Giáo dụcLớp 10

Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo

Đề bài: Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

doc hieu binh ngo dai cao

Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Bạn đang xem: Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo

Bài làm:

Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là một áng “Thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam và được coi như một bản tuyên ngôn về độc lập chủ quyền dân tộc. Bài cáo được Nguyễn Trãi thừa lệnh của vua Lê Lợi viết vào mùa xuân năm 1428, đây là một bản ca hùng tráng tổng kết và ca ngợi chiến thắng chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn, bên cạnh đó còn mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước, kỉ nguyên thống nhất, độc lập và tự do.

Trước tiên về thể loại, “Bình Ngô đại cáo” được viết theo thể cáo, đây là một thể văn nghị luận cổ của Trung Quốc, trình bày về một sự nghiệp, chủ trương hoặc tuyên ngôn về một sự kiện cho mọi người cùng biết. Cáo có thể viết bằng văn xuôi, văn vần nhưng chủ yếu vẫn là văn biền ngẫu, các câu dài ngắn không gò bó, có hoặc không có vần và các cặp câu thường có hai vế đối nhau. Bài cáo giống như một bài văn chính luận với lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén và kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Trong tác phẩm, dễ nhận thấy bài cáo có nhiều chủ đề khác nhau nhưng đều hướng đến tư tưởng chủ đạo xuyên suốt là nhân nghĩa gắn liền với yêu nước, thương dân. Đầu tiên, Nguyễn Trãi nêu lên chân lí chính nghĩa, lấy đó làm căn cứ để triển khai toàn bộ nội dung của bài cáo, chân lí của Nguyễn Trãi bao gồm tư tưởng nhân nghĩa và sự tồn tại độc lập có chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt ta.

“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Đoạn văn như một lời tuyên ngôn về chủ quyền dân tộc, Nguyễn Trãi đã đưa ra hàng loạt các yếu tố xác định độc lập chủ quyền dân tộc như: cương vực lãnh thổ, nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng và anh hùng ở mọi thời đại. Có thể nói, đây là một bước tiến dài so với “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Lời lẽ lập luận đầy sức thuyết phục, từ ngữ khẳng định đầy tính tự nhiên, vốn có, dẫn chứng được lấy trong thực tiễn đã góp phần khẳng định rõ ràng hơn về chủ quyền dân tộc Đại Việt. Tiếp theo, Nguyễn Trãi đã bằng một trình tự rất logic vạch trần tội ác của giặc Minh, từ âm mưu xâm lược tới chủ trương cai trị thâm độc và những hành động man rợ của giặc Minh. Nguyễn Trãi chỉ rõ âm mưu thôn tính nước ta vốn đã sẵn từ lâu của giặc Minh, chúng dùng luận điệu “phù Trần diệt Hồ”, bên cạnh đó còn tố cáo chính sách cai trị vô nhân đạo của chúng:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

Nguyễn Trãi viết lời cáo trạng về tội ác của giặc Minh vừa hùng hồn, vừa đanh thép lại gợi lên nỗi căm hờn sôi sục trong lòng người, những hình ảnh đầy xót xa kết hợp với giọng văn uất hận, căm phẫn đã cho thấy tinh thần nhân đạo, cảm thương sâu sắc của nhân dân ta. Sau những cung bậc uất hận, nghẹn ngào, Nguyễn Trãi đưa người đọc sống trong cảm hứng chiến thắng của cuộc kháng chiến. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa là những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng lại có sự thống nhất giữa dân và quân, thể hiện ý chí quyết tâm của toàn dân tộc. Bước vào giai đoạn phản công, Nguyễn Trãi viết như một bản anh hùng ca dựng lên bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa, càng chiến quân ta càng chủ động và mạnh hơn, càng gần chiến thắng quân ta càng rõ hơn tư tưởng chính nghĩa:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.”

Những động từ mạnh được liên kết với nhau tạo nên một khí thế dồn dập, dữ dội cho thấy đà chiến thắng của ta và sự đại bại của kẻ thù, từng câu thơ mang nhạc điệu sảng khoái, bay bổng, giòn giã và hào hùng như từng lớp sóng cuồn cuộn. Hình tượng kẻ thù thảm hại nhục nhã nhưng vẫn được tạo điều kiện để sống đã làm nổi bật hơn nữa tính chính nghĩa và tinh thần nhân đạo sáng ngời của cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng bài cáo là lời tổng kết lịch sử đầy trầm lắng và tự hào, lời tuyên bố và khẳng định độc lập dân tộc:

“Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.”

Nguyễn Trãi đã rút ra bài học lịch sử hay một quy luật của trời đất, quy luật suy vong hưng thịnh tất yếu của mỗi quốc gia, đó là sự vững bền khi đã được xây dựng trên cơ sở phục hưng dân tộc thì viễn cảnh đất nước sẽ thật tươi sáng, huy hoàng.

“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thực sự là một áng văn yêu nước lớn, sáng ngời tư tưởng nhân văn, chính nghĩa. Đây cũng là một bài văn chính luận xuất sắc bậc nhất trong nền văn học Việt Nam thời trung đại, mang trong mình sự kết hợp tuyệt diệu giữa chính luận và văn chương, kết hợp giữa lí luận và thực tiễn. Bút pháp tự sự, trữ tình và đặc biệt là bút pháp anh hùng ca cùng với những hình ảnh giàu sức biểu cảm đã giúp cho bài cáo hấp dẫn và có sức thuyết phục cao.

————————–HẾT—————————–

Bình Ngô đại cáo là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trãi, bên cạnh bài làm văn Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo các bạn học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm các bài làm văn Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo, Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo, Phân tích đoạn 1, 2 Bình Ngô Đại Cáo hay các tài liệu hữu ích như Giáo án Đại cáo bình Ngô, Soạn Văn lớp 10 – Đại cáo bình Ngô, phần Tác giả, tác phẩm.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button