Văn mẫu 10

Dàn ý thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

[Văn mẫu 10] Dàn ý thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn, tham khảo hướng dẫn của THPT Ngô Thì Nhậm để chuẩn bị cho tiết viết bài tập làm văn số 4.

Tham khảo dàn ý thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tổng hợp để nắm được cách làm đề bài này, qua đó hoàn thành tốt bài viết số 4.

Cùng tham khảo em nhé!

Đề bài: Thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn.

Dàn ý thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

1. Mở bài:

– Hiện nay, có hiện tượng HS ngại học văn vì cho rằng đây là môn học khó và khổ. Nguyên nhân là do các bạn chưa tự rút ra cho mình những kinh nghiệm cần thiết cho môn học.

– “Nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại” là một kinh nghiệm giúp bạn có thể chiếm lĩnh được môn học và ngày càng yêu thích, say mê văn chương.

2. Thân bài:

– Mô tả lại quá trình trải nghiệm của bản thân để có được kinh nghiệm đó:

+ Mỗi nhà văn trong sáng tác đều tuân theo lí thuyết về đặc trưng thể loại. Có 3 phương thức sáng tác: tự sự, trữ tình, kịch. Mỗi phương thức có cách chiếm lĩnh đời sống và phương tiện nghệ thuật riêng biệt.

+ Khi học bài trên lớp hay trong quá trình dạy, giáo viên đều hướng dẫn HS tìm hiểu theo đặc trưng thể loại của tác phẩm. Ví dụ tìm hiểu tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, thầy cô sẽ hướng dẫn chúng ta tìm hiểu từ tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ…

+ Việc soạn bài, tìm hiểu tác phẩm trước ở nhà cũng trên cơ sở các câu hỏi về đặc trưng thể loại đó. Khi soạn truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày”, HS sẽ được hướng dẫn soạn từ kịch tính của màn kịch, từ nghệ thuật gây cười mà suy ra tính cách nhân vật.

– Phổ biến kinh nghiệm:

+ Quan niệm: nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại là dựa vào thể loại để tìm hiểu tác phẩm. Từ đó làm định hướng cho việc tìm ý và làm văn (thuyết minh, nghị luận, biểu cảm…).

+ Muốn vậy, trước hết ta phải nắm chắc kiến thức về thể loại tác phẩm. Khi học phần văn học dân gian ở học kì I, ta phải nắm được thế nào là sử thi, thế nào là ca dao, thế nào là truyện cười… Khi học phần văn học trung đại, phải nắm được thế nào là phú, thế nào là hịch, cáo, chiếu, biểu.

+ Sau đó, căn cứ vào đặc trưng thể loại, ta sẽ tìm hiểu nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Rồi từ đó vận dụng vào làm văn.

Ví dụ: khi tìm hiểu những đoạn trích trong sử thi “Đăm Săn”, ta phải nắm được đặc trưng của sử thi anh hùng. Về nội dung: Sử thi anh hùng chủ yếu ca ngợi những nhân vật anh hùng có nhiều chiến công trong lãnh đạo cộng đồng thị tộc làm ăn sản xuất hay chiến đấu chống kẻ xâm chiếm cộng đồng. Về nghệ thuật, sử thi anh hùng thường dùng nhiều so sánh, phóng đại, trùng điệp, ngôn ngữ giàu tính hình tượng… Căn cứ vào kiến thức về thể loại đó, khi học và tìm hiểu đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”, ta phải tìm hiểu hai nội dung trọng tâm: thứ nhất, đó là vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn trong trận giao chiến với Mtao Mxây (hành động, sức mạnh, lời nói, phẩm chất anh hùng); thứ hai, là sinh hoạt của cả cộng đồng trong lễ ăn mừng chiến thắng. Ngoài ra, còn phải chú trọng phân tích nghệ thuật so sánh, phóng đại, trùng điệp trong miêu tả.

+ Cuối cùng, mô hình hóa cách nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại thành đề cương ôn tập để làm tư liệu vận dụng ôn thi hay làm văn. Chẳng hạn, khi ôn tập, chúng ta sẽ phân loại tác phẩm theo thể loại (tự sự, trữ tình) để ôn. Ở các tác phẩm truyện, cần nắm được hình tượng thơ, tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu…

– Đánh giá, vận dụng:

+ Kinh nghiệm nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại sẽ giúp chúng ta phát huy được tính tích cực, chủ động của mình trong việc học.

+ Thúc đẩy quá trình tự học, tự lĩnh hội kiến thức và làm chủ kiến thức với chiếc chìa khóa hữu hiệu trong tay.

+ Vận dụng kinh nghiệm đó sẽ giúp HS chúng ta nắm được tác phẩm một cách dễ dàng và đặc biệt khi làm văn không lung túng, lạc đề.

3. Kết bài:

Môn Ngữ văn là bộ môn có tính nghệ thuật kết hợp với tính khoa học cao. Rút được kinh nghiệm học văn và làm văn tốt sẽ giúp cho chúng ta khám phá được những bí ẩn của văn chương. “Nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại” là một trong những kinh nghiệm như thế.

Bài văn mẫu thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

Văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người từ xưa đến nay. Từ khi lọt lòng, ta đã nghe bà, nghe mẹ ầu ơ những câu ca dao, những câu chuyện cổ tích thần kì. Lớn hơn thì chúng ta đắm chìm trong những vần thơ, lời văn của những thi sĩ nổi danh Việt Nam cũng như thế giới. Bước ra ngoài cuộc sống, ta chạm ngõ tới văn chương trong giao tiếp, tức là lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đi đâu, văn chương cũng luôn gắn bó mật thiết với đời sống con người. Ấy vậy, mà ngày nay có không ít bạn trẻ đang tỏ ra thờ ơ, chán nản và dần từ bỏ môn ngữ văn. Vì vậy, mình muốn chia sẻ chút kinh nghiệm học văn mà mình đúc rút được.

Trước tiên, chúng ta cần nâng cao ý thức tự học. Đây là yếu tố tiên quyết cần thiết đối với môn ngữ văn nói riêng và tất cả các bộ môn học khác nói chung. Vậy tự học môn văn là tự học những gì? Trước hết, chúng ta cần tự học thông qua các nguồn kiến thức phong phú, tổng hợp khác nhau như sách giáo khoa, mạng xã hội,… Bạn cần khai thác kĩ trong sách giáo khoa. Bao giờ trong sách giáo khoa cũng có hai phần bạn nên chú ý, đó là mục Kết quả cần đạt và Ghi nhớ. Ở đây bạn sẽ xác định được kiến thức trọng tâm bạn cần học là gì. Về văn xuôi, chúng ta nhất định phải nắm đc diễn biến câu chuyện, cách kể và giọng điệu của nhà văn, nhân vật trung tâm và những chi tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật trung tâm đó.Về thơ, cần phải nắm được cảm hứng chủ đạo của thơ, kết cấu cảm hứng của bài thơ, đoạn thơ, những chi tiết, hình ảnh mà nhà thơ sử dụng để bộc lộ cảm xúc. Về kịch, phải nắm được những mâu thuẫn, xung đột, các lời thoại quan trong… Từ các chi tiết nghệ thuật ấy, tìm ra tư tưởng và tình cảm mà nhà văn gửi gắm cũng như tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Dựa vào đó bạn sẽ xây dựng kiến thức trọng tâm của bài học, kết hợp với phần giảng và cho ghi của thầy cô ở trên lớp để hoàn thiện. Khi đã xác định đầy đủ kiến thức cơ bản, sử dụng các câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa để tìm hiểu kiến thức, bạn tiến hành tìm hiểu các tài liệu bên ngoài. Sách tham khảo, internet là lựa chọn tiếp theo của bạn. Hiện nay có một thực trạng là có quá nhiều sách tham khảo, quá nhiều trang điện tử về môn văn, mà rất khó kiểm soát được. Để mua được những cuốn sách tốt, chúng ta nên nhờ thầy cô có uy tín giới thiệu. Khi THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo, chúng ta không nên “bê” nguyên một bài viết của người khác vào làm bài của mình. Những người cầm bút nên nhớ không bao giờ được Đạo Văn. Đọc sách tham khảo không phải chỉ để chép mà còn để xem cách thức làm bài, triển khai vấn đề …

Thứ hai là chúng ta cần tự học trong kĩ năng viết bạn, có nghĩa là cần tích cực, chăm chỉ rèn luyện khả năng viết cho trôi chảy, màu sắc hơn. Nhiều người luôn cho rằng, việc viết văn là năng khiếu. Điều này đúng một phần, nhưng việc chăm chỉ luyện viết cũng góp phần nâng cao khả năng viết lách rất nhiều cho người học. Trước tiên là phải nắm được dạng đề, bởi một dạng đề có cách triển khai khác nhau. Hiện nay đa số các bạn sẽ học và thi ở dạng văn nghị luận, nên sẽ chú tâm vào dạng văn này. Bạn tìm hiểu thật kĩ các kiểu văn nghị luận, bố cục, dàn ý bài văn nghị luận, các thao tác nghị luận, lập luận… Sau đó, bạn tìm cách đọc những bài văn mẫu. Việc đọc văn mẫu giúp ích cho bạn rất nhiều trong cách triển khai, tổ chức bố cục, diễn đạt, hành văn trong bài viết. Tiếp tục là bạn phải tự mình tập viết những đoạn văn ngắn, những bài văn nhỏ. Khi mới tập không được viết cái gì quá lớn, quà dài sẽ dễ gây tâm lý chán nản. Khi tập bạn nên bắt đầu bằng những cái dễ, sau đó mới đến những cái khó. Chỉ cần dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để luyện tập, có lẽ không phải là điều quá khó với bất cứ ai. Vì vậy, đừng ngại ngần mà hãy bắt tay vào thực hiện luôn.

Ngoài ra, còn một yếu tố cũng quan trọng không kém việc tự học đó là cần chọn giáo viên sao cho phù hợp với bản thân người học. Nếu được thầy cô giỏi, tâm huyết giảng dạy và hướng dẫn, chúng ta sẽ vẫn thấy văn học hấp dẫn và thú vị hơn, hiểu vấn đề sâu sắc hơn.

Học văn không quá khó,nó hoàn toàn dựa vào sự chăm chỉ, nỗ lực và hứng thú của bạn với bộ môn này. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, khả năng hay ngại ngần một điều gì, hãy bắt tay vào học văn một các hiệu quả ngay lúc này để cải thiện khả năng học tập và giao tiếp của bản thân.

>> Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

************

Từ dàn ý thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn mà THPT Ngô Thì Nhậm đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button