Giáo dụcLớp 10

3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết

Thư cho Vương Thông đọc hiểu

3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp từ các bài thi kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà trước khi bước vào kì thi sắp tới. Hy vọng với bộ đề Thư cho Vương Thông đọc hiểu dưới đây, các em sẽ trả lời đúng các câu hỏi trong bài thi nhé.

3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết
3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông – Đề số 1

Đọc đoạn trích và thực hiện những yêu cầu sau:

Thư kính đưa quan Tổng binh và các vị đại nhân.

Người giỏi dùng binh (1) là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại che đậy bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu (2) đớn hèn ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được?

Trước đây các ông trong lòng gian dối, ngoài mặt mượn cớ giảng hòa, đắp lũy đào hào, chờ quân cứu viện, lòng dạ và hành động bất đồng, trong ngoài bất nhất, sao đủ khiến ta tin mà không ngờ được. Cổ nhân có câu rằng: “Bụng dạ kė khác ta lường đoán được”, nghĩa là thế đó. Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn bể, không chăm lo đức chính, thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phía bắc có kẻ địch Thiên Nguyên, phía nam có mối lo nội loạn ở các xứ Tầm Châu, một khu Giang Tả không tự giữ được, huống còn mưu toan đi cướp nước khác ư? Các ông không hiểu sự thế, bị người ta đánh bại, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế có phải là đại trượng phu (3) chăng, hay chỉ là đàn bà thôi?

(Trích Thư dụ Vương Thông lần nữa, Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10 Nâng cao, NXB Giáo dục, tr. 17)

Chú thích:

(1) Dùng binh: sử dụng quân đội vào việc đánh dẹp.

(2) Thất phu: người đàn ông tầm thường.

(3) Đại trượng phu: người đàn ông có khí phách.

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, người giỏi dùng binh là người như thế nào?

Lời giải:

Theo tác giả người giỏi dùng binh là người: hiểu biết thời thế.

Câu 3. Chỉ ra các từ ngữ tương phản, đối lập được sử dụng trong câu: Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng trở bàn tay.

Lời giải:

Các từ ngữ tương phản, đối lập: mất – còn, nhỏ – lớn, mạnh – yếu, yên – nguy

Câu 4. Tác giả chỉ ra những bất lợi nào trong tình hình thực tế của quân Minh?

Lời giải:

Những bất lợi trong tình hình thực tế của quân Minh:

– Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời (chính sự hà khắc).

– Phía bắc có giặc Thiên Nguyên.

– Phía nam có mối lo nội loạn ở các xứ Tầm Châu, một khu Giang Tả không tự giữ được (trong nước có nội loạn).

Câu 5. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong câu: Các ông không hiểu sự thế, bị người ta đánh bại, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế có phải là đại trượng phu chăng, hay chỉ là đàn bà thôi?

Lời giải:

– Tác dụng câu hỏi tu từ:

  • Nhấn mạnh nguyên nhân thất bại của giặc với mục đích hạ uy thế của bọn chúng.
  • Làm cho lời văn tăng tính biểu cảm.

Câu 6. Hãy nhận xét về thái độ của tác giả đối với giặc Minh.

Lời giải:

Thái độ của tác giả đối với giặc Minh:

– Coi thường, chế giễu sự dốt nát của chúng, quân dối trá sao đủ để nói việc dùng binh được.

– Sỉ nhục giặc Minh chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm không phải đại trượng phu để làm cho chúng hổ thẹn, để hạ uy thế của chúng.

Đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông – Đề số 2

Đọc đoạn trích và thực hiện những yêu cầu sau:

Kể ra người dùng bình giỏi là ở chỗ biết rõ thời thể mà thôi. Được thời có thể, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thể, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại nên nguy; sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trả, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Trước đây lòng mưu giả trả, mặt thác giảng hòa, rồi cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không rõ, trong ngoài khác nhau, sao đủ khiến ta chắc tin mà không ngờ được? […]

Nay sức hết kế cùng, quân sĩ nhọc mệt, trong thiếu lương thực, ngoài không viện binh, bảm hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành cho vợ, hả chẳng phải là như thịt trên thớt, cả trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, du điều phi nghĩa. Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ dầu thời cùng vận ách, nếm mật nằm gai, cũng chẳng chịu mưu đồ kia khác; lẽ nào ngày nay lại chịu tin nghe lời bất nghĩa của bọn các ông?

(Trích Lại thư dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 132-134)

* Chú thích: Lại thư dụ Vương Thông là một trong những bức thư do Nguyễn Trãi soạn thảo để gửi Vương Thông trong sự nghiệp phò giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Đây là bức thư số 35 trong Quân trung từ mệnh tập, được Nguyễn Trãi viết vào khoảng tháng 2 năm Đinh Mùi (1427).

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt đc sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt Thư lại dụ Vương Thông: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả người dùng binh giỏi là người như thế nào.

Lời giải:

Theo tác giả, người dùng binh giỏi là người biết thời thế.

Câu 3. Chỉ ra chi tiết về “những kẻ trung thần nghĩa sĩ” trong đoạn trích.

Lời giải:

Chi tiết “Những kẻ trung thần nghĩa sĩ” dầu thời cùng vận ách, nếm mật nằm gai, cũng chẳng chịu mưu đồ kia khác.

Câu 4. Nêu hiệu quả của biện pháp liệt kê trong câu “Nay sức hết kế cùng …..cá trong nồi sao?”

Lời giải:

Tác dụng: nhấn mạnh tình huống, tình cảnh của quân giặc đang khó khăn và thiếu thốn ra sao so với nghĩa quân Lam Sơn.

Câu 5. Đoạn trích giúp em hiểu gì về Vương Thông và giặc Minh.

Lời giải:

Vương Thông và giặc Minh là những kẻ gian xảo, giả dối và không nắm rõ thời cơ và còn thường xuyên giở trò lừa bịp với nghĩa quân Lam Sơn

Câu 6. Nhận xét thái độ của Nguyễn Trãi về Vương Thông và giặc Minh

Lời giải:

Thái độ của tác giả của Nguyễn Trãi với Vương Thông, giặc Minh đó là thái độ lên án, vạch trần bộ mặt thật, phê phán, cương quyết, vừa quyết liệt vừa mềm mỏng, lấy chí nhân thay cường bạo để đánh vào tâm lý của giặc Minh.

Đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông – Đề số 3

Đọc đoạn trích và thực hiện những yêu cầu sau:

(1) Kính cẩn gửi thư tới trước cửa quân của quan Tổng binh cùng các vị đại nhân!

Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thể, thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hoá ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?

(2) Trước đây, các ông bề ngoài thì giả cách giảng hoà, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào, đắp luỹ, ngồi đợi viện binh, tâm tính không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến ta tin tưởng mà không nghi ngờ cho được. Cổ nhân có câu: “Bụng dạ người khác, ta lường đoán biết.”, nghĩa là thế đó. […]

Sự thế ngày nay, cho dẫu ngôi cao3) có đem quân cả nước sang chăng nữa, cũng chỉ thúc nhanh sự bại vong mà thôi, huống là Trương Phụ) chỉ tự đến nộp mạng thì đâu có gì đáng nói!

[..] Nay các ông kế cùng lực kiệt, quân sĩ nhọc mệt, trong thiếu lương thực, ngoài không viện binh, bám hờ cụm đất nhỏ nhoi, nghỉ tạm cái thành trơ trọi, há chẳng phải như thịt trên thớt, cả trong nồi sao? Thế mà lại còn muốn lừa dối dân nước ta, dụ dỗ những điều phi nghĩa. Họ là những kẻ trung thần nghĩa sĩ, ngay cả khi thời cùng vận khốn, “nếm mật nằm gai”, cũng còn chẳng chịu mưu đồ kia khác, lẽ nào ngày nay lại đi tin nghe những lời bất nghĩa của bọn các ông hay sao? Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chủ cũ), cũng như người Ngô ở đây không kham nổi khốn khổ, họ sẽ cùng hùa hại lại các ông rồi dẫn nhau ra hàng, giống như Trương Phi, Lã Bố, lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên thôi.

Nay ở các thành, từ Đô ti trở xuống, đều căm giận bọn các ông đã lừa dối họ, ai cũng buông lời oán thần. Hoặc đã có người hiến kế hạ thành, lại có kẻ trèo luỹ trốn ra ngoài, chế tạo chiến cụ, sửa đóng xe thang. Ngay bọn người đang bị khốn ấy sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải đợi đến quân sĩ của ta nữa.

Nay ta suy tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua.

Nước lũ mùa hạ chảy tràn, cầu sàn, rào luy sụp lở, củi cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất

[..] Nay các con đường, cửa ải xa xôi hiểm trở đều bị binh lính và voi chiến của ta dồn giữ, nếu viện binh có đến, thì cũng muôn phần tất phải thua; viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai!

Nước ông quân mạnh, ngựa khoẻ, nay đều đóng cả ở biên giới phía bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi mà nhìn đến phương nam được. Đó là điều phải thua thứ ba!

Luôn luôn động binh đao, liên tiếp bày đánh dẹp, dân sống không yên, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tự!

Gian thần chuyên chính, bạo chúa giữ ngôi, người cốt nhục hại nhau, chốn cung đình sinh biến). Đó là điều phải thua thứ năm!

Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới đồng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Còn quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc bại vong. Đó là điều phải thua thứ sáu!

(3) Nay giữ cái thành cỏn con để chờ sáu điều tất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm! Người xưa có câu: “Nước xa không thể cứu lửa gần.”. Giá viện binh có đến, cũng chẳng ích gì cho sự bại vong. Trước, Phương Chính, Mã Kỳ chuyên làm điều hà khắc bạo ngược, dân chúng lầm than, thiên hạ oán thán. Đào phần mộ ở làng ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan. Nếu các ông biết xét kĩ sự thế, nhận rõ thời cơ, chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đem nộp trước cửa quân, thì sẽ tránh cho người trong thành khỏi bị giết, hàn gắn vết thương trong nước, hoà hảo lại thông, can qua dứt hẳn. Nếu muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa sang, thuyền ghe sắm đủ, thuỷ bộ hai đường, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra khỏi cõi, yên ổn muôn phần. Ta sẽ giữ phận bề tôi, không thiếu chức cống.

Nếu như không nghe theo như thế, thì nên chỉnh quân bày trận, giao chiến với ta ở chốn đồng bằng, quyết một trận được thua, đặng xem tài hơn kém, chứ không nên ở chúi trong xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế!

(Trích Lại thư dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi toàn tập)

Bạn đang xem: 3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết

Câu 1. Nhận định nào sau đây không đúng về thái độ của Nguyễn Trãi qua cách xưng hô với quân Minh?

Lời giải:

Nhận định không đúng về thái độ của Nguyễn Trãi qua cách xưng hô với quân Minh là Nguyễn Trãi đã quá nhún nhường trước kẻ thù khi quân ta đang ở thế mạnh hơn chúng

Câu 2. Trong Thư dụ Vương Thông, lần nữa có đoạn viết: “Trước, Phương Chính, Mã Kỳ chuyên làm điều hà khắc, bạo ngược, dân chúng lầm than, thiên hạ oán thán. Đào phần mộ làng ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan. Nếu các ông biết xét kĩ sự thế, nhận rõ thời cơ, chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đem nộp trước cửa quân, thì sẽ tránh cho người trong thành khỏi bị giết, hàn gắn vết thương trong nước, hoà hảo lại thông, can qua dứt hẳn”. Câu nào sau đây thể hiện đúng mục đích của đoạn thơ trên?

Lời giải:

Câu thể hiện đúng mục đích của đoạn thơ trên là: Những câu văn đó thể hiện ý chí và quyết tâm của quân dân Đại Việt trong việc tiêu diệt quân Minh nếu chúng không chịu giảng hoà và rút quân về nước

Thư cho Vương Thông đọc hiểu

Về tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông

1. Thể loại: Thư

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Thư lại dụ Vương Thông là bức thư số 35 trong “Quân Trung từ mệnh tập” được Nguyễn Trãi viết vào tháng 2 năm năm 1947

3. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

4. Người kể chuyện: Ngôi thứ nhất

5. Tóm tắt tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông

– Văn bản nhằm phân tích tình hình khó khăn của nhà Minh vạch rõ nguy cơ bại vong của quân giặc nếu vẫn ngoan cỗ giữ thành chờ viện binh.

6. Bố cục tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông

– Đoạn 1 (từ đầu … Sao đủ để cùng nói việc binh được?): Nêu lên nguyên lí của người dùng binh là phải hiểu biết thời thế.

– Đoạn 2 (tiếp theo…bại vong đó là sáu!): Phân tích thời và thế của đối phương ở thành Đông Quan.

– Đoạn 3 (phần còn lại): Khuyên hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp, thách đấu và sỉ nhục tướng giặc.

7. Giá trị nội dung tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông

– Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả, cũng là của nhân dân ta

– Thể hiện phẩm chất và tài năng của tác giả

8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông

– Lôgic giữa các đoạn thể hiện mạch lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục

– Ngôn ngữ đánh thép.

Thư lại dụ Vương Thông đọc hiểu

1. Mục đích và đối tượng của bức thư

– Mục đích: Dụ Vương Thông và quân sĩ nhà Minh đầu hàng.

– Đối tượng: Vương Thông và quân sĩ nhà Minh ở Đại Việt.

2. Sự gian trá, giả dối của quân Minh

– Trước đây bề ngoài thì giả cách giảng hòa, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến tôi tin tưởng mà không nghi ngờ cho được.

– Cổ nhân nói: “Bụng dạ người khác ta lường đoán biết”, nghĩa là thế đó. Xưa kia, Tần thôn tính sáu nước, chế ngự bốn phương, mà đức chính không sửa, nên thân mất nước tan.

– Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy mấy năm nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy.

3. Cảnh báo Vương Thông

– Ra hàng, chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đem nộp và được quân dân Đại Việt cho về nước đường hoàng, giữ lễ.

– Nếu không nghe theo giải pháp mà tác giả đưa ra, thì nghĩa quân Lam Sơn sẽ quyết một trận được thua, mà trận chiến ấy phần thua chắc chắn dành cho quân Minh.

4. Giá trị nội dung, nghệ thuật của bức thư

– Lập luận chặt chẽ. Lập luận bắt đầu từ quan niệm dùng binh là phải biết thời và thế; tiếp theo phân tích thời, thế ở Trung Quốc, thế của quân Vương Thông ở thành Đông Quan, chỉ ra sáu cớ bại vong tất yếu, cuối cùng khuyên quân của Vương Thông về nước sẽ có lợi hơn cả.

– Bức thư không chỉ thuần túy nói lí lẽ mà còn bày tỏ thái độ khinh bỉ, xỉ mắng, vạch mặt quân Minh “trong ngoài bất nhất”, đánh vào niềm hi vọng của chúng ở viện binh. Cuối cùng lại khiêu khích giặc bằng cách sỉ nhục và thách đánh để tỏ uy thế của nghĩa quân Lam Sơn.

– Tác giả không chỉ dùng lí lẽ mà còn vỗ về, hứa hẹn tạo điều kiện cho quân Minh rút lui làm chúng mềm lòng.

*************

Trên đây là 3 Đề đọc hiểu Thư lại dụ Vương Thông có đáp án chi tiết thường gặp trong các bài thi học kì. Các em hãy ôn luyện thật kỹ để trả lời đúng các câu hỏi trong bài thi sắp tới nhé. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button