Giáo dụcLớp 10

2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết

2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ 2 đề Một đời như kẻ tìm đường đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.

2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết
2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường – Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm. Làm việc gì cũng được, đi đâu cũng đặng nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều. Và “nhiều” không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững. Hạnh phúc ở đâu nay tôi đã biết. Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc được lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi, chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có.

Suốt cuộc đời tìm đường, tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách, vô cùng gian nan. Tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm thấy quyền thế bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh. Tôi đã tìm thấy được sự no ấm khi miệt mài tạo ra giá trị cho xã hội. Và may mắn thay, tôi đã tìm được chính mình bằng cách tặng trọn bản thân cho xã hội. Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm.

(Theo Phan Văn Trường, Một đời như kẻ đi tìm đường, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 2020, Tr 406).

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Xác định thao tác lập luận?

Lời giải:

Thao tác lập luận: Phân tích, bình luận

Câu 3: Xác định phong cách ngôn ngữ?

Lời giải:

Phong cách ngôn ngữ: Chính luận

Câu 4: Theo văn bản, hạnh phúc bền vững lấy gốc từ đâu?

Lời giải:

Theo văn bản, hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc được lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi, chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có.

Câu 5: Phân tích hiệu quả của biện pháp điệp được sử dụng trong đoạn sau:

“Tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm thấy quyền thế bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh. Tôi đã tìm thấy được sự no ấm khi miệt mài tạo ra giá trị cho xã hội.”

Lời giải:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích:

Điệp cấu trúc:

“Tôi đã tìm thấy…. “

– Tác dụng

+ Nhấn mạnh những giá trị mà tác giả đã tìm được trên hành trình cuộc sống của mình khi vượt qua gian nan, trao trọn trái tim, tạo ra hạnh phúc cho những người xung quanh…

+ Làm tăng sức hấp dẫn, thuyết phục cho lời văn

+ Tác giả khẳng định và mong muốn mọi người luôn mạnh mẽ, vững vàng trong cuộc sống.

Câu 6: Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau văn bản là gì?

Lời giải:

Trong văn bản em thích nhất thông điệp: “Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình tìm.”

Bởi vì:

+ Thông điệp này cho em nhận thức được ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống. Chúng ta cần tích cực trao đi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.Khi ấy, mình sẽ nhận lại được thứ mình mong muốn. Thiết nghĩ, thông điệp không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi mà còn giá trị với tất cả mọi người

Câu 7: Nêu suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống.

Lời giải:

Vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống:

– Giải thích:

Trải nghiệm là quá trình trực tiếp, chứng kiến, tham gia vào sự việc, tình huống nào đó trong cuộc sống để đạt được tri thức, kinh nghiệm; tích lũy tri thức và vốn sống.

– Vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống:

  • Trải nghiệm giúp ta khám phá cuộc sống, thấy được sắc màu lung linh, đa dạng của cuộc sống từ đó thêm yêu và trân trọng những gì đang có.
  • Trải nghiệm mang lại kiến thức và trải nghiệm thực tế;
  • Trải nghiệm giúp chúng ta nhanh chóng trưởng thành trong cách nghĩ và cách sống, bồi đắp tình cảm và tâm hồn,
  • Trải nghiêm giúp mỗi người gắn bó và cống hiến hết mình cho đời, cho đất nước.
  • Trải nghiệm giúp mỗi người khám phá bản thân để có những lựa chọn đúng đắn và sáng suốt cho tương lai.
  • Trải nghiệm giúp mỗi người dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết vượt qua trở ngại, rèn luyện bản lĩnh, ý chí vươn tới thành công.

Đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường – Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tự học trước nhất là tập quan sát việc làm của người khác, để chính mình rút tỉa bài học và cách làm để thành công. Tự học là biết tạo điều kiện để mời các vị có nhiều kinh nghiệm chịu chia sẻ cho mình nghe những bí quyết, hoặc cách nhìn một vấn đề. Những người này có thể là gia đình, có thể là những người ngoài xã hội. Tự học là biết tìm ra giải pháp cho những vấn đề mình gặp bằng cách tham khảo sách hoặc các tài liệu trên mạng. Trong các loại sách có sách chuyên môn, có sách về văn hóa tổng hợp. Chỉ sách mới là người bạn có đủ nhẫn nại đi theo mình, mỗi khi mình cần. Chỉ sách mới cho phép mình so sánh các giải pháp theo từng thời đại. Chỉ sách mới cho mình cơ hội làm bạn với các tác giả sống trên thế gian này cách đây hàng nghìn năm, chia sẻ tư duy và góc nhìn của họ. Chỉ sách mới cho phép mình tìm lại gốc rễ của mỗi vấn đề, mỗi hiện tượng.

Tự học cũng là cách để trau dồi văn hóa, cải thiện bản thân, và đây là điểm mà các đối tác sẽ đánh giá mình. Văn hoá cao sẽ mở mọi cánh cửa. Tự học còn là tự cho mình nhiều kỹ năng mới, như nắm bắt ngoại ngữ, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng của những nghề tay chân.

Có bao nhiêu thầy cũng không thay thế được việc tự học. Thầy và sách bổ sung cho nhau. Thầy có thể hướng dẫn, nhưng chỉ sách mới là bạn đồng hành vừa súc tích, vừa trung thành. Một trăm phần trăm vĩ nhân là những người có khả năng tự học cao và có một điểm chung là đọc rất nhiều sách trên nhiều chuyên môn, địa hạt khác nhau.

(Trích Một đời như kẻ tìm đường, Phan Văn Trường, NXB Trẻ, 2022, tr.366-367)

Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn trích?

Lời giải:

Phương thức biểu đạt của đoạn trích: Nghị luận

Câu 2: Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép điệp được sử dụng trong lời văn sau: “Chỉ sách mới là người bạn có đủ nhẫn nại đi theo mình, mỗi khi mình cần. Chỉ sách mới cho phép mình so sánh các giải pháp theo từng thời đại. Chỉ sách mới cho mình cơ hội làm bạn với các tác giả sống trên thế gian này cách đây hàng nghìn năm, chia sẻ tư duy và góc nhìn của họ. Chỉ sách mới cho phép mình tìm lại gốc rễ của mỗi vấn đề, mỗi hiện tượng

Lời giải:

Nghệ thuật của phép điệp được sử dụng trong lời văn làm giúp làm nổi bật, khẳng định được vai trò của sách. Sách giúp ta rất nhiều thứ, biến ta thành người có hiểu biết và học được cách sống có ý trong cuộc sống này.

Câu 3: Qua đoạn trích trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Lời giải:

Qua đoạn trích trên đã giáo dục cho em thấy được vai trò của việc tự học, tự trau dồi thêm nhiều kiến thức cho bản thân mình. Học sẽ giúp mình thành công hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm để mỗi ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó luôn có một người bạn đồng hành cùng quá trình tự học của bản thân đó là sách. Sách luôn mang trong mình những kiến thức mới lạ, vô biên mà ta chưa được biết tới. Nó là tiền đề giúp quá trình tự học của bản thân có hiệu quả hơn.

Đọc hiểu văn bản Một đời như kẻ tìm đường

Tìm hiểu về tác giả Phan Văn Trường

– Phan Văn Trường sinh ngày 27 tháng 07 năm 1946. Nguyên quán: Làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

– Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007.

Tìm hiểu về tác giả Một đời như kẻ tìm đường

I. Tìm hiểu chung

1. Thể loại: Văn bản nghị luận

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

– Một đời như kẻ tìm đường được trích từ cuốn sách cùng tên của tác giả Phan Văn Trường. Cuốn sách là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú của một người đã đi khắp thế giới, trải qua rất nhiều vị trí nghề nghiệp, am hiểu cả văn hóa phương Đông và phương Tây và đặc biệt luôn có tinh thần tận hiến. Cuốn sách cũng là lời nhắn nhủ tha thiết và đầy tin yêu của ông dành cho thế hệ trẻ Việt Nam.

3. Phương thức biểu đạt: Tự sự

4. Tóm tắt:

– Văn bản “Một đời như kẻ tìm đường” của Phan Văn Trường đã gửi gắm những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời. Dù đặt trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải bước tiếp và đưa ra sự lựa chọn của mình và bất kì con đường nào cũng có lối ra, đi đường nào cũng có thể thành công bởi hạnh phúc nằm ngay trên chính con đường mà ta đã chọn.

5. Bố cục

Chia văn bản làm 3 đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu đến “khó đưa ra hơn rất nhiều”: Những quyết định đầu tiên trong cuộc đời nhân vật “tôi”

– Đoạn 2: Tiếp theo đến “nẻo đường đã đi qua”: Hành trình dài vô tận trong mối quan hệ giữa lựa chọn và số phận.

– Đoạn 3: Còn lại: Dù lựa chọn con đường nào cũng nên hết lòng, hết sức.

6. Giá trị nội dung:

– Văn bản gửi gắm những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời.

7. Giá trị nghệ thuật:

– Lời kể chân thực sinh động, chân thật

– Các lí lẽ dẫn chứng đưa ra đầy tính thuyết phục.

– Giọng điệu đầy suy tư, trải nghiệm và tự tin khi cuối cùng, tác giả đã nhận ra con đường đúng đắn của cuộc đời mình.

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Ý nghĩa nhan đề

– Nhan đề của bài viết là Một đời như kẻ tìm đường.

→ Việc tìm đường đã cho tác giả hiểu ra được giá trị cốt lõi của cuộc sống không phải nằm ở con đường mà là ở tận hiến.

2. Mục đích văn bản

– Mục đích của bài viết nhằm gửi gắm đến bạn đọc thông điệp hãy trân trọng những giá trị mà chúng ta đạt được trên hành trình cuộc đời: mỗi người đều đang là một kẻ tìm đường, tìm kiếm thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, thành công và hạnh phúc không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi mà nằm ở những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã qua.

3. Quan điểm chính của tác giả

– Quan điểm chính của tác giả: Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm

– Quan điểm ấy đã được triển khai qua hệ thống lí lẽ chặt chẽ khi tác giả chia sẻ về những lựa chọn của con người trên đường đời:

+ Cuộc đời của mỗi chúng ta có thể ví như một con đường với hàng ngàn khúc quanh, đến khúc quanh nào chúng ta cũng bắt buộc phải có những lựa chọn.

+ Cuộc đời dù tiến hay lùi, vẫn phải tiếp tục bước đi.

+ Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào rồi cũng có khả năng đạt hạnh phúc, vì hạnh phúc và thành công không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi, mà vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như vào những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã đi qua.

+ Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm.

– Hệ thông bằng chứng chân thực, xác đáng: đó là câu chuyện lựa chọn ngành học của tác giả với ba mẹ, là những trải nghiệm nghề nghiệp của chính tác giả.

4. Bài học, thông điệp rút ra

– Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào rồi cũng có khả năng đạt hạnh phúc, vì hạnh phúc và thành công không tùy thuộc vào con đường chúng ta đi, mà vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã qua.

– Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn có.

Một đời như kẻ tìm đường đọc hiểu

Câu 1. Theo bạn, mục đích của bài viết này là gì?

Mục đích: Tự chiêm nghiệm và đúc rút những bài học cuộc đời từ trải nghiệm của mình; Chia sẻ thông điệp về cuộc sống, kêu gọi một lối sống tích cực, trên tinh thần cống hiến.

Câu 2. Xác định quan điểm chính của tác giả trong bài viết này. Quan điểm ấy đã được triển khai qua hệ thống lí lẽ và bằng chứng như thế nào?

* Quan điểm chính của tác giả trong bài viết này: Chẳng có đường để tìm. Làm gì cũng được, đi đâu cũng đặng nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều.

* Hệ thống lí lẽ, dẫn chứng:

– Lí lẽ:

  • Cuộc đời của chúng ta như một con đường với hàng ngàn khúc quanh… tương lai của chúng ta.
  • Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào cũng có khả năng hạnh phúc… những nẻo đường đã đi qua.

– Bằng chứng:

  • Tốt nghiệp kĩ sư nhưng chưa bao giờ mơ làm kĩ sư.
  • Chưa bao giờ mơ đến quyền lực, nhưng cuộc đời nghề nghiệp đưa vào những vị trí quyền lực trên cả năm châu.
  • Tốt nghiệp kĩ sư cầu đường nhưng chưa từng làm một cây cầu, một con đường.
  • Tư vấn về kinh tế và dạy kinh tế trong trường đại học, nhưng chưa bao giờ học kinh tế.
  • Làm chuyên gia quy hoạch vùng và chỉnh trang lãnh thổ, một môn hoàn toàn xa lạ.
  • Làm nghề buôn bán những nhà máy điện khổng lồ tuy chưa bao giờ học về điện lực.
  • Đã lãnh đạo doanh nghiệp đường sắt, mê-trô và cao tốc trong khi trước đó chưa có chút ý niệm gì về kĩ nghệ giao thông.
  • Chủ trì một tập đoàn làm nghề lọc nước và phân phối nước lọc cho các đô thị từ nước sống, trong khi chưa bao giờ bước chân vào môn hóa.
  • Sinh ra làm người Vệt nhưng suốt cuộc đời nghề nghiệp lại tại vị ở nước ngoài.
  • Nắm vững tiếng Pháp thì cuộc đời lại đưa đẩy sang làm việc ở xứ nói tiếng Anh, thậm chí tiếng Bồ Đào Nha.

Câu 3. Chỉ ra các yếu tố tự sự, biểu cảm và phân tích tác dụng của chúng trong văn bản.

– Các yếu tố tự sự được thể hiện qua việc kể lại những sự việc đã xảy ra trong cuộc đời của tác giả: “năm mười bốn tuổi”, “tôi sang Pháp năm mười bảy tuổi”, “suốt cuộc đời tìm đường”…

– Các yếu tố biểu cảm được thể hiện trong đoạn phân tích, ngẫm nghĩ của tác giả, ví dụ “tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim”, “tôi đã tìm được quyền thế bằng cách”…

=> Tác dụng: Tạo ra một câu chuyện sống động, giúp tô đậm những trải nghiệm phong phú mà tác giả từng trải qua, gia tăng sức thuyết phục luận điểm. Khơi gợi được sự đồng cảm của người đọc, truyền tới người đọc cảm hứng sống mạnh mẽ, niềm tin vào bản thân, vào những giá trị tốt đẹp…

Câu 4. Nhan đề của bài viết là Một đời như kẻ tìm đường. Nhưng trong bài viết, tác giả lại nói: “Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm”. Liệu tác giả có tự mâu thuẫn với chính mình hay không? Phải chăng việc tìm đường là một việc không có nhiều ý nghĩa?

– Nhan đề của bài viết là “Một đời như kẻ tìm đường”. Nhưng trong bài viết, tác giả lại nói: “Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm”. Điều này không mâu thuẫn với nhau.

– Tìm đường là một việc làm có ý nghĩa, ý nghĩa ở quá trình tìm kiếm hay chính là tìm định hướng cho cuộc sống.

Câu 5. Hãy nêu một luận điểm trong bài viết trên mà bạn thấy tâm đắc hoặc còn băn khoăn. Lí do nào khiến bạn thấy luận điểm ấy thuyết phục mình hay làm bạn muốn đối thoại với tác giả?

– Gợi ý: Cuộc đời của chúng ta như một con đường với hàng ngàn khúc quanh, đến khúc quanh nào chúng ta cũng bắt buộc phải có những lựa chọn dù những lựa chọn đó chưa chắc đã là cuộc đời tương lai của chúng ta.

– Nguyên nhân: Luận điểm đúng đắn, thuyết phục, được chứng minh trong thực tế cuộc sống và bản thân đã trải qua.

Câu 6. Từ bài thơ Con đường không chọn và bài viết Một đời như kẻ tìm đường, bạn suy nghĩ gì về những lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống?

Những lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ. Chúng ta cần suy nghĩ kĩ lưỡng để đưa ra những lựa chọn đúng đắn, phù hợp để không phải thấy hối hận hay tiếc nuối.

Câu 7. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Một đời như kẻ tìm đường?

Giá trị nội dung:

Văn bản gửi gắm những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời.

Giá trị nghệ thuật:

– Lời kể chân thực sinh động, chân thật

– Các lí lẽ dẫn chứng đưa ra đầy tính thuyết phục.

– Giọng điệu đầy suy tư, trải nghiệm và tự tin khi cuối cùng, tác giả đã nhận ra con đường đúng đắn của cuộc đời mình.

Câu 8. Nội dung chính của văn bản Một đời như kẻ tìm đường?

Văn bản Một đời như kẻ tìm đường là những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời. Văn bản đã gửi gắm thông điệp: mỗi người hãy dũng cảm lựa chọn con đường cuộc đời cho chính mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải bước tiếp, đi đường nào cũng có thể thành công bởi hạnh phúc nằm ngay trên chính con đường mà ta đã chọn.

*****

Bạn đang xem: 2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết

Trên đây là 2 Đề đọc hiểu Một đời như kẻ tìm đường có đáp án chi tiết. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button