Lớp 12

Đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ (Richard Carlson)

Tổng hợp 2 đề đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ (Richard Carlson – Dịch bởi NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) để các em làm quen và giải đáp thắc mắc.

Đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ của tác giả Richard Carlson, đây là một trong tài liệu khá hay nói về sự tôn trọng, biết lắng nghe giữa người với người. Có thể nói, đề tài này khá được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số câu hỏi sau:

Tổng hợp đề đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ

Đề đọc hiểu số 1

Đề vừa ra trong đề thi tham khảo tốt nghiệp môn Văn THPT năm 2020 của Bộ GD&ĐT

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Con người luôn mong muốn được người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không được phép bảo vệ lập trường của mình, nhưng bạn cần thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã. Đừng để những cảm xúc nóng vội lấn át lý trí của bạn, hãy tạo điều kiện cho người đối diện nói hết quan điểm của họ sau đó bạn mới trình bày nhận định của cá nhân mình. Khi đó, bạn không những thực hiện được quan điểm của mình mà cũng không hạ thấp người khác.

Hãy làm cho người khác tận hưởng niềm vui được tỏa sáng. Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng. Đừng áp đặt, hãy gợi mở. Mọi người xung quanh bạn sẽ cảm thấy thoải mái, tin tưởng và mở lòng ra với bạn hơn. Bạn sẽ có được niềm vui lớn khi giúp người khác hạnh phúc..

(Trích Tất cả đều là chuyện nhỏ – Richard Carlson,

NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.39-40)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng như thế nào?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy cho biết thế nào là “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”?

Câu 4. Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.

Đáp án đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận

Câu 2: Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

Câu 3:

“Thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã” có thể hiểu là: tạo điều kiện cho người đối diện thể hiện quan điểm của họ, sau đó bản thân mới trình bày quan điểm của cá nhân mình bằng lý trí.

Câu 4: 

“Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” là một lời khuyên có ý nghĩa và đúng đắn đối với mỗi người.

Bởi:

– Chứng tỏ bạn đã biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình, biết dùng lý trí để xử lý mọi tình huống trong cuộc sống.

– Khẳng định bản thân là người ứng xử có văn hóa, biết tôn trọng những người xung quanh mình.

Câu 5. 

* Yêu cầu về hình thức:

– Đảm bảo bố cục đoạn văn 200 chữ: câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

– Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa

* Yêu cầu về nội dung:

– Giải thích:

+ Tôn trọng là gì?

+ Quan điểm là gì?

+ Tôn trọng quan điểm của người khác là gì?

=> Trong cuộc sống, chúng ta cần phải tôn trọng quan điểm của người khác.

– Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác:

+ Là cách ta thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người.

+ Giúp cho người đối thoại với ta có thêm sự tự tin, lạc quan hơn, giảm thể hiện bản thân trước mọi người.

+ Giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, học được cách lắng nghe, đồng cảm, từ đó hoàn thiện bản thân mình hơn.

+ Tôn trọng quan điểm của người khác cũng chính là một cách giúp bản thân ta thấy tự tin và dễ dàng tìm được cách để mình làm rõ, đồng thời tiến hành trao đổi đưa ra được phương thức tốt nhất.

+ Tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tích cực, văn minh, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân.

– Khi thiếu tôn trọng người khác thì:

+ Ta có thể tỏ ra ngạo mạn, coi thường hay xa lánh người khác.

+ Thiếu tôn trọng nhau sẽ dẫn đến thiếu thiện cảm khiến mối quan hệ dần trở nên xa lạ, bất hòa, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột, để rồi khiến ai đó tổn thương.

– Học sinh lấy dẫn chứng để chứng minh cho từng luận điểm.

– Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

– Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Đề đọc hiểu số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn không cần phải thắng bằng mọi giá

Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là: “Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?”. Trong nhiều trường hợp, hai điều này thường không đi cùng nhau.

Việc tỏ ra mình là người luôn đúng – nghĩa là người khác sai – sẽ đẩy chúng ta vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm. Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ khiến đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao nhãng với cuộc sống xung quanh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh (hay bảo vệ) quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai. Vô tình hay hữu ý, nhiều người tin rằng việc đưa ra ý kiến riêng “đúng đắn” sẽ giúp người khác điều chỉnh họ và học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, điều này hoàn toàn sai.

Bạn hãy nhớ lại xem, đã bao giờ bạn bị ai đó “sửa lưng” và bạn nói với họ: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”. Hoặc đã bao giờ có ai đó nói cảm ơn khi bạn phản đối họ hay chứng tỏ bạn đúng họ sai. Sự thật là đa phần chúng ta đều không thích bị người khác vạch ra sai lầm của mình. Con người luôn mong muốn người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

(Tất cả đều là chuyện nhỏ – Richard Carlson – , 
NXB Tổng hợp Thành phố HCM, trang 35)

Câu 1. Trong nội dung đoạn trích, tác giả đã chỉ ra những tác hại nào của việc tỏ ra mình là người luôn đúng. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo anh/chị việc bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai là đúng hay sai? (0,5 điểm)

Câu 3. Chúng ta cần làm gì để được người khác lắng nghe và công nhận? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng việc khẳng định mình luôn đúng và mình muốn được hạnh phúc thường không đi cùng nhau không? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích trên, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”.

Đáp án đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ số 2

Câu 1. Trong nội dung đoạn trích, tác giả đã chỉ ra tác hại của việc tỏ ra mình là người luôn đúng là:

– Đẩy chúng ta vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm.

– Đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao nhãng với cuộc sống xung quanh.

Câu 2. Học sinh có thể lập luận theo nhiều quan điểm khác nhau, song cần làm rõ được các ý:

– Việc bảo vệ quan điểm của mình là đúng. Bởi đó là cách để khẳng định bản thân và cần thiết phải giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình.

– Tuy nhiên, bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai lại không đúng. Bởi vì trong mỗi nhận xét, đánh giá về bất cứ sự việc, hành động nào của bạn hay người khác thì đều dựa trên nhận thức về cách nhìn nhận, kiến thức, thực tiễn của mỗi người. Việc bạn cho rằng mình đúng chỉ là một khía cạnh đánh giá phiến diện mà thôi.

– Cho nên không nhất thiết trong mọi trường hợp cần bảo vệ quan điểm của mình và cố gắng chỉ ra người khác đã sai.

Câu 3. Để được người khác lắng nghe và công nhận, chúng ta cần:

– Học cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người khác

– Từ bỏ thói quen phản đối, bác bỏ quan điểm của người khác. Thay vào đó, hãy khéo léo chỉ ra chỗ sai của người khác để họ vui lòng sửa lỗi.

Câu 4.  Học sinh có thể đưa ra kiến giải riêng của mình và lập luận thuyết phục. Song cần làm rõ được các ý:

– Việc khẳng định mình luôn đúng là thái độ hiếu thắng, tự kiêu tự đại không nên có trong giao tiếp.

– Niềm hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện khi chúng ta đạt được ước mơ trong cuộc sống.

– Việc khẳng định mình luôn đúng không thể đem lại hạnh phúc cho con người bởi vì:

+ Tâm lý hiếu thắng có thể đem lại cho bạn cảm giác hãnh diện vui sướng nhất thời. Nhưng sẽ khiến bạn trở nên bị ghen ghét, xa lánh.

+ Bản thân mình không lắng nghe và nhận thấy lỗi sai của mình.

+ Khiến cho người khác thấy bực bội, không muốn lại gần.

Câu 5. 

* Yêu cầu về hình thức:

– Đảm bảo bố cục đoạn văn 200 chữ: câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

– Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa

* Yêu cầu về nội dung:

– Giải thích câu nói: là lời cảm ơn cần thiết khi có ai đó vạch ra lỗi sai của chính mình

– Phân tích ý nghĩa của câu nói:

+ Câu nói đã khẳng định rằng: không phải mọi lúc bản thân mình luôn đúng. Do đó, khi được người khác chỉ ra sai lầm của mình cần biết lắng nghe để sửa lỗi

+ Biết nói lời cảm ơn khi có người giúp bạn sửa sai và hoàn thiện chính mình. Đó là lối ứng xử văn hóa

– Bàn luận:

+ Trong giao tiếp, không ai luôn đúng hoặc luôn sai. Chúng ta nhất thiết cần phải lắng nghe quan điểm của người khác và nhìn thấy chỗ sai của mình.

+ Trên thực tế, nhiều người luôn cố tỏ ra mình luôn đúng và phủ nhận người khác. Khi bị vạch ra sai lầm thì luôn cảm thấy khó chịu, ấm ức. Đó là thái độ tiêu cực, cần loại bỏ khi giao tiếp.

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Luôn học hỏi, lắng nghe từ người khác

+ Luôn cầu thị, tự sửa lỗi để hoàn thiện mình

+ Không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá trong giao tiếp. Luôn khiêm tốn với chính mình, luôn khéo léo trong cách chỉ ra lỗi sai của người khác.

Đoạn văn tham khảo

“Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy tôi điều tôi sai” là câu nói mà tôi tâm đắc nhất khi đọc cuốn sách “Tất cả đều là chuyện nhỏ” của nhà văn Richard Carlson. Bởi lẽ câu văn đã mang đến cho chúng tôi một thông điệp vô cùng ý nghĩa đó là ta phải luôn biết trân trọng và cảm ơn những người đã chỉ ra lỗi sai của mình. Thật vậy, trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo cả. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể làm bất cứ điều gì cũng đúng, hay thành công trong tất cả mọi việc. Và đương nhiên, sau mỗi lần ta làm sai và thất bại, bạn có thể tự nhận ra lỗi sai hoặc sẽ có những người giúp ta chỉ ra lỗi sai đó. Ta phải tiếp thu những đóng góp của họ, phải lắng nghe ý kiến đó để rút ra sửa chữa thích đáng. Đương nhiên, sau mỗi ý kiến đó, bạn phải đúc kết nó thành bài học cho chính mình. Đánh giá, chọn lọc những ý kiến đó để tìm ra ý phù hợp nhất với bản thân chứ không phải ý nào cũng có ý nghĩa với bạn. Thật vậy, sau mỗi lần vấp ngã, bạn hãy biết trân trọng những người giúp bạn vượt qua khó khăn. Hãy biết lắng nghe và đừng bao giờ gạt đi những điều quý giá ấy.

Tham khảo thêm một tài liệu văn hay khác: nghị luận về văn hóa ứng xử hiện nay

Xem thêm tại:

Hết

Trên đây là một số câu hỏi với Đọc hiểu Tất cả đều là chuyện nhỏ mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button