Tổng hợp

Đức Huỳnh Giáo Chủ là ai? Tính cách của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Đức Huỳnh Giáo Chủ là ai?

Người sáng lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy tục danh Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (15-1-1920) tại làng Hòa Hảo,tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt Miên Nam Việt.

Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ, lúc bấy giờ làm Hương Cả làng Hoà Hảo một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương. Thân mẫu của Ngài là Đức Bà Lê Thị Nhậm. Đức Ông có hai đời vợ, đời vợ trước sanh được hai gái, hiện nay người chị thứ hai còn sống goá chồng, còn người em thì đã chết. Khi bà lớn mất, Đức Ông tục huyền với bà Lê Thị Nhậm sanh được ba người con:

Con đầu là Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Con thứ là Huỳnh Thị Kim Biên.

Con út là Huỳnh Thạnh Mậu.

Đức Huỳnh Giáo Chủ thường được gọi là Thầy Tư Hoà Hảo hay tôn xưng Đức Huỳnh Giáo Chủ còn tín đồ thì gọi Ngài là Thầy hay Đức Thầy, và nền Đạo của Ngài khai sáng được mang danh là Phật Giáo Hoà Hảo, một tông phái thành lập tại làng Hoà Hảo. Từ trước đến nay, việc lấy địa danh làm tông phái là điều thường thấy trong đạo Phật. Như Phái Thiên Thai Tông bên Trung Hoa sở dĩ thành danh là vì xây dựng già lam trên núi Thiên Thai cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước Việt Nam chúng ta cũng được thành danh do Ngài Điều Ngư Giác Hoàng tức Vua Trần Nhân Tông khai Sáng một Thiền Phái Việt Nam trên núi Yên Tử, Tỉnh Quảng Yên.

Đức Huỳnh Giáo Chủ là ai?
Đức Huỳnh Giáo Chủ là ai?

Tính cách của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Ngay từ khi còn bé, Ngài đã tỏ ra hơn người trong mọi phương diện. Tánh Ngài điềm đạm, ít chịu trửng giỡn cợt đùa, thường tìm nơi thanh vắng ngồi trầm tư mặc tưởng. Ngài không thích đờn ca xướng hát; vì thế những chỗ hội hè đình đám, những nơi tụ hợp đông người, Ngài luôn luôn xa lánh.

Từ lúc bé bỏng, Ngài đã có tánh hiếu sanh, không chịu bắt bướm, chuồn chuồn hay bắt dế để chọi nhau chơi. Những thú vui như đá cá thia thia, đá gà, những thú vui có ý sát hại, hay làm tổn thương thì Ngài không thích.

Có lần Ngài ra ruộng, gặp con cóc, Ngài la lên nhưng đến khi các trẻ khác bu lại kiếm bắt thì Ngài lấy chơn đè lấy con cóc cho mọi người không nhìn thấy. Đến khi chúng bạn tản ra, Ngài mới lấy chơn lên cho con cóc thoát nạn. Lòng hiếu sanh của Ngài đã biểu lộ qua nhiều cử chỉ nhơn từ thương xót các loài vật.

Ngài có tánh cả thẹn đối với phụ nữ. Khi đến tuổi trưởng thành, hễ ai đề cập đến vấn đề hôn nhơn là bị Ngài phản đối ngay. Ngài thường tuyên bố: thích sống độc thân để được tự do hoạt động.

Học lực của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Từ khi cập sách đến trường, Ngài đã tỏ ra xuất sắc hơn chúng bạn. Ban sơ, Đức Ông cho Ngài học các lớp sơ đẳng tại trường Hòa Hảo lúc bấy giờ tạm lấy nhà Công sở trước đình thần làm trường sở. Năm 1950, Công sở bị dở; nay là Thư viện Hòa Hảo. Cứ như được biết niên học năm 1927-1928, Ngài đã học với ông Giáo Phan Văn Khoái.

Sau khi học hết các lớp sơ đẳng ở Hòa Hảo, Đức Ông cho Ngài tiếp tục học tại trường Tiểu học bổ túc Tân Châu với ông giáo Lê Văn Tám dạy lớp nhì, năm thứ nhất (Cours Moyen I). Trong lúc ấy, Ngài ở trọ nhà ông Huỳnh Văn Sánh, thợ bạc ở Tân Châu. Sau khi đậu bằng Tiểu học (Certificat dEtudes élémentaires), Ngài phải thôi học vì bịnh hoạn, mặc dầu Đức Ông đủ sức cho Ngài tiếp tục học thêm nữa.

Sức khoẻ của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Thật ra thì lúc nào Ngài cũng đau ốm luôn, không mấy khi được khỏe mạnh. Lâu lâu lại phát lên cơn sốt rét dữ dội, vì vậy mà Ngài xanh xao ẻo lả, có lúc mất ăn mất ngủ nhiều ngày, xem chừng bịnh tình trầm trọng lắm, có thể chết được.

Đức Ông Đức Bà hết sức lo buồn, hằng kiếm thầy chữa trị mà bịnh vẫn không thấy thuyên giảm. Ban đầu còn chạy chữa ở những thầy thuốc Bắc thuốc Nam trong làng mà không hết, trái lại bịnh trạng thì xem khác thường khi mạnh khi yếu khiến mọi người nghi là mắc bịnh tà và nghĩ đến cách chữa trị bằng pháp thuật bùa ngải. Nghe đồn ở núi Trà Sư có ông Thầy Xom hay Đạo Xom, tục danh là Lê Hồng Nhật một tu sĩ nổi tiếng giỏi pháp thuật, đã từng chữa mạnh nhiều bịnh bằng bùa ngải. Đức Ông bèn cho chở Ngài đến nhưng rốt cuộc cũng không thấy hiệu quả.

Ngoài ra, Đức Ông còn đưa Ngài xuống ông Bảy Còn ở chợ Cà Mau thôn Long Kiến nhờ chữa trị. Ông Bảy là cháu nội của ông ĐạoThắng một cao đệ của Đức Phật Thầy Tây An và đã được truyền nhiều diệu pháp để cứu dân độ thế. Ông Đạo Thắng truyền lại cho thân phụ ông Bảy và ông này truyền trao lại cho ông Bảy tiếp tục nghiệp ông cha. Ông Bảy vốn là người thân thuộc của Đức Ông nên Đức Ông rất tin cậy, đưa Ngài đến nhờ chữa trị. Ban đầu thấy có mòi thuyên giảm nhưng về sau bịnh vẫn không thấy gì thay đổi.

Nghe đồn ở Mặc Cần Dưng có ông Lục Cả chữa bịnh tà rất hay, Đức Ông cũng lo chở Ngài đến nhờ chữa trị, nhưng bịnh Ngài không khác gì giả ngộ, mới thấy nguy kịch đó, lại liền thấy mạnh khỏe.

Như lần chở Ngài đi, sau bảy ngày bỏ ăn bỏ ngủ, tưởng là nguy kịch lắm, chẳng ngờ lúc đi ghe, Ngài lấy cơm nguội ra ăn hết hai tô lại uống thêm hai tô nước sông. Phàm người bỏ ăn năm bảy ngày, muốn ăn lại phải cho uống nước cháo rồi lần lần cho ăn cháo lỏng, dạ dày mới chịu nổi. Vậy mà Ngài vẫn khỏe như người thường và không thấy sao cả.

Lúc bấy giờ lại có tin đồn bếp Ngoan, tục danh là Lê Minh Chiếu, ở Chợ Vàm một tay lão luyện về bùa ngải của Miên và Xiêm, từng học với Thầy ngải ở Tà Lơn và chữa lành các bịnh bị thư, bị ngải hay mắc bịnh tà. Trong lúc bức ngặt, Đức Ông cho chở Ngài lên Chợ Vàm, nhưng bếp Ngoan chữa cũng trơ trơ.

Điều đáng lo ngại nhứt là mấy lúc sau nầy, Ngài lại vướng thêm bịnh huợt tinh khá trầm trọng. Do chứng bịnh nầy mà Ngài trở nên xanh xao vàng vọt, con người tiều tụy, không còn thiết gì đến việc học hành. Về sau Ngài có thổ lộ cho một tín đồ ở Bạc Liêu biết: đó là ơn trên định dọn phần xác tinh khiết, chẳng khác nào sút ve cho sạch trước khi đựng lấy nước trong.

Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn – những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài tỏ ra đại ngộ. Vào buổi chiều ngày 18-5 Kỷ-Mão (1939), trên khoảng sân rộng, hoa kiểng thi nhau khoe tươi phô thắm, bên bàn thông thiên, Đức Thầy sắp bày hương án cử hành nghi lễ Cáo Hoàng Thiên, đánh dấu ngày lịch sử Ngài chính thức nhận lấy sứ mạng thiêng liêng của Ngọc Đế và của Đức Thế Tôn mà hoằng khai Phật Pháp chấn hưng Phật Giáo, Ngài có bài tự thuật :

Ngọc Toà, Phật Tổ nấy sai Ta,

Xuống cứu thế gian nẻo vậy tà.

Hiệp sức tớ Thầy truyền Diệu Pháp,

Cho đời thấu rõ Đạo Ma-Ha!

Ngay sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Đức Thầy trình Đức Ông dùng ngay sảnh đường đặt nghi thức đủ  Ba Ngôi Tam Bảo để làm chỗ trọng tâm quy ngưỡng cho bổn đạo chúng sanh từ bốn phương về đảnh lễ quy y Phật Pháp. Ngài còn ngõ lời nhờ Đức Ông lên quận đường Tân Châu xin phép đổi xin phép đổi nơi này thành ngôi chùa lấy hiệu là “Kim Sơn Tự”.

Mấy vần thi duới đây, Đức Thầy không dấu diếm trọng trách của Ngài khi thời cơ chuyển đến:

– Phi phi bổng xuất mặt Huỳnh Long,

Dụng lối Bá Nha réo Lạc Hồng!

– Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,

Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.

Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

Chờ thời Thiên định thiết hùng ca!

Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy
Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy

Ra làm bịnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Bắt đầu từ năm Kỷ Mão, năm Ngài được 19 tuổi, sau khi thôi học về nhà, Ngài thường tỏ ra nhiều cử chỉ kỳ lạ, khi thì nằm thim thíp, bỏ ăn bỏ ngủ, lúc thì mạnh mẽ như người không bịnh, đi đứng như thường, nói năng hoạt bát.

Đức Ông cũng như bao nhiêu người khác, đều cho Ngài có tà ma quỉ quái chi dựa vào nên mới có trạng thái khác thường như vậy.

Mặc dầu, Đức Ông lo chữa chạy cho Ngài tận tình, nhưng Ngài thì cứ nói rằng không có bịnh chi cả, vì nể Đức Ông nên mới đi chạy thầy chạy thuốc như vậy.

Một hôm, Ngài đi lên đầu trên xóm dưới truyền rao: nếu ai có mắc bịnh chi, cứ đem lại cho Ngài chữa trị cho. Thấy vậy Đức Ông bĩu môi: Bịnh mình chề ề như vậy mà không lo, còn đòi đi chữa bịnh người ta.

Ban đầu không ai tin Ngài có thể chữa bịnh, nhưng có một vài bịnh ngặt nghèo, kể như hết phương cứu chữa, nghe Ngài nói chữa được nên cũng liều đem đến, may ra có phép Tiên phép Phật gì chăng. Vả lại, Ngài không có làm chi nguy đến tánh mạng con bịnh, hơn nữa phương pháp của Ngài dùng để chữa hay thuốc thang của Ngài cho uống không có gì nguy hiểm. Vì vậy mà người ta đánh liều chở bịnh đến nhờ Ngài cứu chữa. Nhưng lạ lùng thay, bịnh nào Ngài chịu chữa cũng đều được mạnh lành, mặc dầu đã tốn bao nhiêu tiền của và thuốc men.

Do cách chữa trị huyền diệu ấy mà tiếng đồn lan rộng ra. Nhứt là từ ngày Ngài chữa bịnh cho con gái của ông Hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn mắc bịnh trùng, thập tử nhứt sanh, đã chạy chữa đủ thầy pháp thầy bùa trong vùng mà không hết. Nghe Ngài chữa bịnh bằng phương pháp huyền diệu nên chở ra nhờ Ngài chữa trị.

Ngài dùng nước rải vào mặt bịnh nhân khiến bất tỉnh, ngất xỉu. Ngài bỏ đó, thân nhân lấy làm lo ngại, nhưng Ngài bảo khiêng vào nhà sau, đợi đến giờ Tý, Ngài sẽ chữa cho. Quả nhiên khi đến giờ, Ngài đem một chén nước lã bảo cạy miệng ra đổ. Trong chốc lát, cô ấy tỉnh lại rồi mạnh luôn và từ đó gia đình của Hương chủ Hùng không còn lo ngại về bịnh trùng nữa. Bắt đầu từ khi chữa dứt bịnh trùng cho gia đình ông Hương chủ Hùng, tiếng tăm của Ngài vang dậy khắp nơi. Chừng đó ngày nào người ta cũng nườm nượp chở bịnh đến, nhứt là các bịnh điên hay bịnh tà, xưa nay có tiếng là hung dữ không ai chữa nổi, nay chở đến chật nhà chật cửa.

Lúc bấy giờ nhà Đức Ông chật nức, nào bịnh nhơn, nào những người hiếu kỳ đến xem chữa bịnh, chen nhau không còn chổ trống. Có nhiều con bịnh hết sức hung tợn, ở nhà la ó hay hành hung không ai dám lại gần, phải dùng thế bắt trói mới đem đi được. Thế mà khi đến Ngài, Ngài bảo lấy dây chuối cột tay dẫn lên, bịnh nhơn riu ríu đi theo không chống cự. Cũng có con bịnh chưa chịu phép, còn la ó hay múa tay múa chơn, Ngài rút chiếc khăn quăng ra và hét: Chư Thần đâu… để vậy sao? Hét vừa dứt tiếng thì bịnh nhơn chạy đến chụp lấy chiếc khăn quấn vào tay, càng siết chặt hai tay lại, vừa khóc lóc van lơn xin Ngài tha thứ.

Ngài nói: Nếu biết ăn năn thì hãy xuất ra, người ta có vợ có chồng rồi, đừng có xen vào phá gia cang người ta.

Hãy hứa không còn phá nữa, ta mới dung thứ.

Con bịnh khóc lóc hứa từ nay không còn dám phá nữa. Ngài bảo mở trói, con bịnh tự tháo chiếc khăn ra. Ngài dạy lại lễ Phật, cho uống một chén nước lã rồi ra về.

Ngoài bịnh trùng, bịnh điên, Ngài còn chữa nhiều thứ bịnh khác nữa, như dịch tả, phung đơn, nhứt là cai thuốc phiện, bỏ rượu một cách tài tình.

Phương pháp chữa trị của Ngài hết sức giản dị, Ngài cho uống nước lã, hoặc giấy vàng hay giấy nhựt báo xé nhỏ ra. Về phương dược thì các thứ lá cây như: lá xoài, lá ổi, lá mít . . ., các thứ bông như: bông trang, bông thọ. Còn về niệt để đeo thì dùng chỉ trắng se lại, có khi không có chỉ thì dùng dây chuối, dây bố . . .

Chỉ có bấy nhiêu dược liệu, hết sức giản dị, không tốn tiền mà bịnh nào uống vào cũng khỏi. Lạ nhứt là những người ghiền á phiện hay ghiền rượu, chỉ uống nước lã mà bỏ rượu bỏ á phiện cái một, không hành phạt chi chi cả.

Ngoài ra Ngài cũng có cho toa thuốc Bắc, ai có mắc bịnh, cứ theo đó bổ về sắc uống: mười bịnh hết mười, khỏi phải đem đến Ngài chữa trị. Những phương thuốc còn ghi chép trong quyển “Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ”. Đến ngày nay nhiều người mắc bịnh đã theo toa thuốc ấy hốt về uống vẫn thấy hiệu nghiệm như một thứ thuốc Tiên.

Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.

Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.

Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca, văn có giá trị siêu việt.

Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.

Giáo Pháp của Đức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.

Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng lạ thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị lưu trú tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ).

Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942.

Giai đoạn tranh đấu
Giai đoạn tranh đấu

Giai đoạn tranh đấu

Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Đông dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưởng bách đem Ngài về Saigòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vác việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình:

Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn

Quan Đế cư Tào bất đê Tào

Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Đồng minh.

Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945,Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó,Ngài nói một lời tiên tri rất bình dị ” Nhật bổn ăn không hết con gà “. Mà thiệt vậy ! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc đưa đến một thảm hoạ bi thảm nhất trong lịch sử cận đại, gần hai triệu đồng bào bị chết đói. Nhằm cứu vãn và chấm dứt nỗi đau chung, Đức Thầy đi Thuyết pháp – Khuyến nông gần hai tháng qua 107 địa điểm và kết thúc vào ngày 26 – 6 âl ở Hòa Hảo. ” Vì lòng từ ái chứa chan, thương bá tánh đến hồi tai họa “, nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.

Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Đồng minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất ổn, Đồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh dịch chủ tái nô, Đức Huỳnh giáo Chủ liền hiệp với các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại xáp nhập vào mặt trận Việt minh mà chính Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt.

“Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,

Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.

Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,

Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.”

Sau tạm ước ngày 6-3-1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ của Mặt Trận Việt Minh, với trách vụ Ủy viên đặc biệt, góp phần un đúc, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các tầng lớp và đồng bào.

Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (21- 9 -46), với chủ trương công bằng xã hội và dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Đọc Tuyên ngôn, Chương trình của Đảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường.

Đồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành Mặt Trận Thống Nhứt Toàn quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay.

Đầu năm Đinh Hợi 1947, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của các Ủy ban Việt minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Đức Huỳnh Giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẫn nộ của tín đồ P. G. H. H. và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực.Trong hoàn cảnh chính trị cực kì rối rắm ỡ miền Tây, sau một cuộc binh biến, kể từ ngày 25-2 nhuần năm Đinh Hợi (16-4-47), Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm nạn tại Đốc Vàng (vùngĐồng Tháp).

Từ đó không ai rõ tin tức chi về Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt Minh có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button