Tổng hợp

Đoàn kết là gì? Tại sao chúng ta phải sống đoàn kết?

Đoàn kết là gì?

Đoàn kết là tình trạng mọi người hoặc nhóm người cùng chung sức lực, tinh thần và ý chí để đạt được một mục tiêu chung. Nó bao gồm sự đồng tình, sự hợp tác và sự tôn trọng lẫn nhau để tạo ra một sức mạnh lớn hơn, đem lại hiệu quả cao hơn và giải quyết các vấn đề khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tinh thần đoàn kết được coi là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và thành công trong đời sống cá nhân và xã hội.

Việc đoàn kết là cần thiết vì nó mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng, bao gồm:

  • Tạo ra sức mạnh lớn hơn: Khi các cá nhân hoặc nhóm người đoàn kết lại với nhau, họ có thể tạo ra sức mạnh lớn hơn bằng cách sử dụng các kỹ năng và tài nguyên của mỗi người để đạt được mục tiêu chung.
  • Giúp giải quyết các vấn đề khó khăn: Khi đối mặt với các vấn đề phức tạp, đoàn kết có thể giúp giải quyết chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng cách sử dụng các ý tưởng và kinh nghiệm của tất cả các thành viên.
  • Tăng cường tinh thần làm việc nhóm: Đoàn kết giúp tăng cường tinh thần làm việc nhóm và khuyến khích các cá nhân hoặc nhóm người hợp tác và tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung.
  • Tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ: Đoàn kết giúp tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ với tinh thần đoàn kết chặt chẽ, nơi mọi người cùng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung.

Vì vậy, đoàn kết là rất cần thiết để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và thành công trong đời sống cá nhân và xã hội.

Đoàn kết là gì?
Đoàn kết là gì?

Vai trò của đoàn kết

Đoàn kết có vai trò quan trọng, là cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Không một tổ chức, dân tộc, đất nước nào tồn tại, phát triển được nếu thiếu sự đoàn kết. Dưới đây là những vai trò cụ thể của đoàn kết mà HoaTieu xin cung cấp gửi đến bạn đọc:

  • Đoàn kết không chỉ là tập hợp lực lượng thành một khối thống nhất mà phải thống nhất về tư tưởng, hành động, mục tiêu cụ thể.
  • Đoàn kết là các thành viên phải tương trợ, giúp sức lẫn nhau cùng nhau giải quyết các khó khăn, thử thách để đi đến thành công.
  • Đoàn kết là sức mạnh to lớn, chất keo gắn kết con người tạo nên sức mạnh vượt trội.
  • Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn.
  • Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Tại sao chúng ta phải sống đoàn kết?

Hàng triệu con kiến nhỏ có thể xẻ thịt một con voi. Dòng nước mềm yếu có thể làm nên cơn cơn lũ khủng khiếp. Những hạt cát bé nhỏ có thể ngăn cách biển cả. Một cơn mưa có thể giải cứu cánh đồng đang kì khô hạn. Tất cả chỉ có thể thực hiện được khi có sức mạnh của đoàn kết tập thể.

Mỗi người ai cũng đều có điểm mạnh và yếu riêng, không ai là hoàn hảo cả. Khi đoàn kết, những mặt mạnh của từng cá nhân sẽ được tổng hợp và tạo nên sức mạnh toàn diện, từ đó sẽ dẫn đến thành công.

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến câu chuyện Bó đũa. Câu chuyện kể về cách người cha thông qua thử thách bẻ đũa mà dạy cho các con trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Chúng ta tất nhiên ai cũng có những khả năng riêng, nhưng năng lực và sức mạnh cá nhân này giống như từng chiếc đũa vậy, dễ dàng bị bẻ gẫy nếu có nguồn lực chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, nếu cùng nhau đoàn kết và tổng hợp được sức mạnh cả về tinh thần lẫn vật chất, thể lực và trí tuệ của số đông mọi người thì sẽ tương tự như bó đũa khó ai có thể bẻ gãy. Sức mạnh to lớn ấy khiến con người tự tin hơn, có chỗ dựa, dám chiến đấu và chiến thắng.

Như vậy với những câu chuyện trên thì chúng ta phải sống đoàn kết là vì sự thành công, đích đến chung của mọi người, vì bản thân chúng ta, mỗi cá nhân cố gắng từng chút thì chắc chắn điều mà mọi người mong muốn sẽ đạt được.

Tại sao chúng ta phải sống đoàn kết?
Tại sao chúng ta phải sống đoàn kết?

Nếu không có tinh thần đoàn kết sẽ ra sao?

– Dân tộc Việt Nam nếu không có tinh thần đoàn kết sẽ không thể chiến thắng quân xâm lược và bảo vệ đất nước.

– Một tập thể không có đoàn kết sẽ dễ bị lung lay, đổ vỡ, là con mồi cho những thế lực thù địch chống phá.

– Một người không có tinh thần đoàn kết sẽ không thể vươn lên, không nhận được sự giúp đỡ của mọi người, trở nên lạc lõng, bơ vơ.

Làm thế nào để phát huy tinh thần đoàn kết?

Để phát huy tinh thần đoàn kết cần làm những việc như sau:

– Mỗi cá nhân nên đặt lợi ích chung hàng đầu, phấn đấu cống hiến hết mình vì tổ chức, gác lại công việc riêng cá nhân. Hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong tổ chức, tập thể.

– Lên án người không có sự đoàn kết: Phê phán các cá nhân sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội. Phê phán những kẻ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với mục đích xấu, trục lợi cho cá nhân. Vì những kẻ hẹp hòi ấy sẽ là mầm mống cho sự chia rẽ trong tập thể, người hẹp hỏi sẽ tác động đến tinh thần của người khác từ đó sẽ thôi thúc sự chia bè phái và tập thể tan rã.

Ví dụ về tinh thần đoàn kết

Từ các đời vua Hùng Vương nhân dân ta đã biết đứng dậy cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến Trần Nhân Tông, Nguyễn Huệ những vị anh hùng kiên cường bất khuất này có được chiến thắng không chỉ nhờ vào chiến lược hay mà còn nhờ vào sự ủng hộ tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của nhân dân ta.

Đặc biệt, không thể không kể đến Kế thanh dã “vườn không nhà trống” khiến giặc Nguyên – Mông bạt vía kinh hồn của Trần Quốc Tuấn. Tuy đây là một nghệ thuật quân sự đầy táo bạo và sáng tạo, nhưng nó sẽ không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ của nhân dân trong việc bỏ không nhà cửa, rời đi thành Thăng Long. Kết quả là khiến cho quân địch rơi vào tình trạng thiếu lương thực và cuối cùng là thua trận và phải bỏ chạy về nước.

Qua hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tinh thần ấy lại càng dâng cao và biểu hiện rõ nét, nó làm cho một dân tộc nhỏ bé với vũ khí thô sơ chiến thắng những đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

Một ví dụ tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết ở thời bình hiện nay là mỗi đợt lũ lụt miền trung, nhân dân cả nước lại chung tay quyên góp, giúp đỡ cả về lương thực, thực phẩm và nhiều vật chất khác để bà con khôi phục lại cuộc sống bình thường. Ngay khi lũ lụt xảy ra, lực lượng cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an…đã không quản hiểm nguy, xông pha vào vùng lũ để cứu giúp những người đang gặp nguy hiểm…

Vì là truyền thống có từ lâu đời của dân tộc, mà tinh thần đoàn kết được biểu hiện ở mọi mặt đời sống của người dân nước ta, trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong cả thời chiến lẫn thời bình, ở tất cả mọi cá nhân chứ không riêng lẻ một ai. Tinh thần ấy cần được tiếp tục lưu giữ và phát huy để nâng cao sức mạnh nội tại của Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Ví dụ về tinh thần đoàn kết
Ví dụ về tinh thần đoàn kết

Đoàn kết – Sức mạnh tạo nên thành công của dân tộc

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước. Dựng nước và giữ nước luôn luôn gắn chặt với nhau. Phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng giữ nước, đồng thời phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc đã hình thành và phát triển giá trị văn hóa đoàn kết. Đó là thành quả văn hóa của dân tộc ta trong lịch sử mấy ngàn năm tồn tại và phát triển. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rằng, đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh vô địch, đưa nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Từ thời đại các vua Hùng dựng nước – thời kỳ người Việt cổ có ý thức với cuộc sống, với cộng đồng, với sản xuất. Từ việc biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dùng súc vật để kéo cày, biết làm lúa nước, làm thủy lợi, cùng với việc xuất hiện một số ngành nghề mới (thủ công, trồng dâu nuôi tằm, luyện đồng, rèn sắt…), người Việt cổ đã tạo ra tiền đề ổn định, gia tăng sự gắn kết cộng đồng, nhờ đó cũng kéo theo cả sự phát triển của văn hóa. Văn hóa phát triển sẽ hình thành những giá trị văn hóa mới, trong đó đoàn kết là một giá trị văn hóa được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Thời kỳ An Dương Vương dựng nước Âu Lạc và lập đô tại Cổ Loa, miền đồng bằng của đất nước thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và văn hóa, cho thấy cư dân Âu Lạc tỏ rõ ý chí mạnh mẽ, tự tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Kế tục sự phát triển của nước Văn Lang, cư dân Âu Lạc đã cố kết xây dựng đất nước với nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Thời gian này có bước tiến mới của Âu Lạc trong kỹ thuật quốc phòng, người Âu Lạc đã chế tạo được loại nỏ bắn nhiều phát một lần, với mũi tên bằng đồng có ba cạnh sắc. Thành Cổ Loa được xây dựng mà đến nay được coi là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Đây là công trình thể hiện sự sáng tạo độc đáo của cư dân Âu Lạc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhà Tần và sau đó Triệu Đà đã nhiều lần đưa quân đánh phá Âu Lạc nhưng đều thất bại. Điều đó chứng tỏ tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ của cư dân Âu Lạc đã phát triển trên cơ sở nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Có thể nói, sức mạnh của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc với cơ sở đoàn kết đã tạo cho cộng đồng người Việt có sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh lịch sử.

Thời kỳ Bắc thuộc trên một ngàn năm, dù bị áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh với kẻ thống trị để giữ vững bản sắc văn hóa, để giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán của mình, đồng thời hoàn thiện và nâng cao nền văn hóa, văn minh của người Việt, củng cố tinh thần tự lực tự cường, tăng thêm ý chí đấu tranh giành độc lập tự chủ. Đây là giá trị to lớn nhất để chuẩn bị cho công cuộc giành quyền tự chủ. Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, kéo dài trên một ngàn năm.

Dù bị phong kiến phương Bắc thống trị và âm mưu đồng hóa trên một ngàn năm, nhưng nhân dân ta đã vùng lên và giành lại được quyền độc lập, tự chủ. Đó chính là nhờ có ý chí độc lập tự do, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết của cư dân người Việt sớm được khẳng định trên cơ sở những thành tựu vật chất và tinh thần ngày càng phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước trước đó. Truyền thống đó lại được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa, văn minh của người Việt định hình và phát triển trong thời kỳ Văn Lang – Âu lạc. Mặc dù âm mưu đồng hóa thâm độc, nhưng nền văn hóa của cư dân người Việt chẳng những không bị mai một, mà còn được bổ sung, làm phong phú thêm, làm tăng sức mạnh, hun đúc sức sống mãnh liệt của cộng đồng người Việt. Đây cũng là điều kiện hết sức quan trọng để đất nước vươn lên giữ vững nền tự chủ, dựng nước thịnh trị trong thời kỳ văn hóa – văn minh Đại Việt về sau này. Sau khi giành được độc lập, tự chủ, truyền thống đoàn kết trong công cuộc dựng nước và giữ nước tiếp tục được phát huy cao độ. Sử sách cho thấy, sau mỗi thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam, vị thế của dân tộc ta ngày càng được củng cố và phát triển.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất, trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 (1858-1896), đông đảo nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã tích cực ủng hộ, phối hợp với quan quân triều đình hoặc tự mình đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào chống Pháp nổi lên khắp nơi, như: Trương Định ở Gò Công; Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Hà Tiên; Thiên Hộ Dương (Vũ Duy Dương) ở Đồng Tháp Mười; Phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi khởi xướng với các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, như; Khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa), Khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), Khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh); các cuộc đấu tranh tự phát của nông dân… Các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người đứng đầu các cuộc đấu tranh đã dựa vào dân, tin tưởng vào sức mạnh và ý chí quật cường của nhân dân, trở thành ngọn cờ quy tụ, đoàn kết nhân dân chống Pháp. Truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, nhân dân khắp cả nước tích cực đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước, viết nên những trang sử hết sức oanh liệt.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và là “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Bác Hồ khẳng định “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta"
Bác Hồ khẳng định “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”

Vì vậy mà, Đảng Cộng sản Việt Nam dù số thành viên không lớn, ở thời điểm lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng luôn là một khối thống nhất vững chắc, đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đem lại nền độc lập cho dân tộc và quyền tự do cho nhân dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá và sự đồng lòng của toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…” đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ, để cuối cùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đặc biệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ, với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được phát huy, lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, và cuối cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi, đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta tiếp tục được phát huy với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết cùng nhau giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam. Đảng ta đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Từ một đất nước nghèo, có cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên địa bàn Nghệ An, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà tiếp tục được phát huy; sự đồng thuận xã hội được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo; Quốc phòng – An ninh bảo đảm; mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ngày càng gắn bó, tin cậy. Mục tiêu xây dựng tỉnh Nghệ An giàu đẹp, văn minh ngày càng được các tầng lớp Nhân dân tin tưởng và hăng hái thực hiện. Cùng với các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều Cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua để khích lệ, động viên các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của tỉnh: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” được UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ, hiệu quả. Với phương châm “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai đồng bộ, kịp thời với nhiều giải pháp mới, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong ưu tiên sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam; Các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh với nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ yêu thương, chung tay hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phát động được triển khai rộng khắp, có nhiều đổi mới, hướng mạnh về khu dân cư, góp phần huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh.

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button