như vậy, có thể thấy, ý kiến đã đưa ra những ý kiến, quan niệm giàu ý nghĩa về mối quan hệ giữa sống nổi tiếng và sống có ích, giữa danh và thực. Có thể thấy, nổi tiếng cũng có những mặt tốt, những thế mạnh riêng của chúng nhưng mỗi người không nên bằng tất cả mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể trở thành người nổi tiếng. Đồng thời, giữa nổi tiếng và có ích luôn có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, bởi vậy, trước khi muốn trở thành một người nổi tiếng thì hãy nỗ lực để trở thành người có ích. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm như thế nào để có thể trở thành một người sống có ích? Để làm được điều đó, trước hơn hết, mỗi người cần phải có lí tưởng, có mục đích sống rõ ràng và tốt đẹp. Đồng thời, phải biết hi sinh cái tôi cá nhân, sự ích kỉ của bản thân vì những người xung quanh, để hành động và mang lại những điều tốt đẹp, có giá trị thiết thực đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Thêm vào đó, phải sống có đạo đức, có trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh.
Tóm lại, ý kiến “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy trở thành người có ích” là một ý kiến, một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn đối với tất cả mọi người nhất là giới trẻ khi hiện nay có nhiều bạn trẻ đang cố gắng tìm đến sự nổi tiếng bằng mọi giá. Đồng thời, ý kiến cũng thúc giục mỗi người hãy đứng lên hành động vì những người xung quanh mình, phải biết mở lòng với những người xung quanh, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Tham khảo thêm:
- Nghị luận về lòng khiêm tốn trong xã hội hiện nay
- Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội lớp 9 chọn lọc
*****
Hy vọng rằng dàn ý chi tiết cùng bài tham khảo nghị luận Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!