Giáo dụcLớp 8

Đề đọc hiểu Một bữa no có đáp án chi tiết (Ngữ Văn 8)

2 Đề đọc hiểu Một bữa no có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn và tổng hợp từ các đề thi học kì môn Ngữ Văn 8 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em nắm chắc kiến thức trong quá trình ôn luyện và trả lời đúng các câu hỏi trong kì thi sắp tới.

Đề đọc hiểu Một bữa no có đáp án chi tiết (Ngữ Văn 8)
Đề đọc hiểu Một bữa no có đáp án chi tiết (Ngữ Văn 8)

Đề đọc hiểu Một bữa no (Nam Cao) – Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ đưọc một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi.

Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã vội vàng đi lấy chồng ngay, nó đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải làm còm cọm, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?

Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.”

(Trích Một bữa no, Tuyển tập Nam Cao, NXB Thời đại,1943)

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích? Ngôi kể của văn bản?

Lời giải:

Các phương thức biểu đạt sử dụng trong đoạn trích: tự sự, miêu tả & biểu cảm

Ngôi kể thứ 3

Câu 2. Nhân vật chính trong văn bản là ai?

Lời giải:

Nhân vật chính trong văn bản là bà lão

Câu 3. Trong đoạn trích, hoàn cảnh của bà lão được miêu tả qua những chi tiết nào?

Lời giải:

Hoàn cảnh của bà lão được miêu tả qua những chi tiết:

  • Chồng chết khi con bà lọt lòng, thắt lưng buộc bụng nuôi con nhưng con chết trước mình.
  • Phải nuôi đứa cháu của con trai mình với người vợ vô ơn một mình.
  • Không trông cậy được gì con cháu, một thân một mình già nua nuôi cháu gái.

Câu 4. Nêu tâm trạng của bà lão khi mà ông trời “còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh” trong đoạn trích.

Lời giải:

Tâm trạng của bà lão khi ông trời “còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh” trong đoạn trích: “Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ”. Nỗi lo lắng, sợ hãi cứ bủa vây trong tâm trí bà

Câu 5. Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao.

Lời giải:

Có thể nói rằng nhà Văn Nam cao là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật . Nam Cao có những phát hiện tinh tế, những miêu tả và nhận xét xác đáng mặc dù chỉ qua những chi tiết rất nhỏ. Ngòi bút của Nam Cao đã đi sâu vào những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn, của những diễn biến tâm lí phức tạp

Câu 6. Cảm nhận của em về bà lão trong văn bản.

Lời giải:

Có thể thấy rằng trong tác phẩm “Một Bữa No”, Nam Cao đã xây dựng nhân vật người bà luôn gặp những vận rủi trong cuộc sống. Đó là kiếp sống khốn khổ, đắm chìm trong ự tăm tối. Bà sớm góa bụa, một mình gà mái nuôi con nhưng niềm ni vọng duy nhất ấy cũng sớm vụt tắt. Đứa con mà bấy lâu bà chăm lo cũng vội vàng bỏ lại bà mà ra đi. Tưởng như sự đau khổ chỉ dừng tới thế nhưng dường như định mệnh vẫn không buông tha cho bà. Cuộc sống của người đàn bà ấy khốn khổ vô cùng. Qua đó ta thấy được sự xót xa, thương cảm của nhà văn Nam Cao và chính độc giả về kiếp người ấy.

Đề đọc hiểu Một bữa no (Nam Cao) – Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói. Bởi thế bà lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói: những lúc đói, trí người ta sáng suốt. Có lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi…”

(Trích Một bữa no, Nam Cao, “Tuyển tập Nam Cao tập I”, NXB Văn học 1993)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của trích đoạn nêu trên là gì?

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là tự sự

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích?

Lời giải:

Đoạn trích miêu tả sự đói khổ đến không còn miếng ăn của nhân vật bà lão, từ hết tiền đến phải đi ăn xin, phải đem con ra hờ, phải khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Qua đó thể hiện nỗi xót xa trước tình cảnh khốn cùng, quẫn bách của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Câu 3. Em hãy tìm một trường từ vựng có trong đoạn trích nêu trên. Hãy đặt tên cho trường từ vựng mà em đã tìm được?

Lời giải:

Trường từ vựng về thời gian: ba tháng, mỗi sáng, mấy hôm nay, suốt đêm, gần sáng

Câu 4. Kể tên một văn bản em đã học trong chương trình Ngữ văn 8 nói về số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8; cho biết tên tác giả, năm sáng tác và thể loại của văn bản em vừa kể tên?

Lời giải:

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trích trong tác phẩm”Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, sáng tác năm 1937 thuộc thể loại truyện ngắn.

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích trên kết hợp với sự hiểu biết của em về một số văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8, em hãy nêu suy nghĩ của mình về số phận người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 (trình bày thành một đoạn văn từ 5 đến 7 câu).

Lời giải:

Bài mẫu 1:

Người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám không chỉ chịu nỗi đau khổ về vật chất mà còn phải chịu sự hành hạ về tinh thần. Họ chịu sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân cũ, họ bị đẩy vào bước đường cùng, bị ức hiếp, bị chà đạp và vùi dập. Như chị Dậu bị đẩy vào bước đường cùng của nghèo đói, phải bán con, bán chó để lấy tiền nộp sưu thuế cho chồng, lão Hạc phải bán chó trong ân hận và tự kết liễu cuộc đời mình, cũng vì đói nghèo mà mẹ bé Hồng phải đi tha hương cầu thực, phải để em ở lại quê nhà dưới bao dèm pha của họ hàng. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì những người nông dân ấy vẫn giữ tấm lòng chan chứa yêu thuownh, lương thiện và giàu tự trọng.

Bài mẫu 2:

Người nông dân trong xã hội cũ thật đáng thương. Họ bị bóc lột bị đối xử tàn nhẫn. Họ là nạn nhân của sự bóc lột, nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của những hủ tục lạc hậu, của những tăm tối đói nghèo. Thân phận họ thường được ví như con còn, con sâu, cái kiến bé mọn, chịu bao áp bức bất công. Mặc dù vậy, họ vẫn mang trong mình phẩm chất tốt đẹp: hiền lành, thật thà, lương thiện….Họ ước mơ tha thiết về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên gia đình

****************

Bạn đang xem: Đề đọc hiểu Một bữa no có đáp án chi tiết (Ngữ Văn 8)

Trên đây là 2 bộ đề Một bữa no có đáp án chi tiết. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập thật tốt để bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em luôn đạt điểm cao trong các bài thi nhé.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button