Văn mẫu 10

Dàn ý phân tích Tựa Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương

[Văn mẫu 10] Dàn ý phân tích Tựa Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương, tham khảo dàn ý chi tiết cùng bài văn mẫu chọn lọc phân tích bài tựa của Hoàng Đức Lương.

Tham khảo dàn ý phân tích Tựa Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tổng hợp, qua đó nắm được lí do tuyển chọn và quá trình tuyển chọn, đồng thời thể hiện niềm tự hào và sự trân trọng cùng ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc.

Đề bài: Phân tích Tựa Trích diễm thi của Hoàng Đức Lương.

Dàn ý phân tích Tựa Trích diễm thi của Hoàng Đức Lương

1. Mở bài:

– Bài Tựa Trích diễm thi tập do tác giả Hoàng Đức Lương tự viết cho công trình sưu tầm những bài thơ có giá trị từ thời Trần tới thời Lê của mình. Tuyển tập này được in thành sách dưới thời Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông.

– Qua bài Tựa, tác giả nói rõ lí do tuyển chọn và quá trình tuyển chọn; đồng thời thể hiện niềm tự hào và sự trân trọng cùng ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc của bản thân.

2. Thân bài:

* Bố cục bài viết gồm hai đoạn:

+ Đoạn 1: Từ đầu… đến không rách nát tan tành: Những nguyên nhân khiến cho thơ ca không được lưu truyền rộng rãi.

+ Đoạn 2. Phần còn lại: Tác giả trình bày lí do và lược thuật quá trình biên soạn cuốn sách; giới thiệu tóm tắt nội dung Trích diễm thi tập.

* Thế nào là một bài Tựa ?

– Tựa là bài viết thường được đặt ở đầu cuốn sách nhằm mục đích giới thiệu mục đích, nội dung, quá trình hình thành và kết cấu của cuốn sách. Bài Tựa có thể do tác giả tự viết mà cũng có thể do một người nào đó có uy tín hoặc mến mộ tác giả, tác phẩm mà viết.

– Bài Tựa Trích diễm thi tập ngoài những yếu tố trên còn cung cấp cho người đọc đôi nét về thời đại và quan niệm văn chương của tác giả.

* Những nguyên nhân khiến cho thơ ca không được lưu truyền rộng rãi:

Tác giả chỉ ra bốn nguyên nhân:

– Nguyên nhân thứ nhất: Chỉ thi nhân mới nhận thấy và hiểu được cái hay cái đẹp của thơ ca. Mà trong xã hội thì thi nhân rất ít.

– Nguyên nhân thứ hai: Nhiều người có học nhưng ít người để ý tới thơ ca.

– Nguyên nhân thứ ba: Người quan tâm tới thơ ca thi lại không đù năng lực và tính kiên trì để sưu tầm và giới thiệu.

– Nguyên nhân thứ tư: Chính sách quản lí in ấn của triều đình quá nghiêm ngặt.

– Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan là thời gian và chiến tranh huỷ hoại và làm thất lạc khá nhiều sách vở.

Tác giả trình bày lí do biên soạn sách; thuật lại quá trình hoàn thành cuốn Trích diễm thi tập; giới thiệu nội dung về kết cấu của tác phẩm.

+ Cuốn sách ra đời không phải do ý muốn chủ quan của tác giả mả là do yêu cầu của thời đại.

– Tác giả trình bày thực trạng của di sản thơ ca tiếng Việt lúc bấy giờ là rất đáng buồn

– Tác giả bộc lộ tâm trạng đau xót của mình trước thực trạng đáng buồn ấy. Từ đó dành tâm huyết vào việc sưu tầm thơ ca, tuyển chọn thành cuốn Trích diễm thi tập.

– Tác giả thuật lại quá trình làm cuốn sách này: Việc sưu tầm hết sức khó khăn vì thư tịch cũ không còn, tác giả phải nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát, tìm tòi thu lượm khắp nơi… Ngoài ra, tác giả còn sưu tầm thêm thơ ca của các vị quan đương triều rồi phân loại ra làm sáu quyển, gồm hai phần: phần chính là thơ ca từ thời Trần đến đầu thời Lê; phần phụ lục là một số bài thơ do chính tác giả sáng tác với mục đích dùng dể làm sách dạy trong gia đình. Thái độ của tác giả là chân thành và khiêm tốn.

– Mục đích của tác giả rất đúng đắn. ông mong rằng sau khi cuốn Trích diễm thơ tập ra đời, rồi những người thích bình phẩm thơ ca sẽ đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy.

3. Kết bài:

– Bài Tựa Trích diễm thi tập được tác giả trình bày một cách rõ ràng, lôgíc và dễ hiểu.

– Cái tâm và cái tài của Hoàng Đức Lương đã đóng góp thiết thực vào việc bảo tồn di sản thơ ca dân tộc. Cuốn Trích diễm thi tập xứng đáng là một công trình văn học – có giá trị, tôn vinh nền văn hoá lâu đời của quốc gia Đại Việt.

Bài văn mẫu phân tích Tựa Trích diễm thi của Hoàng Đức Lương

Bài Tựa Trích diễm thi tập do tác giả Hoàng Đức Lương tự viết cho công trình sưu tầm những bài thơ có giá trị từ thời Trần đến thời Lê của mình. Đây là tuyển tập thờ gồm 6 quyển, ra đời sớm nhất ở nước ta và đã được khắc ván in thành sách dưới thời Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông trị vì.

Qua bài Tựa, tác giả nói rõ về quá trình tuyển chọn những bài thơ hay và thể hiện niềm tự hào, sự trân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc của bản thân.

Bố cục bài Tựa có thể chia làm hai đoạn:

Đoạn 1 : Từ đầu đến… không rách nát tan tành: Những nguyên nhân khiến cho thơ ca không được lưu truyền rộng rãi.

Đoạn 2: Phần còn lại: Tác giả trình bày lí do biên soạn sách; thuật lại quá trình hoàn thành cuốn Trích diễm thi tập, giới thiệu sơ lược nội dung và kết cấu của cuốn sách.

Muốn hiểu được văn bản này, trước hết chúng ta phải tìm hiểu bài Tựa là gì?

Tựa là bài viết thường được đặt ở đầu cuốn sách nhằm giới thiệu mục đích, nội dung, quá trình hình thành và kết cấu của cuốn sách. Bài Tựa có thể do tác giả tự viết, cũng có thể do một ai đó vì yêu quý, mến mộ tác giả, tác phẩm mà viết. Cuối bài Tựa thường ghi họ tên, chức tước của người viết và ngày tháng, địa điểm viết, phần này gọi là lạc khoản. Ngoài các nội dung trên, riêng bài Tựa cuốn Trích diễm thi tập còn cho biết đôi nét về thời đại, về quan niệm văn chương của tác giả.

Lời văn trong bài Tựa có tính chất thuyết minh, có sự kết hợp giữa nghị luận với tự sự và mang đậm sắc thái trữ tình.

Phần thứ nhất: Nguyên nhân khiến thớ ca các thời đại trước thế kỉ XV không được lưu truyền lại đầy đủ.

Tác giả Hoàng Đức Lương cho rằng: sở dĩ thơ văn không được lưu truyền rộng rãi bởi sáu lí do, trong đó có bốn lí do chủ quan và hai lí do khách quan. Bốn lí do chủ quan là:

Lí do thứ nhất: Chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca. Tác giả lấy một ví dụ cụ thể là đối với miếng ăn ngon, hay một tấm vải đẹp (gấm vóc), thì người thường cũng nhận biết, thưởng thức được vị ngon và vẻ đẹp. Nhưng đối với thơ ca được ví như sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Ông khẳng định thơ ca là sản phẩm tinh thần rất đặc biệt, chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi, vì thế làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Lí do thứ hai: Nhiều người có học nhưng lại ít ai để ý đến thơ ca. Thơ ca của các tác giả thời Lí, Trần đã góp phần tô đẹp nền văn hiến Đại Việt, nhưng các bậc danh nho làm quan to vì bận rộn công việc triều đình mà không rỗi thì giờ để biên tập; còn các quan viên cấp thấp vì lận đận lo về khoa trương nên không để ý, khiến thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Lí do thứ ba : Người quan tâm đến thơ ca thì lại không đủ năng lực và tính kiên trì. Cũng có người đã từng sưu tập thơ ca, nhưng vì thấy trách nhiệm nặng nề, rồi lượng sức mình yếu kém nên bỏ dở, khiến thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Lí do thứ tư: Chính sách quản lí in ấn của triều đình quá ngặt nghèo. Chỉ nhà chùa mới được tự do khắc ván in kinh sách, còn các nhà Nho, nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành, khiến thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Hoàng Đức Lương đã sử dụng phép liệt kê và phép quy nạp trong lập luận để thuyết minh và giải thích bốn nguyên nhân khiến thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Ngoài bốn lí do chủ quan nêu trên còn có hai ũ do khách quan là: Thời gian làm hủy hoại sách vở và binh lửa (chiến tranh, hỏa hoạn,…) làm tiêu hủy thư tịch.

Thời gian trôi qua đã quá lâu cộng thêm nạn binh lửa làm cho các văn bản bị tiêu hủy. Tác giả so sánh và nhấn mạnh bằng những hình ảnh có sức gợi cảm lớn : bền như đá như vàng, lại được quỷ thần phù hộ, cũng còn tan nát trôi chìm. Huống chi bản thảo sót lại, tờ giấy mỏng manh để trong cái níp cái hòm, trải qua mấy lần binh lửa, thì còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành ?

Điều mà Hoàng Đức Lương gọi là trải qua bao cơn binh lữa là điều có thật. Đời Trần, năm 1371, quân Chiêm Thành có lần đánh chiếm ra tới Thăng Long, đã đốt phá, cướp bóc lấy đi nhiều giấy tờ, sách vở. Quân Minh năm 1407, khi sang xâm lược nước ta đã nhận được đạo chỉ cửa Minh Thành Tổ (hoàng đế triều Minh) về việc đốt phá, cướp bóc tất cả các di tích văn hóa, lịch sử ở nước ta như bia, kí, sách vở nói chung. Trừ kinh sách của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại sách ghi chép ca lí dân gian hay sách dạy trẻ cũng bị đốt hết. Những bia đá do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì chúng đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do nước Nam dựng thì chúng phá hủy tất cả.

Sáu lí do trên dẫn đến một thực trạng đau xót, làm tổn thương đến lòng tự tôn, tự hào dân tộc của tác giả.

Phần thứ hai: Trình bày lí do biên soạn sách; thuật lại quá trình hoàn thành Trích diễm thi tập; giới thiệu nội dung và kết cấu của tác phẩm.

Hoàng Đức Lương không trình bày lí do này ngay ở phần mở đầu mà ông lại đặt xuống sau phần một là vì muốn đưa người đọc đến nhận thức rằng: Trích diễm thi tập ra đời không phải do ý muốn chủ quan của tác giả, mà là do yêu cầu của thời đại. Vì thế nên tác giả trình bày thực trạng tình hình di sản thơ ca Việt Nam thời bấy giờ trước, sau đó mới trình bày lí do biên soạn:

Đức Lương này học làm thơ, chỉ trồng vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được. Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ. Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao.

Tác giả bộc lộ tâm trạng đau xót của mình trước hiện trạng đáng buồn của đất nước. Từ những suy ngẫm tâm huyết như trên, tác giả đã bắt tay vào sưu tầm thơ ca, tuyển chọn thành cuốn Trích diễm thi tập.

Hoàng Đức Lương thuật lại quá trình làm cuốn sách này và giới thiệu sơ lược về nội dung, kết cấu của cuốn sách. Việc sưu tầm thơ ca hết sức khó khăn, vất vả. Trước hết, các thư tịch cũ không còn, tác giả phải nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát, tìm tòi khắp nơi, thu lượm thêm thơ ca của các vị hiện đang làm quan trong triều rồi phân loại và chia thành sáu quyển, gồm hai phần: phần chính là thơ ca của các tác giả từ thời Trần đến đầu thời Lê ; phần Phụ lục là một số bài thơ do tác giả sáng tác với mục đích là để làm sách dạy trong gia đình. Hoàng Đức Lương khiêm nhường bày tỏ: Tôi không tự lượng sức mình, muốn sửa lại điều lỗi cũ, quên rằng sách cũ không còn bao nhiêu, trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn, tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ là một hai phần trong số muôn nghìn bài. Tôi còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được sáu quyển, đặt tên sách là “Trích diễm thi tập”. Ở cuối các quyển ấy, mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi viết, cốt để làm sách dạy trong gia đình. Rồi những người thích bình phẩm thơ ca sẽ đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy.

Bài Tựa “Trích diễm thi tập”được tác giả Hoàng Đức Lương trình bày một cách sáng sủa và lôgíc. Cái tài và cái tâm của ông đã góp phần to lớn vào việc bảo tồn di sản thơ ca của dân tộc. Đây là một công trình văn học có giá trị, góp phần tôn vinh nền văn hiến lâu đời của quốc gia Đại Việt.

>> Tham khảo thêm nhiều bài mẫu: Phân tích Tựa Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương

**********

Từ dàn ý phân tích Tựa Trích diễm thi của Hoàng Đức Lương mà THPT Ngô Thì Nhậm đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button