Giáo dục

Đoạn văn cảm nhận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Để viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thì trước hết các em cần phải hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ này như thế nào.

Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

– Theo nghĩa đen:

Bạn đang xem: Đoạn văn cảm nhận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

+ “Đói” và “rách”: biểu hiện cho sự nghèo khó, thiếu thốn, khó khăn đến cùng cực của con người.

+ “Sạch” và “thơm”: Biểu hiện cho sự sạch sẽ, tươm tất, thơm tho.

+ “Đói cho sạch”: Nói đến miếng ăn, dù ăn không đủ no đi nữa cũng phải cho sạch; dù có đói đến cỡ nào cũng phải ăn uống cho sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh, không gây bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Dễ hiểu hơn trong thực tế đó là: Dù đói đến đâu,trước khi ăn cũng phải rửa tay cho sạch.

+ “Rách cho thơm”: Nói về cái mặc, ý chỉ quần áo dù cho có rách rưới, không lành lặn thì cũng không được để bẩn, phải giữ cho sạch sẽ, thơm tho vì nếu quần áo có lành mà không thơm thì đó là một điều rất đáng tiếc.

– Theo nghĩa bóng: Dù ta có lâm vào cảnh đường cùng, bế tắc như thế nào đi nữa thì chúng ta phải giữ lòng dạ mình cho trong sạch, phải giữ cho được phẩm chất đạo đức danh dự nhân cách, không làm những việc mà ta cảm thấy xã hội và mọi người không thể chấp nhận, và nhất là lương tri lương tâm trong chính con người ta không bị cắn rứt.

Xem thêm: Giải thích tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Cùng tham khảo một số đoạn văn nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ đói cho sạch rách cho thơm:

Một số đoạn văn hay suy nghĩ về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Đoạn văn số 1

“Đói cho sạch, rách cho thơm” là tục ngữ mà ông cha ta đã truyền lại bao đời nay. Tác giả dân gian đã sử dụng hình ảnh đối xứng từ những hình ảnh gần gũi để đề cao đạo lý về giữ gìn nhân phẩm trong sạch của con người. Đối với mỗi chúng ta, nhân phẩm chính là “tờ giấy” mà chúng ta phải giữ nó thật “trắng”. Khi chúng ta “đói”, “rách” thì chúng ta vẫn phải giữ gìn mình sao cho “sạch”, “thơm”. Dù nghèo khổ, thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn phải ăn ở sạch sẽ. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta vẫn phải giữ cho nhân phẩm được trong sạch để không làm hoen ố tổ tiên, không làm những điều trái với lương tâm. Trong những lúc cuộc sống khốn khó nhất, chúng ta vẫn phải giữ gìn nhân phẩm thơm ngát ngàn đời, không sa vào tội lỗi. Nhân phẩm tạo cho chúng ta một sức mạnh to lớn, nhờ vào ý chí, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu. Chúng ta hãy sống một cuộc sống tốt đẹp nhất, một cuộc sống vì mọi người và cũng vì chính chúng ta.

Đoạn văn số 2

Ông cha ta từ xa xưa đã luôn căn dặn con cháu: “dù trong hoàn cảnh này cũng phải sống lương thiện, sống tốt đẹp, tuyệt đối không được đánh mất đi phẩm giá của mình”. Kinh nghiệm này đã được dân gian đúc kết qua câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Vậy đói, rách, sạch, thơm có nghĩa là gì? Đói, rách ở đây đều chỉ sự thiếu thốn của con người. Sạch, thơm có nghĩa là đẹp đẽ, sạch sẽ. Câu tục ngữ đã đưa đến cho chúng ta một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng phải giữ cho mình những phẩm chất tốt đẹp nhất, cao quý nhất của con người. Trong cuộc sống, có rất nhiều người nghèo, hoàn cảnh thiếu thốn nhưng họ luôn nỗ lực, chăm chỉ làm việc để vượt qua số phận. Họ không bao giờ nghĩ đến chuyện ăn cắp, ăn trộm một tài sản quý giá của ai đó để làm giàu cho bản thân. Tuy nhiên vẫn có những người không thiếu thốn, có đủ khả năng lao động nhưng suốt ngày chỉ biết “dựa hơi”, lấy đi của công lao, thành quả của người khác khiến người bị đánh cắp rơi vào thế yếu, ảnh hưởng cả cuộc sống sau này. Chính vì thế, điều quan trọng mà mỗi chúng ta phải ghi nhớ đó là dù sao đi nữa cũng phải giữ lấy nhân cách trong sạch của mình. Đây là cách giúp ta giữ cho mình một cái tâm thanh cao giữa dòng đời biến động.

Đoạn văn số 3

Đạo lý truyền thống của dân tộc ta được thể hiện khá toàn diện qua ca dao, tục ngữ.Nói về lối sống thanh cao và việc giữ gìn phẩm giá tốt đẹp trong hoàn cảnh khó khăn, người xưa có câu : “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ lấy “đói” và “rách” là hai biểu hiện cụ thể nhất, tiêu biểu nhất của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để phản ánh cuộc sống gian truân, vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp, trước đây hơn chín mươi phần trăm dân số sống bằng nghề làm ruộng. Quanh năm họ dãi dầu nắng mưa, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng để làm ra củ khoai, hạt lúa. Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu gạo, thuế nặng, bởi chính sách áp bức bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị. Suốt đời, người nông dân nghèo có mấy khi được vui vẻ, ấm no ? Sống trong đói rách kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm giá, con người sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức. Trong hoàn cảnh ấy, những lời khuyên nhủ, những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch, đúng với bản chất thiên lương, sao cho khỏi “cúi xuống thẹn đất, ngẩng lên thẹn trời” và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa.

Đoạn văn số 4

Đạo lý truyền thống của dân tộc ta được thể hiện khá toàn diện qua ca dao, tục ngữ. Nói về lối sống thanh cao, giữ gìn phẩm giá tốt đẹp trong hoàn cảnh khó khăn, người xưa có câu: Đói cho sạch, rách cho thơm. Dân gian mượn hai yếu tố thiết yếu nhất trong cuộc sống hằng ngày là ăn và mặc để thông qua đó phản ánh quan niệm sống. Lúc đói, theo bản năng tự nhiên của con người muốn bảo tồn sự sống. Liệu có còn đủ lý trí để giữ cho mình còn sạch sẽ? Khi nghèo nàn, rách rưới, mấy người còn nghĩ tới thơm tho? Câu tục ngữ này không định đề cập đến đó mà nó muốn nêu lên một triết lí sống, một quan điểm sống làm nền tảng đạo đức của nhân dân ta. Câu tục ngữ lấy đói và rách là hai biểu hiện cụ thể nhất, tiêu biểu nhất của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để phản ánh cuộc sống gian truân, vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp, trước đây hơn 90% dân số sống bằng nghề làm ruộng. Quanh năm họ dầu dãi nắng mưa, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng để làm ra củ khoai, hạt lúa. Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu cao, thuế nặng, bởi chính sách áp bức bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị. Suốt đời, những người nông dân nghèo có mấy khi được vui vẻ, ấm no? Sống trong đói rách kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm giá, con người sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức. Trong hoàn cảnh ấy, những lời khuyên nhủ, những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống trong sạch, đúng với sự thiện lương, sao cho cúi xuống không thẹn đất, ngẩng lên không thẹn trời và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa. Trong sạch trong lối sống, trong nếp nghĩ. Thơm tho trên phương diện danh dự, đạo lý làm người. Và quan niệm sống cao đẹp ấy đã thành truyền thống từ ngày xưa truyền lại của dân tộc ta.

Đọc thêm: Bàn luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Đoạn văn từ 7 – 10 câu về câu tục ngữ đói cho sạch rách cho thơm

Câu tục ngữ :”Đói cho sạch – rách cho thơm” chính là một trong những chân lý bao đời nay mà ông cha ta căn dạy thế hệ người Việt. Đọc câu tục ngữ ta gặp ngay hai cảnh tượng đói và rách. Đói nghĩa là thiếu thốn đủ thứ, không có cuộc sống đầy đủ. Và đã nghèo đói, thiếu thốn thì khó mà lành lặn cho được. Nghĩa là phải rách. Câu tục ngữ đã đặt con người ta vào tình huống thiếu thốn đến cơ cực. Nhưng mà dù thế nào thì ta vẫn phải giữ cho sạch sẽ, tức là dù có đói tới đâu ta cũng phải ăn sạch, giữ vệ sinh, dù cho quần áo dù không lành lặn, vá víu nhưng phải sạch sẽ không có mùi hôi bẩn thỉu. Ở đây ông cha ta đã mượn những tính chất sạch, thơm để nhằm giáo dục con người, để nhắc nhở chúng ta không lúc nào quên đi phẩm chất thanh bạch của một con người.

Đoạn văn sử dụng câu rút gọn hoặc câu đặc biệt (gạch chân)

Đã từ lâu, ca dao, tục ngữ là kho tàng lưu giữ biết bao kinh nghiệm bổ ích của con người. Và câu tục ngữ ” Đói cho sạch, rách cho thơm ” chính là một trong những câu tục ngữ hay mang đến cho chúng ta bài học bổ ích về việc phải giữ lấy nhân cách của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn chỉ dù đói cũng phải sạch sẽ, dù rách vẫn phải thơm tho. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn khuyên con người phải giữ lấy nhân cách cao đẹp của mình trong bất cứ hoàn cảnh khốn khó nào. Không thể phủ nhận một điều rằng con người chúng ta sẽ có những lúc này, lúc kia chứ không phải lúc nào cũng bình an được .Rồi sẽ có những lúc chúng ta trở nên nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật hay túng thiếu . Trong những hoàn cảnh ấy, con người rất dễ làm liều. Nhưng quả của việc làm liều là ta hoặc gây đau khổ cho người khác để giành lấy lợi lộc cho bản thân , hoặc ta có thể vì lợi ích của bản thân mà bán rẻ đạo đức, làm những việc xấu xa mà xã hội không thể chấp nhận được. Những việc làm đó quả thật không nên chút nào. Nó sẽ biến ta thành những kẻ xấu xa, tàn ác, đáng khinh bỉ trong mắt mọi người. Chính vì thế, điều quan trọng mà ta luôn phải nhớ cho dù sao đi nữa cũng phải giữ lấy nhân cách trong sạch của mình. Đó chính là cách ta giữ cho mình một cái tâm thanh cao giữa dòng đời biến động.

Trên đây là những điều cần lưu ý để viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm mà THPT Ngô Thì Nhậm muốn gửi tới các em, mong rằng những nội dung này sẽ giúp các em hoàn thành bài văn của mình. Tham khảo thêm những bài văn mẫu 7 hay khác nữa em nhé.


Tham khảo một số đoạn văn nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm hay dành cho các em học sinh lớp 6, 7.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button