5 Đề đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết có đáp án chi tiết
Sống như ngày mai sẽ chết đọc hiểu
5 Đề đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ 5 đề Sống như ngày mai sẽ chết đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.
Đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết – Đề số 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Gia đình, bạn bè, sự nghiệp, tình yêu.. đều là những thứ quan trọng, đáng để ta phấn đấu và trân trọng. Nhưng đó chỉ là các nhân tố phụ và bạn không thể để một trong số chúng chi phối cả cuộc đời mình. Trong một vài trường hợp thì được nhưng cả cuộc đời thì không. Bạn nên lựa chọn nguyên tắc sống đúng đắn để làm trọng tâm cuộc sống của mình. Vì không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả. Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Chúng dẫn bạn đi đúng hướng, không lầm đường lạc lối và đi tới đích đến mong muốn. Hãy đặt nguyên tắc sống cho cuộc đời bạn: Sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè.. và tuân theo chúng. Dùng nó như kim chỉ nam soi lối mọi hành động và quyết định của bạn. Bạn cũng có thể thay đổi các nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, không nhất thiết một nguyên tắc buộc phải được duy trì mãi mãi. Ví dụ hôm nay nguyên tắc của bạn là không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân thì ngày mai bạn có thể sẽ đổi thành không tin những lời người khác nói nhưng đặt niềm tin vào việc họ làm..
(Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Lời giải:
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình.
Lời giải:
Biện pháp tu từ so sánh: “Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi”
Tác dụng: Nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của nguyên tắc sống đúng đắn đối với công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Biện pháp so sánh giúp câu văn gợi hình, gợi cảm mang lại sự thú vị, hấp dẫn, cuốn hút người đọc.
Câu 3. Việc tác giả đưa ví dụ trong văn bản có tác dụng gì?
Lời giải:
Việc tác giả đưa ví dụ trong văn bản có tác dụng: Giúp câu văn tăng sức thuyết phục người đọc, khẳng định giá trị của nguyên tắc sống đối với mọi người trong cuộc sống.
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả hay không? Vì sao?
Lời giải:
Đồng ý với quan điểm: “Không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả”
Vì: Những nguyên tắc sống đúng đắn sẽ dẫn ta đến những việc làm đúng đắn, giúp ta trau dồi năng lực và không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp. Khi ta làm những điều đúng đắn, ta sẽ cảm thấy sự thoải mái, dễ chịu, cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực đến từ tâm hồn và nhận ra cuộc sống thật ý nghĩa. Những việc làm đúng đắn sẽ giúp ta có đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời và phẩm chất tâm hồn tốt đẹp.
Đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết – Đề số 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết. Bên cạnh những niềm vui là những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ chỉ cần bạn lơ là mất cahr giác chúng sẽ xô tới. Chính những khó khăn, thử thách ấy sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.
(2) Sẽ có những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lung đi sau khi đâm vào lung bạn một vết dao.
(3) Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một điểm tựa. Có một loại điểm tựa như thế, thường được gọi là “trọng tâm cuộc đời”
(Phi Tuyết, Sống như ngày mai sẽ chết)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Lời giải:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả, cuộc sống này có những gì?
Lời giải:
Theo tác giả, cuộc sống này có:
– Hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông.
– Những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng sông.
– Niềm vui.
– Khó khăn và cạm bẫy.
Câu 3. Chỉ ra và gọi tên các phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn 2.
Lời giải:
– Phép thế: từ “đó” thay thế cho “những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng”
– Phép lặp: từ “đó”
Câu 4. Theo em, vì sao tác giả cho rằng: Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một điểm tựa
Lời giải:
Tác giả cho rằng: Đến cái bóng cũng tời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, vì:
+ Điểm tựa là thứ vững chắc, nó chính là niềm tin xuất phát từ trong tâm mỗi chúng ta. Chỉ cần có điểm tựa mọi khó khăn sẽ không làm ta gục ngã.
+ Điểm tựa sẽ giúp ý chí của ta thêm vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.
=> Qua câu nói này, tác giả muốn nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của điểm tựa.
Câu 5. Viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy thi bàn về ý kiến được nêu trong đoạn trích phần đọc hiểu: Chính những khó khăn, thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.
Lời giải:
Dàn ý:
1. Giới thiệu vấn đề: ý kiến Chính những khó khăn thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.
2. Giải thích vấn đề
– Khó khăn, thử thách là những trở ngại mà con người sẽ gặp phải trong cuộc sống.
– Nhào nặn là hoạt động, tác động làm cho biến đổi dần, hình thành nên cái mới.
=> Cả câu nói khẳng định những trở ngại trong cuộc sống góp phần giúp con người trưởng thành hơn.
3.Phân tích, bàn luận vấn đề
– Vì sao nói khó khăn thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn thành phiên bản tốt hơn?
- Đem đến cho con người những bài học quý giá trong cuộc sống. Đó có thể là bài học về công việc, tình yêu,…
- Rèn luyện ý chí, tôi luyện tính cách của con người.
- Giúp con người trở nên bản lĩnh, trưởng thành hơn.
- Giúp con người biết trân quý những thành công mình có được.
- Giúp con người thấu hiểu lẽ đời và biết sống khiêm nhường.
- …
=> Khó khăn, thử thách giúp bạn rút ra những bài học kinh nghiệm, giúp bạn có sức mạnh, niềm tin, lòng kiên trì vượt qua mọi thử thách. Từ một con người non nớt, mềm yếu nhờ khó khăn, thử thách, nhờ vấp ngã mà bạn ngày càng trưởng thành, vững vàng và tốt đẹp hơn.
– Khó khăn, thử thách luôn hiện diện trong cuộc sống, là một phần tất yếu cuộc sống. Sau khi vượt qua khó khăn, thử thách con người sẽ có được những thành quả quý giá. Vì vậy không nên nản chí.
– Phê bản những người sống thiếu ý chí, ngại khó.
4. Liên hệ bản thân và Tổng kết
Bài mẫu 1:
Tôi từng nghe rằng: “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đúng là như vậy. Trong đời, có ai mà chưa từng trải qua khó khăn, gian khổ. Khó khăn, gian khổ tôi luyện ta trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Và cũng vì thế mà có ý kiến cho rằng: Chính những khó khăn thử thách ấy sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành 1 phiên bản tốt hơn.
Ý kiến đó quả là một ý kiến đúng đắn cho ta hiểu hơn về những áp lực ở đời. Khó khăn thì luôn trước mắt ta. Nó là tảng đá cản đường con người vươn tới thành công trong đời. Biến ta thành phiên bản tốt hơn có nghĩa là nó sẽ tôi luyện, mài giũa ta với những phẩm chất tốt đẹp, với những bản lĩnh phi thường.
Con người có thể trở thành phiên bản tốt hơn sau khó khăn vì đời sống phức tạp và vô cùng biến động. Đời sống không chỉ là một màu trầm ảm đạm mà còn là vô vàn thách thức, chông gai. Chúng ta có thể rèn luyện cho mình bản lĩnh, cho mình niềm tin và hơn hết là động lực vào tương lai tươi sáng. Đời sống mà chỉ là một vòng quẩn quanh thì đời sống của mỗi người đều sẽ rất tẻ nhạt ,mệt mỏi. SỰ nhào nặn của cuộc đời ở đây được hiểu như là một hành trình của những phấn đấu. Và trong hành trình đó, nếu con người không nỗ lực, không đổi thay thfi mãi mãi chỉ là kẻ thất bại.
Phiên bản tốt hơn cho bạn vô vàn điều tuyệt vời. Khó khăn đấy, gian khổ đấy nhưng bạn không thẻ không nỗ lực. Và ta đã thấy một đất nước VIệt Nam được nhào nặn trong gian khó. Việt Nam đã chiến đấu hết mình, đã sục sôi trong ngày dịch bệnh để khẳng định sức mạnh của bản thân mình. Hay như sự nỗ lực của Bác để có thể trở thành phiên bản tốt và đóng góp cho quê hương. Tất cả đều đáng quý, đáng trân.
Nhưng bên cạnh những con người hết mình cống hiến, vượt qua thử thách, khó khăn là những con người sống một đời bạc bẽo, tẻ nhạt. HỌ chỉ mải mê trốn chạy, thấy thất bại là nản lòng, nhụt chí. Những suy nghĩ tiêu cực, đau khổ sẽ khong khiến đời sống con người đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Mỗi người có một lựa chọn trong cuộc đời của mình. Nhưng lựa chọn sao cho đúng, sao cho phải đó là trách nhiệm của ta. Chúng ta có thể làm gì để vượt lên khó khăn, vượt lên áp lực và khẳng định cái tôi của mình với bao mạnh mẽ trước khó khăn?
Bài mẫu 2:
Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức vượt qua những khó khăn, thử thách và không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: ” Chính những khó khăn thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn. “Câu nói trên đã khẳng định vai trò của những khó khăn, thử thách đối với sự trưởng thành của con người. Bởi không ai vươn đến sự thành công mà lại không có sự nỗ lực, cố gắng và trải qua khó khăn qua từng ngày. “khó khăn” là khái niệm để chỉ những chông gai, bão giông mà con người cần trải qua và đối diện. Sự trưởng thành của con người được hình thành, tôi luyện, nhào nặn trong những bão giông, thử thách của cuộc đời. Khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình thì thành công mới chạm đến cuộc sống của ta và nhào nặn, tôi luyện ta trở thành một phiên bản tốt hơn.
Thành công cũng không đến với những người không chịu thay đổi theo chiều hướng tích cực và cũng không ở lại quá lâu với những ai dễ dàng hài lòng với bản thân. Con người là chủ thể quyết định suy nghĩ, hành vi của chính mình và kết quả của mọi việc làm, hành động của họ. Do đó, thành công chỉ gõ cửa nhà bạn khi bạn không ngừng cố gắng và hoàn thiện bản thân. Leonardo Davinci trở thành danh họa kiệt xuất thế giới nhờ tháng ngày khổ luyện vẽ những quả trứng để rồi hoàn thiện kỹ năng của mình hơn qua mỗi bức hình tưởng chừng như đơn giản. Các vận động viên giành được thứ hạng cao trong các đại hội thể thao thế giới do luyện tập gian khổ ngay từ thuở lên năm, sáu tuổi. Đằng sau mỗi tấm huy chương là những giọt mồ hôi, nước mắt nơi phòng tập. Đôi khi, thành công đến sau mỗi thất bại, chông gai, thách thức vì vậy, nếu bỏ cuộc giữa chừng thì bạn không bao giờ vươn tới mục tiêu của mình. Thật đáng buồn khi trong cuộc sống hiện nay vẫn còn một số bộ phận giới trẻ, sống dè dặt, tự ti, chùn bước, thu mình không dám đối diện với khó khăn hoặc đối diện một cách hời hợt, qua loa. Đó chính là những lí do khiến con người mãi không thể hoàn thiện được mình, ngày càng thui chột. Thành công chỉ bền vững nếu con người cố gắng dựa trên nỗ lực của bản thân và không ngừng hoàn thiện chính mình. Như vậy, ý chí nghị lực vượt lên những khó khăn chính là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng đối với cuộc sống của con người. Bởi vậy, chúng ta cần rèn luyện thái độ sống tích cực, mạnh mẽ trước những nghịch cảnh của cuộc đời để chiến thắng và vượt qua mọi gian khổ.
Đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết – Đề số 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
…Bạn muốn tương lai sẽ trở thành người như thế nào? Bạn muốn cuộc sống mình mai này sẽ ra sao? Ngôi nhà bạn muốn ở sau này trông tuyệt vời chứ? Hãy tưởng tượng đi! Hãy mong muốn đi! Hãy ước ao đi! Nếu như ngay cả việc tưởng tượng đến tương lai của mình mà bạn còn không làm được hay không muốn làm vì lười biếng thì thật xin lỗi nhưng tôi phải nói rằng, bạn sẽ chẳng làm được trò trống gì cả. Không! Bạn không thể thờ ơ với cuộc sống của chính mình như vậy.
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tin vào số phận và cho rằng mọi thứ trên đời đều đã được sắp đặt, đều đã được an bài và ta không có cách nào để thay đổi. Theo tôi, con người hoàn toàn có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ. Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất. Thực chất điều này chỉ là để thanh minh cho sự yếu kém và hèn nhát của bản thân mà thôi.
(Trích Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết)
Bạn đang xem: 5 Đề đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết có đáp án chi tiết
Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Lời giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, con người có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách nào?
Lời giải:
Theo tác giả, con người có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu: Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất?
Lời giải:
Ý nghĩa của câu: Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất:
Tác giả nhấn mạnh quan điểm không đồng tình việc đổ lỗi cho số phận, đó chỉ là ngụy biện cho sự yếu kém, hèn nhát, không có gì là an bài, là không thể. Vấn đề quan trọng là chính mình có quyết tâm, phấn đấu, nỗ lực để thành công.
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: con người hoàn toàn có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ hay không? Vì sao?
Lời giải:
Học sinh có thể trả lời theo những cách khác nhau: đồng tình/không đồng tình…miễn là hợp lí, thuyết phục.
Câu 5. Hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm của tác giả thể hiện trong văn bản phần Đọc hiểu: “Bạn không thể thờ ơ với cuộc sống của chính mình”?
Lời giải:
Vô cảm là một trong những căn bệnh “ung thư tâm hồn” của một bộ phận người trong xã hội. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không cảm xúc với tất cả sự việc và con người xung quanh. Vô cảm hiện nay không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Biểu hiện rõ nhất của người có lối sống vô cảm đó là hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Một cô gái bị bạn trai đánh đập giữa đường nhưng hành động của những người xung quanh lại chỉ dừng lại ở việc mở điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi up lên các trang mạng xã hội cùng lời “bàn tán vô ích”. Đáng trách hơn là những người chủ động chọn cho mình lối sống vô cảm, tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ. Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà họ lại chọn cho mình lối sống vô cảm? Có thể xét đến chính ý thức, lí tưởng sống lệch lạc, tiêu cực cùng những tham vọng ích kỉ của họ, nhưng cũng cần suy nghĩ đến sự tác động của xã hội, của đám đông vào tâm lí của họ, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân khiến cho họ trở nên trơ lì về cảm xúc. Song, dù có vì bất kì nguyên do gì thì thái độ sống, lối sống vô cảm vẫn là mối lo ngại của xã hội khi nó không chỉ làm tha hóa, mai một về nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự đoàn kết của tập thể.
Đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết – Đề số 4
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những ngoại hình và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ trùng lặp. Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim – những bộ phim cuộc đời con người. Ai cũng có bộ phim cuộc đời của riêng mình, bất kể đó là kẻ hành khất hay một vị vua.
(2)Trong bộ phim cuộc đời ấy, chúng ta vừa là người viết kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí kiêm khán giả nữa. Nhưng có mội sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình, dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của người khác, từ người thân quen, người trong các mối quan hệ xã giao hay thậm chí là người hoàn toàn xa lạ. Việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là một thói quen nguy hiểm. Nó không chỉ làm bạn hao phí nhiều thời gian, sinh lực mà còn khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi người khác và rồi bị động luôn với chính cuộc đời mình. Mỗi ngày, nhờ internet bạn biết được bao nhiêu chuyện “hay hay” trên thế giới, từ cô nàng minh tinh màn bạc Hollywood lộ hàng khi dạo phố cho đến anh nhà quê tung clip âm nhạc mới, từ hotgirl khoe đường cong cho tới anh chàng trẻ tuổi công khai làm lành với vợ… Thừa nhận đi, một ngày bạn đọc bao nhiêu tin tức kiểu này, theo dõi bao nhiêu người xa lạ kiểu này? Tình nguyện làm khán giả vô hình cho những thứ vô bổ, những người xa lạ ở tận đâu đâu như vậy, bạn sẽ mãi đóng vai quần chúng trong cuộc đời người khác. Cứ như vậy, cuộc đời bạn ai sẽ đóng thay đây hay nói đúng hơn, cuộc đời bạn ai sẽ sống thay?
(Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết, Nxb Thế giới, tr. 10 – 11)
Câu 1: Một thói quen nguy hiểm được nhắc đến trong văn bản là thói quen gì?
Lời giải:
Một thói quen nguy hiểm được nhắc đến trong văn bản là thói quen tình nguyện làm khán giả cho người khác
Câu 2: Hãy chỉ ra biện pháp tu từ và nêu tác dụng biện pháp tu từ đó trong đoạn văn (1).
Lời giải:
Chỉ ra biện pháp tu từ và nêu tác dụng biện pháp tu từ so sánh trong đoạn văn (1).
- Chỉ ra câu văn có biện pháp tu từ so sánh: Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim – những bộ phim cuộc đời con người. Mỗi cuộc đời so sánh với một bộ phim;
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, dễ hiểu trong diễn đạt. Qua đó, người đọc nhận thức được sự phong phú, đa đạng và phức tạp khi bàn về cuộc đời con người.
Câu 3: Vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: Việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là một thói quen nguy hiểm?
Lời giải:
Tác giả bài viết lại cho rằng: việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là mội thói quen nguy hiểm là vì:
- Làm hao phí nhiều thời gian và sinh lực của bạn, những thứ vốn rất quý giá nhưng lại hữu hạn của cuộc đời mỗi người.
- Khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi cuộc đời người khác và bị động với cả cuộc đời mình.
Câu 4: Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản? (Nêu rõ lí do tại sao chọn thông điệp đó).
Lời giải:
Có thể trả lời bằng một trong đó thông điệp sau:
- Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim – những bộ phim cuộc đời con người. Ai cũng có bộ phim cuộc đời của riêng mình, bất kể đó là kẻ hành khất hay một vị vua.
- Trong bộ phim cuộc đời ấy, chúng ta vừa là người viết kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí kiêm khán giả nữa.
- Việc làm khán giả bao giờ cũng dễ dàng và tốn ít sinh lực hơn làm đạo diễn hay diễn viên chính.
- Các nhu cầu cuộc sống ngày càng được đáp ứng đầy đủ hơn nên một bộ phận người trẻ không cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều trong cuộc sống. Họ dành thời gian và sinh lực quan tâm đến những thứ vô bổ xung quanh.
Câu 5. Từ việc đọc hiểu đoạn trích, hãy soi chiếu vào bản thân và viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Bạn đã sống cuộc đời của chính mình chưa?
Lời giải:
Bài mẫu 1:
Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Có bao giờ bạn tự hỏi: Bạn đã sống cuộc đời của chính mình chưa? Luôn là chính mình mang ý nghĩa mỗi người hãy biết trân trọng bản thân, bằng lòng với nó và cố gắng phát triển bản thân mình, trở thành một người tốt, có ích cho xã hội. Bạn có thể không học giỏi nhưng bạn lại có tài vẽ đẹp, hát hay. Bạn có thể gầy nhưng bạn lại có gương mặt xinh đẹp. Bạn có thể không xinh nhưng bạn lại có giọng nói ấm áp. Bạn có thể không giỏi cầm, kỳ, thi, họa nhưng bạn lại biết nấu ăn ngon… Giá trị của bạn không phải bạn sinh ra ở đâu, bạn bắt đầu như thế nào mà ở cái đích bạn đạt được có bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của bạn. Để đi đến được thành công chưa bao giờ là dễ dàng và quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Chối bỏ bản thân mình là bạn đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn. Bất kỳ ai sinh ra cũng có những điểm mạnh nhất định của mình mà chính bản thân ta phải tự mình tìm lấy nó. Tự mình vun đắp cho tâm hồn mình, sống một cách đơn giản cho cuộc đời đơn giản. Khi ấy, bạn sẽ tìm được con đường đúng đắn và có hạnh phúc, đừng vì ngưỡng mộ mà cầm bản đồ của người khác miệt mài dò đường của mình.
Bài mẫu 2:
Thời gian không đợi bất kỳ ai, cuộc đời có những chuyện chúng ta cần làm nhưng lại chẳng thể làm xong, những mơ ước tốt đẹp ngày nào giờ cũng đành dang dở. Cuộc sống như con thuyền trôi bất định giữa dòng đời phiêu lãng khiến cho ta cứ mãi quay cuồng bận rộn với bốn bề cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta lại chẳng thể hoàn thành được một việc gì đó đến nơi đến chốn. Thời gian cứ thế trôi đi, và chúng ta cũng không ngừng trở nên già cỗi, tóc điểm màu tiêu da thêm phần nhăn nhúm, trên khuôn mặt những vết chân chim cũng không ngừng xuất hiện. Chúng ta cũng đã từng hồn nhiên với tuổi trẻ vô lo vô nghĩ, với tâm hồn thơ ngây thuần thiện. Và thời gian, thời gian đã lấy đi tất cả để đổi lại bằng sự thành thục của mỗi người. Quá khứ qua đi, đời người cũng gặp quá nhiều khổ đau, sóng gió, thị phi. Có lúc nào đó chúng ta hãy thử tĩnh lặng mình lại và tự hỏi: Phải chăng cuộc đời mình cứ mãi như thế này hay sao? Từng ngày qua đi, thời gian thì không dừng lại và chúng ta cũng ngày càng già hơn, có những lúc trách nhật nguyệt vô tình, thời gian trôi đi quá nhanh, mỗi ngày mỗi tuổi, lưng còng, gối mỏi, chân chùn. Nửa đời trước đã qua, nửa sau còn chưa tới, chúng ta có hay chăng sống đời tự tại như lời ca khúc kia đã hát? Có hay chăng có thể buông bỏ muộn phiền sống đời tự tại vô ưu để chẳng uổng một kiếp người?
Đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết – Đề số 5
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự trưởng thành là nhiệm vụ cá nhân và tạo ra môi trường cho mọi người trở nên trưởng thành là nhiệm vụ của gia đình, trường học, xã hội. Trưởng thành là một quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành.
Mục tiêu đầu tiên của đàn ông nên là trở thành người trưởng thành thay vì thành đạt hay quyền lực. Các cô gái cũng vậy, muốn lấy được tấm chồng tốt cũng nên đặt tiêu chí tìm người trưởng thành làm gốc. Cha mẹ nên mong và tạo điều kiện cho con cái trưởng thành thay vì để chúng là những đứa con lớn xác biết nghe lời. Bởi vì vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành.
Dù trọng tâm cuộc sống của bạn đã và đang đặt ở đâu: vật chất, danh vọng, quyền lực, gia đình, người yêu… hãy tạm gác lại và ưu tiên vào bản thân mình trước. Hãy biến mình trở thành người trưởng thành, một cây cao có tán lá sum sê và bộ rễ vững chãi, có vậy mới không có cơn bão nào quật ngã, chim muông sẽ đến dưới tán lá trú ngụ và bạn sẽ không còn cảm thấy chông chênh…
(Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết)
Câu 1. Theo tác giả, trưởng thành là gì?
Lời giải:
Trưởng thành là một quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài.
Câu 2. Nêu ý nghĩa của các hình ảnh được sử dụng trong đoạn cuối văn bản: “Hãy biến mình trở thành người trưởng thành, một cây cao có tán lá sum sê và bộ rễ vững chãi, có vậy mới không có cơn bão nào quật ngã, chim muông sẽ đến dưới tán lá trú ngụ và bạn sẽ không còn cảm thấy chông chênh…”
Lời giải:
Các hình ảnh được sử dụng trong câu cuối của văn bản là hình ảnh ẩn dụ: cây cao có tán lá sum suê và bộ rễ vững chãi, cơn bão, chim muông sẽ đến dưới tán lá trú ngụ.
Hình ảnh cây cao có tán lá sum suê là hình ảnh của một con người trưởng thành về cả thể xác lẫn tinh thần; bộ rễ vững chãi là tượng trưng cho con người có nền tảng tri thức vững chắc và vốn sống dồi dào, khả năng thích nghi cao với cuộc sống. Hình ảnh của những cơn bão là hình ảnh của những chông gai, khó khăn và thử thách còn hình ảnh chim muông sẽ đến dưới lá trú ngụ là tượng trưng cho con người trưởng thành sẽ trở thành điểm tựa của những người xung quanh và có cuộc sống hạnh phúc.
Tóm lại, nội dung của câu văn cuối là: Khi con người trưởng thành và có nền tảng sống vững chãi, những khó khăn sẽ chẳng thể nào quật ngã chúng ta, ta sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc hơn và không còn cảm thấy chênh vênh, lạc lõng, vô định nữa
Câu 3. Anh/ chị hiểu câu “vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành” như thế nào?
Lời giải:
Câu “vâng lời hay ngoan ngoãn không có nghĩa là trưởng thành” chính là một lời khẳng định cho việc trưởng thành chính là việc thay đổi nhận thức và hành động sao cho chín chắn và nghĩ cho tương lai, tự chủ, tự lập trong quyết định của cuộc đời. Còn việc vâng lời và ngoan ngoãn là những biểu hiện của trưởng thành chứ chưa thể hiện sự trưởng thành hoàn toàn. Những đứa trẻ vâng lời và ngoan ngoãn chính là bước đầu của sự trưởng thành vì chúng biết những lời cha mẹ dạy dỗ là tốt cho chúng
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành hay không? Vì sao?
Lời giải:
Em hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Trên thực tế, tùy vào hoàn cảnh sống và điều kiện sống của mỗi người, có những người có ý thức trưởng thành từ rất sớm hoặc cũng có những người chỉ lớn về thể xác mà thôi. Những tác động của môi trường sống khác nhau sẽ có những tác động khác nhau đến sự trưởng thành và tốc độ trưởng thành của mỗi cá nhân. Thể xác không phản ánh được điều gì về trưởng thành vì trưởng thành chính là sự thay đổi về nhận thức và tâm hồn. Tuy nhiên, con người càng phải tiếp xúc và đương đầu với những thử thách cuộc sống càng sớm sẽ càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn những người luôn được bao bọc, chở che và đi trên con đường thuận lợi.
Câu 5. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa sự trưởng thành của con người trong cuộc sống.
Lời giải:
Trong cuộc sống, sự trưởng thành đối với con người chính là một dấu mốc quan trọng. Thật vậy, sự trưởng thành của 1 người chủ yếu là qua sự chín chắn về mặt tinh thần, chứ không đơn thuần là sự lớn lên về xác thịt bên ngoài. Đầu tiên, sự trưởng thành của một con người được biểu hiện bằng sự ý thức những trách nhiệm và bổn phận mình cần đảm đương trong tương lai. Khi ta còn nhỏ, ta thường sống những ngày vô lo, vô nghĩ và chẳng cần phải chịu trách nhiệm với ai. Nhưng khi ta trưởng thành, việc này đồng nghĩa rằng chúng ta có những trách nhiệm với gia đình, với công việc, với quê hương và với cả bản thân mình nữa. Sống buông tuồng, vô trách nhiệm, không chăm lo cho gia đình cũng như bản thân đều là biểu hiện của sự chưa trưởng thành và chín chắn. Thứ hai, sự trưởng thàn được biểu hiện bằng việc chúng ta nhận ra được chúng ta đã từng trẻ con và ngây thơ đến như thế nào trong quá khứ. Người lớn sẽ không còn giữ được sự hồn nhiên như ngày còn thơ bé và khi ta lớn, ta sẽ có sự so sánh với những ngày xưa và thấy được rằng mình đã từng có quãng thời gian trưởng thành và trở nên chín chắn đến như thế nào. Cuối cùng, sự trưởng thành còn được biểu hiện bằng việc chúng ta dũng cảm đối mặt với những nỗi sợ của bản thân thay vì né tránh như hồi ngày xưa. Chấp nhận, đối diện với những khó khăn, chẳng sợ thất bại và cứ tiến lên phái trước vì những mục tiêu cao cả chính là tâm niệm của những người trưởng thành mong muốn mình có cuộc sống tốt hơn. Hơn nữa, quá trình trưởng thành chính là quá trình hoàn thiện bản thân dần dần, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Tóm lại, sự trưởng thành không được thể hiện bạn ở độ tuổi bao nhiêu mà miễn khi đầu óc chúng ta trở nên chín chắn thì là lúc chúng ta trưởng thành.
*********
Trên đây là 5 Đề đọc hiểu Sống như ngày mai sẽ chết có đáp án chi tiết. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo dục