Giáo dục

Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết

Nhát đinh của bác thợ (Phong Thu) đọc hiểu

Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ đề Nhát đinh của bác thợ đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.

Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết
Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ – Đề số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Cứ mỗi dịp trở về thăm ngôi nhà nơi tôi ra đời và lớn lên ở đó, tôi lại bồi hồi ngắm chiếc ghế tựa đã cũ lắm, một bên chân đã phải nối và nhớ tới một chuyện xưa..

Trong lúc nô đùa, mấy anh em tôi đã làm bong mặt ghế. Cha tôi phải mời bác thợ vào chữa lại cho khỏi hỏng thêm. Chúng tôi tò mò ngắm bác thợ lụi cụi làm việc. Mỗi khi cúi xuống, ngẩng lên, chiếc kính trắng trên mắt bác lại tụt xuống. Đôi bàn tay có những ngón sần sụi, gân guốc đặt vào đâu, chỗ đó lập tức thay đổi và chiếc ghế dần dần lành lại như mới. Cuối cùng, sau mấy nhát đinh “chát, chát..”, chiếc ghế được đặt ngay ngắn, xong xuôi trước mắt chúng tôi.

Cha tôi trả tiền và cảm ơn bác thợ. Bác thợ xoa xoa tay trên mặt ghế vừa được thay lại như để từ biệt đứa con của mình rồi chào cả cha tôi, lẫn chúng tôi, ra về.

Một lúc sau, trời mưa to. Anh em chúng tôi lại leo lên ghế chơi trò “tàu hỏa” mà quên cả trời mưa. Bỗng có ai gõ cửa. Cha tôi vội bước ra, thì thấy bác thợ đã trở lại, toàn thân ướt đẫm. Nước nhỏ giọt từ trong chiếc hòm đồ nghề của bác. Bố tôi hỏi:

Bác quên gì đấy ạ?

Bác thợ đưa tay vuốt mặt, lắc đầu, nói nhanh:

Tôi không quên gì, nhưng..

Vừa nói bác vừa bước tới chiếc ghế do bác vừa chữa, xoa xoa tay để tìm cái gì. Anh em chúng tôi không hiểu đầu đuôi thế nào nữa, cứ trố mắt ra nhìn. Chợt bác khẽ reo lên:

Đây rồi!

Đoạn, bác mở hòm đồ nghề lấy cái búa ra, đeo kính vào, nheo nheo mắt và bất thần vung búa gõ đánh “chát” một cái. Xong bác ngẩng lên, cười, nói với cha tôi:

– Đi được một quãng xa, tôi chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh. Để vậy, có người sẽ rách quần áo bác ạ!

Cha tôi cảm động, lấy thêm tiền biếu bác. Bác không nhận và vội vàng chào. Cha con chúng tôi không ai bảo ai, cùng đứng nhìn theo bác thợ vai khoác cái cưa, tay xách hộp gỗ cắm cúi đi trong mưa. Bóng bác nhòa dần trên đường quốc lộ mịt mù gió thốc..

Từ buổi ấy, trong trí nhớ non thơ của tôi không bao giờ phai mờ hình dáng bác thợ và cứ nghe rõ mãi nhát đinh của người thợ tận tụy với công việc, với nghề của mình.

(Nhát đinh của bác thợ, Phong Thu)

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên:

A. Truyện ngắn

B. Truyện ngụ ngôn

C. Tiểu thuyết

D. Hồi kí

Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là nhân vật nào? Làm công việc gì?

A. Nhân vật tôi, đi học xa nhà

B. Nhân vật bác thợ, làm nghề mộc

C. Nhân vật người cha, làm công nhân

D. Nhân vật bác thợ, làm nghề thợ rèn

Câu 3: Xác định ngôi kể trong truyện:

A. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn toàn tri

B. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn toàn tri

C. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn tri

D. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn hạn tri

Câu 4: Bác thợ quay trở lại sau khi đi được quãng đường xa là vì?

A. Bác trở lại vì chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh, để vậy sợ có người sẽ rách quần áo

B. Bác trở lại vì chợt nhớ còn cái đinh ương trên sàn nhà, để vậy sợ có người sẽ dẫm phải mà bị thương

C. Bác trở lại vì quên chiếc búa

D. Bác trở lại vì quên chưa lấy tiền công.

Câu 5: Dòng nào không nêu lên đặc sắc nghệ thuật của truyện trên

A. Cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng mà hấp dẫn

B. Ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, bộc lộ được cảm xúc, suy ngẫm của người kể chuyện về nhân vật bác thợ.

C. Cách xây dựng nhân vật sắc nét: Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua các sự việc, qua ngôn ngữ, hành động, qua cẩm nhận của nhân vật “tôi” – người kể chuyện.

D. Lời văn trau chuốt, bóng bẩy, đậm tính nghệ thuật, vừa giàu chất thơ vừa giàu nhạc điệu.

Câu 6: Đề tài của tác phẩm trên là:

A. Viết về những người nghệ sĩ tài hoa

B. Viết về người lao động bình thường, giản dị

C. Viết về cuộc sống mưu sinh vất vả của người lao động

D. Viết về kỉ niệm tuổi thơ.

Câu 7: Cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của tác phẩm là:

A. Cảm hứng xót xa, thương cảm

B. Cảm hứng phê phán, mỉa mai

C. Cảm hứng tự hào, tôn vinh

D. Cảm hứng trân trọng, ngợi ca

Câu 8: Theo em, chi tiết miêu tả cảnh mưa gió có cần thiết đưa vào trong truyện không?

Lời giải:

Chi tiết miêu tả cảnh mưa gió trong tình huống bác thợ quay trở lại sau khi đi được quãng đường xa là cần thiết đưa vào trong truyện.

Lí giải: Chi tiết này làm tăng mức độ khó khăn cho sự lựa chọn của bác thợ: Bác hoặc sẽ quên đi chiếc đinh và trở về sớm hơn, hoặc phải quay trở lại đóng nốt chiếc đinh để rồi phải chịu cảnh mưa gió vất vả. Quyết định quay trở lại trong cảnh mưa gió cho thấy bác thà đội mưa gió để làm tròn công việc còn hơn là để chiếc đinh đóng dở đó gây hại cho người khác và bản thân thì cứ phải nghĩ mãi về nó. Ý thức trách nhiệm và lòng trắc ẩn của bác đã khiến bác vượt qua hoàn cảnh bất lợi để quay lại. Như vậy chi tiết tả cảnh mưa gió khắc nghiệt trên càng làm nổi bật vẻ đẹp của sự tận tụy và lòng tốt nơi bác thợ.

Câu 9: Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật bác thợ trong câu chuyện trên.

Lời giải:

Qua câu chuyện trên, ta thấy bác thợ:

– Là người tận tụy, cần mẫn, là người có trách nhiệm cao trong công việc. Vẻ đẹp này được thể hiện qua chi tiết bác sửa chiếc ghế một cách tỉ mỉ, cẩn thận.

– Là người có lòng tốt, biết nghĩ cho người khác. Vẻ đẹp này được thể hiện qua chi tiết bác đội mưa gió quay trở lại chỉ để đóng nốt chiếc đinh mà bác đã sơ ý quên chưa đóng hết. Bacs sợ chiếc đinh ấy sẽ làm rách quần áo của người nào đó vướng vào.

Câu 10: Theo em, qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bức thông điệp gì?

Lời giải:

Câu chuyện kể về bác thợ mộc, dù làm công việc bình thường nhưng lại hết lòng với công việc và có trách nhiệm, biết nghĩ cho người khác.

Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bức thông điệp:

  • Làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm với công việc, hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
  • Cần phải có lòng trắc ẩn, lòng vị tha, biết nghĩ cho người khác.

*******

Trên đây là Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết do thầy cô biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Bạn đang xem: Đề đọc hiểu Nhát đinh của bác thợ có đáp án chi tiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button