Giáo dụcLớp 9

Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Đề bài: Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa

dong vai anh thanh nien ke lai lang le sa pa

Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Bạn đang xem: Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa

I. Dàn ý Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về bản thân và công việc hàng ngày

2. Thân bài

* Kể lại hoàn cảnh gặp gỡ đoàn khách từ Hà Nội lên Sa Pa
– Có chiếc xe dừng lại gần nhà của tôi
– Đó là đoàn khách từ Hà Nội
– Tôi vui mừng chạy từ sườn núi đến chỗ xe đỗ

* Kể lại cuộc trò chuyện với bác họa sĩ và cô kĩ sư
– Nói chuyện công việc của mình: làm việc tại trạm khí tượng, đo gió, nắng, mưa, chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hàng ngày
– Giới thiệu về các loại máy móc sử dụng trong công việc khí tượng
– Giới thiệu về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, quê quán, gia đình

* Kể lại lúc chia tay
– Giật mình vì thời gian còn quá ngắn, tiếc nuối
– Chia tay với mọi người rồi nhanh chóng trở lại công việc của mình.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về cuộc gặp gỡ với bác họa sĩ và cô kỹ sư

II. Bài văn mẫu Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa

1. Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 1 (Chuẩn)

Tôi là một anh thanh niên năm nay đã hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn. Sống một mình ở đây buồn quá, tôi phải “bày trò” lấy khúc gỗ chắn ngang đường để khiến các đoàn xe phải dừng lại. Hôm nay bác lái xe thân quen của tôi lại chở đoàn khách từ dưới Hà Nội lên Sa Pa và tôi đã may mắn được trò chuyện với họ.

Thấy xe dừng lại tôi liền chạy một mạch tới không quên mang theo gói củ tam thất mới đào, tôi đưa cho bác lái xe gửi về biếu bác gái mới ốm dậy. Bác lái xe cũng trao lại cho tôi quyển sách mà tôi nhờ bác mua lần trước, tôi mừng quýnh lên, ngó lên xe đã thấy mọi người đã xuống hết cả. Bác lái xe giới thiệu với tôi một bác họa sĩ và một cô kĩ sư nông nghiệp, tôi luống cuống vừa mừng vừa ngại mời họ lên nhà tôi chơi. Tôi chỉ lối cho họ lên nhà rồi chạy ra vườn hái mấy bông hoa, trong vườn của tôi nhiều hoa lắm, hoa dơn có, thược dược có đủ sắc màu.

Tôi hái tặng cho cô kĩ sư một bó coi như quà gặp mặt, tôi nói với cô kĩ sư hãy cắt tùy ý một bó thật to. Có thể nói họ là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ Tết, cô kĩ sư đó cũng là cô gái đầu tiên từ Hà Nội lên nhà tôi từ bốn năm nay. Tôi bộc bạch những suy nghĩ của mình sau đó lau vội mồ hôi, chỉ có ba mươi phút cho cuộc gặp gỡ này, tôi không muốn lãng phí dù chỉ nửa giây. Tôi kể cho họ nghe về công việc của mình, cũng mong sẽ được nghe những chuyện dưới xuôi. Tôi kể về nhiệm vụ đo gió, nắng, mưa, đo chấn động, tính mây phục vụ cho dự báo thời tiết hàng ngày. Tôi giới thiệu với họ những loại máy móc, nào là thùng đo mưa, máy nhật quang kí, máy đo gió, máy đo chấn động vỏ quả đất, mỗi ngày phải báo cáo mấy lần. Cũng phải kể những cái khổ tôi trải qua ở đây, đó là mưa tuyết, cái lạnh đáng sợ khi phải thức dậy lúc 1 giờ đêm để đi đo. Thế rồi tôi thấy dường như mình nói nhiều về phần mình quá rồi, liền báo cáo hết và mời họ vào nhà uống trà.

Tôi rót nước chè mời bác lái xe và bác họa sĩ, mang cả chén nước ra mời cô kĩ sư đang ngắm nhìn những quyển sách trên giá ở bàn học. Bác họa sĩ hứa hẹn với tôi rằng mươi ngày nữa sẽ trở lại đây, tôi vui lắm. Bác cũng thắc mắc sao họ lại gọi tôi là người cô độc nhất thế gian, nhưng làm sao cô độc bằng anh bạn làm trên đỉnh Phan-xi-păng kia. Rồi tôi tâm sự với họ về cái nghề của mình, tôi yêu công việc của mình, không có nó có lẽ sẽ buồn đến chết. Bác họa sĩ muốn vẽ tôi nhưng thực tôi xấu hổ lắm vì mình đâu xứng để được bác vẽ, tôi giới thiệu cho bác ấy vẽ ông kĩ sư ở vườn sau dưới Sa Pa. Tôi giật mình khi chỉ còn năm phút, chỉ đành cười tiếc rẻ thời gian trôi quá nhanh, ra đằng sau lấy chiếc làn trứng tôi mang biếu cho mọi người ăn trưa. Không kịp tiễn mọi người ra xe vì gần tới giờ “ốp” tôi chỉ đứng từ xa chào họ rồi quay đi.

Sẽ phải chờ bao lâu nữa mới lại có người cho tôi gặp, có câu chuyện dưới xuôi cho tôi nghe. Tôi vin hy vọng của mình vào lời hứa của bác họa sĩ, chắc là mươi ngày nữa thôi là tôi được gặp bác.

2. Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 2 (Chuẩn)

Kia rồi! Tôi thầm reo mừng trong lòng vì lại có một chiếc xe khách dừng lại, đó là đoàn khách từ dưới Hà Nội vượt hơn 400 cây số lên đến đây. Sự mong chờ, nhớ nhung được nói chuyện với người khiến tôi không kiềm chế được mà chạy ngay tới chỗ chiếc xe.

Tôi cầm vội cho bác lái xe củ tam thất mới đào gửi về biếu bác gái, bác lái xe giới thiệu với tôi những người bạn mới, đó là một bác họa sĩ và một cô kĩ sư. Tôi vui mừng vì đây là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ đợt Tết, và cô kĩ sư cũng là cô gái đầu tiên đến nhà tôi từ bốn năm nay.

Tôi mời họ vào nhà, tiện tay ra vườn hái những bông hoa sắc màu tặng cho cô gái, trồng hoa cũng chỉ mong được gặp người để tặng. Thời gian là thứ quý giá nhất mỗi khi tôi gặp đoàn khách, tôi kể thật nhanh về công việc trên trạm khí tượng này cũng như các máy móc giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người có thể không biết dùng chúng nhưng sẽ biết tôi sử dụng như thế nào và để làm gì, tôi cũng chẳng ngại kể cái khó của công việc, cứ thật thà, bộc bạch để được san sẻ sự cô đơn bấy lâu nay. Sau đó tôi mời bác lái xe, bác họa sĩ và cô kĩ sư trẻ vào nhà uống nước chè, ngồi nói chuyện bác họa sĩ hẹn tôi mươi ngày nữa sẽ quay trở lại, họ quay sang hỏi chuyện tôi “thèm” người. Đúng là ở đây tôi thèm người thật nhưng như các bác đi xa ai mà chẳng thèm được gặp người.

Tôi tâm sự với họ về hồi chưa vào nghề, khó khăn vất vả lắm nhưng công việc đã giúp tôi vượt qua tất cả, trở thành nguồn sống và tình yêu của tôi. Lại kể chuyện quê của tôi, mọi người nghe say sưa lắm, bác họa sĩ còn vẽ tranh tôi, tôi ngượng lắm, cố ngồi cho bác vẽ nhưng vẫn muốn giới thiệu ông kĩ sư vườn rau cho bác vẽ. Tiếc là thời gian chẳng thể dài ra, mấy chốc đã đến giờ ốp, mọi người cũng phải đi, tôi chỉ có mấy quả trứng đem cho mọi người ăn trưa, đứng chào tạm biệt chứ không đành ra tận xe tiễn khách.

Trở lại cuộc sống một mình, tôi lại về với công việc đi “ốp” của mình, lại làm bạn với những cỗ máy đo gió đo mưa. Hy vọng một ngày gần nhất tôi sẽ lại gặp được một đoàn khách nữa, rất có thể đó là bác họa sĩ đã hứa quay trở lại.

3. Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 3 (Chuẩn)

Hai mươi bảy tuổi, cái tuổi mà người ta thỏa sức vùng vẫy khắp chân trời góc bể thì tôi lại chọn công việc khí tượng ở trên đỉnh núi Yên Sơn. Thèm người quá nên tôi kiếm kế chắn khúc gỗ ngang đường để gặp người, hôm nay lại có xe dừng lại.

Đó là xe của đoàn khách từ dưới Hà Nội lên đây, bác lái xe tôi đã quen rồi, chỉ có bác họa sĩ và cô kĩ sư là lần đầu đến nhà tôi. Tôi mang củ tam thất mới đào được hôm qua biếu cho bác lái xe, bác lại đưa tôi quyển sách mà tôi đã nhờ mua, sau đó mời mọi người lên nhà tôi chơi. Chẳng có gì làm quà chào đón, tôi đành hái mấy bông hoa tặng cho cô gái. Từ đợt Tết đến giờ đây mới là đoàn khách thứ hai vào nhà tôi, cô kĩ sư kia cũng đặc biệt là cô gái đầu tiên đến nhà tôi từ bốn năm nay. Bỏ qua cái xa lạ, tôi kể cho mọi người nghe về công việc hàng ngày của mình trên trạm khí tượng này. Chẳng cần biết mọi người có muốn nghe không nhưng đó đều là câu chuyện làm quà của tôi, vui vì có người lắng nghe mình nói chuyện. Tôi cũng không ngại kể về cái khó và vất vả trong công việc của mình cho họ nghe, về những đêm mưa tuyết phải bỏ chăn ấm mà chạy ra ngoài đương đầu với gió tuyết để làm nhiệm vụ. Chỉ còn hai mươi phút cho cuộc gặp gỡ, tôi mời họ vào nhà vừa uống nước chè, vừa nói chuyện. Bác họa sĩ hỏi về cái “thèm” người của tôi, quả thực tôi “thèm” người lắm, ở một mình lâu như thế tôi thèm có người nói chuyện, được nghe chuyện dưới xuôi. Mặc dù tôi không cô độc bằng anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng nhưng cũng là cô đơn lắm. Tôi lấy công việc làm bạn, dù công việc gian khổ đến đâu cũng không thể từ bỏ vì đó là lựa chọn, là mục đích sống của tôi. Chẳng phải tôi nhớ sự phồn hoa đô hội dưới xuôi mà chỉ thèm có người để biết rằng mình đang sống chứ không phải tồn tại. Bác họa sĩ hỏi về quê tôi, tôi kể về quê Lào Cai và bố của tôi, tôi tự hào về bố lắm và cả chiến tích phát hiện đám mây khô giúp quân ta hạ phản lực của Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Đột nhiên tôi thấy bác họa sĩ như đang vẽ chân dung mình, tôi ngượng ngùng ngồi yên cho bác vẽ nhưng tôi thấy người xứng đáng hơn cả là ông kỹ sư vườn rau dưới Sa Pa và anh đồng chí làm nghiên cứu khoa học. Chỉ còn năm phút, tôi tiếc rẻ vì thời gian trôi quá nhanh, đã đến lúc phải từ biệt mọi người. Tôi ra sau nhà xách một làn trứng, gửi tặng mọi người mang theo ăn trưa, bắt tay mọi người và chào tạm biệt. Tôi quay mặt đi, không muốn nhìn cảnh tượng chia xa ấy, quay trở vào nhà cho kịp giờ “ốp”.

Chia xa là để gặp lại, tôi tự nhủ bản thân mình rằng rồi sẽ lại có thêm nhiều đoàn khách nữa dừng chân tại nhà tôi. Mỗi cuộc gặp gỡ đều có cái duyên của nó, giống như cái duyên của tôi với nghề, cái duyên ấy giúp tôi thêm yêu nghề, gắn bó và cống hiến hết mình cho công việc.

—————HẾT——————

Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn xuất sắc viết về những người lao động mới, tìm hiểu về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên cũng như các nhân vật khác trong truyện, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa pa, Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button