[Văn mẫu 9] Lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận xã hội bàn về quan niệm sống Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình (Tố Hữu).
Dàn ý bài văn nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói của Tố Hữu về quan niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
II. Thân bài
1. Giải thích câu nói
– “Sống” không chỉ là sự tồn tại mà là quá trình giao hòa với cộng đồng, xã hội, là một phần trong đời sống.
– “Cho” là đem cái mình có đưa tặng người khác mà không đổi lấy gì cả.
– “Nhận” là sự đón lấy, hưởng thụ về vật chất hoặc về tinh thần.
– Cho đi là sự sẻ chia đồng cảm, biết yêu thương giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
– Đâu chỉ nhận riêng mình là làm mà không toan tính vụ lợi xuất phát từ tấm lòng
– “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”: biết cho đi yêu thương, sống tận tâm, quan tâm những người xung quanh, có trách nhiệm với chính mình và người khác.
=> Giữa “cho” và “nhận” luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau. Muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp.
3. Phân tích
– Biểu hiện của sự cho đi:
+ Giúp đỡ những người có số phận bất hạnh bằng tình cảm và tấm lòng
+ Quan tâm họ bằng những lời động viên, hỏi han.
– Tác dụng của việc cho đi:
+ Cho đi làm cuộc sống trở nên vui vẻ và có ý nghĩa hơn.
+ Cho cũng sẽ nhận được tình cảm yêu thương từ mọi người, sự kính trọng
– Vì sao “sống là cho không chỉ nhận riêng mình”?
+ Bởi hạnh phúc không phải là đích đến mà là quá trình. Mỗi thành quả đều cần trải qua gian nan, vất vả mà có. Vậy nên phải biết trân trọng, và biết ơn bằng cách sống biết “cho” đi.
+ “Cho” đi là một biểu hiện của cách sống đẹp, để làm nên sức mạnh duy trì cuộc sống.
– Chúng ta có thể “cho” đi về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần.
– “một người vì mọi người”.
– Kết hợp hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa “cho” và “nhận”, phải nhận thức rõ được niềm hạnh phúc của bản thân khi đem lại hạnh phúc cho người khác là như thế nào.
=> “Bạn sẽ thấy niềm vui khi đỡ người khác bằng cả tấm lòng” (Poul Newman).
– Nêu một số tấm gương của việc cho và nhận.
+ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc – cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Bác là bài ca bất tử về sự hy sinh cống hiến cao cả cho nhân dân cho nước.
+ Nguyễn Đình Chiểu cả cuộc đời của ông cũng gặp vô vàn khó khăn lận đận, đi thi thì nhận được tin mẹ mất, ông bỏ thi về Nam để chịu tang mẹ, khóc nhiều nên bị mù cả hai đôi mắt nhưng ông vẫn vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, vừa làm thơ khuyến khích tinh thần đánh giặc ngoại xâm.
4. Bàn luận mở rộng
– Lối sống vô cảm, sống chỉ biết “nhận” chứ không hề “cho” – “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” đáng phê phán.
– “Cho” đi đúng lúc, đúng mức, không nên mù quáng.
=> Bài học trong cuộc sống: biết yêu thương, trân trọng cuộc sống.
III. Kết bài
– “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” thể hiện một quan niệm sống phù hợp với đạo đức con người trong mọi thời đại.
– Là một quan niệm sống đẹp: Hãy sống để cho đi, để cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống mà do chính chúng ta tạo ra.
» Tham khảo thêm:
- Top 10 bài nghị luận hay: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
- Nghị luận Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn
Bài văn mẫu hay bàn về quan niệm Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Cuộc sống của con người không chỉ cần vật chất là đủ mà nó còn phải cần đến tình cảm giữa con người với con người làm cho cuộc sống của ta trở nên ý nghĩa hơn. Sống là cho đi đâu cần nhận lại bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Cuộc sống có muôn hình muôn vẻ nó là sự kết hợp hài hòa giữa con người với con người với nhau. Vì thế làm cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn là xuất phát từ suy nghĩ của mỗi người với quan điểm riêng khác nhau. Đó là sự cho đi. Cho đi là sự giúp đỡ, làm việc gì cũng nghĩ đến những người xung quanh mà không toan tính, không xuất phát từ ham muốn của bản thân chỉ nghĩ rằng sẽ giúp được họ một phần trong cuộc sống khó khăn này. Sự cho đi đó có thể là tấm lòng quan tâm người khác hay giúp nhau về đời sống vật chất hoặc tinh thần. Đó mới là cuộc sống mà chúng ta cần có ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn sâu sắc. “Đâu chỉ nhận riêng mình” là hành động giúp đỡ, biết san sẻ những khó khăn trong cuộc sống của những người xung quanh. Hãy biết sống vì người khác mà đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình đến đâu, biết sống vì cộng đồng, vì tập thể. Vì thế cả câu đã dạy cho chúng ta một bài học quan trọng trong cuộc sống hãy biết yêu thương, san sẻ với những người xung quanh.
Cuộc sống là do chúng ta tự tạo ra hạnh phúc đầy ý nghĩa hay tẻ nhạt buồn chán đều xuất phát từ mỗi con người từ việc ta muốn làm và có những suy nghĩ về mọi người. Sống biết yêu thương, biết san sẻ làm ta trở nên lạc quan yêu đời hơn, cuộc sống của ta cũng tràn ngập niềm vui hơn. Sống biết cho đi làm tâm hồn ta nhẹ nhàng hơn, có suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Có những hành động giúp đỡ người khác mà không quan tâm đến sự trả ơn hay đền đáp mới là một hành động nhân văn, xuất phát từ tấm lòng mỗi con người. Cũng giống như từ nhiều năm nay màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên trong mùa thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng dường như đã trở nên quen thuộc với mọi người. Nhắc đến áo xanh là đến sự quan tâm, sẻ chia và nhiệt huyết đến quên mình vì cộng đồng. Không ngại khó khăn vất vả, dưới cái nắng oi ả của mùa hè, các chiến sĩ tiếp sức mùa thi đã có mặt ở các địa điểm thi được phân công để giúp đỡ thí sinh và phụ huynh. Do được chuẩn bị chu đáo từ trước, các chiến sĩ tình nguyện khá thuận lợi khi tư vấn về nhà trọ giá rẻ, nhà trọ miễn phí, hướng dẫn về địa điểm thi, lộ trình các tuyến xe buýt… Đặc biệt có bạn còn sẵn sàng cho thí sinh và người nhà ở cung với mình đông thời tình nguyện đưa đón thí sinh trong những ngày thi. Đó quả là hành động cao cả sự cho đi mà không cần đền đáp, sẵn sàng giúp đỡ những lúc cần.
Sự cho đi cũng là nhận lại. Ta cho đi nghĩa là ta sẽ nhận lại được cách yêu thương mọi người, những bài học quý giá trong cuộc sống trân trọng những người xung quanh. Từ đó dạy ta cách thông cảm cho người khác, có những suy nghĩ và hành động vì người khác giúp đỡ họ những lúc họ cần. Biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Anh Trần Phước Hòa ở quận Bình Tân là người đã xây dựng hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. “Việc quan sát bà con đến ăn ở quán, hỏi họ dăm ba câu đã thành thói quen của tôi. Tôi cảm thấy tấm lòng mình khi họ được no bụng”. Sự cho đi ấy làm anh Hòa nhận được là sự cảm thông, niềm vui trong cuộc sống khi được giúp đỡ và đặc biệt là làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Những hành động tuy nhỏ bé nhưng cũng sẽ làm cho người giúp đỡ có cảm giác được quan tâm và yêu thương. Một hình ảnh đặc trưng cho sự nhân ái của người Sài Gòn chính là những bình trà đá miễn phí đặt ở vỉa hè. Hành động giản đơn nhưng ấm áp tình người, làm nên hình ảnh một Sài Gòn nhân hậu, thân thiện, hiếu khách. Sự quan tâm không phô trương cũng làm cho những mảnh đời bất hạnh được mỉm cười không phải vì những gì họ nhận được mà đó là tấm lòng, là tình cảm của con người với con người.
Khi ta biết cho đi là trong ta đã có một tấm long nhân hậu, một tình cảm đáng trân trọng mà không gì có thể thay thế được, làm ta trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Ta sẽ được mọi người yêu quý và kính trọng, làm cuộc sống vui vẻ hơn. Chính vì thế cho đi tức là nhận lại.
Câu thơ của Tố Hữu quả là một bài học vô giá trong cuộc sống. Hãy sống vì người khác, biết suy nghĩ đến lợi ích chung và đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Chính chúng ta sẽ tạo ra một cuộc sống đáng sống mà ta mơ ước.
/***/
Trên đây là phần dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận về quan niệm Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình (Tố Hữu). Dựa vào đó, các em hãy triển khai các ý chính, các luận điểm, luận cứ thành một bài văn hoàn chỉnh theo văn phong và ý hiểu riêng của mình. Có thể bày tỏ các quan điểm cá nhân song cần phù hợp với mục tiêu nội dung đang hướng tới, lấy dẫn chứng cụ thể để tăng sức thuyết phục. Chúc các bạn làm bài tốt !
Tuyển tập Văn mẫu hay lớp 9 / THPT Ngô Thì Nhậm