Giáo dục

3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết

Nụ cười xuân đọc hiểu

3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ 3 đề Nụ cười xuân đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.

3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết
3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nụ cười xuân

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nụ cười xuân của Xuân Diệu chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên bài thơ này nằm trong tập Thơ thơ. Theo một số tài liệu thì tập Thơ Thơ được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1938, NXB Ðời nay nhưng bài thơ Nụ cười xuân thì lại được xuất bản vào 1971, NXB Sống mới.

Nội dung bài thơ Nụ cười xuân

Bài thơ Nụ cười xuân là một bức tranh xuân tươi tắn màu sắc, rộn rã âm thanh, hài hoà, tình tứ như một nụ cười duyên. Bài thơ là sự kết hợp giữa cảm hứng yêu đời và tư tưởng nhân sinh của Xuân Diệu. Qua đó thể hiện khát vọng đợi chờ một tình yêu, đồng thời cũng là khát vọng của nhà thơ về một cuộc sống hạnh phúc muôn màu.

Bố cục bài thơ Nụ cười xuân

Bố cục bài thơ Nụ cười xuân của Xuân Diệu có thể được chia thành 5 đoạn.

Đoạn 1: Từ đầu đến “kết những nụ cười tươi”

Đoạn 2: Tiếp theo đến “cành mai sát nhánh đào”

Đoạn 3: Tiếp theo đến “mùi hương mến yêu”

Đoạn 4: Tiếp theo đến “lòng ai thấy nặng nề…”

Đoạn 5: Phần còn lại

Nghệ thuật bài thơ Nụ cười xuân

  • Bài thơ Nụ cười xuân được viết theo thể thơ 7 chữ. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm kết hợp miêu tả.
  • Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
  • Sử dụng ngôn ngữ đa dạng, sinh động mang đến cảm nhận về nhựa sống ứa căng, chảy tràn trong từng cơ thể sự vật.

Đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) – Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Nụ cười xuân – Xuân Diệu

(1) Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui,

Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.

Bạn đang xem: 3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết

Sao buổi đầu xuân êm ái thế!

Cánh hồng kết những nụ cười tươi.

(2) Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao,

Cây vàng rung nắng , lá xôn xao;

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai sát nhánh đào.

(3) Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều

Bên màu hoa mới thắm như kêu;

Nỗi gì âu yếm qua không khí

Như thoảng đưa mùi hương mến yêu.

(Trích Nụ cười xuân, Xuân Diệu)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ (1).

Lời giải:

Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ (1): ánh ỏi tiếng chim vui, sương chói ánh mặt trời, xuân êm ái..

Câu 3. Nêu tác dụng biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong hai dòng thơ sau:

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai sát nhánh đào.

Lời giải:

– Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Gió thơm.

– Tác dụng:

+ Làn gió vốn được cảm nhận bằng xúc giác, trong hai dòng thơ, được tác giả cảm nhận bằng khứu giác – Gió thơm. Đó là mùi hương riêng biệt, đặc trưng của những làn gió xuân, thể hiện được liên tưởng bất ngờ, thú vị của thi sĩ.

+ Giúp cho câu thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm, hấp dẫn.

Câu 4. Nhận xét ngắn gọn vẻ đẹp tâm hồn của tác giả qua đoạn trích trên.

Lời giải:

Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của tác giả trong đoạn trích:

– Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, đắm say, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân.

– Tình yêu nồng nàn với thiên nhiên, với cuộc sống.

Câu 5. Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò của tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Lời giải:

Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo là vô vàn những áp lực trong cuộc sống. Thế nên tinh thần lạc quan càng quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Tinh thần lạc quan là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh, có suy nghĩ tích cực trước mọi sự việc và tình huống trong cuộc sống. Tinh thần lạc quan giúp con người sống vui vẻ, nhẹ nhàng, thanh thản và tận hưởng được nhiều vẻ đẹp của cuộc sống; sống lạc quan còn giúp chúng ta tránh khỏi những muộn phiền, lo âu trước những khó khăn, thử thách và đạt được thành công, đồng thời còn lan tỏa năng lượng tích cực cho người khác, góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp.

Đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) – Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Nụ cười xuân – Xuân Diệu

(1) Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui,

Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.

Sao buổi đầu xuân êm ái thế!

Cánh hồng kết những nụ cười tươi.

(2) Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao,

Cây vàng rung nắng , lá xôn xao;

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai sát nhánh đào.

(3) Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều

Bên màu hoa mới thắm như kêu;

Nỗi gì âu yếm qua không khí

Như thoảng đưa mùi hương mến yêu.

(Trích Nụ cười xuân, Xuân Diệu)

Câu 1: Hình ảnh liễu trong hai câu thơ sau của Xuân Diệu có điểm tương đồng hay khác biệt, hãy chỉ ra cụ thể:

Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều

Và:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang.

Lời giải:

Hình ảnh liễu trong hai câu thơ sau của Xuân Diệu Có nét khác biệt. Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều gợi lên vẻ đẹp tươi tắn, mĩ miều, đầy sức sống của liễu. Còn câu Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang lại đem đến những cảm nhận về vẻ buồn bã, thê lương của liễu.

Câu 2: Các từ, “âu yếm”, “mến yêu” trong hai câu thơ sau cho em hiểu điều gì về mối quan hệ giữa các sự vật trong thiên nhiên:

Nỗi gì âu yếm qua không khí

Như thoảng đưa mùi hương mến yêu

Lời giải:

Từ “âu yếm”, “mến yêu” trong hai câu thơ trên khiến người đọc hình dung cảnh vật trong thế giới tự nhiên như đang trong mối quan hệ yêu đương. Cảnh cũng quấn quýt, giao tình như đôi lứa vậy. Như vậy dưới đôi mắt đa tình của Xuân Diệu, cảnh vô tri bỗng trở nên hữu tình, hữu ý. Không khí cũng như giăng mắc tình yêu, mùi hương cũng như biết đưa tình..

Câu 3: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên mùa xuân được miêu tả trong đoạn trích trên.

Lời giải:

Bức tranh xuân trong bài thơ mang vẻ đẹp của sự tươi tắn, đáng yêu, tràn đầy sức sống. Cảnh lần lượt hiện lên trong từng câu từng dòng, hình ảnh nọ tiếp nối hình ảnh kia như mạch chảy bất tận. Không chỉ sinh động, bộn bề, cảnh còn chan hòa ánh sáng, rộn rã âm thanh và tràn đầy sinh khí. Các từ ánh ỏi, chói, êm ái, trùm, rung, xôn xao, tươi, thơm, thắm.. mang đến cảm nhận về nhựa sống ứa căng, chảy tràn trong từng cơ thể sự vật.

Câu 4. Liệt kê các hình ảnh, từ ngữ miêu tả khung cảnh mùa xuân trong khổ 1. Đó là khung cảnh như thế nào?

Lời giải:

Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ (1) : Ánh ỏi, tiếng chim vui, sương, chói ánh mặt trời, xuân êm ái..

Đó là bức tranh đẹp, rộn rã, tươi tắn, tràn đầy sức sống.

Câu 5. Em hiểu như thế nào về nội dung câu thơ:

Cánh hồng kết những nụ cười tươi.

Lời giải:

Câu thơ Miêu tả vẻ đẹp tươi tắn của những bông hoa hồng: Những bông hoa khoe sắc rạng rỡ như nụ cười vậy. Hình ảnh những cánh hồng vì thế góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp đầy sức sống của mùa xuân.

Câu 6. Qua bài thơ trên, hãy lí giải tại sao Xuân Diệu được gọi là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới?

Lời giải:

Xuân Diệu được gọi là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới vì:

– Nội dung cảm xúc thơ mới mẻ: Thoát li khỏi cái buồn rầu, ảo não của thơ cùng thời, thơ Xuân Diệu thể hiện vẻ đẹp tươi tắn, tràn trề của cuộc sống và tâm hồn rạo rực, đắm say yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời của thi sĩ.

– Cái mới trong sự cách tân nghệ thuật: Thể thơ tự do, ngôn từ phong phú, sáng tạo, hình ảnh độc đáo, mới lạ – ảnh hưởng của thơ phương Tây rất rõ..

Đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) – Đề trắc nghiệm

Chọn 1 đáp án đúng:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

A. Thất ngôn bát cú

B. Lục bát

C. Bảy chữ

D. Tám chữ

Câu 2. Hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên là:

A. Tự sự, nghị luận

B. Biểu cảm, miêu tả

C. Tự sự, thuyết minh

D. Biểu cảm, hành chính công vụ.

Câu 3. Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ (1) là:

A. Tiếng chim vui, chói mặt trời, nụ cười tươi, thiếu nữ

B. Tiếng chim vui, chói mặt trời, cánh hồng, thiếu nữ

C. Tiếng chim vui, chói mặt trời, cánh hồng, sương.

D. Tiếng chim vui, chói mặt trời, ánh sáng, cánh hồng.

Câu 4. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau là biện pháp gì:

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai sát nhánh đào.

A. Nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

B. Phép đối, liệt kê

C. So sánh, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

D. Nói giảm nói tránh, hoán dụ.

Câu 5. Giọng điệu của bài thơ là:

A. Buồn man mác

B. Buồn thê lương

C. Da khiết, khắc khoải

D. Vui tươi, rộn rã

Câu 6. Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể trữ tình ở các phương diện nào?

A. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, cuộc sống.

B. Tâm hồn trong sáng, thánh thiện, luôn hướng đến những điều tốt đẹp.

C. Tâm hồn lạc quan, luôn hướng đến tương lai tươi sáng

D. Tâm hồn nồng hậu, ấm áp, giàu tình yêu thương.

Câu 7. Cảnh mùa xuân trong bài thơ trên với cảnh mùa xuân trong những câu thơ sau có điểm gì tương đồng?

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần..

A. Đều đẹp thanh sơ, dịu nhẹ, yên bình nhưng gợi buồn.

B. Đều hoang sơ, lạnh lẽo, đìu hiu

C. Đều hùng vĩ, tráng lệ,

D. Đều sinh động, tươi vui, đầy sức sống

Câu 8. Đề tài của đoạn trích trên là:

A. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân và cảm xúc của thi nhân

B. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân và nỗi niềm u uất của tác giả

C. Bức tranh cuộc sống sinh hoạt làng quê

D. Vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Câu 9. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là:

A. Mùa xuân

B. Tiếng chim

C. Thiếu nữ

D. Giấu mình, không xuất hiện

Câu 10. Sự sáng tạo về phương diện từ ngữ của tác giả thể hiện rõ nhất qua từ nào trong khổ 1:

A. Ánh ỏi

B. Chói

C. Êm ái

D. Kết

Câu 11. Câu thơ Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao sử dụng biện pháp tu từ nào sau đây:

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Đối lập, tương phản

D. Cường điệu phóng đại.

Câu 12. Hình ảnh “ánh sáng ôm trùm” gợi lên ánh sáng mùa xuân như thế nào?

A. Ánh sáng chói lòa, gay gắt

B. Ánh sáng yếu ớt, sắp tàn

C. Ánh sáng le lói, thưa thớt

D. Ánh sáng tràn ngập khắp nơi.

Câu 13. Dòng nào không phải là tác dụng của biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu: Gió thơm phơ phất bay vô ý

A. Tạo ấn tượng về mùi thơm của hương trong gió

B. Tạo liên tưởng bất ngờ, thú vị

C. Làm cho câu thơ thêm cân xứng, hài hòa

D. Giúp câu thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm, hấp dẫn.

Câu 14. Dòng nào không nêu lên vẻ đẹp tâm hồn Xuân Diệu thể hiện trong bài thơ

A. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm: Quan sát, lắng nghe những trạng thái tinh vi của cảnh vật

B. Tâm hồn nhân hậu, vị tha, hướng đến những điều đẹp đẽ, cao cả

C. Tâm hồn dạt dào cảm xúc: Say đắm, ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân

D. Tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống đắm say, mãnh liệt.

*******

Trên đây là 3 Đề đọc hiểu Nụ cười xuân (Xuân Diệu) có đáp án chi tiết do thầy cô biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button