Giáo dụcLớp 11

Diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư

Đề bài: Diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư

dien bien tam trang cua chang trai trong bai tuong tu

 

Bạn đang xem: Diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư

Phần 1: Dàn ý diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư

Xem chi tiết Dàn ý diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư tại đây
 

Phần 2: Bài văn mẫu Diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư

Bài làm:

Theo như Hoài Thanh, trong tâm hồn mỗi con người luôn có một cái chất nhà quê mộc mạc tiềm ẩn, bởi suốt mấy ngàn năm qua nhân dân ta đã quen với cuộc sống lao động chân tay, đồng áng và mới chỉ văn minh được độ vài chục năm lại gần đây. Phần đa con người thường cố cất cái khí chất “quê mùa” ấy cho thật kỹ, nhưng lại có một nhà thơ đi ngược lại với lối ấy là Nguyễn Bính, thơ của ông luôn tìm về những giá trị chân quê, luôn khơi gợi cái chất “người nhà quê” trong tiềm thức mỗi con người. Từ hình ảnh những thôn làng đơn sơ, những buồng cau, bụi chuối, tình cảm trai gái,… giọng thơ mộc mạc, có phong vị của những câu hát ca dao, mà Hoài thanh gọi là “hồn xưa của đất nước”. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách mộc mạc, “chân quê” của Nguyễn Bính phải kể đến bài thơ Tương tư, với nội dung ấy là tình yêu đơn phương của chàng trai thôn Đoài với cô gái thôn Đông.

Cái nỗi khổ tương tư của chàng trai trong bài thơ không đơn thuần chỉ là cảm xúc nhớ nhung, tơ tưởng mà là một hỗn hợp những cảm xúc đan xen chồng chéo, chuyển đổi qua lại lẫn nhau, từ loại cảm xúc này lại sinh ra cảm xúc kia, thật phong phú chân thực đúng với tâm lý phức tạp của tình yêu.

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh, của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

Với mấy câu thơ đầu, cảm xúc đơn thuần chỉ là sự nhớ mong, bay bổng của người con trai dành cho cô gái mà mình yêu thương. Cái cảm xúc nhớ mong ấy được phóng đại đưa thành thôn Đoài nhớ thôn Đông, rõ ràng là thành cả hai không gian rộng lớn đang nhớ thương nhau, thật ứng với câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của Nguyễn Du, nhưng trong trường hợp này thì là nhớ chứ không phải buồn. Nói tóm lại cái sự nhớ mong của chàng trai dường như chẳng dừng lại ở trong trái tim mà còn lây lan sang cả cảnh vật, cả không gian. Nỗi tương tư còn thành vần thành điệu như ca dao “chín nhớ mười mong”, giăng mắc và có xu hướng kéo dài cái nỗi nhớ mong ấy ra. Rồi thì chàng trai chân quê, chất phác ấy cố lý giải cho cái nỗi nhớ của mình, rằng “Gió mưa là bệnh, của giời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” thật hồn nhiên và có chút ngông cuồng, dám lấy mình so với trời, để diễn giải cho “căn bệnh” tương tư của mình.

“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”

Ôi chao, rồi nhớ nhung mong mỏi chán chê, chàng trai lại đâm ra băn khoăn, giận dỗi vu vơ, chàng ta bảo rõ ràng chung làng đấy, cớ sao nàng chẳng bao giờ ghé chơi. Lúc này đây người ta mới ngộ ra, kỳ lạ thật vốn dĩ thân là đàn ông thì phải chủ động ghé thăm cớ sao lại chỉ ngồi yên một chỗ để nhớ mong, rồi lại còn đâm ra hờn trách cả cô gái. Đó là cái lý, nhưng trong thi văn để bộc lộ được hết cái nỗi tương tư sầu muộn thì vị thế bị động của chàng trai là phù hợp hơn cả.

“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

Chán chê cái cảnh đợi chờ hờn hỗi, chàng trai lại bắt đầu chuyển qua trạng thái than thở, ỉ ôi. Sự dịch chuyển thời gian từ ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác, mùa xuân lá xanh nay đã thành mùa thu lá vàng, càng thêm diễn tả cho cái sự đợi chờ, tương tư mòn mỏi của chàng trai. Có lẽ chàng trai ấy đã mong mỏi việc cô gái hiểu thấu cho tình cảm của mình nhiều lắm, nên mới đếm cả bước đi của thời gian như vậy.

“Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?”

Nỗi khổ tương tư nếu ai có từng trải rồi mới hiểu thấu, mà day dứt khó chịu hơn cả lại là mối tình đơn phương giấu kín, một người ấp ủ một người thờ ơ. Thương càng nhiều càng thấy lòng nặng trĩu, muốn tỏ thì khó mà không tỏ thì cũng khó, lại cứ ngẫm người kia chẳng biết tâm tình thế nào liệu đã đặt ai trong lòng hay chưa, có hay biết tình cảm này không,… càng khiến lòng người thêm bức bối. Thế nên bức bối khó chịu nhiều quá, chàng trai trút hết thành nỗi oán trách, quy kết, đúng kiểu “chạy trời không khỏi nắng”, kiểu gì cũng vặn lại cho được.

Chàng tuy chất phác, chân quê nhưng “khoản lý” sự cũng chẳng kém ai bao giờ, và dĩ nhiên khoản lý sự này thì chỉ chàng biết mà thôi. Chàng bảo chứ thà như cách sông, cách đò là chuyện khó, còn đâu hơn nhau có cái đầu đình thế mà nàng cũng chẳng buồn ngó, không trách nàng thì trách ai? Rồi chàng lại quay về giãi bày cái nỗi tương tư rằng “Tương tư thức mấy đêm rồi/ Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?” Rõ ràng tương tư là một mối lặp luẩn quẩn không hồi kết, nếu như người trong cuộc không tự mình khai phá nó. Chàng trai kể ra cũng nhiều phần đáng thương hơn cả, đáng thương vì cái nỗi tương tư nhút nhát e dè của mình.

Tuy thường rằng mấy khi mối tình đơn phương thành song phương, nhưng chàng trai vẫn rất có niềm tin vào tương lai và tình yêu của mình, điều ấy thể hiện thành nỗi mộng ước, khao khát được gặp mặt.

“Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”

Dù “bao giờ” là bao giờ thì chẳng biết nhưng chàng trai vẫn luôn trong một tâm thế nôn nao, chờ đợi, thậm chí là hồi hộp bởi đầu óc mãi vẩn vơ nghĩ về cảnh cùng nàng tương ngộ, đôi bên tình cảm giao hòa, nàng cũng sẽ hiểu được tình cảm của ta.

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Và một lẽ dĩ nhiên cái nôn nao, mơ tưởng gặp mặt sẽ dễ dàng bắc cầu đến cái ước vọng xa xôi, mà chàng trai hằng đinh ninh, ngỡ tưởng là đã chắc như đinh đóng cột, ước định trầu-cau. Nàng trầu đã sẵn, anh thì cau cũng trưởng thành, chỉ đợi ngày cùng lên mâm quả, mọi sự dường như đã sẵn sàng. Cái ước định ẩn ý chàng nói là thế, nhưng phút cuối chàng lại ngỏ một câu thật lạ lùng “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”, ôi thế nãy giờ rốt cuộc không phải nhớ giầu không thôn Đông ư? Thực ra xét lại, có lẽ đó là mối lo sợ ngầm của chàng trai, sợ mối tình đơn phương ấy không thành, thì cau của chàng có lẽ phải gửi gắm cùng trầu của nơi khác. Thật là một mối tình đơn phương đầy cảm xúc, cũng thật thương cho chàng trai ấp ủ nó suốt bấy lâu mà chưa dám tỏ.

Nhiều lúc đọc bài thơ tôi còn cứ trách chàng trai mãi, giá anh cứ tỏ tình đi rồi tới đâu thì tới, nhưng ngẫm lại anh chàng mà không tương tư đến độ vậy thì lấy đâu ra bài thơ như Tương tư nhỉ. u tất cả cũng chỉ là khao khát hạnh phúc lứa đôi xuất phát từ bản năng của mỗi con người, ai cũng muốn yêu và được yêu, chẳng phân biệt đàn bà hay đàn ông. Dường như trong tình yêu việc trải qua những cảm xúc nhớ mong, hờn dỗi, mộng ước thành đôi đã trở thành lẽ đương nhiên và với người yêu đơn phương thì lại càng mạnh mẽ và nhiều khốn khổ hơn cả, bởi chỉ có một người, giống như đũa chỉ có một chiếc vậy chẳng ích gì. Một điều rất thú vị rằng quan niệm về tình yêu lứa đôi của Nguyễn Bính luôn gắn liền với hôn nhân, gia đình chứ không đơn thuần chỉ là yêu, đó cũng chính là cái chất chân quê, truyền thống rất riêng của tác giả trong hệ thống thơ mới giai đoạn 1932-1941.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button