Lớp 9Văn mẫu 9

Dàn ý nghị luận về vấn đề nghiện game online hiện nay

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận bàn về vấn đề nghiện game online trong học sinh và giới trẻ hiện nay.

Dàn ý nghị luận vấn đề nghiện game online – Tổng hợp một số mẫu dàn ý hay cho bài văn nghị luận bàn về hiện tượng nghiện game online hiện nay của giới trẻ, đặc biệt là học sinh.

Một số mẫu dàn ý về vấn đề nghiện game online hiện nay

Mẫu dàn ý 1:

I. Mở bài:

– Trò chơi điện tử vốn là một trò chơi giải trí lành mạnh đã được du nhập từ các nước tiên tiến hay được sáng tạo bởi những lập trình viên tài giỏi, có trí óc tưởng tượng cao.

– Tuy nhiên học sinh hiện nay vì quá ham điện tử mà xao nhãng việc học tập gây nên nhiều hậu quả tai hại.

II. Thân bài:

– Giải thích:

+ Trò chơi điện tử (game) là một dạng giải trí đối với con người sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi. Nó được sáng tạo bởi những người tài giỏi, thông minh, có trí óc tưởng tượng phong phú.

+ Đó là trò tiêu khiển không chỉ đối với trẻ con mà đối với những người lớn tuổi.

– Biểu hiện:

+ Có thể thấy trên khắp nẻo đường, thôn xóm, những quán internet mọc lên rất nhiều. Nhiều người đến đó không chỉ để truy cập thông tin phục vụ công tác làm việc, học tập mà còn đến đó để chơi những trò chơi đã được cài đặt sẵn trên mạng vi tính

+ Nhiều bạn ngồi hàng ngày, hàng giờ trước màn hình vi tính, mê mẩn với những trò chơi như: liên minh huyền thoại, nông trại, thời trang, nấu ăn, đảo rồng… quên cả thời gian, quên ăn, lúc nào cũng chỉ muốn chinh phục, khám phá để trở thành người giỏi nhất.

– Nguyên nhân:

+ Do ý thức bản thân, ham mê quá mức và chưa xác định được động cơ và mục đích học tập.

+ Do cha mẹ quá nuông chiều con, buông lỏng hoặc quá tin tưởng vào con, không quan tâm đến con.

+ Thích chinh phục khám phá để trở thành người giỏi nhất, để bạn bè tôn vinh và bái phục

+ Do buồn chán hoặc bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, không tự chủ được bản thân

=> Kết luận: Có rất nhiều nguyên nhân nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì ham mê điện tử có nhiều tai hại.

– Tác hại:

+ Ngồi quá gần so với màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt bị mỏi, nặng hơn là bị cận thị, sức khỏe giảm sút nhanh chóng

+ Tiêu tốn tiền bạc của gia đình một cách vô ích có khi còn làm thay đổi nhân cách của con người. Để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như: nói dối, trộm cắp, lừa lọc, thậm chí còn giết người.

+ Không những thế ham mê trò chơi điện tử học sinh sẽ xao nhãng việc học, bỏ học, trốn học, không làm bài tập dẫn đến học tập sút kém.

+ Trò chơi điện tử khiến tâm hồn con người bị đầu độc bạo lực, chém giết, bắn phá khiến con người dễ rơi vào thế giới ảo, đầu mưu mô, nhiều thủ đoạn dẫn đến việc luôn luôn tìm mọi cách đối phó với gia đình, bạn bè, thầy cô.

– Biện pháp:

+ Mỗi chúng ta phải xác định được nhiệm vụ chính là học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, không lãng phí thời gian vào trò chơi vô bổ, thậm chí có hại, biết chế ngự, kìm nén bản thân để không xa vào những trò chơi chết người đó.

+ Khuyên những người bạn ham mê điện tử, bên cạnh đó phải có sự quan tâm thường xuyên của gia đình, sự quản lý của nhà trường và xã hội, để giúp cho con em mình tránh xa những đam mê tai hại đó.

+ Nhà trường cần giáo dục, phối hợp thế hệ trẻ tạo ra những sân chơi bổ ích có trí tuệ để tất cả các bạn đều tham gia.

III. Kết bài:

– Ham chơi điện tử là một ham muốn nhất thời nhưng tác hại vô cùng to lớn, vì tương lai của chính mình, chúng ta đừng để bản thân mắc vào những trò chơi tai hại đó.

  • Dàn ý nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại thông minh của học sinh hiện nay

Mẫu dàn ý 2:

I. Mở bài

– Dẫn dắt, giới thiệu hiện tượng nghiện game của học sinh trong xã hội hiện nay. Khái quát suy nghĩ, nhận định của bản thân về vấn đề này (nghiêm trọng, cấp thiết, mang tính xã hội,…).

II. Thân bài

1. Giải thích khái niệm

– Game: là cách gọi chung của các trò chơi điện tử có thể tìm thấy trên các thiết bị như máy tính, điện thoại di động,… được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của con người ngày nay.

– Nghiện: là trạng thái tâm lý tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc hoặc sa đà quá mức vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc nó.

– Nghiện game: là hiện tượng đầu nhập quá mức vào trò chơi điện tử dẫn đến những tác hại không mong muốn.

2. Nêu thực trạng

– Nhiều học sinh, sinh viên dành trên 4 giờ mỗi ngày cho việc chơi game

– Nhiều tiệm net vẫn hoạt động ngoài giờ cho phép do nhu cầu chơi game về đêm của học sinh

– Ngày càng nhiều hậu quả tiêu cực xảy ra trong xã hội có liên quan đến nghiện game…

3. Nguyên nhân

– Các trò chơi ngày càng đa dạng, phong phú và nhiều tính năng thu hút giới trẻ

– Lứa tuổi học sinh chưa được trang bị tâm lý vững vàng, dễ bị lạc mình trong thế giới ảo

– Nhu cầu chứng tỏ bản thân và ganh đua với bè bạn do tuổi nhỏ

– Phụ huynh và nhà trường chưa quản lý học sinh chặt chẽ…

4. Hậu quả

– Học sinh bỏ bê việc học, thành tích học tập giảm sút

– Ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tốn tiền của

– Dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội…

5. Rút ra bài học và lời khuyên:

– Bản thân học sinh nên tự xây dựng ý thức học tập tốt, giải trí vừa phải.

– Cần có biện pháp giáo dục, nâng cao ý cho học sinh đồng thời tuyên truyền tác hại của việc nghiện game trong nhà trường, gia đình và xã hội.

– Các cơ quan nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát hành và phổ biến game.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề (tác hại của nghiện game online, vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết kịp thời,…)

– Đúc kết bài học kinh nghiệm, đưa ra lời kêu gọi, nhắn nhủ.

Mẫu dàn ý 3:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: hiện tượng nghiện game online trong học sinh và giới trẻ hiện nay

Ví dụ: Nước ta đang trong thời kì công nghiêp hóa, hiện đại hóa xây dựng đất nước, chính vì thế mà công nghệ thông tin của nước ta ngày càng phát triển. Sự phát triển này cũng có mặt lợi và mặt hại, mặt hại đáng quan tâm nhất là tình hình trẻ em đang trong tình trạng nghiện game online. Khi nghiện game online còn nguy hiểm hơn cả nghiệm ma túy. Chính vì thế mà đây là một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.

II. Thân bài

1. Thực trạng học sinh trốn học chơi game online hiện nay

– Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu giải trí ngày càng cao, chính vì thế mà game online ngày càng phổ biến

– Các quán internet lúc nào cũng chật người

– Tình trạng nghĩ học ở học sinh sinh viên ngày càng nhiều

2. Nguyên nhân dẫn đến nghiện game online

– Do ham chơi, thiếu ý thức học tập

– Bị bạn bè rủ rê

– Nguyên nhân chủ yếu và quan trọng hơn hết là thiếu sự thiếu quan tâm của gia đình

3. Hậu quả của việc chơi game online

– Ảnh hưởng đến sức khỏe con người: khoa học đã chứng minh, nếu chúng ta tiếp xúc với máy tính nhiều sẽ rất ảnh hưởng đến cơ thể như: hại mắt, tổn thương đến hệ thần kinh,….

– Khi chơi game thì sẽ không có thời gian học tập, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả của chúng ta bị giảm sút

– Chơi game còn ảnh hưởng tới lối sống đạo đức, tác phong

– Là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tệ nạn xã hội như trộm cướp, móc túi,….

– Đánh mất đi tuổi trẻ và quãng đời học sinh tươi đẹp

4. Biện pháp khắc phục tình trạng chơi game online

– Nhà nước cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các nhà sản xuất game, chỉ sản xuất những game bổ ích, nghiêm cấm các game bạo lực

– Phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc con cái mình hơn

– Nhà trường cần có biện pháp kỉ luật mạnh đối với trường hợp nghỉ học để chơi game

– Tự bản thân mỗi học sinh cần phải có ý thức trong công việc và học tập

– Tố cáo những học sinh vi phạm

III. Kết bài

– Khẳng định chơi game online là không tốt nhưng cũng có mặt tốt.

– Bản thân em sẽ làm gì để tránh xa trò chơi nguy hiểm này.

  • Nghị luận về hiện tượng lãng phí thời gian nhàn rỗi của giới trẻ hiện nay

Mẫu dàn ý 4:

I. Mở bài:

– Khái quát về tác hại của trò chơi điện tử.

– Nêu vấn đề cần nghị luận.

II. Thân bài:

1. Hiện trạng

– Số lượng cửa hàng dịch vụ trò chơi điện tử nhiều và ngày càng gia tăng.

– Nó đã thu hút rất nhiều đối tượng, mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh ở độ tuổi mới lớn, ưa thích khám phá cái mới.

– Nhiều bạn học sinh ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn hình máy tính, mê mẩn với những trò chơi trên máy mà sao nhãng học hành và còn phạm nhiều sai lầm khác nữa…

2. Nguyên nhân:

– Trò chơi điện tử hiện nay đang thu hút mọi người bởi tính đa dạng và phong phú của nó.

– Đây là một thú vui tiêu khiển rẻ tiền, dễ chơi với những âm thanh, đồ họa rất sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách của giới trẻ.

– Do bản thân chưa có ý thức tự giác, còn mải chơi; do gia đình, bố mẹ còn lỏng lẻo trong việc quản lí con cái…

3. Tác hại:

– Đam mê trò chơi điện tử: tốn thời gian dễ khiến học sinh sao nhãng việc học tập, dẫn đến kết quả thấp kém, trốn học, bỏ học…

– Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người: cận thị, đầu óc mệt mỏi…

– Chơi game nhiều, sống với thế giới ảo sẽ làm đầu óc mụ mẫm, ảo giác, thiếu vốn sống thực tế…

– Để có tiền chơi điện tử, người chơi có thể trở thành kẻ trộm cắp, cướp giật, thậm chí gây nhiều tội ác khác…

– Bị ảnh hưởng bởi những nội dung không lành mạnh hoặc bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo dễ mắc vào các tệ nạn xã hội…

(Nêu một vài dẫn chứng cụ thể).

4. Giải pháp khắc phục, lời khuyên:

Việc mải chơi điện tử rất nguy hại với lứa tuổi học sinh. Vì vậy:

– Mỗi học sinh cần phải có ý thức tự giác, thực hiện qui định về thời gian, không ảnh hưởng đến học tập…

– Các bậc phụ huynh cần quản lí con em mình chặt chẽ.

– Nhà trường và các tổ chức xã hội cần tổ chức các sân chơi bổ ích và lành mạnh nhằm thu hút các em.

– Các cơ quan chức năng cần quản lí và kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ điện tử, cần có hình thức xử phạt nghiêm đối với các đối tượng vi phạm…

(Học sinh có thể nêu những giải pháp hợp lý khác)

– Liên hệ thực tế, đưa ra lời khuyên thiết thực.

III. Kết bài:

– Khái quát nhận định của cá nhân về vấn đề nghị luận.

– Hơn ai hết, bản thân mỗi bạn trẻ cần ý thức rõ ràng những mặt lợi, mặt hại của trò chơi điện tử để tự điều chỉnh mình, tự rèn luyện ý thức tự giác.

– Chỉ nên xem đây là thú tiêu khiển mang tính giải trí để không quá lạm dụng nó, phụ thuộc vào nó.

Top 2 bài văn mẫu nghị luận về hiện tượng nghiện game online hay nhất

Nghị luận về vấn đề nghiện game online – Mẫu 1:

Hiện nay, trong xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao dẫn đến sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ thông tin.

Trong đó, Internet – nơi hội tụ các nguồn thông tin trở thành thế giới thu nhỏ được mọi người đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn học sinh, thanh niên. Trên Internet có rất nhiều thể loại giải trí khác nhau làm cho nhiều bạn trẻ lạm dụng dẫn đến tình trạng nghiện ngập và trở thành vấn đề nóng mà mọi người vô cùng bức xúc.

Nghiện Internet là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện Internet nhưng chủ yếu là do bản thân các bạn trẻ chưa nhận thức được mặt trái của Internet, còn ham chơi, tò mò, hiếu động, muốn chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Các bậc phụ huynh chưa quản lí chặt chẽ con em mình, còn thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái. Nhà nước và chính quyền địa phương không quản lí các tiệm net, để mặc các chủ tiệm mở cửa sát bên trường học và mọc lên ngày càng nhiều.

Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại, Internet trở thành từ điển sống của tất cả mọi người. Nhờ Internet, con người có thể tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi,… Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, Internet còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện… Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.

Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về Internet cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lí, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện.

Có thể nói, nghiện game online còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hiện tượng nhiều học sinh rất ít đọc sách hoặc thậm chí không chịu đọc sách nâng cao kiến thức.

Nghị luận về vấn đề nghiện game online – Mẫu 2:

Thế kỉ XXI chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ với sự xuất hiện của hàng loạt các thiết bị thông minh phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, thì chúng cũng mang lại không ít những thách thức đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong những năm gần đây là hiện tượng nghiện game ở học sinh.

Game là một phần của trò chơi điện tử. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa game và trò chơi điện tử bởi trò chơi điện tử là sự kết hợp giữa trò chơi và thiết bị giúp bạn tương tác và chơi được trò chơi đấy. Một số các game phổ biến hiện nay có thể kể đến như Liên minh huyền thoại, DOTA, Clash of Clans, Haft-life,… được giới trẻ vô cùng ưa chuộng. Và “nghiện game” đã chính thức được tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận như một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt và cần có các cách điều trị đặc dụng riêng để giúp những “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Nghiện game có thể một số biểu hiện như không thể kiểm soát được thời gian, tần suất, địa điểm chơi game, luôn bị ám ảnh bởi các hình ảnh trong game, coi trọng game hơn bất cứ thứ gì khác trong cuộc sống đến mức quên ăn, quên ngủ, không còn nghĩ gì đến học hành, công việc.

Việc nghiện game ở học sinh đã và đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống không chỉ của cá nhân học sinh đó mà còn lên toàn xã hội. Trước hết, nghiện game gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh. Việc tiếp xúc hàng giờ, thậm chí hàng ngày với máy tính có thể gây ra mỏi mắt, dần dần suy giảm thị lực. Bên cạnh đó, việc chơi các trò chơi chiến đấu thường xuyên đặt bộ não trong một trạng thái căng thẳng liên tục, đó là nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ. Không những thế, sức khỏe học sinh cũng bị tàn phá khi các “con nghiện game” thường xuyên ăn uống qua loa, tạm bợ, bỏ bữa để có thời gian chơi game, trong khi đó, cột sống cũng rất dễ bị tổn thương khi ngồi trong một tư thế, thậm chí là sai tư thế quá lâu…

Cùng với những tác động tiêu cực lên sức khỏe thế chất, nghiện game cũng ảnh hưởng xấu đến tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Coi game là “thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không có không quan trọng”, thành tích học tập dễ sa sút, học sinh không còn tâm trí học hành, làm việc, đắm chìm vào thế giới ảo và xa lánh với đời sống thật, họ dễ rơi vào trạng thái u uất, chán nản, lâu dần sinh ra trầm cảm, thậm chí có những hoang tưởng từ cuộc sống trong trò chơi ra ngoài đời thật.

Đồng thời, hiện tượng nghiện game đang diễn ra cũng gây ảnh hưởng to lớn tới gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh nghiện game sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền vào các game online. Ở lứa tuổi học sinh, chưa làm ra tiền, các em dễ nảy sinh tính trộm cắp, nói dối bố mẹ để có tiền chơi game. Ở mức độ nặng hơn, tâm trí học sinh còn có thể bị kiểm soát bởi những hành động trong game, gây ra những hành động trái pháp luật, gây tổn thương cho bản thân và cho người khác, trở thành gánh nặng cho cả xã hội.

Nguyên nhân từ đâu mà ngày càng có nhiều học sinh nghiện các trò chơi điện tử? Có thể thấy, sự giáo dục của nhà trường vẫn chưa toàn diện, chưa cho học sinh thấy hết được các tác hại nguy hiểm của việc nghiện game, sự quản lí của gia đình vẫn còn lỏng lẻo, xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức khi vẫn để cho các quán internet mọc lên ồ ạt mà không có sự kiểm soát sát sao, hơn hết là do ý thức chưa tốt của một số học sinh, chưa nhận thức được sự nguy hại của việc nghiện game.

Đã đến lúc tất cả chúng ta cùng chung tay hành động cho một môi trường phát triển tốt đẹp và toàn diện của học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp trong việc giáo dục và quản lí con em mình, các game đưa ra thị trường cần có sự quản lí, kiểm soát để đảm bảo đủ sự lành mạnh cho người dùng….Lứa tuổi học sinh là độ tuổi còn bồng bột, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, nhưng hãy biết bảo vệ lấy chính bản thân mình để không sa vào các tệ nạn, trong đó có nghiện game điện tử, đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh”, thay vì là người làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước lại biến mình trở thành nỗi lo của xã hội.

Chơi game là một hình thức giải trí tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát tốt bản thân ta có thể trở thành “nô lệ” của trò chơi điện tử lúc nào không hay. Hãy là một người chơi thông thái bạn nhé!

-/-

Trên đây là 4 mẫu dàn ý chi tiết nhất cho bài văn nghị luận bàn về vấn đề nghiện game online trong học sinh và giới trẻ hiện nay. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được hay hơn.

Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button