Đọc hiểu Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt
Tổng hợp các câu hỏi đọc hiểu Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt – Trương Trọng Nghĩa để các em làm quen và giải đáp thắc mắc.
Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt là bài viết của tác giả Trương Trọng Nghĩa trên báo Người đô thị, đây là một trong tài liệu khá hay về cuộc sống, đưa tới cho người đọc nhiều cái nhìn và các khía cạnh khác nhau của việc tử tế. Đây là một trong những nội dung được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.
Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm này, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số câu hỏi sau:
Tổng hợp đề đọc hiểu Tử tế à, tử tế ơi
Câu hỏi
Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:
Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ. Đó là lời Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi kể về một câu chuyện lúc ông học cấp hai. Thầy giáo phát hiện áo mưa của mình xếp trên bàn đã bị cuộn thành quả bóng dưới chân bạn Huy. Khi thầy truy hỏi, chỉ có bạn Huy nhận lỗi. Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”. Khi đó, Ngô Bảo Châu rất xấu hổ vì làm sai mà không dám nhận. Về sau, ông và vợ mình đều rút ra bài học: muốn thành người tử tế, phải biết xấu hổ.
Tại sao con người cần biết xấu hổ khi làm điều sai, việc xấu, hay nói cách khác, khi phạm lỗi? Câu hỏi này rất quan trọng, vì cách xử sự của một người đối với sự xấu hổ sẽ biểu hiện nhân cách người đó…
Trong quá trình đấu tranh giữa thiện – ác, xấu – tốt trong một con người, sự xấu hổ khi làm điều sai quấy có vai trò đặc biệt. Con người không là thần thánh, nên ai cũng từng lầm lỗi, lớn nhỏ, nặng nhẹ. Sự xấu hổ là cái mà xã hội văn minh gọi là “lương tâm cắn rứt”. Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.
Muốn con người trở nên tử tế, hãy dạy cho người đó biết xấu hổ khi làm điều xấu, điều ác. Nhờ biết xấu hổ, người ta sẽ ngần ngại khi phạm lỗi. Nhưng ngay đối với những người đang làm điều sai quấy, cho dù chưa thể chấm dứt ngay hành vi sai trái, sự xấu hổ, cái lương tâm cắn rứt ấy sẽ là lực cản để người ta không dấn sâu hơn vào tội lỗi, và giúp người ta trở lại làm người tử tế vào một lúc nào đó, khi có một cơ hội nào đó.
Trong một vụ án ở Sóc Trăng năm 2013, bảy thanh niên bị bắt giam và vì nhục hình đã phải nhận tội giết người, cướp của. Khi sắp bị xử án thì hai cô gái là thủ phạm đã tự ra đầu thú và nhận tội. Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn bị án oan, cái lương tâm cắn rứt cuối cùng đã thúc đẩy những người che giấu hung thủ nghĩ lại, tự đi vận động đầu thú, và chính thủ phạm cũng đồng ý ra thú tội.
Suy cho cùng, con người làm giàu là để có hạnh phúc, nhưng không phải cứ giàu thì sẽ hạnh phúc. Được sống trong một xã hội tử tế, mình tử tế với mọi người và mọi người tử tế với mình, thì dù không giàu, người ta sẽ có hạnh phúc.
(Trích Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt!
– Trương Trọng Nghĩa, Báo Người đô thị)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Các phương thức biểu đạt trong đoạn trích?
Câu 3: Câu văn nào sử dụng lời dẫn trực tiếp?
Câu 4. Theo tác giả, sự xấu hổ có những vai trò gì đối với con người?
Câu 5. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói sau: Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.
Câu 6: Tìm câu chủ đề trong đoạn trích trên.
Câu 7. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ? Vì sao?
Câu 8 (câu hỏi 2 điểm phần Làm văn)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống
Câu 9: (câu hỏi 2 điểm phần Làm văn)
Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.
Đáp án đọc hiểu Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận.
Câu 2:
Các phương thức biểu đạt có trong đoạn trích: Tự sự và nghị luận
Câu 3:
Câu văn sử dụng lời dẫn trực tiếp: Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”.
Câu 4:
Theo tác giả, sự xấu hổ sẽ khiến con người ngần ngại khi phạm lỗi; là lực cản để người ta không dấn sâu hơn vào tội lỗi, và giúp người ta trở lại làm người tử tế vào một lúc nào đó, khi có một cơ hội nào đó.
Câu 5:
– Xấu hổ: là cảm giác hổ thẹn khi thấy mình có lỗi
– Chai lỳ: là sự trơ, lỳ của cảm xúc
– > Ý nghĩa cả câu: Khi để cho cảm giác hổ thẹn trơ đi, lỳ đi, con người sẽ làm những việc xấu, ác mà không cảm thấy day dứt hay có lỗi và những điều tốt đẹp trong họ sẽ dần mất đi.
Câu 6:
Câu chủ đề trong đoạn trích trên: Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ
Câu 7:
Em phải nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lý giải hợp lí, thuyết phục về mối quan hệ giữa người tử tế và cảm xúc xấu hổ.
Câu 8
Đề nghị luận xã hội về việc tử tế liên quan đến nội dung Đọc hiểu Tử tế à, Tử tế ơi khá thường xuyên được ra:
Gợi ý làm bài
– Xác định yêu cầu của đề: suy nghĩ về việc tử tế
Dàn ý chính:
Giải thích vấn đề
– Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người, trong cách đối nhân xử thế, là một giá trị đẹp và nhân văn
– Việc tử tế là những việc làm tốt, việc làm đúng, việc làm có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho xã hội.
Bàn luận vấn đề
– Việc tử tế đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Nó xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người và được đo bằng những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho cộng đồng.
– Những biểu hiện của việc làm tử tế: với bản thân mình thì ăn mặc tử tế, học hành tử tế. Với những người xung quanh thì dắt một cụ già, em nhỏ qua đường, đối xử tốt với mọi người…
– Việc làm tử tế không tự dưng mà có mà bản thân mỗi người phải được học hành, được dạy dỗ để làm những việc có ích.
– Việc làm tử tế sẽ tự lan tỏa mà không cần chia sẻ. Bản thân mỗi người tự phấn đấu, rèn luyện để trở thành người tử tế thì sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp.
– Phê phán những đối tượng sống ích kỷ cá nhân, sống thời cơ vụ lợi.
– Liên hệ bản thân: đã làm được gì? làm như thế nào để làm được? ….
Xem thêm: Dàn ý nghị luận xã hội về người tử tế
Câu 9:
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.
Có thể theo những hướng sau:
– Việc tử tế là những việc làm đúng đắn, tích cực, tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
– Việc tử tế đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc chính đáng cho những người sống quanh mình và cho chính mình.
– Việc tử tế làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, văn minh.
Xem thêm: Đoạn văn 200 chữ suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế
Hết
Trên đây là một số câu hỏi với Đọc hiểu Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!