Giáo dục

3 Đề đọc hiểu Ngọn gió và Cây sồi có đáp án chi tiết

Ngọn gió và Cây sồi đọc hiểu

3 Đề đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi có đáp án chi tiết nằm trong sách Hạt giống tâm hồn được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn và tổng hợp từ các bài thi học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà trước khi bước vào kì thi sắp tới. Hy vọng với 3 đề Ngọn gió và cây sồi đọc hiểu dưới đây, các em sẽ trả lời đúng toàn bộ các câu hỏi trong bài thi nhé.

Đọc hiểu Ngọn gió và Cây sồi có đáp án chi tiết
Đọc hiểu Ngọn gió và Cây sồi có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi – Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ngọn gió và Cây sồi

“Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức, ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng 1 lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mệt mỏi, đành đầu hàng và hỏi:

– Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi già từ tốn trả lời:

– Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gãy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Càng ngày chúng sẽ phát triển càng mạnh mẽ, giúp tôi vững vàng hơn trước mọi sức mạnh của kẻ thù. Nhưng tôi phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính những cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.”

(Theo Hạt giống tâm hồn – Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, tổng hợp TP Hồ Chí Minh)

Câu 1. Tìm phương thức biểu đạt chính của văn bản trên

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Xác định nội dung chính của văn bản.

Lời giải:

Qua câu chuyện về cây sồi vẫn vững vàng trước ngọn gió ngạo nghễ, tác giả đề cao lòng dũng cảm, sự tự tin, không gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống.

Câu 3. Chỉ ra phép liên kết, hình thức sử dụng trong câu

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình.

Lời giải:

Chỉ ra phép liên kết, hình thức sử dụng trong câu

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình.

– Phép thế: Một ngọn gió dữ dội – nó

– Phép lặp: Nó

– > Tác dụng; để liên kết câu, để nhấn mạnh ý, gây cảm xúc, gây ấn tượng.

Câu 4. Xác định câu nghi vấn, dấu hiệu nhận biết, chức năng của câu nghi vấn đó?

Lời giải:

Xác định câu nghi vấn, dấu hiệu nhận biết, chức năng của câu nghi vấn đó?

Câu nghi vấn: Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Dấu hiệu; có từ nghi vấn và dấu hỏi chấm cuối câu

Chức năng: Dùng để hỏi

Câu 5. Tìm các hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng trong văn bản trên và cho biết mỗi hình ảnh tượng trưng cho điều gì?

Lời giải:

– 2 hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: Ngọn gió, cây sồi, bão tố càng lớn, bộ rễ càng đâm sâu hơn.

– Hình ảnh ngọn gió: Tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, gian nan, nghịch cảnh trong cuộc sống mà con người gặp phải.

– Hình ảnh cây sồi: Tượng trưng cho bản lĩnh, sự tự tin, lòng dũng cảm, bản lĩnh, dám đối đầu, không gục ngã trước hoàn cảnh và bản năng tự vệ của con người (càng nghịch cảnh, càng kiên cường).

Câu 6. Xác định, chỉ ra biện pháp tu từ trong câu: Nhưng tôi phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính những cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

Lời giải:

– Nhân hóa: Tôi, ông, mình (sự vật biết xưng hô, trò truyện như người)

– Ẩn dụ:

+ Cây sồi: Tượng trưng cho những người luôn tự tin, dũng cảm, bản lĩnh trước khó khăn.

+ Ngọn gió: Tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, gian nan, nghịch cảnh.

=> Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn; làm sự vật hiện lên gần gũi, sống động như người; tăng sức hấp dẫn cho người đọc; nhấn mạnh bài học: Trong gian nan, nghịch cảnh thì con người càng chứng tỏ được chính mình ; và thông điệp: Trên con đường thành công sẽ không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Câu 7. Nêu thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta

Lời giải:

Thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta

– Cuộc sống luôn ẩn chứa muôn vàn trở ngại, khó khăn và thách thức. Nếu con người không có lòng dũng cảm, tự tin để đối mặt thì sẽ dễ thất bại.

– Sống trong hoàn cảnh tầm thường, trói buộc, con người có thể trở nên tầm thường.

– Trong cuộc sống, con người thường phải đối mặt với khó khăn, chông gai, nghịch cảnh nên rất cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại để đạt được thành công.

Câu 8. Từ truyện ngắn trên, viết đoạn văn khoảng 200 suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Lời giải:

Các luận điểm cần có:

*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Lạc quan là thái độ sống quan trọng cần có trong cuộc sống.

*Thân đoạn:

– Giải thích lạc quan là gì?

  • “Lạc” là vui vẻ, vui tươi, phấn chấn; “quan” là quan điểm, cách nhìn nhận.
  • Lạc quan là một thái độ, tinh thần nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, phản ánh niềm tin hoặc hy vọng rằng kết quả của một số nỗ lực cụ thể, hoặc kết quả nói chung, sẽ là tích cực, thuận lợi và như mong muốn.

– Bàn luận vấn đề: Vai trò của tinh thần lạc quan

  • Tinh thần lạc quan tạo sức mạnh, ý chí, nghị lực, bản lĩnh để ta vượt qua những thử thách.
  • Sống lạc quan giúp ta tự khẳng định được chính mình.
  • Giúp con người tránh khỏi những hiểm họa trong cuộc sống
  • Lạc quan sẽ mang lại cho chính mình cuộc sống vui vẻ, thoải mái, có tương lai tốt đẹp..

– Mở rộng: Trái ngược hoàn toàn với lạc quan là bi quan, đó là lưỡi dao đáng sợ khiến cho cuộc sống chúng ta ngày bế tắc, cô đơn hơn.

– Bài học: Những điều cần làm để giữ thái độ sống lạc quan:

  • Xây dựng cho mình mục đích sống, phương châm sống và nỗ lực, quyết tâm trau dồi tri thức, rèn luyện bản thân để dễ dàng đạt được mục tiêu đã đặt ra..
  • Không né tránh né khó khăn, chủ động tự giải quyết tất cả mọi vấn đề chứ không trông chờ ở một ai khác..

*Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề.

Bài mẫu 1:

Cuộc sống có ý nghĩa hay tốt đẹp hay không là do cách sống, cách cảm nhận của mỗi người. Chúng ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra cũng như hình hài của mình. Tuy nhiên, chúng ta được lựa chọn cho bản thân cách sống lạc quan, tích cực. Lạc quan là việc con người luôn suy nghĩ tích cực, cảm nhận được niềm vui, những điều ý nghĩa của cuộc sống. Người lạc quan là những người luôn vui vẻ, biết tìm niềm vui, niềm hạnh phúc cho cuộc sống, luôn yêu đời và thấy cuộc đời đáng sống. Lạc quan là một tính tốt mà chúng ta ai cũng cần có, cần rèn luyện để bản thân tốt hơn cũng như thấy được cuộc sống đáng sống hơn. Cuộc sống luôn ẩn chứa và tồn tại nhiều khó khăn, thử thách sẵn sàng đánh ngã ta bất cứ lúc nào, nếu chúng ta không có sự lạc quan, ta dễ nản chí, bỏ cuộc, trở thành kẻ thất bại. Còn nếu rèn luyện được cho bản thân tính lạc quan, suy nghĩ tích cực, ta sẽ vượt qua được những phép thử đó và đi đến bến bờ của hạnh phúc, của thành công. Trên đời không gì là dễ dàng có được, ngay cả tinh thần lạc quan, bạn cũng phải rèn luyện hằng ngày, trong cách suy nghĩ, trong việc làm, trong cách nhìn nhận vấn đề,… Luôn mỉm cười và hướng đến những điều tốt đẹp là bí kíp duy nhất khiến bản thân mình lạc quan hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người bi quan, hay nản chí, dễ bỏ cuộc, hay muộn phiền,… Những người này khó tìm thấy niềm vui và cơ hội cho bản thân mình. Chúng ta có thể khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tinh thần lạc quan đối với cuộc sống. Hãy sống hết mình, tận hưởng tối ta và luôn giữ cho bản thân một ý chí kiên cường hướng về những điều tốt đẹp.

Bài mẫu 2:

Thái độ của con người khi đối mặt với cuộc sống sẽ phản ánh con người của người đó. Chúng ta cần phải giữ cho mình một tinh thần lạc quan để thấy cuộc đời này tươi đẹp, ý nghĩa hơn. Lạc quan chính là việc con người luôn suy nghĩ tích cực, cảm nhận được niềm vui, những điều ý nghĩa của cuộc sống.người lạc quan là những người luôn vui vẻ, biết tìm niềm vui, niềm hạnh phúc cho cuộc sống, luôn yêu đời và thấy cuộc đời đáng sống. Người có tinh thần lạc quan là người sống có kế hoạch, mục tiêu, lí tưởng sống cho bản thân. Họ cũng là những người biết hài lòng về những gì bản thân mình đang có, cố gắng, nỗ lực vươn lên để bản thân ngày càng tốt đẹp hơn. Trước mỗi khó khăn thử thách, người lạc quan luôn giữ vững được tinh thần, tìm cách vượt qua một cách tốt nhất. Tinh thần lạc quan có vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Nó giúp chúng ta sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn. Ngoài ra, người lạc quan sẽ luôn truyền được năng lượng tích cực cho người khác. Tinh thần lạc quan vô cùng quan trọng, cùng với ý chí, lạc quan sẽ giúp con người đến gần với thành công hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm;… những người này cần phải xem xét lại bản thân mình và có cách sống ý nghĩa nhất. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, hãy sống và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống bằng con mắt của sự lạc quan.

Bài mẫu 3:

Cuộc sống của mỗi người mỗi ngày vui vẻ hay buồn bã là do chính bản thân chúng ta lựa chọn. Có thể nhận xét rằng, thái độ sống có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Một thái độ sống lạc quan sẽ khiến cho mỗi ngày trở nên ý nghĩa hơn. Vậy thế nào là lạc quan? Thái độ sống tích cực, lạc quan là luôn vui vẻ, thoải mái, vô tư dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay gặp phải chuyện không vui trong cuộc sống. Thái độ sống lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân đức tính này để sẵn sàng đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Trong cuộc sống, con người không tránh khỏi những lúc vấp ngã, chán nản, tinh thần lạc quan sẽ giúp người đó đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn. Bên cạnh đó, thái độ sống lạc quan giúp con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, đồng thời giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn. Người có thái độ sống tích cực, lạc quan luôn biết cách biến cuộc sống của mình trở nên muôn màu và truyền được năng lượng tích cực cho người khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm;… những người này nên bị chỉ trích, phê phán. Chúng ta hãy hiểu rằng, mỗi ngày khi mở mắt ra thấy bản thân mình còn sống, còn được cống hiến là một điều vô cùng may mắn. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống với thái độ tích cực nhất có thể để làm nên nhiều hơn những điều tích cực khác.

Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi – Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ngọn gió và Cây sồi

Bạn đang xem: 3 Đề đọc hiểu Ngọn gió và Cây sồi có đáp án chi tiết

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đành đầu hàng và hỏi:

– Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi từ tốn trả lời:

– Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn ông ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

(Trích: Ngọn gió và cây sồi – Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TP. HCM, 2004)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích?

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính là Tự sự

Câu 2. Em hiểu gì về ý nghĩa của đoạn trích này?

Lời giải:

– Ngọn gió: Hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, những nghịch cảnh trong cuộc sống.

– Cây sồi: Hình ảnh tượng trưng cho lòng dũng cảm, dám đối đầu, không gục ngã trước hoàn cảnh

– Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống con người cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Câu 3. Xét về mục đích nói, câu văn sau thuộc kiểu câu gì?

Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã.

Lời giải:

Câu văn sau thuộc kiểu câu trần thuật

Câu 4. Nêu thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta.

Lời giải:

Thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta: Trong cuộc sống, con người cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Không nên bi quan, tuyệt vọng, chán nản bởi nếu vậy, con người sẽ dễ bị nghịch cảnh quật ngã và thất bại.

Câu 5. Bài học giáo dục mà em nhận được từ câu chuyện trên.

Lời giải:

* Tóm tắt nội dung câu chuyện

* Hiểu nội dung, ý nghĩa câu chuyện.

  • Ngọn gió: Hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, những nghịch cảnh trong cuộc sống.
  • Cây sồi: Hình ảnh tượng trưng cho lòng dũng cảm, dám đối đầu, không gục ngã trước hoàn cảnh
  • Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống con người cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

* Bài học giáo dục từ câu chuyện.

  • Cuộc sống luôn ẩn chứa muôn vàn trở ngại, khó khăn và thách thức nếu con người không có lòng dũng cảm, sự tự tin để đối mặt sẽ dễ đi đến thất bại (Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây)
  • Muốn thành công trong cuộc sống, con người phải có niềm tin vào bản thân, phải tôi luyện cho mình ý chí và khát vọng vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh. (Tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi)
  • Lưu ý: Trong quá trình lập luận học sinh nên có dẫn chứng về những tấm gương dũng cảm, không gục ngã trước hoàn cảnh để cách lập luận thuyết phục hơn.

* Bàn luận về bài học giáo dục của câu chuyện:

  • Không nên tuyệt vọng, bi quan, chán nản trước hoàn cảnh mà phải luôn tự tin, bình tĩnh để tìm ra các giải pháp cần thiết nhằm vượt qua các khó khăn, thử thách của cuộc sống.
  • Biết tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để luôn có một bản lĩnh kiên cường trước hoàn cảnh và cũng phải biết lên án, phê phán những người có hành động và thái độ buông xuôi, thiếu nghị lực.

Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi – Đề số 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ngọn gió và Cây sồi

“Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức, ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng 1 lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mệt mỏi, đành đầu hàng và hỏi:

– Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi già từ tốn trả lời:

– Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gãy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Càng ngày chúng sẽ phát triển càng mạnh mẽ, giúp tôi vững vàng hơn trước mọi sức mạnh của kẻ thù. Nhưng tôi phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính những cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.”

(Theo Hạt giống tâm hồn – Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, tổng hợp TP Hồ Chí Minh)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự

Câu 2. Văn bản đã sử dụng những biện pháp tu từ đặc sắc gì?

Lời giải:

Văn bản đã sử dụng những biện pháp tu từ đặc sắc: nhân hóa, ẩn dụ

Câu 3. Hình ảnh ngọn gió và cây sồi tượng trưng cho điều gì?

Lời giải:

Hình ảnh ngọn gió và cây sồi tượng trưng+ Ngọn gió” ngạo nghễ, dữ dội trong chuyện là hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, phong ba bão táp, những nghịch cảnh trong cuộc sống.+ Bên cạnh đó hình ảnh “cây sồi già” tượng trưng cho con người dũng cảm, dám đối đầu với thử thách và không trốn tránh, gục ngã trước hoàn cảnh

Câu 4. Thông điệp mà câu chuyện muốn gửi gắm cho chúng ta?

Lời giải:

Cây sồi già vẫn hiên ngang, sừng sững dù ngọn gió có giận dữ điên cuồng muốn lật đổ. Cây sồi biết ngọn gió có thể bẻ gãy hết các nhánh cây, cuốn sách những đám lá và làm thân cây lay động nhưng nó vẫn bám chặt đất im lặng chịu đựng và không hề gục ngã. Cuối cùng ngọn gió đành chịu thua cây sồi dũng cảm vì đã quá mệt, câu chuyện tuy giản dị, ngắn gọn nhưng bức thông điệp nó gửi tới người đọc rất sâu sắc. Câu chuyện muốn đề cao lòng dũng cảm, sự chiến thắng của cây sồi trước ngọn gió để nói về con người cuộc đời mỗi người ít hay nhiều đều phải trải qua những khó khăn, thử thách. Điều quan trọng là chúng ta đối mặt với nó như thế nào, vượt qua hay để nó vùi dập cuốn trôi.

Câu 5. Chỉ ra và xác định vai trò của trợ từ trong câu: “Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.”

Lời giải:

Trợ từ “Chính” có tác dụng nhấn mạnh vai trò của cơn điên cuồng đã giúp cây sồi già chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

Câu 6. Tìm 2 hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng trong văn bản trên và cho biết mỗi hình ảnh tượng trưng cho điều gì?

Lời giải:

2 hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng:

– Ngọn gió: hình ảnh tượng trung cho những khó khăn, thử thách, nghịch cảnh trong cuộc sống

– Cây sồi: hình ảnh tượng trung cho lòng dũng cảm, dám đối đầu, không gục ngã trước hoàn cảnh

***************

Trên đây là 3 Đề đọc hiểu Ngọn gió và Cây sồi có đáp án chi tiết thường gặp trong các bài thi học kì. Các em hãy ôn luyện thật kỹ để trả lời đúng các câu hỏi trong bài thi sắp tới nhé. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button