Giáo dục

Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023 dành cho thiếu nhi

Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023 dành cho thiếu nhi được thầy cô trường THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn. Hy vọng sẽ giúp các em hoàn thành tốt bài thi của mình với kết quả đáng mong đợi nhất. Cuộc sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính dành cho thiếu nhi năm 2023 diễn ra từ ngày 22/2/2023 đến hết ngày 31/5/2023 (tính theo dấu bưu điện).

Các phụ huynh có thể xem Thể lệ cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023 dành cho thiếu nhi

Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023

Câu 1: Đất nước Việt Nam giàu đẹp với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Em hãy sắp sếp các mẫu tem phong cảnh sau đây theo thứ tự từ Bắc vào Nam.

Đất nước Việt Nam giàu đẹp với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Em hãy sắp sếp các mẫu tem phong cảnh sau đây theo thứ tự từ Bắc vào Nam

Trả lời:

Với bộ tem trên chúng ta có thể sắp xếp các mẫu tem theo thứ tự từ Bắc vào Nam như sau:

  • Đền vua Đinh Tiên Hoàng (Cố Đô Hoa Lư)
  • Ngọ Môn (Huế)
  • Phong cảnh Gia Lai
  • Phong cảnh Bình Thuận
  • Chợ Bến Thành Tp HCM
  • Đất Mũi – Cà Mau

Câu 2: Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được thể hiện sinh động trên nhiều mẫu tem. Các mẫu tem sau đây gợi cho em về sự kiện?…

ruyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được thể hiện sinh động trên nhiều mẫu tem. Các mẫu tem sau đây gợi cho em về sự kiện?

Trả lời:

5 mẫu tem trên đây gợi cho em về các sự kiện sau:

  • Mẫu tem số 1: Kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944-22/12/1984 với hình ảnh quân đội Việt Nam tiến vào Dinh Độc lập.
  • Mẫu tem số 2: Hội Đống Đa – Kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
  • Mẫu tem số 3: Kỷ niệm 700 năm chiến thắng giặc Nguyên – Mông (1288-1988) gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng của dân tộc.
  • Mẫu tem số 4: Gợi nhớ đến ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc 2/9/1945.
  • Mẫu tem số 5: Gợi nhớ đến chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954.

Câu 3: Em biết gì về các thắng cảnh thể hiện trên các mẫu tem sau? (Mỗi địa danh không quá 1 trang A4)

Em biết gì về các thắng cảnh thể hiện trên các mẫu tem sau? (Mỗi địa danh không quá 1 trang A4)

Trả lời:

Trong câu hỏi số 3 của cuộc thi Tem bưu chính 2023 bao gồm các con tem in các địa danh sau:

  1. Đỉnh Fansipan
  2. Vịnh Hạ Long
  3. Hang Bi Ký (Động Phong Nha Kẻ Bàng)
  4. Vịnh Nha Trang và Tháp bà Ponagar

Sau đây là một số thông tin tìm hiểu về các địa danh trên:

Tìm hiểu về Đỉnh Fansipan

Fansipan là đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm ở biên giới tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. Về mặt hành chính, đỉnh Fansipan thuộc địa giới của cả huyện Tam Đường (Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai), cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam. Chiều cao của đỉnh núi đo đạc vào năm 1909 là 3143 m, tuy vậy theo số liệu mới nhất của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 6 năm 2019, đỉnh núi cao 3147,3 m.

Đây cũng là điểm cao nhất của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) nên Fansipan còn được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”.

Các nhà khoa học ước tính ngọn núi có niên đại 250 triệu năm tuổi. Sự đa dạng của hệ động thực vật khiến những nơi này trở nên lý tưởng cho du lịch sinh thái. Hơn 2000 loài thực vật nhiệt đới phát triển ở đây. Nhiều người trong số chúng là của hiếm thực sự. Hơn 60 loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Một phần tư các loài thực vật đặc hữu chỉ có thể được tìm thấy ở đây. Trên núi, các nhà sinh vật học đã phát hiện ra những loài nấm lâu đời nhất. Một số mẫu vật nặng tới 6 kg.

Thế giới động vật cũng không kém phần đa dạng. Các loài động vật có vú và bò sát sinh sống tại đây rất phong phú và đa dạng. Có khoảng 60 loài động vật có vú và bò sát, 347 loài chim, 40 loài động vật lưỡng cư. Các loài quý hiếm bao gồm vượn có mào, vượn có bờm và khỉ. Tại đây, bạn còn có thể nhìn thấy tận mắt loài chim hồng hoàng với chiếc mỏ khổng lồ màu cam.

Trước đây, người ta chỉ có thể chinh phục ngọn núi bằng cách đi bộ, nhưng vào năm 2016, một tuyến cáp treo đã được đưa vào hoạt động. Điều này giúp cho chuyến đi của du khách dễ dàng hơn rất nhiều.

Tìm hiểu về vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là vùng biển đảo được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông và 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc với diện tích 1.553km² gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên), trong đó 90% là đảo đá vôi. Phía Bắc và Tây Bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ thị xã Quảng Yên, qua thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn; phía Đông Nam và phía Nam giáp bờ Tây Vịnh Bắc Bộ, phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Vịnh Hạ Long bao gồm cả vịnh Bái Tử Long. Vịnh Bái Tử Long có giá trị tương đồng với khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử.

Khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.

Hạ Long có nghĩa là “Rồng xuống”. Từ trước thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam, chủ yếu được biết đến với tên gọi Giao Châu, Lục Thủy, An Bang, An Quảng, Hải Đông, Hoa Phong, Nghiêu Phong …. Đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp vẽ về vịnh Bắc Bộ và trên một số bài báo bằng chữ tiếng Pháp, chữ tiếng Việt.

Tìm hiểu về hang Bi Ký – Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Bi Ký là một trong những hang có nhiều ký tự cổ khắc trên đá. Nơi đây còn là một trong những hang có thạch nhũ tuyệt đẹp vào bậc nhất ở Phong Nha, có giá trị thẩm mỹ và dành được sự ưu ái của thiên nhiên nhiều nhất.

Hang bi ký dài khoảng 130m và rộng như một hội trường lớn, phía dưới là một lớp cát mịn làm nền, có lẽ vì vậy mà hang Bi Ký còn có tên là hang Hội Trường. Nơi đây còn là một trong những hang có thạch nhũ tuyệt đẹp vào bậc nhất ở Phong Nha, có giá trị thẩm mỹ và dành được sự ưu ái của thiên nhiên nhiều nhất.

Tìm hiểu về vịnh Nha Trang và Tháp bà Ponagar

Vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Từ tháng 6-2003, vịnh Nha Trang là thành viên của câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.

Vịnh Nha Trang rộng khoảng 507km2, nằm ở trung tâm tỉnh Khánh Hòa, có 19 đảo lớn nhỏ bao quanh. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, vịnh Nha Trang hội tụ đầy đủ các yếu tố: núi non, sông biển, đầm phá, hải đảo, đồng ruộng, làng quê, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Vịnh Nha Trang có khí hậu tốt, quanh năm tràn ngập ánh nắng, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 26oC. Là một quần thể thiên nhiên đặc sắc hiếm thấy, với những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vịnh Nha Trang đã trở thành ngôi nhà chung của các loài động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, là vùng đa dạng sinh học biển. Vịnh Nha Trang không chỉ hiền hòa về sóng biển, xanh, sạch đẹp về môi trường mà còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Hòn Chồng, Bãi Trũ và các đảo: Hòn Tre, Bích Đầm, Hòn Mun, Hòn Tằm… là những địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hòn Tre là đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang, nằm che chắn ngoài khơi nên vịnh Nha Trang kín gió và sóng êm.

Tháp bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ). Tháp được xây dựng trong khoảng từ thế kỉ thứ 8 đến hết thế kỉ thứ 13. Đây là thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang trong giai đoạn cực thịnh tại vương quốc Chămpa cổ.

Đây là ngôi tháp đầu tiên được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ để thờ nữ vương Jagadharma. Đến thời Prithi thì tòa tháp được dựng lại bằng vật liệu cứng và thờ nữ thần Bhagavati. Năm 774, quân Nam Đảo (Indonesia) vào cướp phá. Đền Ponagar bị quân Nam Đảo phá hủy, sau đó được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch. Năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay, nhưng cũng đã bị hủy hoại một phần đáng kể. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III. Đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa.

Tên gọi của tháp được đặt theo tên của một vị nữ vương là Po Ina Nagar. Đây là vị thần tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Đồng thời cũng là vị thần tạo dựng nên sự sống và dạy dỗ con dân lao động mưu sinh trong đời sống hằng ngày. Tên gọi “Tháp Bà Ponagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này. Nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét.

Tháp Bà nằm trên ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10 – 12 mét so với mặt nước biển tại cửa sông Cái. Tháp nằm trên đường Hai Tháng Tư, tại Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hoà. Với điều kiện giao thông thuận lợi, Du khách có thể ghé thăm Tháp Bà, với đặc điểm nhận dạng từ xa “không lẫn vào đâu được”.

Câu 4: Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di sản của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam. Em hãy cho biết đó là những di sản nào?

Trả lời:

Dưới đây là 08 Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh mà đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam:

1. Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003)

Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003)

Nhã nhạc là âm nhạc cung đình thời phong kiến, được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại (lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần…).

Được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn, nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.

Ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005)

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005)

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà Rông mới…

Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

3. Dân ca quan họ Bắc Ninh (năm 2009)

Tem bưu chính Dân ca quan họ Bắc Ninh (năm 2009)

Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm.

Quan họ được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Ca trù (năm 2009)

Tem bưu chính Ca trù (năm 2009)

Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt.

Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.

Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

5. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (năm 2012)

​Bộ tem Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (năm 2012)

Từ hàng nghìn năm qua, người Việt Nam đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ của dân tộc. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

6. Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013)

Tem Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013)

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng và sự biến hóa theo cảm xúc của người thực hành trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bản nhạc cổ.

Ngày 5/12/2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

7. Nghi lễ và trò chơi kéo co (năm 2015)

Tem Nghi lễ và trò chơi kéo co (năm 2015)

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.

Ngày 2/12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

8. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (năm 2016)

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (năm 2016)

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Câu 5: Em hãy sử dụng một số mẫu tem kèm thuyết minh ngắn gọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam.

Trả lời:

Bài mẫu 1: Thuyết minh về Đạo Phật

Thuyết minh về Đạo Phật

Đạo Phật vốn phát triển ở nước ta từ hơn nghìn năm trước. Trải qua thời gian, phật giáo có sự gắn kết chặt chẽ với đời sống tâm linh con người, hòa quyện trong dòng lịch sử và văn hóa của đất nước. Ngoài việc mang lại cho con người tinh thần từ bi, lối sống tố đẹp, phật giáo còn để lại những di tích chùa chiền hết sức độc đáo, có giá trị tinh thần to lớn. Một trong những công trình xây dựng nổi tiếng nhất đó là Chùa Một Cột, một di tích cổ ở Hà Nội ngày nay.

Chùa Một Cột hay Chùa Mật, Nhất Trụ tháp, Diên Hựu tự. Chùa còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài vì có kiến trúc trong như một đóa hoa sen nở giữa hồ nước. Chùa Một Cột nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, thuộc quần thể di tích lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Việt Nam.

Bộ tem chùa Một Cột đầu tiên phát hành ngày 22-12-1957 gồm 2 mẫu giống hình, khác màu, đồng giá 150đ. Đặc biệt, đây là tem sự vụ dùng trong hành chính nhà nước. Chùa Một Cột còn được giới thiệu trên các mẫu: tem 369 năm 1964, tem 603 năm 1968, tem 1925 năm 1988, tem 3077 năm 2000, tem 3241 năm 2002 và 2 tem giá mặt 2.000đ, 3.000đ phát hành năm 2012…

Về kiến trúc, Chùa Một Cột đạt đến đỉnh cao kiến trúc thời bấy giờ. Nhiều nhà nghiên cứu còn thấy rằng tỉ lệ các bộ phận của chùa tuân thủ tỉ lệ vàng, một tỉ lệ chuẩn mực của kiến trúc đến hoàn hảo.

Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, ngoài ra biểu tượng Chùa Một Cột còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam. Tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phiên bản Chùa Một Cột. Ngoài ra, tại thủ đô Moskva của Nga cũng có một phiên bản Chùa Một Cột được xây lắp tại Tổ hợp Trung tâm Văn hóa – Thương mại và Khách sạn “Hà Nội – Matxcova”.Chùa còn là biểu tượng cao quý thoát tục của con người Việt Nam.

Bài mẫu 2: Thuyết minh bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)”

Thuyết minh bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)”

Nhằm giới thiệu một di tích kiến trúc lịch sử nơi địa đầu Tổ quốc, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ (Quảng Ninh), ngày 12/7/2018. Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phát hành bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)” gồm 01 mẫu tem.

Mẫu tem được thiết kế khắc họa toàn cảnh ngôi đình, chính diện với cổng trụ cùng màu sắc ấm áp trên nền lượn sóng biểu đạt vùng non nước kiêu hùng nơi địa đầu Tổ quốc.

Khuôn khổ tem: 46×30 mm. Bộ tem do họa sỹ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ Tem có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 12/7/2018 đến ngày 31/12/2019.

Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm Quang Thuận thứ hai (năm 1461) dưới triều vua Lê Thánh Tông thuộc phái Nam phường Trà Cổ ngày nay. Đình Trà Cổ được giới chuyên môn đánh giá là một trong nhũng ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, của thời gian và những lần trùng tu lớn, ngôi đình hiện tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1000 m2. Đình mang đặc trưng kiến trúc cổ kiểu chữ đinh, gồm 05 gian, 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung với kết cấu khung gỗ liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Các cây cột trụ trong đình đều bằng gỗ lim (48 cây). Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng chạm khắc chữ hán, đối diện nhau. Một bên là ‘Nam Sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), một bên là “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài).

Vẻ đẹp của ngôi đình không chỉ ở sự bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới mà còn tạo ấn tượng từ các vì kèo với đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo nhưng không kém phần sống động. Đình Trà Cổ vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật giá trị như các đỉnh hương đồng, long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, các đạo sắc phong, hạc cưỡi rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng…

Năm 1974, Đình Trà Cổ được xếp hạng là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Cùng với chùa Nam Thọ, chùa Vạn Linh Khánh, nhà thờ Trà Cổ, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ… Đình Trà Cổ đã tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp làm cho trung tâm du lịch Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mọi miền.

Bài mẫu 3: Thuyết minh bộ tem “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam”

Thuyết minh bộ tem “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam”

Ngày 16/01/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem phổ thông “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam” giới thiệu Chùa Một Cột, chùa Keo, chùa Cầu là những công trình kiến trúc cổ đặc trưng của Việt Nam, được xây dựng dưới thời kỳ phong kiến, được thay màu đổi giá thành 6 mẫu tem với các giá mặt lần lượt là 2.000 đồng, 3.000 đồng, 3.500 đồng, 4.500 đồng, 6.500 đồng và 10.500 đồng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các công trình vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc độc đáo vốn có của chúng. Hình ảnh 3 ngôi chùa được tái hiện sinh động trên tem theo phương pháp vẽ chải nét, một phương pháp thiết kế độc đáo, giúp phô bày các đường nét kiến trúc tinh xảo của các công trình kiến trúc cổ Việt Nam.

Chùa Một cột

Chùa Một Cột còn được gọi với những cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hay Liên Hoa Đài.

Theo sử xưa, chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào mùa đông năm 1049. Tổ chức Kỉ lục Châu Á đã xác nhận chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” năm 2012. Kỉ lục Guiness Việt Nam cũng ghi nhận chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.

Chùa Keo Thái Bình

Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự”, tọa lạc trên bờ sông Thái Bình tại làng Keo nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân gian còn gọi ngôi chùa ở Thái Bình là Keo trên, phân biệt với chùa Keo dưới ở Nam Định, theo dòng chảy của con sông. Ngôi chùa Keo ngày nay được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam (có nghĩa là kiến trúc bên trong theo hình chữ Công, bên ngoài theo hình chữ Quốc). Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng. Trong khuôn viên chùa có 3 hồ lớn gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội và hai hồ phía sau dãy hành lang đông và tây.

Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu là một cây cầu được người Nhật xây dựng cách đây 400 năm. Dù chỉ là một cây cầu gỗ dài 18m uốn cong qua con rạch chảy vào sông Hoài, nhưng với kiến trúc độc đáo mang dáng dấp của một ngôi chùa, Chùa Cầu đã trở thành một công trình đặc sắc, di sản văn hóa Phù Tang duy nhất trên đất Việt Nam.

Chùa Cầu còn có tên là Lai Kiều Viễn, hay Cầu Nhật Bản, nhưng thường được gọi là Chùa Cầu, tức là cây cầu theo kiểu ngôi chùa. Trong quá khứ, bên cạnh chức năng điều tiết giao thông, Chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng bao đời của người dân phố cổ, là điểm hẹn phân xử tranh chấp buôn bán ở thương cảng Hội An. Ngày nay, Chùa Cầu trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới.

Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia vào năm 1990; và hình ảnh Chùa Cầu đang xuất hiện trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam.

************

Trên đây là Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023 dành cho thiếu nhi do thầy cô biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hoàn thành tốt bài dự thi của mình.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button