[Văn mẫu 9] Em hãy đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại bài thơ bằng văn xuôi để cùng cảm nhận vẻ đẹp của người lính lái xe
Để đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại câu chuyện người lính Trường Sơn cần sử dụng ngôi kể thứ nhất, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số bài văn mẫu hay dưới đây để nắm được cách làm bài em nhé:
Dàn ý đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại bài thơ
A, Mở bài
– Giới thiệu bản thân: Tôi là người lính Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ.
– Công việc chính của tôi là lái những chiếc xe được phủ cành cây để ngụy trang kẻ địch.
– Dù cho những năm tháng ấy rất vất vả, cực khổ, chạy xe xuyên đêm ngày. Ngày chạy xe, đêm cũng ngủ tại xe, những chiếc xe không kính ấy trở thành những người tri âm tri kỷ đồng hành cùng tôi trên chặng đường chiến đấu còn nhiều gian khổ.
B, Thân bài
– Trong những năm tháng ấy, bom đạn của bọn Mỹ có sức công phá quá ghê gớm nên hầu như chiếc xe nào của binh đoàn cũng rụng và vỡ hết kính. Nếu như còn sót lại thì cũng chỉ là những mảnh kính vỡ. Cửa giờ toang hoác nên thiên nhiên như ùa vào để những người lính như chúng tôi tận hưởng vậy. Dù có nguy hiểm, vất vả nhưng chúng tôi vẫn ung dung quả cảm, vẫn hàng ngày lái những chiếc xe tiếp tế ra chiến trường vì tổ quốc thân yêu.
– Từ những ô cửa kính vỡ, chúng tôi được tận hưởng những cơn gió bụi làm mắt cay, ngắm sao trời và những cánh chim bay vụt qua. Đời lính gắn liền với những con đường dài rộng trước mặt, chúng tôi chạy trên những con đường ấy với niềm tin và sứ mệnh giải phóng tổ quốc.
– Nói đời lính có những kỷ niệm đẹp chẳng bao giờ sai, khi những cơn bụi trắng xóa làm chúng tôi bạc trắng cả mái đầu hay những cơn mưa xối xả qua cửa kính vỡ chẳng làm chúng tôi khó chịu hay bất an. Không những vậy, chúng tôi còn trêu nhau là những người già, tiếp tục chặng hành trình của mình.
– Dù cho có mưa bom bão đạn hiểm nguy, qua những cửa kính vỡ tưởng chừng thêm phần khó khăn ấy, chúng tôi lại có thể dễ dàng bắt tay với những người đồng chí trong tiểu đội, Sống trong tập thể cùng chiến đấu, cùng sinh sống, chúng tôi yêu thương và đoàn kết với nhau.
– Bếp Hoàng Cầm – biểu tượng của bếp dã chiến, nấu ăn không khói để kẻ thù không phát hiện. Chúng tôi sum họp như gia đình bên bếp Hoàng Cầm để nói chuyện, ăn uống.
– Dù cho có muôn trùng khó khăn, chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng nhau trên những chiếc xe không kính để giải phóng dân tộc
C, Kết bài
Cảm xúc của “tôi” khi nhắc về những kỷ niệm ở chiến trường
Sơ đồ tư duy
Xem thêm: Chất thơ trong bài thơ về tiểu đội xe không kính
Sau khi tham khảo dàn ý chi tiết cùng sơ đồ tư duy, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại bài thơ bằng văn xuôi dưới đây để có thể hình dung rõ hơn về cách làm dạng bài này.
Văn mẫu đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bài văn mẫu 1: Đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại bài thơ bằng văn xuôi
Ngồi trên chiếc ghế đá mát lạnh tôi ngước nhìn khung trời màu xanh biếc, vô tận mà tôi nhớ đến ngày xưa. Những ngày tháng tôi cùng đồng đội ở chiến khu, trên chiếc xe không kính quen thuộc. Tôi hớp một ngụm nước chè xanh quen thuộc, rồi xoay đầu qua nhìn ông bạn Tâm cũng đang chăm chú nhìn phương xa. Tôi bảo: “ Mới đây nhanh quá ông nhỉ, thoắt đã hơn chục năm rồi.”, ông ấy mỉm cười nói: “Ừ, đúng thế”. Và cả hai cùng ngồi thẫn ra, đều mang vẻ vui buồn lẫn lộn…
Nhớ những tháng ngày năm 46, thực dân Pháp lại một lần nữa xâm chiếm đất nước, cùng với một quy mô hùng hậu và nhiều loạt vũ khí tối tân thời bấy giờ. Lúc ấy tôi chỉ vừa tròn hai mươi tuổi nhưng vì độc lập đất nước, tôi đã gia nhập đội ngũ bằng cả trái tim của mình dù biết phải xa gia đình để đến chiến khu. Tuy ở chiến khu rất gian nan và khó khăn nhưng ở đấy tôi không hề cô đơn. Vì tôi đã có thêm rất nhiều người anh em, có cùng chí hướng với tôi là giành lại tự do cho đất nước, cho nhân dân và tôi gọi họ là những “đồng chí”. Trong đó có ông bạn vẫn luôn gắn bó với tôi đến bây giờ.
Lúc đầu tôi chưa quen lắm, nhưng dần dần chúng tôi trở nên thân thiết nhiều hơn như bằng hữu lâu năm. Mỗi tối bọn chúng thường ngồi tụ lại với nhau rồi kể chuyện của mình cho những người còn lại nghe. Bỗng có một anh lớn hơn tôi tầm hai, ba tuổi hỏi: “Quê chú ở đâu ra sao?” tôi trả lời: “ Em ở một ngôi làng nghèo đất cày lên sỏi đá luôn đó anh.” Nói đến đây tôi chợt nhớ đến ba mẹ chốn quê nhà, không biết mẹ có còn đau chân hay không, ba có đỡ bệnh chưa. Rồi anh ấy lại nói: “ Quê hương anh cũng nghèo lắm, nước thì mặn, đồng thì chua. Khổ lắm chú ạ, lúa nó cứ chết hoài.”. Mọi người say sưa ngồi cười cười, nói nói suốt đêm mà không ai hay biết gì hết, cho đến tận trời tờ mờ sáng.
Tôi nhớ những ngày còn ở chiến khu, túp lều của chúng tôi được dựng ở những cánh rừng núi hoang vu nên đêm xuống sương ẩm che phủ khắp mọi nơi. Chúng tôi đã cố gắng san sẻ chăn cho nhau để giữ ấm rồi trở thành những đôi tri kỷ. Nhưng cho dù chúng tôi có chăn đi nữa thì nó vẫn không đủ ấm và có một số người bị bệnh rất nặng. Vì là rừng nên muỗi cũng nhiều đặc biệt là loại muỗi truyền bệnh sốt rét. Bộ đội đã bỏ xác không ít người chỉ do loại bệnh chết người này, đội ngũ dần ít đi. Điều đó khiến những người còn lại trong đó có tôi vô cùng hoảng loạn nếu tình hình này vẫn cứ tiếp tục…
Nhưng chúng tôi, những người yêu quê hương, tổ quốc sẽ không bao giờ gục ngã bởi bất kỳ trở ngại nào. Vì nền độc lập đất nước, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đã bỏ qua sự ích kỷ của riêng mình, nỗi sợ hãi cá nhân để xung phong lên đường cứu nước. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người nhớ luôn đến người thân ơi quê nhà, lo lắng nhà cửa bây giờ có bình yên hay không. Tất cả chúng tôi bỏ lại sau lưng những nỗi nhớ da diết vì đại cuộc, cho dù phải hy sinh.
Trên con đường hành quân, mọi người chúng tôi phải leo lên từng con dốc, băng qua từng dòng suối siết chảy. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, từ ngày này qua ngày kia không kể bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Mặc cho thời tiết có như thế nào, dù nắng hay mưa, chúng tôi vẫn luôn vượt qua. Đi đến nỗi quần áo của mọi người cũng bạc màu và rách đi vài chỗ. Không chỉ thế, chân chúng tôi cũng đã chai sần vì đi quá nhiều vả lại chúng tôi chẳng có một đôi giày chắc chắn để mang. Tuy thế chúng tôi không màng đến. Đôi lúc khí trời rét lạnh nhưng bên trong chúng tôi vẫn hừng hực lửa, quyết tâm chống chọi lại với sự ghẻ lạnh của thiên nhiên và mỉm cười cùng đồng đội, cùng nắm tay đi qua hết đoạn đường đầy chông gai này.
Ban đêm, khu rừng ngập tràn sương muối lạnh buốt cả hai tay.Xung quanh tối mù mịt, những tán cây cũng trở nên tối đen, chỉ còn ánh trăng óng ánh màu bạc tỏa chiếu khắp nơi. Chúng tôi núp dưới bụi cây to, vai vác trên mình những cây súng thô sơ chờ địch đến rồi chớp lấy thời cơ mà xông lên. Đó là một trận quyết liệt giữa quân dân Việt Nam và bọn thực dân hung ác.
Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng đã lớn tuổi nhưng kỷ niệm thời niên thiếu về những lần xông pha trên chiến trường sẽ không bao giờ xóa nhòa trong lòng tôi, cũng như mọi người. Những kỷ niệm chúng tôi ngồi kể chuyện, ca hát với nhau về niềm tin chiến thắng của đất nước. Tất cả như một câu chuyện mà tôi không bao giờ kể hết được nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có thể mất được.
Xem thêm: Phân tích hình tượng những chiếc xe không kính
Bài văn mẫu 2: Đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại bài thơ bằng văn xuôi
Bước vào năm 1969, cuộc chiến khốc liệt và căng thẳng hơn. Sau thất bại trong chiến lược Chiến tranh cục bộ, quân Mỹ bắt đầu tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Thực hiện chính sách này, Mỹ rút dần quân số trên chiến trường Đông Dương và tăng cường chiêu mộ, bắt bớ người Việt Nam đi lính. Đồng thời, chúng tiến hành các chiến lược bình định trên toàn miền Nam. Một không khí khủng bố vô cùng căng thẳng bao trùm lên khắp miền lãnh thổ. Nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam cũng đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn.
Không để miền Nam đơn độc trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù, quân và dân miền Bắc gắng hết sức mình chi viện và cùng quân dân miền Nam anh dũng chiến đấu.
Tôi là một chiến sĩ lái xe. Cuối năm 1968, tôi được điều động về đại đội 1 ô-tô vận tải, thuộc tiểu đoàn 59, trung đoàn 35, Đoàn 471, Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Nhiệm vụ của đại đội là vận chuyển những chuyến hàng vào chiến trường miền Nam. Không những đưa hàng hóa đến tận chiến trường, phục vụ nhanh chóng và kịp thời cho cuộc chiến đấu, chúng tôi còn phải cung ứng quân trang, quân dụng, thuốc men và những thứ cần thiết khác mà quân và dân miền Nam đang cần.
Trong những năm khó khăn ấy, nhân dân miền Bắc đã dốc hết sức mình vì miền Nam ruột thịt. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước mà bà con miền Bắc đã không quản ngại gian khổ hy sinh. Từng lớp thanh niên đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu. Ngày ra đi còn vẫy chào tạm biệt, hứa xong nhiệm vụ với tổ quốc mới trở về.
Bao nhiêu nông phẩm thu được, nhân dân chỉ giữ lại phần ít. Phần lớn còn lại gửi vào miền Nam cho bà con và các chiến sĩ. Chính phủ còn nhận được sự hỗ trợ của các nước anh em ủng hộ cuộc chiến.
Chúng tôi lên đường bất kể ngày đêm. Hễ có hàng là chúng tôi chạy. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xuôi ngược trên tuyến đường Trường Sơn, nhộn nhịp như mùa hội. Tấm chân tình của nhân dân miền Bắc đối với quan và dân miền Nam thật nói sao cũng không hết.
Năm ấy, phát hiện tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, quân Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt. Chúng rải thảm bom đạn nhằm ngăn chặn dòng tiếp viện. Con đường bị cày xới dữ dội. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh.
Những chiếc xe băng trong mưa bom bão đạn của kẻ thù không chiếc nào còn nguyên vẹn. Khung cửa kính bị hơi bom ép vỡ. Đèn pha cũng bị cháy. Thùng xe lỗ rỗ vết bom. Mui xe bị đánh bật quang mất từ bao giờ. Sau những chuyến đi trở về, xe của chúng tôi bị biến dạng ghê gớm.
Thế nhưng, chúng tôi không hề nản lòng. Các đồng chí động viên nhắc nhở nhau cùng hứa sẽ giữ vững tay lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chúng phá đường thì ta sửa. Chúng đánh ngày thì ta chạy đêm. Những đoàn xe lại nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Tuyến đường Trường Sơn như sợi chỉ thần kí nối liền miền Nam, miền Bắc. Nơi đâu cũng nhộn nhịp bóng người. Có thể nói, mọi sức mạnh đều tập trung về đây để bảo vệ tuyến đường, bảo vệ mạch máu của dân tộc.
Ngồi trong những chiếc xe không kính, cả bầu trời như đến gần với tôi. Dù trời không có gió nhưng hề xe chạy thì gió cứ thế mà lùa vào ào ạt. Gió thổi xoát mặt, cay xè cả hai mắt, thổi bồng mái tóc của chúng tôi. Cứ mỗi lần bước ra khỏi buồng lái là tóc tôi dựng ngược hẳn lên như vừa được bôi một thứ keo dán tóc nào đó.
Ban đêm xe chạy, sao sáng vằng vặc trên trời cao, rõ ràng hết mức vì không bị kính che mờ. Những cánh chim trời tinh nghịch cứ bay ngay buồng lái. Đôi khi chúng làm tôi hết hồn vì ngỡ bóng máy bay của địch.
Sợ nhất là bụi đường. không có kính, bụi phun tóc trắng xóa như người già. Cả đầu tóc lẫn mặt mũi của chúng tôi như trát một lớp phấn trắng. Chỉ còn hai con mắt là khác màu thôi. Mỗi lần nghỉ ngơi, nhìn các chiến sĩ ai cũng bạc phết mà cười ngất ngây.
Hết bụi thì đến mưa. Mưa rừng Trường Sơn đột ngột và dữ dội lắm. Không hề báo trước, cơn mưa từ đâu phía bên kia núi ào ào kéo đến trút nước lên đầu. Không có kính, nước mưa cứ thế mà tuôn, mà xối vào. Ngồi trong xe mà tôi cứ ngỡ đang ở ngoài trời. Nhưng mưa cứ kệ mưa. Xe chạy vẫn cứ chạy. Quần áo ướt rồi lại khô, cần chi phải nghỉ ngơi lôi thôi. Cuộc sống như thế chúng tôi đã quen từ lâu, có chi mà quản ngại gió sương.
Vui nhất là những lần đồng đội khắp muôn phương cùng nhau hội tụ. Những đoàn xe nối đuôi nhau mấy cây số. Chúng tôi bắt tay thân ái qua ô cửa kính vỡ, hỏi han và động viên nhau. Tôi chúc mừng các anh đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Những chiến sĩ trở về động viên và cầu chúc tôi may mắn.
Những cuộc dừng chân giữa rừng kết nối biết bao trái tim. Dù ở những đơn vị khác nhau, từ nhiều vùng quê của đất nước, nhưng gặp nhau ở đây, chúng bếp lửa hồng, chung bữa cơm vui thì chúng tôi xem nhau là anh em đồng chí cả.
Đường Trường Sơn được xây dựng bằng sức người, bằng đôi bàn tay của hàng vạn thanh niên yêu nước. Trên núi cao, dưới vực thẳm thách thức mọi tinh thần. Những con dốc cao đến nỗi đứng dưới nhìn lên mỏi cả cổ. Tôi nhớ rất rõ lần chạy xe xuyên đêm vượt dốc Pô-Phiên vô cùng hiểm trở. Con dốc sừng sững thách thức các đồng chí lái xe đã từng vận chuyển hàng hóa trên cung đường này.
Đêm ấy trời mưa to, đường bị xói lở nhiều. Đại đội trưởng lệnh chúng tôi dừng lại tìm nơi ẩn nấp. Đến đêm mai lại chạy tiếp. Nhưng chúng tôi đang ở giữa vùng trống, không có nơi ẩn nấp an toàn cho cả đoàn xe. Lại thêm trời cứ mưa thế này, đến đêm mai chưa chắc đã hết. Tôi khuyên đại đội trưởng cho đoàn xe vượt dốc. Sau phút suy nghĩ, đại đội trưởng đồng ý.
Tôi lái xe đi đầu. Lấy hết bình tĩnh, tôi đạp mạnh chân ga. Chiếc xe lừ lừ chạy tới. Biết mặt đất trơn, tôi cố gắng giữ ga thật đều. Bánh xe bám chặt vào mặt đường giữ xe vững chắc. Bỗng chiếc xe lắc lư dữ dội vì vấp phải rãnh sâu. Tôi đạp mạnh ga hơn cho xe vượt qua nhưng không thể. Xe bị tuột ga rồi. Tôi đạp mạnh thắng để giữ xe lại nhưng mặt đường như rải dầu trơn tuồn tuột. Đuôi xe lệch về một bên, đầu xe quay ngang. Phía sau là con vực sâu đến nghìn mét.
“Chắc chắn xe sẽ lao xuống vực”. Tôi nghĩ thế và thầm mong có một sức mạnh nào đó nâng đỡ. Bỗng chiếc xe khựng lại. Tôi nghe tiếng đại đội trưởng thét lớn: “cho xe lao lên mau!”.
Tiếng thét làm tôi sực tỉnh. Tôi lấy hết sức đạp mạnh chân ga. Bánh xe chà xát trên mặt đường đưa đầu xe từ từ quay lên, bùn đất văng rào rào hai bên. Tiếng xe gầm thét dữ dội.
Chiếc xe khựng lại rồi từ từ quay đầu lên dốc. Tôi hít một hơi dài, nhấn ga thêm nữa, xoay vô lăng đều đều đưa xe lên. Cuối cùng, tôi cũng đưa xe lên đến đỉnh dốc an toàn. Bước xuống xe, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nhìn đại đội trưởng và các đồng đội mình mẩy đầy bùn đất tôi nghẹn ngào xúc động vô cùng. Thì ra, khi thấy xe tôi trượt dốc, đại đội trưởng và các chiến sĩ đã vội đi tìm đá kê. Mỗi người một hòn kê vào bánh xe. Hết hòn này đến hòn khác cho đến khi xe lên hẳn trên dốc.
Một đêm đó, đoàn chúng tôi vượt dốc thành công nhờ mưu trí của đồng đội, kịp đưa xe về nơi trú ẩn an toàn.
Bình tĩnh, quả cảm, xử lý các tình huống mau lẹ, chính xác là những yếu tố cần có ở người lính lái xe. Người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh vững vàng trong buồng lái, mà cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống trên thực địa.
Có khi còn phải biết làm “tham mưu” đề xuất với chỉ huy cấp trên các phương án khai thông khi tắc đường. Phải biết hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn và quy luật hoạt động của kẻ địch trên trời dưới đất để đưa hàng tới đích. Đó là lời dạy của đại đội trưởng mà tôi còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
Chiến tranh là phải có hy sinh. Chúng tôi đã xác định điều mỗi khi lên đường. Người đồng đội thân nhất, đã cùng tôi vào sinh ra tử bao nhiêu trận đã hy sinh. Anh ra đi như một người lính thật sự, không hề hối tiếc.
Hôm ấy, sau một đêm vận chuyển, trên đường đi ra, trời sáng, đơn vị phải giấu xe che mắt địch. Chiều, bọn thám báo đã “đánh hơi”, gọi máy bay ném bom. Dứt đợt oanh kích của địch, ba đồng chí công binh gọi anh đi kiểm tra hiện trường. Tôi ngăn anh, để tôi đi trước, nhưng anh không chịu. Đến nơi giấu xe, anh đụng bom bi vướng nổ. Quả bom hất tung anh rơi xuống vực sâu. Anh ra đi, đồng đội vô cùng thương tiếc.
Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc chúng tôi khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực,chỉ có một cách duy nhất là vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng cao chúng tôi lại càng quyết tâm chiến thắng.
Không thể nhớ hết bao nhiêu tình huống trên đường vận chuyển. Những chuyến xe lấy đêm làm ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi trong vòng lượn của máy bay tiêm kích suốt ngày đêm lồng lộn xoi mói, oanh kích bắn phá các trọng điểm dọc đường Trường Sơn.
Những quả đồi đất thành bột, vách đá thành vôi, những sông bùn, những vực thẳm chồng chất xác xe cháy đổ. Dù kẻ thù rình rập, đường di nguy hiểm, dù có bao nhiêu hy sinh đi chăng nữa nhưng không gì thể cản bước đoàn xe chạy tới.
Xe vẫn chạy. Những đoàn xe nặng trĩu chuyến hàng vẫn ngày đêm chạy tới. Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tất cả vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước của dân tộc. Mỗi khi ngồi vào buồng lái, tôi lại nhớ đến các anh, nhớ đến nhiệm vụ thiêng liêng mà nhắc mình giữ vững tay lái, sống và chiến đấu xứng đáng với những người đã mãi mãi ra đi để bảo vệ đất mẹ thiêng liêng này.
Xem thêm: Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bài văn mẫu 3:
Đóng vai anh lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn
Tiểu đội xe vận tải của tôi có đặc điểm chung là không chiếc xe nào có kính. Qua bao trận mưa bom trên đường chở hàng ra tiền tuyến, kính xe đã vỡ hết cả. Cánh lái xe chúng tôi vẫn ung dung ngồi trong buồng lái, thỏa thích nhìn đất, nhìn trời và nhìn thẳng con đường hướng vào chiến trường miền Nam đang đánh Mỹ.
Không có kính, gió tha hồ ùa vào buồng lái. Gió thổi làm mắt cay xè nhưng chẳng hề chi, chúng tôi vẫn nhìn rõ con đường đất đỏ như son như đang chạy thẳng vào tim. Ban ngày thì những cánh chim rừng, ban đêm thì những vì sao sáng như đột ngột sa vào, ùa vào buồng lái.
Lái xe trên đường Trường Sơn là công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm. Trời mưa, ngồi trong xe mà ướt sũng như ngoài trời. Mặc! Chúng tôi vẫn cho xe chạy thêm hàng trăm cây số nữa. Mưa mãi thì cũng phải tạnh. Gió lùa, quần áo sẽ mau khô thôi!
Mưa đã cực, nắng cũng chẳng sướng gì hơn. Đất Trường Sơn khô rang dưới cái nắng như nung. Đoàn xe đi qua, bụi đỏ tung mù trời giống cơn lốc cuốn. Quần áo, đầu tóc chúng tôi bụi phun trắng xoá, trông chẳng khác người già. Bụi mặc bụi, xe vẫn cứ chạy. Đến cánh rừng nào đó có suối, có khe, chúng tôi dừng lại rửa mặt, nhìn nhau cười chê anh kia mặt lấm, tiếng cười ha ha vang rộn, trẻ trung, yêu đời biết mấy!
Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, những chiếc xe từ trong bom rơi đã về đây họp thành tiểu đội xe không kính. Trên đường Trường Sơn, chúng tôi gặp nhau, những cái bắt tay thật chặt nồng ấm tình đồng đội, truyền hơi ấm và sức mạnh cho nhau. Tất cả đều thể hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện ý nguyện tha thiết của Bác Hồ – vị Cha già dân tộc, trước lúc Người đi xa.
Xem thêm:
- Cảm nhận vẻ đẹp của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn
- Vẻ đẹp người lính trong hai tác phẩm Bài thơ về Tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi
-/-
Trên đây là một số bài văn mẫu đóng vai người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính kể lại do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm, mong rằng với nội dung này các em sẽ dễ dàng hóa thân vào những anh lính lái xe kiên cường, bất khuất trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!